“DILEXIT NOS”: TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ QUAN TÂM ĐẾN THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Written by xbvn on Tháng Mười 25th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong thông điệp dành riêng cho việc sùng kính Thánh Tâm, được công bố vào thứ Năm ngày 24 tháng 10 năm 2024, Đức Phanxicô lấy lại những lời phê bình của Đức Piô XI và Đức Piô XII đối với tư tưởng đương đại, duy vật và duy lý. Thông điệp này cũng là cơ hội để phê bình một số “sai lệch” trong tư tưởng Công giáo.

Tại sao Đức Thánh Cha lại chọn cách tránh xa những chủ đề xã hội, rất thời sự, để dành thông điệp thứ tư của mình cho một lòng sùng kính cổ xưa: Thánh Tâm Chúa Giêsu? Sau Lumen fidei (2013), lấy lại văn bản do Đức Bênêđíctô XVI chuẩn bị nhằm kết thúc bộ ba tác phẩm của ngài về các nhân đức thần học (đức cậy, đức mến và đức tin), hai thông điệp do Đức Phanxicô viết tập trung vào việc bảo vệ môi trường, trong Laudato Si’ năm 2015, và tình huynh đệ chống lại chủ nghĩa dân túy và chiến tranh, trong Fratelli tutti năm 2020. Trong Dilexit nos (Người đã yêu thương chúng ta), xuất bản vào ngày 24 tháng Mười, Đức Thánh Cha đề nghị một liều thuốc giải độc tinh thần cho não trạng tân thời mà ngài chỉ trích, đôi khi gay gắt.

Người tiêu thụ vô độ”, “sự thỏa mãn hời hợt”, “ước muốn ám ảnh”, chiến tranh, chủ nghĩa duy lý, trí tuệ nhân tạo và “tư duy chuẩn mực”… Một trang trên bốn của thông điệp này có một đoạn mô tả não trạng tân thời theo hướng tiêu cực, dù là về văn hóa, khoa học, địa chính trị hoặc kinh tế. Nhưng đâu là mối liên hệ với lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Chủ nghĩa duy vật vô thần

Vào thế kỷ XIX, như nhà thần học người Ý Enrico Cattaneo gợi nhớ, linh đạo này đã tạo nên “một rào cản chống lại não trạng duy lý lan rộng vốn nuôi dưỡng nền văn hóa vô thần và bài giáo sĩ”, dù trong Giáo hội hay liên quan đến thế giới hiện đại, vị tu sĩ Dòng Tên này nói rõ trong một bài báo xuất bản năm 2022 trên La Civilta cattolica. Đức Phanxicô ngày nay dường như nghĩ rằng việc sùng kính Thánh Tâm một lần nữa có thể cứu được đức tin.

Người thường được mô tả là đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm – thậm chí như một “giáo hoàng cánh tả” – ở đây đã lấy lại luận đề của Đức Piô XI, người đã mô tả, trong thông điệp Miserentissimus Redemptor, lễ Thánh Tâm như một bức tường thành đối lại luật lệ “và các phong trào của các dân tộc trái với thiên luật và luật tự nhiên”. Vị Giáo hoàng người Argentina cũng nằm trong đường hướng của Đức Piô XII, người đã đối lập, trong thông điệp Haurietis aquas của ngài về Thánh Tâm, lòng sùng kính này với một “xã hội bị ô nhiễm bởi sự thờ ơ tôn giáo (và) thấm nhiễm các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật vô thần và chủ nghĩa thế tục.”

Lấy lại cuộc chiến đấu

Tuy nhiên, Dilexit nos không được tóm tắt thành một văn bản phản não trạng tân thời. Giáo sư đại học về lịch sử đương đại, Fabrice Bouthillon, người có luận án tập trung vào Đức Piô XI, nhắc lại: “Không được quên rằng trước khi trở thành biểu tượng của Vendée khi đối mặt với Kẻ khủng bố, Thánh Tâm đã là một lòng sùng kính điển hình của Dòng Tên. Thánh Marguerite Marie Alacoque, người khởi nguồn lòng sùng kính này vào thế kỷ XVII, có một cha giải tội thuộc Dòng Tên – Cha Claude La Colombière. Do đó, có thể chính phần Dòng Tên của ngài đã đưa vị giáo hoàng đương nhiệm đến đó. Hơn nữa, nó cũng luôn là một lòng sùng kính chống chủ thuyết janséniste, vốn nhấn mạnh vào một Thiên Chúa của tình yêu chứ không phải của sự báo thù”. Chủ thuyết janséniste là một trào lưu nhiệm nhặt phản đối quyền lực của Giáo hoàng và ý tưởng cho rằng con người có thể được cứu nhờ những việc làm tốt của mình. Chủ thuyết này đã bị chống lại bởi Dòng Tên vào thế kỷ XVII.

Đức Phanxicô, người đã đề cập đến nó năm lần trong Dilexit nos, dường như quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống lại những sai lệch trong tư tưởng Công giáo: tính không khoan nhượng, thuyết chủ trí, khinh thường lòng đạo đức bình dân… Tất nhiên, Đức Thánh Cha đặt ra một số giới hạn cho lòng đạo đức này – không tôn thờ các hình ảnh , chủ nghĩa ái khổ hoặc sự khép kín nệ nghi thức – nhưng lời phê bình chính của ngài dường như liên quan đến “các cộng đồng và các mục tử chỉ tập trung vào (…) các cải cách cơ cấu thiếu đi Tin Mừng”.

Vào ngày 29 tháng 6 năm 2019, Đức Phanxicô đã sử dụng chính xác những thuật ngữ này trong một lá thư rắn rỏi gửi đến những người Công giáo Đức, trên con đường công nghị, những người đang đòi hỏi một chỗ đứng lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo hội hoặc thậm chí là một cuộc cải cách về luân lý tính dục. Khi công khai kêu gọi khám phá lại linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu bốn ngày trước khi kết thúc Thượng hội đồng về tính hiệp hành, Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể gửi một thông điệp đến những người nhìn thấy trong tiến trình này cơ hội cho những cải cách cơ cấu to lớn.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Mikael Corre và  Matthieu Lasserre, nhật báo La Croix)  

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30