ĐỜI SỐNG THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO QUA CẢM NGHIỆM CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ (Phần 1)

Written by lcd on Tháng Tư 20th, 2015. Posted in Tâm linh, Thiên Phong

 GIỚI THIỆU

 Ai từng một lần chạm đến Vô Biên chắc cả ngàn năm sau cũng chẳng quên được giây phút hạnh phúc ngất ngây ấy. Dường như trong thời khắc đó người ấy không còn sống trong thân xác, bởi toàn thân đang hợp nhất với Cõi Thiêng. Hệ quả giác quan cảm nhận được là toàn thân nóng và sáng lên; con tim đập mạnh hơn, trí óc không sao kiểm soát được. Người ấy như chết lặng vì được Đấng Vô Biên yêu thương quá sức. Hạnh phúc quá đỗi! Người ấy như vừa “từ trời xuống”. Một cách đơn sơ, người ta gọi cái chạm nhẹ ấy là cảm nghiệm thần bí.

Người ta sẽ khát khao tìm kiếm cái hạnh phúc ngất ngây ấy nếu nó là thực tại có thể chiếm hữu được. Tuy nhiên, thật sai lầm cho người dám đem thân hữu hạn chiếm đoạt cõi vô biên, bởi chính khát vọng vĩnh cửu ấy cũng đến từ Đấng Vĩnh Cửu, và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ được ban cho người biết đón nhận và kết hợp với Ngài trong tình yêu. Vậy nên, người khát khao vĩnh cửu là người biết đón nhận cuộc sống này trong niềm vui vĩnh cửu.

Người ki-tô hữu ý thức sự cao cả của mình trong hướng đích kết hợp với Thiên Chúa, hay được thần hóa. Họ sống ở trần gian mà cõi lòng chạm tới trời cao, vì được chính Đấng là Thiên đàng yêu thương quá đỗi, ngay trong những nhọc nhằn và gai góc của phận người. Người ki-tô hữu trong thế giới tục hóa hôm nay càng cần được khích lệ để biết đi vào với sự huyền nhiệm nơi Thiên Chúa.

Có hai con người, một nam một nữ. Họ đã sống cuộc đời rất bình dị trong không gian chật hẹp của đan viện Cát-minh Tây Ban Nha, thế mà tâm hồn họ lại thường xuyên vượt không gian đến tận cõi vô biên. Trong cõi huyền nhiệm ấy, Thiên Chúa thông truyền cho họ chính Ngài và kết hợp đặc biệt với họ trong tình yêu. Vì được kết hợp với Thiên Chúa, họ cũng hòa hợp với nhau cách hoàn hảo về cả đời sống, công việc, giáo thuyết. Hai con người vĩ đại của lịch sử Ki-tô giáo thế kỉ XVI ấy là Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Cảm nghiệm thần bí mà các ngài để lại đã làm cho các ngài được nhìn nhận là những vị thánh thần bí của Hội Thánh Công Giáo.

Linh mục tự căn tính nhờ hiệu quả của bí tích Truyền Chức Thánh được trở nên một Alter Christus – Chúa Ki-tô khác – được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử. Linh mục thi hành chính sứ vụ của Chúa Ki-tô là kết hiệp muôn dân với Thiên Chúa Cha. Hơn bất cứ người nào, linh mục mang trong mình sự thánh thiêng của Thiên Chúa, ngài phải nỗ lực sống và làm lan tỏa tình yêu thánh thiêng ấy. Nếu đức ái mục tử là nguyên lý thống nhất đời sống và sứ vụ linh mục,[1] và do đó là con đường nên thánh của linh mục, thì điều quyết định là sự kết hợp giữa linh mục và Đức Ki-tô, và qua Đức Ki-tô linh mục kết hợp với Thiên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Kết hợp như vậy là “thần bí” trong nghĩa rộng nhất và dễ tiếp cận nhất của từ này.

