ĐHY SCHÖNBORN NÊU BẬT Ý NGHĨA CỦA TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

Written by xbvn on Tháng Tư 12th, 2016. Posted in Gia đình, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Tông huấn Amoris Laetitia, được công bố hôm 8/4/2016, đưa ra những định hướng mới cho việc mục vụ gia đình của Giáo Hội Công Giáo bằng một ngôn ngữ mới mẻ, nhưng trong sự liên tục giáo thuyết với các triều đại giáo hoàng trước là thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và đức Bênêđictô XVI.

Olivier Bonnel của Radio Vatican phỏng vấn ĐHY Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienne (Áo), là một trong những vị được chỉ định giới thiệu Tông huấn này ở Văn phòng báo chí Tòa Thánh.

« Có một ngôn ngữ tươi mới, mà chúng ta đã từng khám phá với Tông huấn Evangelii Gaudium, một ngôn ngữ trực tiếp, ngôn ngữ thi ca, đầy hình ảnh, ta có thể nói rằng đó là một biến cố ngôn ngữ. Có điều gì đó đang diễn ra trong cách thức mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sử dụng ngôn ngữ. Nhưng dù sao tôi có thể nói rằng có những yếu tố của tính liên tục mà quan trọng đối với tôi. Tôi có thể nói, tính liên tục với đức Bênêđictô XVI, từng là thầy của tôi, giáo sư của tôi, người mà tôi đã có cơ hội làm việc nhiều : sự quan tâm đến chiều kích hiện sinh. Đó là những gì đã từng cuốn hút chúng tôi nơi giáo sư Ratzinger. Dĩ nhiên, ngôn ngữ của ngài thì có tính triết học và thần học hơn, nhưng vẫn luôn hiện sinh. Có một tính liên tục rõ rệt với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Điều đó liên quan trực tiếp đến cuộc sống.

Thánh Gioan-Phaolô II, đó là khía cạnh hiện tượng học. Khi anh đọc các chương 4 và 5 của Tông huấn Amoris Laetitia, đối với tôi nó đã nhắc lại cho tôi những bài giáo lý lớn của Đức Gioan-Phaolô II về thần học thân xác. Bởi vì, tôi hầu như có thể nói, ngài yêu thích cái nhìn hiện tượng học này, sự quan tâm đến những chuyển động cụ thể của cuộc sống này. Vì thế, có sự mới mẻ, nhưng cũng có một sự liên tục sâu xa.

Khi nói về ngôn ngữ mới mẻ, phải chăng ta nói về một ngôn ngữ có thể dễ đón nhận hơn đối với Dân Thiên Chúa ?

Vâng, tôi tin rằng đối với các văn kiện của Giáo Hội, những văn kiện mà chính đức Bênêđictô XVI đã viết, thì chúng luôn rất dễ đón nhận. Nhưng chúng ta hãy khiêm tốn thừa nhận, với một sự tự phê bình nào đó, rằng một số văn kiện của Giáo Hội thực sự mang ngôn ngữ trơ như gỗ. Còn với đức Phanxicô, thực sự không có ngôn ngữ đó ! Đó là một ngôn ngữ sống động, đơn sơ, gần gũi cuộc sống, gần với kinh nghiệm. Và chắc chắn dễ đề cập đối với nhiều người.

Trong văn kiện này, Đức Giáo hoàng đề phóng trước nguy cơ thay đổi tất cả mà không có một suy tư đầy đủ, và mặt khác, nguy cơ cám dỗ giải quyết tất cả bằng cách áp dụng những chuẩn tắc tổng quát. Phải chăng Tông huấn Amoris Laetitia đề nghị một nền sư phạm mới mẻ về gia đình ?

Chính xác ! Từ « sư phạm ». Đức Giáo hoàng Phanxicô thuộc Dòng Tên, ngài là một nhà sư phạm, ngài đã dạy lâu năm, ngài thực thi chức năng của nhà sư phạm, và ta cảm nhận điều đó trong suốt văn kiện này. Hãy đọc chương về giáo dục, chương 5, và đặt nó trong tương quan với chương 8, về việc đồng hành với các hoàn cảnh khó khăn, các hoàn cảnh bất quy tắc. Và anh sẽ thấy rằng có một sự gần gũi sâu xa. Những gì ngài nói về giáo dục lương tâm : đừng nghĩ rằng lương tâm được giáo dục bằng cách dán khắp nơi các biển quảng cáo, nhưng là đánh thức nó. Vì thế, đối với  tôi, thuật ngữ chủ chốt của văn kiện này, đó là sự đồng hành, đó là thái độ sư phạm của một người cha với các con cái của mình, của một người thầy đồng hành với người trẻ trong sự tăng trưởng. Từ đó tầm quan trọng của từ ngữ « tăng trưởng ». Vui mừng với những bước tăng trưởng bé nhỏ (1) : đó hoàn toàn là nền sư phạm của ngài.

Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng cần phải quan tâm đến tính đa dạng vô số của các hoàn cảnh  cụ thể, để thực sự mang lại cho chúng một câu trả lời mục vụ. Điều này đã từng chưa được quan tâm đủ. Ở đây phải chăng thực sự có một lời mời gọi đối với trách nhiệm của các mục tử ?

Tôi tin rằng ở một chỗ nào đó ngài nói lên điều đó cách rõ ràng (2): ngài nói rằng ngài hiểu những ai muốn giấu mình đằng sau các quy tắc chắc chắn, nhưng ngài thích hơn việc một Giáo Hội đi ra và lấm lem bùn đất. Tức là : Việc có một sự rõ ràng về các chuẩn tắc là đúng, nhưng trước tiên cần phải gặp gỡ con người trong cuộc sống của họ, trong hoàn cảnh của họ, và đây không phải là một thứ đạo đức tình cảnh, một thứ luân lý tình cảnh, nhưng là một nền luân lý quan tâm đến các hoàn cảnh, đến tính đa dạng vô số của các hoàn cảnh, bởi vì mỗi lịch sử là độc nhất, và mỗi người đáng được xem xét trong đời sống cụ thể  của mình.

Trong số các hoàn cảnh, người ta biết rằng vấn đề những người ly dị tái hôn dân sự đã được tranh luận nhiều vào hai cuộc Thượng hội đồng. Phải chăng Tông huấn sẽ mang lại một câu trả lời cho các Kitô hữu đau khổ này ?

Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng mang lại một câu trả lời, nhưng đó không phải là câu trả lời mà một số người đã chờ đợi và một số khác lại sợ. Trước tiên, ngài nói rất rõ ràng rằng đừng chờ đợi, từ Thượng hội đồng hay từ văn kiên này, những chuẩn tắc giáo luật mới mẻ mà sẽ có giá trị cho mọi trường hợp. Đừng chờ đợi một sự thay đổi kỷ luật của Giáo Hội. Nhưng từ ngữ mà ngài thích nhiều, đó là từ « hội nhập (3)». Không được loại trừ nhưng là hội nhập, vì mỗi người đều có con đường của mình với Thiên Chúa (4) . Và Giáo Hội là một người mẹ phải biết đón nhận, hội nhập mỗi người, theo giai đoạn của người đó, theo con đường mà người đó đang là. Như thế, Đức Giáo hoàng lấy làm của mình những gì Thượng hội đồng đã nói về các tiêu chí đồng hành. Tôi rất tự hào, tôi phải nói điều đó, rằng đó là văn kiện của nhóm nói tiếng Đức, vốn đã được bỏ phiếu đồng tâm nhất trí, trước tiên đã được Thượng hội đồng lấy lại và rồi Đức Giáo hoàng lấy làm của mình, trong văn kiện này chúng tôi đã đề nghị những tiêu chí phân định mà  trước tiên không phải là những vấn đề các bí tích nhưng là những vấn đề thuộc luân lý gia đình.

Có lần Đức Giáo hoàng đã nói với tôi rằng vấn đề các bí tích cho người ly dị tái hôn là « một trappola », một cái bẫy. Bởi vì người ta không quan sát đủ các hoàn cảnh. Vì thế, chúng tôi đã đặt trong văn kiện này, mà bây giờ nằm trong văn kiện này của Đức Giáo hoàng, như là mối quan tâm đầu tiên : « Bạn đã biến con cái thành gì ? » Trước khi nói về lòng thương xót của Giáo Hội cho người ly dị tái hôn, , đối với việc lãnh nhận các bí tích, cần phải đặt ra cho họ câu hỏi : « Còn con cái của các bạn thì sao ? »

« Có phải các bạn đã làm cho đè nặng cuộc xung đột của các bạn lên lưng con cái của các bạn không ? Có phải các bạn đã biến con cái của các bạn thành con tin của cuộc xung đột của các bạn không ? » Đó là những gì cần phải hoán cải trước tiên. « Hãy cố gắng xin lỗi. Hãy nỗ lực sám hối về sự dữ mà các bạn đã gây ra cho con cái các bạn ». Và rồi chúng ta liệt kê cả một loạt những điểm phân định khác vốn làm nên một thứ hành trình hoán cải và sám hối. Như thế, vấn đề các bí tích, nó có thể đến, nhưng đúng hơn nó đến sau một hành trình đích thực. Và Đức Giáo hoàng nói điều đó trong một chú thích (5) , ngài nói : « Trong một số trường hợp, sự trợ giúp của Giáo Hội cũng có thể là sự trợ giúp về các bí tích ». ngài không nói gì thêm nữa.

Tý Linh chuyển ngữ và chú thích

————————-

(1) Ở số 305, Đức Thánh Cha trích lại một câu ngài đã từng viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium (số 44):  “Một bước nhỏ, ở giữa những giới hạn to lớn của phận người, có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là một đời sống bề ngoài tạm ổn của người trải qua năm tháng mà không phải đương đầu với những khó khăn đáng kể nào”.

(2) Xem số 308.

(3) Đối với Đức Ông Philippe Bordeyne, thần học gia luân lý, Hiệu trưởng của Học viện Công Giáo Paris, và cũng là người được mời với tư cách là chuyên viên tại Thượng hội đồng Giám mục về gia đình 10/2015, Tông huấn Amoris Laetitia là “một cuộc cách mạng lặng lẽ” (une révolution tranquille) của đức Phanxicô, đặc biệt liên quan đến vấn đề đồng hành, phân định và hội nhập những hoàn cảnh bất quy tắc. Theo ngài, điều này tiếp nối với Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981) của Đức Gioan Phaolô II.

(4) Ở các số 296-297, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại rằng “Giáo Hội không lên án bất cứ ai vĩnh viễn”, bởi vì “con đường của Giáo Hội luôn là con đường của Chúa Giêsu, con đường thương xót và phục hồi”, chứ không phải con đường loại trừ và phục hồi.

(5) Chú thích số 351 của số 305: “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp về các bí tích. Vì thế, “tôi muốn nhắc các linh mục rằng tòa giải tội không phải là một buồng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa” (Tông Huấn Evangelii Gaudium [24.11.2013], 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn chỉ ra rằng Bí tích Thánh Thể không phải là một phần thuởng cho người hoàn hảo, nhưng là phương dược đầy hiệu năng và là dưỡng chất cho người yếu đuối” (ibid., 47: 1039).

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31