ĐỐI CHIẾU BẢN ĐÀO TẠO LINH MỤC VỚI ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI
Việc Đào tạo linh mục đã được Giáo hội nghĩ tới và qui định từ sau Công Đồng Trentô (1563). Công đồng kêu mời các giám mục lo lập chủng viện để đào tạo linh mục cho giáo phận. Tôi không biết rõ đã có tài liệu nào được soạn thảo chưa, mãi đến năm 1970 mới thấy Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis được Giáo hội phát hành. Sau đó Hội Đồng giám mục Việt Nam đã soạn ra bản “Đào tạo linh mục, Định hướng và Chỉ Dẫn” (2012) làm chương trình chính thức được áp dụng tại các chủng viện. Tuy nhiên đến năm 2016, Bộ Giáo sĩ đã dựa vào Giáo luật mới (1983), dựa vào Pastores dabo vobis (1992), dựa vào đức giáo hoàng Bênêdictô XVI, dựa vào đức giáo hoàng Phanxicô để xuất bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, bổ túc cho bản trước.
Bản Ratio 2012 đã chia việc đào tạo thành 3 giai đoạn:
- Trước chủng viện là giai đoạn gặp Chúa Giêsu và được Chúa kêu gọi
- Tại chủng viện là giai đoạn ở với Chúa Giêsu để được đào tạo.
- Sau chủng viện là giai đoạn được Chúa Giêsu sai đi rao giảng.
Nhân dịp cuối năm và nhân dịp đang sống giai đoạn cuối cùng của đời linh mục, tôi muốn theo Bản Ratio để đối chiếu cách vắn tắt xem ở mỗi giai đoạn Bản Ratio đã dạy đào tạo những gì, và tôi đã đáp ứng thế nào, để cùng cảm tạ mọi hồng ân Chúa đã ban, và cũng đền tội mọi thiếu sót lỗi lầm của tôi.
- Giai đoạn trước Chủng viện.
Bản Đào tạo linh mục chú ý trước hết là gia đình Kitô hữu, coi đó là cộng đoàn gần gũi nhất, là chủng viện đầu tiên, ươm trồng ơn gọi linh mục. Sau đó là cha xứ, giáo xứ, các hội đoàn, giúp khơi dậy ơn gọi, giúp thanh luyện ơn gọi, xem ơn gọi vì tình yêu đối với Chúa Giêsu, hay vì tiền của, danh vọng, vui thú… giúp làm chủ các đam mê: vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn; tập luyện những đức tính; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, trung; làm quen với các việc đạo đức như dự lễ, kinh sáng, kinh tối, lần chuỗi, đọc truyện các thánh… lo hoàn tất các chương trình trung học, đại học, ngoại ngữ, vi tính; các chương trình giáo lý về Tín lý, Phụng vụ, luân lý; đọc và chia sẻ Lời Chúa; tham gia giúp lễ, ca đoàn, giáo lý viên… Bản đào tạo linh mục coi giai đoạn trước chủng viện là thời gian khơi dậy và tiếp nhận ơn gọi, cũng như đào tạo khả năng thích hợp dần dần.
Còn phần tôi, gia đình tôi lo cho tôi đi học trường Servir của xứ Nam Định, Cha Antôn Hoàng Cao Chiểu đã cho tôi nhập và sinh hoạt với Sói con và thiếu nhi Thánh Thể. Đặc biệt là đến tháng hè cho tôi đi dự trại hè học sinh Magnificat ở Sầm Sơn, Thanh Hóa vào 2 năm 1943,1944. Trại hè do các cha Xuân Bích và các thầy cộng tác để dạy dỗ tập luyện về mọi mặt: đạo đức, luân lý, trí tuệ, thể dục… Năm 1945 cha Antôn gặp riêng tôi và hỏi: dự trại hè Sầm Sơn có thích không? Tôi trả lời rất thích. Rồi ngài hỏi tiếp: con có muốn sau này sống như các cha, các thầy Xuân Bích giúp các học sinh nghỉ hè không? Tôi trả lời thích lắm. Vậy con phải đi tu và về xin phép cha mẹ xem. Tôi về nói với ba tôi, ba tôi chấp thuận và dẫn tôi vào nói chuyện với cha Antôn. Năm 1945 tôi được vào nhà xứ Nam Định ở, được học tiếng Latinh, tiếng Pháp, học đàn harmonium, học giúp lễ, sống chung với các chú đang ở nhà xứ.
