DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ KỶ NIỆM 100 NĂM ‘HỘI NGHỊ TOÀN TÔN GIÁO’ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI THẦY SREE NARAYANA GURU (1856-1928)

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 3rd, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Thế Giới

Trong bài phát biểu trước các tham dự viên hội nghị “Toàn Tôn Giáo”, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại liên tôn trong bối cảnh hiện nay được đánh dấu bằng sự thiếu khoan dung, phân biệt đối xử và hận thù. Ngài kêu gọi các tôn giáo sống chứng tá và “cùng nhau bước đi và cùng nhau làm việc để dựng xây một nhân loại tốt đẹp hơn!

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha, tại Hội trường Clementine, ngày thứ Bảy, 30 tháng 11 năm 2024:

Kính thưa các Bậc Thầy của Sivagiri Mutt và các môn đồ của Sree Narayana Guru,

Các bạn quý mến,

Tôi rất vui mừng chào đón tất cả các bạn, thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau, những người đến từ Kerala, Ấn Độ, và từ nhiều nơi khác trên thế giới để mừng kỷ niệm 100 năm ‘Hội nghị Toàn Tôn giáo’ đầu tiên được tổ chức bởi nhà lãnh đạo tinh thần và cũng là nhà cải cách xã hội Sree Narayana Guru. Tôi lấy làm vui khi biết rằng các bạn sẽ tham dự Hội Nghị Liên Tôn được tổ chức – với sự hỗ trợ của Bộ Đối Thoại Liên Tôn – để tưởng nhớ sự kiện quan trọng này trong lịch sử đối thoại liên tôn ở Ấn Độ và Á Châu. Chủ đề được chọn cho Hội nghị này, ‘Các Tôn giáo Cùng nhau vì một Nhân loại Tốt đẹp hơn, thật là thích hợp và quan trọng cho thời đại của chúng ta.

Sree Narayana Guru đã dành đời mình để thăng tiến nhận thức về tôn giáo và xã hội bằng thông điệp rõ ràng của ngài rằng mọi người, bất kể sắc tộc hay truyền thống văn hoá và tôn giáo của họ, đều là những thành viên của gia đình nhân loại duy nhất. Ngài nhấn mạnh rằng không nên có sự phân biệt đối xử chống lại bất kỳ ai dưới bất cứ cách thức và mức độ nào. Thông điệp của ngài quả là thích hợp với thế giới của chúng ta ngày nay, nơi mà chúng ta chứng kiến những trường hợp ngày càng gia tăng về lòng thù hận và sự thiếu khoan dung giữa các dân tộc và quốc gia. Đáng buồn thay, những biểu hiện của sự phân biệt đối xử và loại trừ, những căng thẳng và bạo lực dựa trên những khác biệt về sắc tộc hay nguồn gốc xã hội, chủng tộc, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo đang là kinh nghiệm thường ngày của nhiều cá nhân và không ít cộng đồng, đặc biệt nhất là giữa những người nghèo, người yếu thế và những người không có tiếng nói.

Trong Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà Bình Thế giới và Chung Sống mà tôi đã ký cùng với ngài Đại Imam Al-Azhar Ahmad Al-Tayyeb, chúng tôi nhấn mạnh rằng Thiên Chúa ‘đã tạo dựng mọi người bình đẳng về quyền lợi, bổn phận và phẩm giá, và đã mời gọi họ chung sống như anh chị em’ (Abu Dhabi, 4/2/2019). Mọi tôn giáo đều dạy chân lý nền tảng rằng là con cái của một Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương và kính trọng nhau, tôn trọng những sự đa dạng và khác biệt trong tinh thần huynh đệ và hoà nhập, cũng như chăm sóc lẫn nhau và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Việc không tuân theo những lời dạy cao quý của các tôn giáo chính là một trong số những nguyên nhân gây nên tình trạng rối ren mà thế giới của chúng ta gặp phải ngày nay. Những người đương thời của chúng ta sẽ tái khám phá giá trị của giáo lý cao quý nơi những truyền thống tôn giáo chỉ khi tất cả chúng ta cố gắng sống theo những giáo lý đó và vun trồng những mối tương quan bằng hữu và huynh đệ với mọi người, với mục đích duy nhất là làm vững mạnh mối hiệp nhất giữa sự đa dạng, đảm bảo sự chung sống hoà hợp giữa những khác biệt, và trở nên những người kiến tạo hoà bình dẫu cho những khó khăn và thách đố mà chúng ta sẽ phải đối mặt.

Với tư cách là những môn đệ của các truyền thống tôn giáo của mình, chúng ta phải luôn luôn cộng tác với mọi người thiện chí trong việc thăng tiến “một nền văn hoá tôn trọng, phẩm giá, xót thương, hoà giải và tình liên đới huynh đệ” (Tuyên bố chung Istiqlal, 5/9/2024). Bằng cách này, chúng ta có thể giúp đánh tan nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa, loại trừ, lãnh đạm và bạo lực vốn đang lan tràn một các đáng buồn. Rút ra từ những chân lý và giá trị tôn giáo mà chúng ta có chung, nhưng vẫn bám rễ chắc chắn và cam kết với những niềm tin tôn giáo và xác tín của mình, ước gì chúng ta cùng nhau bước đi và cùng nhau làm việc để dựng xây một nhân loại tốt đẹp hơn!

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn vì sự hiện diện cũng như sự dấn thân của các bạn cho công cuộc đối thoại và hiểu biết giữa những môn đệ của các tôn giáo khác nhau. Trong khi đảm bảo với các bạn về lời cầu nguyện của tôi, tôi xin các bạn nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của các bạn.

—————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31