ĐHY SCHÖNBORN: “CÁI ĐÊM TÔI BIẾT TIN CHA MẸ TÔI LY DỊ ĐÃ LÀ MỘT TRONG NHỮNG THỜI ĐIỂM ĐAU ĐỚN NHẤT CỦA ĐỜI TÔI”

Written by xbvn on Tháng Mười 13th, 2014. Posted in Gia đình, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienne (Áo), kêu gọi cần quan tâm đặc biệt đến con cái của các cặp ly dị, chúng là “những nạn nhân đầu tiên” của việc cha mẹ chúng chia ly.

La Croix: Khi người ta hỏi ĐHY về các cặp ly dị tái hôn, ĐHY đã kêu gọi “mở rộng viễn cảnh”. Qua đó ĐHY muốn nói gì?

ĐHY Christoph Schönborn: Vấn đề được đề cập theo cách quá hạn hẹp, như thể cái nhìn của chúng ta được định hướng bằng những lá che mắt ngựa. Người ta chỉ thấy một điều: họ có thể rước lễ hay không? Nhưng cần nhìn vấn đề cách rộng rãi hơn: trong suốt Thượng Hội đồng này, tôi biện giải để chúng ta nhìn gia đình trong tổng thể của nó. Vì chính trong gia đình mà việc ly dị được chứng kiến.

Con cái là những nạn nhân đầu tiên của các cặp ly dị. Cần phải quan tâm đặc biệt đến chúng. Lúc cha mẹ tôi ly dị, lúc đó tôi 13 tuổi. Cái đêm tôi biết tin về sự ly dị này đã là một trong những thời điểm đau đớn nhất của đời tôi. Nhưng xung quanh chúng tôi có mạng lưới gia đình: các chú các bác, các cô các dì, bà và anh chị em họ hàng, anh chị em của tôi đã nâng đỡ chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ làm thế nào gia đình đã dấn thân cho con cái, nhưng cả cho cha mẹ của tôi nữa. Mạng lưới gia đình đã thay thế cho sự thất bại hôn nhân của cha mẹ tôi.

Gia đình có thể là một nơi khó khăn bao nhiêu, thì nó cũng có thể là chiếc lưới cứu sinh bấy nhiêu. Vì thế, THĐ bàn về gia đình, chứ không về hôn nhân. Vì, như Đức Gioan-Phaolô II đã nói, tương lai của nhân loại ngang qua gia đình.

La Croix: Trả lời gì cho các cặp ly dị tái hôn muốn được rước lễ?

ĐHY Christoph Schönborn: Trước tiên, cần nghiêm chỉnh xem xét yêu cầu của họ. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là làm rõ hai điều.

Một mặt, nhiều Kitô hữu rước lễ mà không hề suy nghĩ đến điều đó. Họ rước lễ theo thói quen, như thể việc rước lễ là một món nợ phải trả. Vậy mà, những cặp ly dị tái hôn muốn rước lễ như thế nhưng lại không thể được, nhắc nhở cho các cộng đoàn Kitô hữu rằng thật cao quý được rước Mình Thánh Chúa Kitô. Điều đó làm nên một lời kêu gọi mạnh mẽ suy nghĩ đến giá trị của việc rước lễ.

Mặt khác, tôi muốn nói rằng người ta đã tìm thấy những giải pháp mục vụ cho những hoàn cảnh vừa đặc biệt đau đớn vừa đặc biệt rõ ràng. Khi đồng hành với người ta, do đó, các linh mục và giám mục có thể nói: “vâng, bạn có thể rước lễ vì trong hoàn cảnh của bạn, bạn đã thể hiện một lòng trung tín lớn lao và cuộc hôn nhân đầu tiên của bạn chắc chắn là vô hiệu. Nhưng vì những lý do như thế này hay thế kia, bạn không thể bắt đầu một tiến trình tiêu hôn”. Nhưng không thể biến nó thành một quy luật chung, vì điều đó tùy thuộc mỗi hoàn cảnh cụ thể.

Sau cùng, trong những trường hợp khác, một số cặp ly dị tái hôn hiểu rằng việc không được rước lễ là một chứng tá cho tính bất khả phân ly của hôn nhân. Và bởi vì họ ý thức rằng với việc ly dị và tái hôn của mình, họ đã gây ra nhiều đau khổ cho con cái của mình và cho người phối ngẫu bị bỏ rơi kia, nên họ chấp nhận rằng  người ta cũng có thể hy sinh việc rước lễ bí tích, và kết hiệp với Chúa Kitô xuyên qua sự đau khổ này.

Tý Linh chuyển ngữ

theo La Croix

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31