ĐHY WALTER KASPER: CHA HANS KÜNG « ĐÃ MUỐN CHẾT TRONG HÒA BÌNH VỚI GIÁO HỘI”

Written by xbvn on Tháng Tư 8th, 2021. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Thần học gia người Thụy Sĩ, cha Hans Küng, qua đời ngày 6/4/2021 ở tuổi 93, “đã muốn chết trong hòa bình với Giáo hội”, ĐHY Kasper đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Osservatore Romano, ngày hôm sau cái chết của cha Hans Küng.

ĐHY Kasper, nguyên Tổng trưởng Hội đồng Tòa Thánh thăng tiến sự hiệp nhất của các Kitô hữu, đã từng là người giúp đỡ cha Küng ở đại học Tübingen từ năm 1961 đến 1964. ĐHY kể: “Tương quan của tôi với ngài là tốt đẹp. Chúng tôi đã cộng tác tốt đẹp vào thời đó. Tiếp đến, chúng tôi xa nhau về vấn đề tín điều “ơn bất khả ngộ” của Giáo hoàng và về những vấn đề Kitô học và thần học khác. Tôi nhớ tôi đã giữ khoảng cách khi Bộ Giáo lý Đức tin, vào năm 1979, đã thu hồi “missio canonica” (bài sai) của ngài, tức là giấy phép giảng dạy thần học của ngài. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng thực sự trong phân khoa, vốn đã chia rẽ”.

ĐHY Kasper cho biết thêm: nhưng “những thập niên qua mối tương quan của chúng tôi là luôn tôn trọng nhau. Chúng tôi đều đặn chào thăm và chúc nhau”. Chắc chắn, “những khác biệt thần học vẫn còn”, đặc biệt “về học thuyết công chính hóa và về những thừa tác vụ trong Giáo hội”, nhưng trên bình diện nhân bản, mối tương quan là “hòa bình”.

Đối với ĐHY, “cha Küng  không chỉ là một tiếng nói phê bình đối với Giáo hội hay là một người phản đối” ngài đã muốn “khơi dậy một cuộc canh tân trong Giáo hội và đưa vào thực hành cuộc cải cách của Giáo hội”, nhưng ngài “đã đi lệch khỏi giáo lý của Giáo hội để “phát minh” ra thần học của riêng mình”: “Như Yves Congar đã có lần nói, Küng là người Công giáo, nhưng theo cách của ngài”.

Đức Hồng y bảy tỏ lòng kính trọng đối với thần học gia Hans Küng, người “đã thành công trong việc giải thích Tin Mừng thậm chí cho những người xa rời đức tin”, vì ngài đã có “một ngôn ngữ dễ hiểu cho mọi người”. Nếu ngài đã phê bình “cách gay gắt, đôi khi bất công”, tuy nhiên, “chúng ta có thể nói chuyện với ngài”.

ĐHY tuyên bố: “Chúng tôi đồng ý về một điểm: về sự cần thiết của đối thoại đại kết. Ngài đã thực hiện bước đầu tiên trong lãnh vực này”. Và trong lãnh vực liên tôn, vào năm 1993, ngài đã thành lập cơ quan Weltethos, “để thăng tiến sự hợp tác giữa các tôn giáo qua việc nhìn nhận những giá trị chung”.

Cha Hans Küng đã để lại “ý tưởng cải cách” cho Giáo hội Đức, ĐHY Koch cho hay và đồng thời cũng cho biết những dè dặt của mình liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ và xóa bỏ sự độc thân linh mục.

ĐHY Kasper khẳng định: “Ngài đã không bao giờ rời bỏ Giáo hội và không bao giờ muốn ra khỏi Giáo hội. Nhiều thần học gia đã rời bỏ Giáo hội sau Công đồng Vatican II. Ngài thì không. Ngài đã là người Công giáo tận sâu xa trong tâm hồn ngài” và thậm chí “mong muốn sự hòa giải”.

ĐHY Kasper nhắc đến việc xích lại gần đây với Đức Phanxicô: “Mùa hè vừa rồi, tôi đã gọi điện thoại cho Đức Giáo hoàng, nói với ngài rằng Küng gần chết và muốn chết trong hòa bình với Giáo hội. Đức Phanxicô đã nói với tôi gởi đến ngài lời chào thăm và chúc lành của mình “trong cộng đoàn Kitô hữu”. Chắc chắn những khác biệt thần học vẫn còn và không được giải quyết…nhưng trên bình diện mục vụ và nhân bản, ngài đã có sự bình an”.

Về mối tương quan với Đức Bênêđíctô XVI, mà cả hai từng làm việc với nhau ở Tübingen, lập trường thần học của họ khác nhau nhưng “họ quý trọng và tôn trọng nhau”. Khi trở thành giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã mời cha Hans Küng đến Castel Gandolfo “để gặp gỡ và đào sâu thảo luận, không phải về những khác biệt, nhưng về những vấn đề tổng quát của thần học… Tôi biết rằng Đức Bênêđíctô XVI đã cầu nguyện cho ngài, mối tương quan các nhân giữa hai người không bị cắt đứt”.

Tý Linh

(theo ZENIT)

Hans Küng « voulait mourir en paix avec l’Eglise », assure le card. Kasper

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31