- Giai đoạn tại Đại chủng viện.
Bản Đào Tạo Linh mục 2012 chỉ nói tới đại chủng viện thôi. Còn tôi phải qua 6 năm Tiểu Chủng viện rồi mới được vào Đại Chủng viện. Thời gian 6 năm cũng rất quan trọng, vì ơn gọi phải trải qua nhiều thử thách.
- Tháng 9 – 1946, tôi cùng với các chủng sinh vùng Nam Định lên xe lửa từ ga Nam Định đi tựu trường đến Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên của Giáo phận Hà nội, nơi đã từ rất lâu đào tạo các tiểu chủng sinh cho Đại chủng viện Hà nội. Tiểu chủng viện giống như 1 trường Trung học nội trú của xã hội, có qui luật để đào tạo đạo đức, trí thức, nhân bản… , với cha giám đốc, cha giám thị, cha linh hướng và các cha giáo phụ trách mỗi lớp. Tôi ở Nam Định, 4 chủng sinh ở Hà nội, 1 ở Kẻ Sông, và 1 ở Kẻ Ngườm, 7 chúng tôi thi đậu và được nhập vào lớp 6 thành 32 người. Chúng tôi còn được 1 thầy Xuân Bích phụ trách riêng là thầy Hùng Thái Hoan. Thầy dạy chúng tôi tiếng việt theo phong trào Tự lực Văn đoàn, học những đoạn trích trong các tác phẩm của các tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, học thơ đạo của Hàn Mặc Tử, còn Tiếng Pháp thì theo các bài viết của Chateaubriand, thơ của Verlaine với bài Je ne veux plus aimer que ma mère Marie mà thầy Nguyễn Khải Xuyên sáng tác thành bài: Tôi chỉ muốn yêu một mình Mẹ Maria Thôi, thơ của Paul Claudel với bài La Vierge à midi. Học được vài tháng thì đến 19 – 12 – 1946 cả nước bắt đầu cuộc “Trường kỳ chống Pháp”. Quân Pháp chiếm đóng thành phố Hà Nội, Nam Định. Chúng tôi có 4 người ở Hà Nội và tôi ở Nam Định, không thể về ăn tết ở gia đình, phải ăn tết lần đầu ở chủng viện. May thay, tết đó thầy Hoan đã sáng tác 1 bài hát giúp chúng tôi ăn tết vui vẻ, trong hy vọng, đó là chúng tôi được ở chủng viện là để được đào tạo thành “linh mục tương lai” cho Giáo hội. Bài hát như sau:
– Đùng đùng đoàng đoàng, pháo nổ dã man,
Vù vù ầm ầm, chim bay hung tàn.
Mưa xuân rơi đoàng, mây đen căng màn,
Màu chủ nghĩa, máu thực dân lương dân,
Muốn tô giáo hội, đương nhuộm giang sang.
Ôi đông điêu tàn, trên nước Việt Nam,
Ôi xuân điêu tàn.
– Và này trong Chủng viện rất hân hoan,
Đoàn chủng sinh nở khiết trinh huy hoàng.
Ngàn hoa tỏa hương đàn ca mừng xuân.
Tạ Chúa, tạ Mẹ, các cha các thày,
Luyện chúng con thành linh mục tương lai.
Bình minh ngày mai, hùng binh trời sai,
Cho giáo hội và tổ quốc Việt Nam.
Thầy Hoan rất quan tâm để nâng đỡ chúng tôi trong hoàn cảnh này. Đến năm 1948 dịp lễ truyền tin cho Đức Mẹ, thầy lại làm một bài thơ ca tụng và cầu xin Đức Mẹ cho lớp chúng tôi là những “linh mục tương lai”. Thầy Nguyễn Khắc Xuyên cũng học Xuân Bích đã dệt nhạc vào bài thơ này, khi có dịp nhiều người cùng hát, nhất là câu điệp khúc, thường làm cho mọi người nổi da gà. Thầy Xuyên đã xuất công xuống tận Phát Diệm xin đức cha Lê Hữu Từ cho phép hát trong nhà thờ. Sau khi được phép, tôi thấy bài hát được phổ biến các xứ để cầu cho các “linh mục tương lai”.
Sau đây là điệp khúc của bài “Linh Mục đầy ơn phúc”
– “Mẹ Đồng Trinh, Mẹ giữ con ngày đêm,
Mẹ nhớ luôn giữ con ngày đêm.
Linh mục của Chúa Trời, hoan ca trong mọi lúc,
Linh mục đầy ơn phúc, ra đi gieo Tin Mừng,
Yêu vô biên, khiêm nhường, phụng sự tình thương mến, đưa anh em nhiều lên”.
Sau hè năm 1948, quân Pháp bỏ bom tiểu chủng viện, chúng tôi buộc phải giải tán. Bài hát “Linh Mục đầy ơn phúc” giúp chúng tôi nhớ đến chức linh mục cho tới năm 1952.
Đến năm 1952 giáo phận Hà Nội mới có giám mục người Việt Nam là Đức cha Giuse Trịnh Như Khuê. Ngài cũng được ba cha đã du học Pháp, đậu cử nhân Sorbone, về giúp đức cha mở lại tiểu chủng viện ở Hà Nội, lấy tên là Tiểu chủng viện Piô XII. Cha Antôn Đinh Lưu Nhân làm giám đốc, cha Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Vinh, cùng với một số cha và thầy Xuân Bích chọn 1 cách giáo dục mới, (khai phóng), không có giám thị, các cha giáo đều làm linh hướng. Vì thiếu giáo sư Việt, toán, lý, hóa, sử, địa, các cha chủng viện phải trao đổi với các giáo sư giỏi của trường Chu Văn An của nhà nước. Nhờ đó việc học thi kết quả rất tốt. Chúng tôi thi phổ thông 40 thì đậu 20, thi tú tài 30 thì đậu 15. Chúng tôi rất mừng kết thúc giai đoạn tiểu chủng viện, và được chọn lên Đại Chủng viện Xuân bích Hà Nội.
Phần chúng tôi vừa mới được gọi lên vào giai đoạn được đào tạo tại Đại chủng viện của Xuân Bích, thì chính ngày 18 – 07 – 1954 Đại chủng viện phải di cư vào miền nam. 90 thầy thuộc các Giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Vinh được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm 15 thầy để lo chuyển đồ đạc, giường tủ, bàn ghế xuống tàu thủy và lên tàu hỏa để vào Nam. Vào Sài Gòn chưa kiếm được nơi ăn nghỉ, thì Đức cha Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long vừa xây xong một trường học nội trú 2 tầng lầu, ngài sẵn sàng cho mượn 2 năm. Chúng tôi lo chở tủ giường bàn ghế xuống Vĩnh Long.
Chúng tôi được đào tạo hun đúc về ơn gọi, về đời sống thiêng liêng, về trí thức, về tình cảm, nhân bản. Cha Courtois giúp chúng tôi có kiến thức về điện lực, điện thoại, điện từ để ghi âm, kỷ thuật số để ghi hình… Cha Bouyer Bình giúp hiểu biết về điện ảnh, ý nghĩa các cuộn phim hay như: Quo Vadis, Ben Hur, cầu xông Kwai… cha Villard giúp hiểu biết về hội họa của họa sĩ Picasso, Michel Ange, về âm nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven, Bach, Schubert… Hè năm triết 1, các cha tổ chức cho đi tham quan Đà Lạt, thăm các dòng Oiseaux, Domaine De Marie, dòng Chúa Cứu Thế, đặc biệt là leo núi LangBiang cao nhất Đà Lạt, nơi các sĩ quan trường Võ bị Đà Lạt phải qua để được mãn khóa. Hè năm triết 2, cha Gastine dẫn chúng tôi đi tham quan Kontum để khám phá các làng của người Thượng.
Hết 2 năm Triết ở Vĩnh Long, Xuân Bích kiếm được nhà tại khu vực Thị Nghè, chúng tôi lại đem đồ đạc, tủ giường, bàn ghế lên xe về học tiếp 4 năm Thần học ở Thị Nghè. Ở Thị Nghè chúng tôi học các môn Thần học như Huấn giáo, Giáo hội học, Kitô học, Luân lý hôn nhân… Đặc biệt chúng tôi dành mỗi năm 1 tháng hè để thầy trò thực tập làm mục vụ với nhau ở 4 vùng chiến thuật miền Nam. Chúng tôi chia từng nhóm 15 thầy gồm các lớp lớn nhỏ, với một cha giáo hướng dẫn. Năm 1947 lớp tôi với cha Corpet thực tập dạy giáo lý dự tòng cho dinh điền Buntusay ở tỉnh Đắc Nông. Năm 1958 nhóm tôi với cha Bouyer huấn luyện giáo lý viên ở Mằng Lãng, Tuy Hòa. Năm 1959 thực tập dạy giáo lý rước lễ vỡ lòng ở các xứ Cần Thơ, Rau Răm, Tham Tướng, Phong Điền… thầy trò chúng tôi trao đổi sắp xếp với nhau để thực tập, tạo nên một thói quen mà chúng tôi gọi là “truyền thống Xuân Bích”, về đạo đức, trí thức, dạy dỗ, sống chung mà sau này tôi, cha Ngô Phục, cha Lê Công Đức đã có dịp chia sẻ vào ngày giỗ tổ hàng năm.
Đến năm 1960, vì tôi thuộc giáo phận Hà Nội buộc phải gia nhập giáo phận địa phương miền Nam. Lúc đó giáo phận Cần Thơ đang cần giáo sư để mở Tiểu Chủng Viện. Cha Cao Phương Kỷ thuộc giáo phận Hà Nội, đã nhập Cần Thơ và đang dạy ở Tiểu Chủng Viện, đã báo cho cha giám đốc Augustinô Huỳnh Văn Mão giám đốc Tiểu Chủng Viện Cần Thơ để lên Sài Gòn mời một số anh em chúng tôi về giúp. Ngài đã gặp được các thầy Chung, Thu, tôi thuộc Hà Nội, và một thầy Châu thuộc Thái Bình chấp thuận gia nhập Cần Thơ. Nhưng chúng tôi phải làm “dâu” giúp dạy học Tiểu Chủng Viện một năm. Ngày 20 – 05 – 1961 chúng tôi mới được đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền phong chức Linh mục ở Sài Gòn, và được nhận bài sai về giúp Tiểu Chủng Viện Cần Thơ. Riêng tôi được bài sai về làm linh hướng tại Tiểu Chủng Viện, mấy cha lớn tuổi đều không bằng lòng, coi tôi còn trẻ, mới 27 tuổi. Tôi xin đức cha cho làm thầy dạy học thôi, nhưng đức cha bảo “cha hãy nghe tôi”.
Tôi đã trải qua giai đoạn tại Đại chủng viện suốt 6 năm như đã kể trên vì lúc đó chưa có Ratio 2012. Ratio 2012 thì cho biết phải qua nhiều thời kỳ: Năm tu đức – Chu kỳ 2 năm Triết học – Năm thử – Chu kỳ 4 năm Thần học. Các giai đoạn nhằm đào tạo thành những “con người hiệp thông, mầu nhiệm, truyền giáo”. Tuy nhiên, đến năm 2016 Bộ giáo sĩ đã dựa vào góp ý của các Bộ, các giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bêbêđictô XVI, và Phanxicô để soạn thảo thành Ratio 2016, một Bản Đào Tạo độc nhất và tiệm tiến trong suốt đời sống linh mục đó là đào tạo để trở thành môn đệ Chúa Giêsu, luôn luôn sống đồng hành đồng dạng với Chúa Giêsu là Thủ Lãnh, là Mục Tử, là Tôi Tớ và là Hôn Phu, một cuộc đào tạo trường kỳ thực hiện suốt đời linh mục, gắn liền với 2 năm triết học, là đào tạo thành môn đệ thừa sai (disciple missionnaire), và gắn liền với 4 năm thần học là đào tạo sống đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cũng như gắn liền với giai đoạn mục vụ cho đến mãn đời. Đây mới thực là nền tảng cốt lõi của việc đào tạo linh mục.
- Giai đoạn sau chủng viện.
Bản Đào tạo 2012 là giai đoạn bắt đầu, giai đoạn trường kỳ trong đời sống linh mục vào mọi lứa tuổi và mọi điều kiện sinh sống. Giai đoạn sau Đại chủng viện bao gồm:
1) Năm Mục Vụ; để thực lập làm mục vụ, rồi đức giám mục chọn lên làm phó tế. Cuối năm có thể được làm linh mục.
2) Năm năm đầu đời linh mục; gìn giữ và gia tăng động lực tình yêu trong đời sống linh mục. Về mặt nhân bản: Tập sống hiệp thông. Về mặt thiêng liêng: Trung thành với các giờ đạo đức và cầu nguyện, sống khiết tịnh khó nghèo. Về mặt tri thức tham gia thuyết trình và hội thảo, soạn bài giảng, lãnh đạo giáo xứ.
3) Các năm tiếp theo; là những linh mục trung niên, lo kiện toàn đời sống nhân bản: trưởng thành về mặt tình cảm, tính dục, ý chí tự do. Về đời sống thiêng liêng: “dâng lễ hàng ngày, đi kèm với việc dọn mình và cảm ơn thích hợp, xưng tội thường xuyên, cử hành đầy đủ và sốt sắng Phụng vụ các giờ kinh, nguyện ngắm, đọc sách thiêng liêng, tôn kính Đức Mẹ như lần chuỗi”. Làm tất cả để gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu, Chúa Cha, Chúa Thánh Thần. Bản Ratio 2012 chỉ dẫn như vậy, còn bản Ratio 2016 thì tập trung vào đào tạo thành môn đệ thừa sai của Chúa Kitô, và sống đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Thủ Lãnh, là Mục Tử, là Tôi Tớ, là Hôn Phu. Ratio 2016 cũng cho biết các linh mục sẽ gặp nhiều thách đố như:
a) Cảm thấy mình yếu đuối trước nhiều khó khăn mục vụ.
b) Có cảm nghiệm mình như là người công chức của Giáo hội, công chức làm việc thánh.
c) Các lôi cuốn của văn hóa thế tục.
d) Những hấp dẫn của thế lực, tiền bạc.
e) Thử thách do đời sống độc thân.
Muốn đối phó với các thách đố cần tập luyện về chiều kích nhân bản như khiêm tốn, can đảm, thực tế, quảng đại, phán đoán ngay thẳng, bao dung, trọng lẽ phải, tử tế, trọng chân thiện mỹ… tập luyện chiều kích thiêng liêng như hiệp thông cá vị với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, yêu mến Phụng vụ giờ kinh, năng lãnh bí tích cáo giải, tĩnh tâm riêng, linh hướng, sống khiết tịnh trong bậc độc thân, sống tinh thần khó nghèo, sùng kính Đức Mẹ. Về chiều kích tri thức chịu khó đọc sách báo, coi tuyền hình, các loại trình diễn (show). Về mục vụ tập làm việc chung, trao đổi, đối thoại…
- Các năm nghỉ hưu.
Bản Ratio 2012 chỉ dẫn về giai đoạn hưu như sau: “giáo phận phải dự liệu việc cấp dưỡng và nhà ở để các linh mục đến tuổi an tâm tịnh dưỡng và dùng thời gian để chìm sâu trong cầu nguyện và khám phá ý nghĩa chiêm niệm của đời sống linh mục, để thấy đời mình vẫn còn hữu ích”. Bản Ratio cũng nhắc tới việc các linh mục già yếu, cảm thấy mình không còn ích lợi cho ai nên dễ có tâm trạng bị bỏ rơi và phải sống cô đơn một mình. Từ đó dễ bị cám dỗ bám víu vào những giá trị vật chất mà trước dây mình đã sẵn sàng từ bỏ. Bản Ratio còn nói tới “những thói quen xấu và tật nghiện ngập, một khi đã ăn sâu vào đời sống các linh mục, ví dụ như nghiện rượu, nghiện tivi, tật thích lấy đồ lặt vặt, hoặc những quan hệ không lành mạnh, những điều này sẽ gây ra thiệt hại về mặt thiêng liêng và hiệu quả của việc mục vụ. Đối với các thách đố trên “trước hết ân sủng chữa lành kỳ diệu của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện đặt biệt qua Bí Tích Hòa giải và Thánh Thể, thêm vào đó tình huynh đệ linh mục cũng có thể giúp vượt qua”. Còn Bản Ratio 2016 đã không bàn gì về vấn đề hưu.
Còn phần tôi, tôi nhớ là suốt các giai đoạn ở Đại chủng viện và sau Đại chủng viện cho tới khi về hưu, tôi không nghe nói đến chuyện về hưu. Mãi tối khi 75 tuổi, dịp cấm phòng tháng, cha quản hạt nhắc tôi phải làm đơn xin Đức giám mục cho phép về hưu theo giáo luật điều 538 § 3. Tôi đã làm đơn xin và Đức cha cho phép tôi được miễn nhiệm và nghỉ hưu. Giáo luật không dùng chữ “hưu”, chỉ dùng chữ “từ nhiệm”. Cụ thể là tôi thấy không ở tại xứ và coi xứ nữa mà về nhà hưu dưỡng ăn uống ngủ nghỉ. May thay dịp này, cha linh hướng Bouyer ở Xuân Bích có tặng tôi 1 cuốn sách viết về tuổi thọ và cách sống trong tuổi này. Đó là cuốn “La Vie devant nous” mà tôi dịch là “Cuộc sống vĩnh hằng trước chúng ta”. Tác giả là cha Henri Buissonnier, ngài đã sống tới 95 tuổi. Ngài đã viết: tuổi thọ là hồng ân của Thiên Chúa ban, không phải ai cũng được hưởng; tuổi thọ là được khôn ngoan nên phải biết dùng để cảm tạ Thiên Chúa và phục vụ mọi người, lo sống sao cho hữu ích chứ không được sống vô dụng như cục sắt gỉ.
Thế rồi năm 2013 Cha Long, Tuyên úy sinh viên Cần Thơ gặp trong internet bản dịch Việt của sách Youcat là giáo lý cho giới trẻ quốc tế, vừa mới, vừa hay, do một cha dòng Đồng Công dịch. Cha Long cho tôi một bản, tôi thấy bản dịch Việt không ổn nên tôi khuyên ngài chờ tôi dịch lại, ngài chấp thuận và nhờ các sinh viên đánh máy. 6 tháng dịch xong, xin Imprimatur của Đức cha Cần Thơ, ngài bảo phải trình cho Đức cha Bùi Văn Đọc, trưởng ban giáo lý của Hội đồng giám mục. Đức cha Đọc xem cuốn Youcat Việt Nam in màu rất đẹp, ngài vui vẻ nói: “Tôi đã nhờ các cha trong ban giáo lý toàn quốc chuyển dịch từ năm 2011 mà chưa xong. Nay có sẵn bản dịch tốt đẹp thì lo xuất bản mà dùng”. Tôi trao trách nhiệm cho ban Youcat Cần Thơ lo trao đổi với ban Youcat Pháp và Đức để xuất bản cho giới trẻ Việt Nam.
– Năm 2015, tôi xem báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật có đăng tin tác giả Đặng Hoàng Giang, một tiến sĩ hoạt động xã hội, hễ thấy chuyện “Bức xúc xảy ra trong xã hội, anh không bao giờ thờ ơ vô cảm, hay tỏ ra vô cảm vô tội, vô trách nhiệm, anh đã quan tâm để phân tích khách quan và bình luận sâu sắc, và còn đề xuất những giải pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm. Anh đã xuất bản cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” gồm 26 bài, chẳng hạn bài: “Lại chuyện bia, thịt chó, và ấn đền thần”, “Từ thiện câu like”, “Tìm lại cơ thể”… Tôi đã đọc kỹ và tìm học được một việc “tử tế tốt lành”, và ý thức mình là một thành phần trong giáo hội và xã hội, nên gặp điều gì gây bức xúc, mình không “vô can” mà phải tìm cách “can vô” để giúp nó tốt đẹp hơn, bớt bức xúc hơn. Do đó tôi đã viết gần 100 bài gửi đăng trong internet, có bài Google cho biết đã được 20678 lượt xem, đó là bài “Vấn đề lạm dụng tình dục”.
– Năm 2020 tôi bị đột quị vì cao huyết áp lúc 7 giờ tối, nôn mửa rồi bất tỉnh một mình đến 9 giờ tối, tôi tỉnh lại rồi đi ngủ. Khi đi chụp MRI tôi bị 3 mạch máu não hẹp phải uống thuốc trị đột quị.
– Năm 2021 mừng Ngọc Khánh, quý cha hỏi tôi có làm gì không? Tôi mới đột quị nên chẳng nghĩ gì. Các cha đề nghị tôi in các bài tôi đã viết để làm kỷ niệm. Tôi chấp nhận và in “Tuyển Tập Mừng Ngọc Khánh”, một ngàn cuốn tặng quý cha Cần Thơ, Xuân Bích Huế, và Hưng Hóa.
– Năm 2022, trưa thứ Bảy Tuần Thánh, tôi lại bị đột quị vì cao huyết áp phải đi cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ và nằm để hồi sinh 18 ngày, cuối cùng phải đặt 1 stent trong tim rồi mới được xuất viện về sống tới nay.
- Đề Kết.
Tính ra đến nay tôi đã sống qua 13 năm, thời gian rất lâu tại Nhà Hưu Dưỡng, có lúc vui lúc buồn, nhưng “dù cho vành môi se khô mấy cũng mỉm cười”. Đối chiếu Bản Đào Tạo linh mục với đời sống tôi, tôi thấy được an tâm phần nào. Hằng ngày tôi làm lễ riêng, cám ơn, đọc kinh sáng, kinh sách, ăn sáng, uống thuốc, nghe đài Vatican, đài Chân lý Á châu để “Sentire Cum Ecclesia” và cầu nguyện cho Giáo hội và xã hội. Tiếp theo là mở nghe các show của linh mục An Bình, của nhóm linh ca của các linh mục, nhóm Acoustic, nhóm Lửa Hồng với Tiếng Hát Giáo Đường. Đặc biệt mới đây, Đài Vatican tổ chức nhiều show để giúp nhập cuộc Hiệp Hành theo Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, cha Nguyễn Gia Huy đã cộng tác với các bạn ở Rôma để bắt nhịp cầu dẫn vào Hiệp Hành rất linh động. Sau đó, ăn trưa ngủ trưa rồi đọc kinh trưa, đọc sách báo, viếng Chúa, lần chuỗi, đọc kinh chiều. Hàng tháng xưng tội, thứ năm đầu tháng tặng các quý cha bài hát để cầu nguyện cho các linh mục. Qui Chế Hưu Dưỡng linh mục cho biết là không buộc tham dự tĩnh tâm năm, không buộc tham dự các khóa bồi dưỡng hằng năm.
– Tôi xin hỏi 1 câu thôi: Qui Chế Hưu Dưỡng linh mục nói: Linh mục hưu dưỡng có thể tiếp khách tại phòng riêng hoặc tại phòng khách chung. Nếu khách là nữ tu, phụ nữ, thiếu nữ, thì sao? Xin Hội đồng linh mục cho biết.
– Cuối cùng riêng thứ bảy cuối tuần, tôi thích nghe cô ca sĩ người Ý hát bài Ave Maria của Schubert, và ca sĩ Phạm Khánh Ngọc hát bài Ave Maria của Gounod, bài hát kết thúc bằng lời cầu nguyện: Sancta Maria, Ora pro nobis peccatoribus nunc et in hora mortis nostrae. Amen. Rồi tôi đi ngủ trong bình yên.
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục
Cần thơ, ngày 04 – 12 – 2024
Lm. Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI CHIẾU BẢN ĐÀO TẠO LINH MỤC VỚI ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM ĐỐC ĐẠI CHỦNG VIỆN VÀ TIỀN CHỦNG VIỆN CỦA PHÁP : ĐỪNG TẠO RA NHỮNG BẢN SAO
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI