ĐÊM CẦU NGUYỆN ĐẠI KẾT: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Trước sự hiện diện của các thành viên Thượng Hội đồng và đại diện của các niềm tin Kitô khác nhau, Đức Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện đại kết được cộng đồng Taizé tổ chức vào tối thứ Sáu ngày 11/10/2024 tại Quảng trường các vị Tuẫn đạo tiên khởi ở Vatican. Trong bài giảng của mình, ngài cảnh giác “gương xấu gây chia rẽ giữa các Ki-tô hữu, không cùng nhau làm chứng cho Chúa Giê-su” và đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “Thượng Hội đồng này là một cơ hội để thực hiện tốt hơn, để vượt qua những bức tường vẫn còn tồn tại giữa chúng ta”, để “trở nên những môn đệ thừa sai của Đức Ki-tô, với một sứ mạng chung”.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga 17, 22). Những lời này từ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước cuộc Khổ Nạn của Người có thể được áp dụng cho mọi thánh tuẫn đạo, những người nhận lãnh vinh quang vì đã làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại nơi này, chúng ta nhớ đến những vị Thánh Tuẫn Đạo Tiên Khởi của Giáo Hội Rôma. Vương Cung Thánh Đường này được xây dựng trên nơi mà máu của các vị đã đổ ra; Giáo Hội được dựng xây trên máu của các ngài. Xin các thánh tuẫn đạo gia tăng sự xác tín nơi chúng ta, trong khi đến gần hơn với Đức Ki-tô, chúng ta cũng đế gần với nhau hơn, được củng cố nhờ lời chuyển cầu của tất cả các thánh trong Giáo Hội, giờ đây hoàn toàn nên một qua việc sẻ chia của các ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua. Như chúng ta đọc được trong Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, mà chúng ta đang kỷ niệm 60 năm Sắc lệnh này được công bố, các Ki-tô hữu càng gần với Đức Ki-tô, họ càng gần nhau hơn (x. 7).
Vào ngày này, khi chúng ta kỷ niệm khai mạc Công đồng Vatican II, đánh dấu sự dấn thân chính thức của Giáo Hội Công giáo vào phong trào đại kết, chúng ta được quy tụ cùng nhau với những người đại diện đượm tình huynh đệ, anh chị em của chúng ta thuộc những Giáo Hội khác. Tôi lấy làm của riêng mình những lời mà Thánh Gioan XXIII đã phát biểu với những Quan sát viên lúc khai mạc Công đồng: “Sự hiện diện đầy trân quý của quý vị ở đây và cảm xúc tràn ngập tâm hồn tôi với tư cách là một linh mục, một Giám mục trong Giáo Hội của Thiên Chúa… khích lệ tôi giãi bày với mọi người niềm ước mong nơi cõi lòng mình, vốn cháy bỏng với nỗi khát khao làm việc và chịu đựng cho một ngày tươi sáng khi lời cầu nguyện của Đức Ki-tô vào Bữa Tiệc Ly sẽ được ứng nghiệm cho tất cả mọi người” (13/10/1962). Nhờ lời cầu nguyện của các thánh tuẫn đạo, chúng ta hãy bước vào cùng lời cầu nguyện đó của Chúa Giê-su, và biến nó thành lời cầu nguyện mình trong Chúa Thánh Thần.
Sự hiệp nhất Ki-tô giáo và tính hiệp hành được nối kết với nhau. Thật ra, “con đường hiệp hành là những gì mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Diễn văn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng hội đồng Giám mục, 17/10/2015), và con đường này phải được trải qua bởi mọi Ki-tô hữu. “Hành trình hiệp hành… là và phải có tính đại kết, giống như hành trình đại kết mang tính hiệp hành” (Bài phát biểu với Đức Thượng Phụ Mar Awa III, 19/11/2022). Trong cả hai tiến trình, vấn đề không phải là tạo ra một điều gì đó, cho bằng là đón nhận và làm trổ sinh hoa trái món quà mà chúng ta đã nhận được. Và quà tặng hiệp nhất này trông như thế nào? Kinh nghiệm Thượng Hội đồng đang giúp chúng ta khám phá ra một vài khía cạnh của món quà này.
Hiệp nhất là một ân sủng, một món quà không thể ngờ đến. Chúng ta không phải là động lực của sự hiệp nhất này; động lực thực sự chính là Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta đến sự hiệp thông lớn lao hơn. Cũng như chúng ta không hề biết trước kết quả của Thượng Hội đồng sẽ là gì, thì chúng ta cũng không biết chính xác sự hiệp nhất mà chúng ta được mời gọi sẽ như thế nào. Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giê-su, trong lời cầu nguyện tuyệt vời của Người, ‘đã ngước lên trời’; sự hiệp nhất trước hết không phát xuất từ dưới thế, nhưng từ trời. Đó là một món quà mà thời gian và cách thức của nó, chúng ta chẳng thể thấy trước được. Chúng ta phải đón nhận nó bằng cách không đặt ‘chướng ngại cản trở đường lối của Thiên Chúa Quan Phòng và không để những thiên kiến làm phương hại đến những gợi hứng trong tương lai của Chúa Thánh Thần”, như Sắc lệnh của Công đồng tiếp tục nói đến (Unitatis Redintegratio, 24). Như Cha Paul Couturier từng nói, sự hiệp nhất Ki-tô hữu phải được khẩn cầu ‘như Đức Ki-tô mong ước’ và ‘bởi những phương cách Người muốn’.
Một bài học nữa mà chúng ta có thể học biết được từ tiến trình hiệp hành là, sự hiệp nhất là một cuộc hành trình: nó dần dà phát triển khi nó tiến hành. Nó lớn lên qua việc phục vụ lẫn nhau, qua cuộc đối thoại về đời sống, qua sự cộng tác của mọi Ki-tô hữu vốn ‘làm nổi bật hơn khuôn mặt của Đức Ki-tô Tôi Tớ’ (Unitatis Redintegratio, 12). Nhưng về phần mình, chúng ta phải bước đi nhờ Thần Khí (x. Gl 5, 16-25); hay, như Thánh Irênê nói, như ‘tôn adelphôn synodía’, như ‘một đoàn anh em hiệp hành’. Sự hiệp nhất Ki-tô hữu lớn lên và trưởng thành qua cuộc hành hương chúng cùng nhau theo ‘bước chân của Thiên Chúa’, như bước chân của các môn đệ trên đường đến Emmaus, những người đã bước đi với Chúa Giê-su phục sinh bên cạnh họ.
Bài học thứ ba: hiệp nhất là sự hoà hợp. Thượng Hội đồng đang giúp chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của Giáo Hội trong sự đa dạng nơi dung mạo của mình. Vì thế, sự hiệp nhất không phải là tính đồng nhất, hay là kết quả của thoả hiệp hoặc sự cân bằng. Sự hiệp nhất Ki-tô hữu chính là sự hoà hợp giữa tính đa dạng của các đặc sủng được Thần Khí khơi lên để dựng xây các Ki-tô hữu (Unitatis Redintegratio, 4). Sự hoà hợp là đường lối của Thần Khí, như Thánh Basiliô nói, vì Người là chính sự hoà hợp (x. Tv 29, 1). Chúng ta cần bước theo con đường hiệp nhất vì tình yêu dành cho Đức Ki-tô và cho hết mọi người mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Khi chúng ta đi trên con đường này, đừng bao giờ để cho những khó khăn cản ngăn chúng ta! Mỗi người hãy tin cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng lôi kéo chúng ta đến sự hiệp nhất trong sự hoà hợp của tính đa dạng nhiều mặt.
Sau cùng, giống như tính hiệp hành, sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu thật cần thiết cho chứng tá của họ: hiệp nhất vì sứ mạng. “Để tất cả họ nên một… hầu thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). Đây là sự vững tin của các Nghị Phụ khi các ngài tuyên bố rằng sự phân rẽ của chúng ta là “cớ vấp phạm cho thế giới và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Unitatis Redintegratio, 1). Phong trào Đại kết tiến triển từ niềm khát khao cùng nhau làm chứng tá: làm chứng cùng với nhau, không đứng tách biệt, hoặc tệ hơn, bất hoà với nhau. Tại nơi đây, các thánh Tuẫn đạo tiên khởi của Rôma cũng nhắc nhớ chúng ta ngày hôm nay, ở nhiều nơi trên thế giới, các Ki-tô hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau đang hy sinh mạng sống mình vì niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, đang hiện thân của một cuộc đại kết bằng máu. Chứng tá của họ nói lên một cách mãnh liệt hơn bất kỳ lời lẽ nào, bởi vì sự hiệp nhất được sinh ra từ Thập Giá Chúa.
Trước khi bắt đầu Đại hội này, chúng ta đã cử hành buổi sám hối. Hôm nay, chúng ta cũng tỏ bày sự hổ thẹn của mình với gương xấu gây chia rẽ giữa các Ki-tô hữu, gương xấu không cùng nhau làm chứng cho Chúa Giê-su. Thượng Hội đồng này là một cơ hội để thực hiện tốt hơn, để vượt qua những bức tường vẫn còn tồn tại giữa chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào nền tảng chung nơi Phép Rửa tội chung của mình, vốn thúc bách chúng ta trở nên những môn đệ thừa sai của Đức Ki-tô, với một sứ mạng chung. Thế giới cần đến chứng tá cùng nhau của chúng ta; thế giới cần chúng ta trung thành với sứ mạng chung của chúng ta.
Anh chị em thân mến, chính trước tượng Đức Ki-tô chịu Đóng đinh mà Thánh Phanxicô Assisi đã nhận được tiếng gọi khôi phục lại Giáo Hội. Ước gì Thập Giá Đức Ki-tô cũng dẫn dắt chúng ta trên hành trình mỗi ngày hướng đến sự hiệp nhất trọn vẹn, trong sự hoà hợp với nhau và với tất cả công trình tạo dựng: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, và cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an, cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 19-20).
——————————–
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Phanxicô-I, synode, Đối-thoại-liên-tôn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO