“DILEXIT NOS”, THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Written by xbvn on Tháng Mười 24th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Dilexit nos” (“Người đã yêu thương chúng ta”), thông điệp thứ tư của Đức Phanxicô, vạch lại truyền thống và tính thời sự của tư tưởng “về tình yêu nhân linh và thần linh của trái tim Chúa Giêsu Kitô”, mời gọi đổi mới lòng sùng kính đích thực để không quên sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của việc phục vụ và lòng nhiệt thành của sứ mạng: bởi vì trái tim của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta yêu thương và sai chúng ta đến với anh em của chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người đã yêu thương chúng ta” khi nói về Chúa Kitô (Rm 8, 37), nhờ đó khiến chúng ta khám phá ra rằng không có gì “có thể tách chúng ta” (Rm 8, 39) khỏi tình yêu của Người. Thông điệp thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu như thế, mà tựa đề của nó lấy lại những chữ đầu “Dilexit nos” và được bàn về tình yêu nhân linh và thần linh của Trái Tim Chúa Giêsu Kitô: “Trái tim rộng mở của Người đi trước chúng ta và chờ đợi chúng ta một cách vô điều kiện, không cần đòi hỏi điều kiện tiên quyết để yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta tình bạn của Người: “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4, 19). Nhờ Chúa Giêsu, “chúng ta đã nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4, 16)”.

Tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện nơi Thánh Tâm Người

Đức Thánh Cha viết, trong một xã hội chứng kiến sự gia tăng của “nhiều hình thức sùng đạo vốn thiếu đi sự quy chiếu đến mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa tình yêu” (số 87), trong khi Kitô giáo thường quên mất “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của sự tận tâm phục vụ, lòng nhiệt thành của sứ mạng từ người này sang người khác” (số 88), Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị một sự đào sâu mới về tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện trong Thánh Tâm của Người và mời gọi chúng ta đổi mới lòng sùng kính đích thực của mình bằng cách nhắc nhở rằng “chúng ta gặp được toàn bộ Tin Mừng” (số 89) trong trái tim Chúa Kitô: chính trong trái tim Người mà “cuối cùng chúng ta nhận ra chính mình và học biết yêu thương”.

Thế giới dường như đã mất đi trái tim

Đức Phanxicô giải thích rằng bằng cách gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, “chúng ta trở nên có khả năng dệt nên những mối dây huynh đệ, nhận ra phẩm giá của mỗi con người và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta,” như ngài mời gọi làm như thế trong thông điệp xã hội Laudato si’Fratelli tutti (số 217). Và đứng trước Trái Tim Chúa Kitô, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa “một lần nữa tỏ lòng trắc ẩn đối với trái đất bị thương tích này” và tuôn đổ trên nó “những kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người”, để thế giới, “sống sót giữa những cuộc chiến tranh, những sự mất cân bằng kinh tế xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ và việc sử dụng công nghệ phi nhân, có thể tái khám phá điều quan trọng nhất và cần thiết nhất: trái tim” (số 31). Khi thông báo về việc chuẩn bị tài liệu, vào cuối buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày 5 tháng Sáu, Đức Thánh Cha nói rõ rằng ngài sẽ giúp suy nghĩ về các khía cạnh “tình yêu của Chúa, một tình yêu vốn có thể soi sáng con đường đổi mới Giáo hội, nhưng cũng nói lên điều gì đó đầy ý nghĩa đối với một thế giới dường như đã mất đi trái tim”. Và điều này, trong khi diễn ra các buổi cử hành kỷ niệm 350 năm ngày Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với thánh Marguerite-Marie Alacoque, vào năm 1673, các buổi cử hành sẽ kết thúc vào ngày 27 tháng 6 năm 2025.

Tầm quan trọng của việc trở về với trái tim

Thông điệp về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mở đầu bằng phần dẫn nhập ngắn gọn và được chia thành năm chương, tập hợp “những suy tư quý giá của các văn bản huấn quyền trước đây và một lịch sử lâu dài quay lên tới Thánh Kinh, để hôm nay xin tái đề nghị cho toàn thể Giáo hội việc thờ phượng mang vẻ đẹp thiêng liêng này” như đã được thông báo vào tháng Sáu.

Chương đầu tiên, “Tầm quan trọng của trái tim”, giải thích lý do tại sao phải “khám phá lại tầm quan trọng của trái tim” trong một thế giới mà chúng ta bị cám dỗ “biến mình thành những người tiêu thụ vô độ, nô lệ cho bộ máy của một thị trường không quan tâm đến ý nghĩa của cuộc sống” (số 2). Đức Thánh Cha thực hiện điều này bằng cách phân tích điều chúng ta hiểu từ “trái tim”: Thánh Kinh nói với chúng ta về nó như một trung tâm “nằm đằng sau mọi hình dáng bên ngoài” (số 4), một nơi mà “chính chúng ta ở đó, bất kể điều gì chúng ta thể hiện bên ngoài và những gì chúng ta che giấu” (số 6). Những câu hỏi cơ bản đưa chúng ta trở lại với trái tim: tôi muốn mang lại ý nghĩa nào cho cuộc đời tôi, cho những lựa chọn hay hành động của tôi, tôi là ai trước mặt Thiên Chúa (số 8). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự suy giảm giá trị hiện nay của trái tim xuất phát từ “chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, từ chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo và trong chủ nghĩa duy vật”, đến mức trong tư tưởng triết học vĩ đại, các khái niệm như “lý trí, ý chí hay tự do” được ưu tiên hơn. Và vì không tìm được chỗ cho chính trái tim, nên “ý tưởng về một trung tâm cá nhân cũng không được phát triển rộng rãi”, nơi mà điều duy nhất có thể thống nhất mọi thứ cuối cùng là tình yêu (số 10). Ngược lại, đối với Đức Thánh Cha, cần phải thừa nhận rằng “Tôi là trái tim của tôi, bởi vì chính nó phân biệt tôi, uốn nắn tôi trong căn tính thiêng liêng của tôi và giúp tôi hiệp thông với người khác” (số 14).

Thế giới có thể thay đổi từ trái tim

Chính trái tim “gắn kết các mảnh vỡ” và làm cho khả thi “bất kỳ mối liên hệ đích thực nào, bởi vì một mối quan hệ không được xây dựng bằng trái tim thì không thể vượt qua sự phân mảnh của chủ nghĩa cá nhân” (số 17). Linh đạo của các vị thánh như Inhaxiô Loyola (chấp nhận tình bạn của Chúa là một vấn đề của trái tim) và thánh Gioan Henry Newman (Chúa cứu chúng ta bằng cách nói với trái tim chúng ta từ Thánh Tâm Người) dạy chúng ta rằng “trước Thánh Tâm Chúa Giêsu hằng sống và hiện diện, tâm trí chúng ta, được Chúa Thánh Thần soi sáng, hiểu được những lời của Chúa Giêsu” (số 27). Và điều này có những hậu quả xã hội, bởi vì thế giới có thể thay đổi “từ trái tim” (số 28).

“Những cử chỉ và lời nói yêu thương”

Chương thứ hai dành riêng cho những cử chỉ và lời nói yêu thương của Chúa Kitô. Những cử chỉ mà Người đối xử với chúng ta như những người bạn và cho thấy Thiên Chúa “gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng”, được thấy trong những cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari, với Nicôđêmô, với cô gái điếm, với người phụ nữ ngoại tình và với người mù trên đường ( số 35). Cái nhìn của Người, “thâm nhập sâu vào con người bạn” (số 39), cho thấy rằng Chúa Giêsu “quan tâm đến con người, đến những mối bận tâm của họ, đến nỗi đau khổ của họ” (số 40). Để “ngưỡng mộ những điều tốt đẹp mà Người nhận ra nơi chúng ta” cũng như nơi viên đại đội trưởng, ngay cả khi những người khác phớt lờ ông. Lời yêu thương hùng hồn nhất của Người là “bị đóng đinh vào thập giá”, sau khi đã khóc thương người bạn Ladarô và sau khi chịu đau khổ trong Vườn Cây Dầu, ý thức được cái chết dữ dội của chính mình “dưới tay những người mà Người rất yêu thương”.  (số 46).

Mầu nhiệm của một trái tim đã yêu thương rất nhiều

Trong chương thứ ba, “Đây là trái tim đã yêu thương rất nhiều”, Đức Thánh Cha nhắc lại làm thế nào Giáo hội đã suy tư “về mầu nhiệm thánh thiện của Trái Tim Chúa”. Ngài thực hiện điều này bằng cách đề cập đến thông điệp Haurietis aquas (Bạn sẽ múc nước) của Đức Piô XII, về việc sùng kính Trái Tim Chúa Kitô (1956). Ngài nói rõ rằng “việc sùng kính Trái Tim Chúa Kitô không phải là việc tôn thờ một cơ quan tách rời khỏi con người Chúa Giêsu”, bởi vì chúng ta tôn thờ “Chúa Giêsu Kitô toàn thể, Con Thiên Chúa làm người, được tượng trưng trong hình ảnh nơi trái tim Người được nổi bật” (số 48). Hình ảnh trái tim bằng thịt giúp chúng ta chiêm ngắm, trong lòng sùng kính, rằng “các tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu Kitô không chỉ thể hiện đức ái thần linh mà còn thể hiện những tình cảm yêu thương nhân linh” (số 61). Trái tim của Người chứa đựng “bộ ba tình yêu”: tình yêu nhạy cảm của trái tim thể xác “và tình yêu thiêng liêng kép của nó, tình yêu nhân linh và tình yêu thần linh” (số 66), nơi chúng ta gặp gỡ “sự vô hạn trong cái hữu hạn” (số 64).

Thánh Tâm Chúa Giêsu là một tổng hợp của Tin Mừng

Những thị kiến ​​của một số vị thánh, đặc biệt là những vị sùng kính Trái Tim Chúa Kitô “là những khích lệ đẹp đẽ có thể thúc đẩy và làm được nhiều điều tốt lành”, nhưng “các tín hữu không bị buộc phải tin, như thể đó là Lời Chúa”. Do đó, Đức Thánh Cha nhắc lại cùng với Đức Piô XII rằng chúng ta không thể nói rằng việc thờ phượng này “đến từ một mặc khải tư”. Ngược lại, “việc sùng kính Trái Tim Chúa Kitô là điều cần thiết cho đời sống Kitô hữu của chúng ta bởi vì nó biểu thị sự cởi mở của chúng ta, tràn đầy đức tin và sự tôn thờ, đối với mầu nhiệm tình yêu thần linh và nhân linh của Chúa, đến mức chúng ta có thể khẳng định một lần nữa rằng Thánh Tâm là một tổng hợp của Tin Mừng” (số 83).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng mời gọi chúng ta đổi mới việc tôn sùng Trái Tim Chúa Kitô để đối lập với “những biểu hiện mới về một “linh đạo không xác thịt” đang nhân rộng trong xã hội” (số 87). Cần phải “trở lại với sự tổng hợp nhập thể của Tin Mừng” (số 90) trước “các cộng đồng và các mục tử chỉ tập trung vào các hoạt động bên ngoài, các cải cách cơ cấu thiếu đi Tin Mừng, các cuộc tổ chức ám ảnh, các dự án trần thế, các suy tư tục hóa, những đề nghị tự thể hiện như những quy định mà đôi khi chúng ta muốn áp đặt cho mọi người” (số 88).

Kinh nghiệm về một tình yêu “cho uống”

Trong hai chương cuối, Đức Thánh Cha Phanxicô làm nổi bật hai khía cạnh mà “việc sùng kính Thánh Tâm ngày nay phải kết hợp lại để tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với Tin Mừng: kinh nghiệm tâm linh cá nhân và sự dấn thân mang tính cộng đồng và truyền giáo” (số 91) . Trong chương thứ tư, “Tình yêu cho uống”, Đức Thánh Cha đọc lại Thánh Kinh, và cùng với các Kitô hữu đầu tiên, nhìn nhận Chúa Kitô và cạnh sườn bị thương của Người như là “Đấng mà họ đã đâm thâu” mà chính Thiên Chúa ám chỉ đến trong lời tiên tri của sách Dacaria. Một nguồn suối mở ra cho dân chúng, để làm dịu đi cơn khát tình yêu Thiên Chúa của họ, “để rửa sạch tội lỗi và những điều ô uế” (số 95). Một số Giáo phụ đã đề cập đến “vết thương nơi cạnh sườn Chúa Giêsu như nguồn gốc của nước Thánh Thần”, đặc biệt là thánh Augustinô, người “đã mở đường cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa như là nơi gặp gỡ cá nhân với Chúa” (số 103). Dần dần, cạnh sườn bị thương tích này “có hình dạng của một trái tim” (số 109), và Đức Thánh Cha trích dẫn một số thánh nữ đã “kể lại những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô, có đặc điểm là sự yên nghỉ trong Trái Tim Chúa” (số 110). Trong số những người sùng đạo thời hiện đại, thông điệp trước hết nói đến thánh Phanxicô Salê, người diễn tả lời đề nghị của mình về đời sống thiêng liêng với “một trái tim duy nhất bị đâm thủng bởi hai mũi tên bọc trong vương miện gai” (số 118).

Các cuộc hiện ra với thánh Marguerite-Marie Alacoque

Dưới ảnh hưởng của linh đạo này, thánh Marguerite-Marie Alacoque kể lại những lần Chúa Giêsu hiện ra tại Paray-le-Monial, diễn ra từ tháng 12 năm 1673 đến tháng 6 năm 1675. Cốt lõi của sứ điệp được truyền lại cho chúng ta có thể tóm tắt trong những lời này: thánh Marguerite-Marie đã nghe: “Đây là Trái Tim yêu thương con người quá bội, đến nỗi không tiếc gì đến mức kiệt sức và tiêu hao chính mình để tỏ cho họ thấy tình yêu của Người” (số 121).

Thánh Têrêsa Lisieux, thánh Inhaxiô Loyola và thánh Faustina Kowalska

Về thánh Têrêsa thành Lisieux, tài liệu nhắc lại rằng thánh nữ đã gọi Chúa Giêsu là “Đấng mà trái tim của Người cùng nhịp đập với trái tim của con” (số 134) cũng như những lá thư của thánh nữ gửi cho chị gái mình, Nữ tu Marie, giúp những ai hiểu việc đền tạ như một loại “trỗi vượt của các hy lễ”, không đặt việc tôn sùng Thánh Tâm “trên khía cạnh đau buồn”, nhưng trên sự tin tưởng “là lễ vật dễ chịu nhất dâng lên Trái Tim Chúa Kitô” (số 138). Đức Phanxicô cũng dành một số đoạn của thông điệp nói về vị trí của Thánh Tâm trong lịch sử Dòng Tên, nhấn mạnh rằng trong Linh thao, thánh Inhaxiô Loyola đề nghị người tĩnh tâm “đi vào Trái tim Chúa Kitô” trong một cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim. Vào tháng 12 năm 1871, cha Beckx đã thánh hiến Dòng Tên cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và cha Arrupe đã làm như vậy một lần nữa vào năm 1972 (số 146).

Những kinh nghiệm của thánh Faustina Kowalska đề nghị lại lòng sùng kính “bằng cách nhấn mạnh sự sống vinh quang của Đấng Phục Sinh và lòng thương xót Chúa” và được thúc đẩy bởi những điều này, thánh Gioan Phaolô II cũng “gắn chặt suy tư của ngài về lòng thương xót với lòng sùng kính đối với Trái Tim Chúa Kitô” (số 149). Nói đến “lòng sùng kính an ủi”, thông điệp giải thích rằng trước những dấu chỉ Cuộc Khổ Nạn được trái tim của Đấng Phục Sinh gìn giữ, không thể tránh khỏi “việc người tín hữu muốn phản ứng” cả “ với nỗi đau mà Chúa Kitô đã chấp nhận chịu đựng vì rất nhiều tình yêu” (số 151). Và thông điệp yêu cầu “không ai được chế nhạo những biểu hiện về lòng nhiệt thành tin tưởng của dân thánh và trung thành của Thiên Chúa, những người, trong lòng đạo đức bình dân của họ, tìm cách an ủi Chúa Kitô” (số 160). Để “muốn an ủi Người, chúng ta ra khỏi đó được an ủi” và “chúng ta có thể an ủi người khác trong bất cứ cơn hoạn nạn nào” (số 162).

Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Kitô sai chúng ta đến với anh em chúng ta

Chương thứ năm và cũng là chương cuối cùng, “Tình yêu đáp đền tình yêu”, đào sâu chiều kích cộng đồng, xã hội và truyền giáo của tất cả lòng tôn sùng đích thực đối với Trái Tim Chúa Kitô, Đấng mà, ngay từ giây phút Người “dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, sai chúng ta đến với anh em của chúng ta” (số 163). Thực ra, tình yêu dành cho anh chị em chúng ta là “hành động cao cả nhất mà chúng ta có thể mang lại để đền đáp tình yêu của Người bằng tình yêu” (số 167). Nhìn vào lịch sử linh đạo, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sự dấn thân truyền giáo của thánh Charles de Foucauld đã biến ngài trở thành một “người anh em phổ quát”; “ngài muốn ôm ấp trong trái tim huynh đệ của mình tất cả nhân loại đang đau khổ bằng cách để mình khuôn theo Trái Tim Chúa Kitô” (số 179). Tiếp đó, Đức Phanxicô nói về “sự đền tạ”, như thánh Gioan Phaolô II đã giải thích: ““Nền văn minh của Trái tim Chúa Kitô sẽ có thể được xây dựng trên những tàn tích do hận thù và bạo lực tích tụ” bằng cách phó thác mình cho Trái Tim này” (số 182).

Sứ mạng làm cho thế giới đầy yêu thương

Thông điệp nhắc lại một lần nữa với thánh Gioan Phaolô II rằng “việc thánh hiến cho Trái Tim Chúa Kitô “phải được xem xét trong mối liên hệ với hoạt động truyền giáo của Giáo hội, bởi vì nó đáp lại ước muốn của Trái Tim Chúa Giêsu lan rộng khắp thế giới, qua các chi thể trong Thân Thể của Người, sự cống hiến trọn vẹn của Giáo hội cho Nước Trời.” Do đó, qua các Kitô hữu, “tình yêu sẽ lan tỏa trong tâm hồn con người, để Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội được xây dựng và một xã hội công bằng, hòa bình và huynh đệ cũng được xây dựng” (số 206). Để tránh nguy cơ to lớn, được thánh Phaolô VI nhấn mạnh, là “nhiều điều được nói và làm trong sứ mạng này không mang lại cuộc gặp gỡ hạnh phúc với tình yêu của Chúa Kitô” (số 208), cần phải “có những nhà truyền giáo đầy yêu thương, luôn được Chúa Kitô thu hút” (số 209).

Lời cầu xin của Đức Phanxicô

Bản văn kết thúc với lời cầu xin của Đức Phanxicô: “Tôi cầu xin Chúa Giêsu Kitô cho những dòng nước hằng sống này vọt lên cho tất cả chúng ta từ Thánh Tâm của Người, chữa lành những vết thương mà chúng ta tự gây ra cho mình, củng cố khả năng yêu thương và phục vụ của chúng ta, thúc đẩy chúng ta học biết cùng nhau tiến bước hướng tới một thế giới công bằng, liên đới và huynh đệ. Và điều này, cho đến khi chúng ta cùng nhau hân hoan cử hành bữa tiệc Nước Trời. Chúa Kitô phục sinh sẽ ở đó, hòa hợp những khác biệt của chúng ta qua ánh sáng tuôn chảy không mệt mỏi từ Trái Tim rộng mở của Người. Xin chúc tụng Thánh Tâm Người ! ” (số 220).

Tý Linh

(theo Alessandro Di Bussolo – Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30