 TỔNG QUAN VỀ THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

Trong thế kỷ XX, có nhiều cuộc tranh luận thần học về thần bí Ki-tô giáo xoay quanh hai vấn đề chính : Ki-tô giáo có phải là đạo thần bí không? Và phải chăng tất cả các ki-tô hữu đều đạt đến trình độ thần bí?[2] Thiết tưởng, trước khi tìm hiểu sự kết hợp huyền nhiệm giữa con người và Thiên Chúa, cần phải nhận rõ nền tảng, bản chất và đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo. Tiếp đến, việc phân tích hành trình thần bí sẽ giúp khám phá ra cách thức Thiên Chúa ban ơn để kết hợp con người với Ngài. Cuối cùng, mối quan hệ giữa thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo là chủ đề đáng quan tâm hơn cả.

 I. NỀN TẢNG VÀ BẢN CHẤT THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

 Để hiểu bản chất thần bí Ki-tô giáo, cần truy tìm nguyên ngữ của từ thần bí. Rồi từ đó tìm hiểu những hiện tượng thần bí như xuất thần, ngất trí…. Ở đây việc khám phá nền tảng Thánh Kinh về thần bí có tầm quan trọng, vì nhờ đó mới có thể hiểu đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo.

 1. Khái niệm thần bí

1.1. Từ ngữ

Thần bí (hay huyền bí, huyền nhiệm) được dịch bởi từ mystica trong tiếng Latinh, tiếng Anh là mysticism, tiếng Pháp là mysticisme. Danh từ mystica không xuất hiện trong Thánh Kinh.[3] Hiểu như tính từ thì mystica bắt nguồn bởi động từ myo (che, bịt, giấu), hoặc bởi danh từ mysterium (huyền bí, mầu nhiệm).

Trong Thánh Kinh, thánh Phaolô có dùng từ mysterium để nói về chương trình cứu độ nơi Đức Ki-tô, nhưng không nói đến cảm nghiệm huyền bí khi bàn về sự kết hợp với Ngài. Như vậy có thể nói mặc khải Ki-tô giáo không biết tới thần bí và chiều kích huyền bí chủ yếu là yếu tố ngoại lai du nhập vào Ki-tô giáo. Tuy nhiên, về thực chất thần bí là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, điều này được diễn tả mức tột đỉnh nơi Đức Giêsu Ki-tô, theo nghĩa này thì thần bí nằm ở trung tâm của mặc khải Thánh Kinh.

            Trong lịch sử Ki-tô giáo, từ thần bí cũng được áp dụng vào nhiều thực tại khác nhau. Thời các Giáo phụ, thực tại thần bí được gắn liền với mầu nhiệm căn bản là Đức Ki-tô. Đến thời cận đại, thần bí được hiểu về một cảm nghiệm hiệp nhất với Thiên Chúa. Cảm nghiệm thường được diễn ra trong khung cảnh cầu nguyện, đưa đến xuất thần.[4] Sang thời hiện đại, thực tại thần bí được đồng hóa với các hiện tượng thần bí, người ta thường chú ý đến những người được thị kiến hoặc được in dấu thánh (stigmata).

Ngày nay, giới nghiên cứu thường chia các nhà thần bí thành ba loại: thần bí tâm cảm, tiêubiểu là thánh Phanxicô Átsisi; thần bí trí năng, với đại diện là thánh Gioan Thánh Giá và TêrêsaAvila; và thần bí định hướng tông đồ với thánh Phaolô và thánh Inhaxiô Lôyôla là đại diện.[5]

 Trong luận văn này, từ “thần bí” được dùng hoặc theo nghĩa hẹp hoặc theo nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là sự kết hợp đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người nơi Đức Giêsu Ki-tô, thường gắn liền với những hiện tượng ngoại thường. Nghĩa rộng là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người hiểu như là bản chất đời sống tâm linh của mọi ki-tô hữu, và bất cứ ki-tô hữu nào cũng được mời gọi đào sâu và vun xới sự kết hợp này.

 1.2. Kinh nghiệm, cảm nghiệm và đời sống thần bí

1.2.1. Kinh nghiệm thần bí

Xét như một thực tại tâm linh, kinh nghiệm thần bí là một nhận thức về hoạt động Thiên Chúa trong linh hồn. Kinh nghiệm thần bí là một kinh nghiệm thụ động, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tạo ra kinh nghiệm này trong người ta bằng sự hoạt động các ân huệ của Ngài.[6] Những kinh nghiệm này có khi được ghi lại có khi không. Những kinh nghiệm thần bí được ghi lại sẽ trở thành cảm nghiệm thần bí được chia sẻ của người đó, và họ được gọi là những nhà thần bí.

            Người ta không đồng hóa nhà thần bí với tác giả thần bí. Nhà thần bí sống kinh nghiệm kết hợp với Thiên Chúa, nhiều khi họ giữ kín mối tình thân mật này chứ không quảng cáo rầm rộ. Lý do của sự kín đáo đó không chỉ do đức khiêm nhường thúc đẩy nhưng còn do chính bản chất của sự kết hợp thần bí.[7] Các tuyệt phẩm thần bí của Têrêsa Avila đều ra đời từ đức vâng lời của ngài với các cha giải tội. Cũng thế, các tuyệt tác thần bí của Gioan Thánh Giá chỉ được hoàn thành do sự khẩn nài của môn sinh và con cái thiêng liêng của ngài. Họ thực là các nhà thần bí trứ danh. Trong khi đó, nhiều tác giả thần bí có thể chẳng có tí kinh nghiệm thần bí nào cả. Họ nghiên cứu các tác phẩm của các nhà thần bí, phân tích và đối chiếu các cảm nghiệm, rút ra nhận xét dùng cho việc giảng huấn.

            Như vậy, kinh nghiệm thần bí cần được xác nhận bởi cảm nghiệm về Thiên Chúa và cách thức truyền đạt cảm nghiệm đó cho người khác.

1.2.2. Cảm nghiệm thần bí

Không chỉ trong Ki-tô giáo mà ngay cả nơi các tôn giáo khác, các nhà thần bí đều đồng ý rằng đặc điểm căn bản của cảm nghiệm thần bí là tính khôn tả. Cảm nghiệm thần bí khác xa với các cảm nghiệm thường nhật, nên không thể dùng ngôn ngữ thông thường mà diễn tả.[8] Hơn nữa, cảm nghiệm thần bí thuộc về thế giới siêu việt, thuộc về tâm tình hơn là ý tưởng. Có khi nhà thần bí nhận được cảm nghiệm cách bất chợt, mà không giải thích nổi nguồn gốc của nó. Thánh Phaolô cũng ngập ngừng khi thuật lại cảm nghiệm thần bí của mình.[9] 

Thực vậy, có nhiều người sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, mà chẳng thổ lộ cho ai biết hoặc không thể thổ lộ. Như vậy, có thể nói rằng người ta sẽ chẳng biết gì về thần bí nếu không có cảm nghiệm, hoặc những người đã cảm nghiệm không chia sẻ cảm nghiệm đó của mình. Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá thuộc vào số những người vừa có cảm nghiệm thần bí, vừa kể lại những cảm nghiệm ấy bằng ngôn ngữ thần học qua việc mô tả hình ảnh và tiến trình đã trải qua. Thánh Têrêsa gọi đó là ân ban đặc biệt của Thiên Chúa.[10]

Nói tắt, cảm nghiệm thần bí là ân huệ Thiên Chúa ban, để con người nhận biết sự kết hợp với Ngài đồng thời có thể lưu lại cảm nghiệm ấy cho người khác.

1.2.3. Đời sống thần bí

Nếu hiểu thần bí là sự kết hợp với Thiên Chúa, thì mọi ki-tô hữu đều được gọi vào đời sống thần bí. Đó là sự kết hợp thần bí nhờ thông dự vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô qua các bí tích, và trong Người tham dự vào mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.[11]

Đời sống thần bí là kết quả của cảm nghiệm thần bí. Chính những cảm nghiệm thần bí biến đổi đời sống con người, không những làm cho họ thuộc trọn về Chúa mà còn trở nên giống Chúa. Người đó làm mọi việc trong tình yêu Chúa. Cho nên, đời sống thần bí là đời sống trong Chúa, thuộc về Chúa vì được nên một với Ngài.

Ngoài ra, nhiều sách tu đức còn đề cập đến hành vi thần bí và tình trạng thần bí. Hành vi thần bí là một hoạt động ít nhiều mạnh mẽ của một ân huệ Chúa Thánh Thần. Có thể ví như một trận mưa. Còn tình trạng thần bí là hoạt động của các ân huệ Chúa Thánh Thần theo cách thức thần linh. Hoạt động đó trong tình trạng ổn định vững chắc, thường xuyên và đều đặn, được biểu hiện cách trổi vượt và rõ rệt hơn việc thực hành các nhân đức phú bẩm theo cách thức con người. Tình trạng thần bí được ví như cả mùa mưa.[12]

1.3. Các hiện tượng thần bí[13]

Các hiện tượng thần bí là các hiện tượng vật lý khác thường, gặp thấy nơi các thánh nhân, hoặc những người được Chúa tác động cách đặc biệt. Các hiện tượng này được phân chia theo ba quan năng của con người là tri trức, tình cảm và thân xác.

            Trước hết, những hiện tượng thuộc loại tri thức bao gồm: Thị kiến, siêu ngôn, mặc khải, phân định tinh thần và thiên cảm. Thị kiến là hiện tượng nhìn thấy một đối tượng mà mắt thường không thể nhận thức được, như nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh hay các thiên thần. Thánh Têrêsa Avila phân biệt thị kiến tri thức và thị kiến tưởng tượng: Thị kiến tri thức là hiện tượng thấy rõ Chúa Ki-tô ở gần mình dầu không thể thấy Người dưới con mắt xác thịt hay linh hồn. Thị kiến kéo dài nhiều ngày, linh hồn nghe được tiếng Chúa nói mà không thấy hay tả được Thiên Chúa như thế nào. Còn thị kiến tưởng tượng là hiện tượng Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn theo cách mà linh hồn không thấy (có hình ảnh mà không nhìn thấy) về chính Nhân Tính Thánh thiện của Chúa Giêsu. Hình ảnh đó khắc ghi rất sâu vào trí tưởng tượng, không gì có thể xóa nhòa được.[14]

            Siêu ngôn là hiện tượng nghe thấy một tiếng nói, một sứ điệp. Tiếng nói đó có thể phát ra từ bên ngoài người nghe hoặc được phán từ nội tâm. Mặc khải: thị kiến là thấy, siêu ngôn là nghe. Có hiện tượng vừa nghe và thấy thực tại thần linh gọi là mặc khải. Tuy nhiên, hai hiện tượng có thể tách rời nhau, như chỉ thấy một hình ảnh hay chỉ nghe một tiếng nói. Thần học đặt tên cho hiện tượng này là “mặc khải tư” để phân biệt với “mặc khải công” đã trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Phân định tinh thần là ơn ban giúp phân biệt điều tốt điều xấu và ơn đọc được tư tưởng của người khác dù họ muốn giấu kín. Thánh Gioan Vianney và thánh Pio Pietrelcina khi ngồi tòa giải tội đã nhắc nhở hối nhân khi họ chủ tâm không xưng thú. Linh giác là khả năng nhìn thấy tính cách linh thiêng của một đối vật, như biết tấm bánh đã được truyền phép hay không.

Thứ đến là những hiện tượng thần bí trong lãnh vực cảm xúc có xuất thần và lửa mến. Xuất thần nghĩa là ra khỏi mình. Đây là hiện tượng đương sự bị thu hút bởi đối tượng chiêm ngắm, đến nỗi mất hết tương quan với thế giới hiện tại. Xuất thần là hiện tượng thần bí được nói nhiều hơn hết trong cảm nghiệm thần bí. Hiện tượng này có thể xảy ra chớp nhoáng hay kéo dài, tiệm tiến hay đột ngột. Khi xuất thần đương nhiên xẩy ra tình trạng ngất trí.

Theo thánh Têrêsa Avila, ngất trí là hiện tượng ân huệ Thiên Chúa tác động mạnh mẽ trên linh hồn, làm cho các giác quan ngừng hoạt động, tay và thân thể cứng lạnh, có khi thở có khi không. Hiện tượng chỉ kéo dài trong khoảnh khắc. Hậu quả của hiện tượng là ý chí hoàn toàn bị Thiên Chúa thu hút, trí thức hoàn toàn được biến đổi. Thánh nhân cũng cho rằng có một loại ngất trí khác gọi là phóng tâm – linh hồn nhận thấy một tác động mạnh mau lẹ đến nỗi tâm linh dường như đem vụt đi. Linh hồn cảm thấy mình ở trong một thế giới khác. Trong giây lát linh hồn biết được nhiều điều mà trí tưởng tượng và suy luận mất nhiều năm cũng không hiểu được một phần nghìn điều đó. Đó là cách Chúa thông đạt cho linh hồn không qua lời. Ở trong cơn ngất trí này,  Têrêsa cũng không chắc linh hồn có còn ở trong thân xác nữa không[15]. Hậu quả của hiện tượng làm ý chí hoàn toàn bị Thiên Chúa thu hút, trí thức hoàn toàn được biến đổi. Lửa mến là hiện tượng ám chỉ ngọn lửa tình yêu bừng cháy trong con tim và tùy theo nồng độ lan tỏa ra môi trường.

Cuối cùng là những hiện tượng thần bí ảnh hưởng đến thân xác. Hiện tượng này thường gây ấn tượng với người xung quanh, dễ quan sát. Nó bao gồm: dấu ấn thánh, khinh hóa và các hiện tượng phát quang. Dấu ấn thánh là hiện tượng đương sự mang trên mình những thương tích của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy chứng tích đầu tiên nơi thánh Phanxicô Átsisi, ngày 17 tháng 9 năm 1224. Rồi nơi thánh Anne-Catherine Emmerick (1774-1824), thánh Gemma Galgali (1878 – 1903), thánh Piô Năm Dấu (1887 – 1968). Nổi tiếng hơn cả là thánh Catarina thành Siena. Khinh hóa là tình trạng thân thể được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, có khỉ chỉ vài gang tay, có khi cao hẳn như bay bổng. Trường hợp nổi tiếng nhất là thánh Giuse Copertino (1603-1663), thánh nhân không những “bay cao” vượt nóc nhà thờ mà còn xẩy ra khoảng 70 lần trong suốt cuộc đời, có lần trước sự chứng kiến của Đức Giáo hoàng Urbanô VIII. Cũng có những hiện tượng tương tự như di chuyển nhanh như bay, hoặc hiện diện một lúc ở hai nơi. Sau hết là các hiện tượng phát quang hoặc phát hương, nghĩa là sau khi chết cơ thể phát ra một luồng sáng hay hương thơm đặc biệt. Hiện tượng này xẩy ra nơi rất nhiều người chứ không duy chỉ các vị thánh đã được tuyên phong.

Điều quan trọng đáng lưu tâm không phải cứ người có hiện tượng thần bí là người ấy được ơn cảm nghiệm thần bí. Hiện tượng thần bí không thuộc về bản chất của thần bí, cũng không đồng nhất với việc kết hợp với Thiên Chúa. Có người chẳng có dấu hiệu gì về hiện tượng thần bí, nhưng lại tiến rất xa trên đường trọn lành, và luôn sống trong sự kết hợp với Thiên Chúa.

 2. Nền tảng thần bí Ki-tô giáo

2.1. Thánh Kinh

Như đã nói, dù Thánh Kinh không dùng từ thần bí để chỉ sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng thực chất của thần bí là sự kết hiệp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu lại là trọng tâm của mặc khải Thánh Kinh. Vì thế, muốn hiểu nền tảng thần bí Ki-tô giáo chúng ta không thể không tìm về nguồn gốc của sự kết hợp này trong Thánh Kinh.

Tân Ước trình bầy cho chúng ta một khuôn mẫu vô song về sự kết hợp nên một với Thiên Chúa Đức Giêsu. Sự kết hợp trên cả bình diện hữu thể và tâm thức.[16] Được mời gọi tiến sâu trong sự kết hợp này, thánh Gioan và thánh Phaolô Tông Đồ giúp ta hiểu giá trị sự hiệp nhất đó trongtầm tay của con người.

Thánh Phaolô, qua các thư của mình đã đặt nền tảng đạo lý cho thần bí Ki-tô giáo khi nói đến sự kết hợp giữa các tín hữu với Đức Ki-tô.[17] Chính thánh nhân kể lại cảm nghiệm thần bí như hiện tượng xuất thần dù không hứng thú :

Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi.Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba – có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng – trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết – và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại (2Cr 12, 1-5).

 Tuy nhiên, biến cố Đamát được coi như“tiếng sét tình ái”là mặc khải với đầy đủ ý nghĩa của hiện tượng thần bí, được thánh Phaolô kể lại với cả tấm lòng thành tri ân. Biến cố này đã ghi sâu và tâm khảm Phaolô, nên hễ có dịp là thánh nhân kể lại cho người khácnhư hồng ân.[18] Kể từ ngày đó, mối tương quan sống động mạnh mẽ và thân tình giữa Phaolô và Đức Ki-tô được thiết lập. Để rồi theo thời gian, mối tương quan đó trở thành sự hiệp thông nên một, đến nỗi Phaolôkhông ngại ngùng tuyên bố:Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi(Gl 2,20).

Thánh Gioan, người đặt nền tảng cho sự kết hợp thần bí Ki-tô giáo khi khẳng định Thiên Chúa đã đến gặp con người nơi Đức Ki-tô:“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”(Ga 1,14). Dù không dùng từ thần bí để chỉ sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, nhưng thực chất thánh nhân đã mô tả sự kết hợp như cuộc gặp gỡ trong ý thức và yêu mến.[19]

Thánh nhân nói về sự kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu như cành nho với thân nho, và việc ở lại trong Chúa sẽ làm cho người môn đệ sinh nhiều hoa trái.[20] Việc kết hợp với Đức Giêsu cũng đồng nghĩa với việc đón nhận Ngài, nhờ đó mà được ở lại trong Chúa:“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,56). Khi người ta tiếp nhận Đức Giêsu bằng việc “ăn thịt và uống máu Người” thì một cuộc trao đổi kỳ diệu đã xẩy ra: không những người ta được ở lại trong Người, mà chính Người chuyển ban sự sống thần linh cho ta:“như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Với thánh Gioan, việc ở lại trong Chúa được thực hiện không chỉ nhờ việc đón nhận Ngài, nó còn được biểu lộ qua lòng yêu mến :“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10).

Cao điểm của sự hợp nhất được thánh Gioan đặt trong lời nguyện hiến tế, khi Đức Giêsu cầu xin cho môn đệ được nên một với Thiên Chúa Cha:“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.” (Ga 17,23). Như thế, sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa rõ ràng được thánh Gioan khẳng định là nhờ Đức Giêsu.

            Ngoài ra, khi nói đến các nhà thần bí Tân ước, không thể không nói về Đức Maria và thánh Giuse. Về sự kết hợp với Thiên Chúa, chắc không ai có thể vượt qua được Đức Maria. Thử hỏi có ai đã gần Chúa Giêsu hơn Mẹ; ai hiểu Đức Giêsu hơn Mẹ, cũng chẳng có ai đã yêu mến Chúa Giêsu bằng Mẹ Maria; và ai đã thi hành ý muốn Thiên Chúa như Mẹ Maria. Nhưng cũng chưa có ai đã trải qua đêm tối tâm linh mạnh mẽ và quyết liệt như Đức Maria. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Mẹ Maria bước vào đêm tối tâm linh ngay sau khi sứ thần từ biệt Mẹ ra đi trong ngày Truyền tin, nó kéo dài đến khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

            Với thánh Giuse, sự kết hợp với Thiên Chúa được biểu lộ qua sự vâng phục thánh ý Ngài trong thinh lặng và hành động của đức tin. Có thể nói ngoài Đức Maria chẳng ai đã đồng hành với Chúa Giêsu sát cho bằng thánh Giuse, nhưng cũng chẳng có ai bước đi trong đêm tối của đức tin mạnh mẽ và quyết liệt cho bằng thánh nhân. Nếu đêm tối thanh luyện giác quan và tâm linh người ta bằng sự vắng lặng và ẩn giấu của Thiên Chúa, thì đêm tối ấy lại thanh tẩy tâm hồn thánh Giuse bằng sự hiện diện gần sát của Ngôi Lời Con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu “người con” hợp pháp của thánh nhân. Sự thanh luyện này mới thực là khủng khiếp, và trong cuộc thanh luyện ấy Thiên Chúa chỉ cho thánh Giuse thấy ánh sáng của Ngài trong mơ.[21]

 2.2. Giáo Phụ

            Nếu Thánh Kinh Tân Ước, cụ thể là nơi thánh Gioan và thánh Phaolô nhấn mạnh sự kết hợp với Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Ki-tô, thì sang thời các Giáo phụ đề tài kết hợp với Thiên Chúa được đặc biệt quan tâm.

                Trước hết, điều này được ghi nhân nơi các tông phụ, đại diện là thánh Inhaxio thành Antiokia và thánh Polycarpo. Tư tưởng của các ngài vọng lại giáo huấn của các tông đồ: ki-tô hữu là người chia sẻ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô. Thánh Inhaxio coi tử đạo là biểu hiện cao nhất của việc kết hợp với Đức Ki-tô. Vì sự tử đạo liên kết người tín hữu với Đức Ki-tô qua việc họa lại gương hy sinh trao hiến của Người. Đó cũng là tâm tình của thánh Polycarpo khi bị thiêu sống :“Con xin chúc tụng Chúa đã khứng ban cho con hôm nay và trong giờ này, được nhập vào số các vị tử đạo mà dự phần chén của Đức Ki-tô để được hưởng ơn phục sinh, và ơn không hề hư nát nhờ Thánh Thần mà sống đời vĩnh cửu”.[22]

Một bậc thày khác viết về thần bí Ki-tô giáo là Origen.[23] Origen mời gọi các tín hữu hãy tìm hiểu mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa bằng cách suy gẫm Thánh Kinh. Tuy nhiên, phải đọc Thánh Kinh trong tâm tình cầu nguyện, nhờ đó khám phá ra nghĩa thần bí, ẩn sau nghĩa văn chương. Ý nghĩa ba chặng đường của hành trình thần bí được Origen giải thích khi đối chiếu với ba tác phẩm thi phú của Thánh Kinh : sách Châm Ngôn dạy luân lý và cách thực hành nhân đức, ứng với giai đoạn thanh luyện; sách Giảng Viên dạy cách chiêm ngắm Thiên Chúa đó là giai đoạn chiếu sáng; và sách Diễm Ca dạy cách kết hợp với Thiên Chúa trong giai đoạn kết hợp. Khi chú giải sách Diễm ca, Origen đã để lại cho hậu thế hình ảnh kết hợp với Thiên Chúa được ví như cuộc kết hôn nhiệm lạ giữa linh hồn và Đức Ki-tô.[24]

Hầu hết trường phái linh đạo Ki-tô giáo thời Trung cổ, ngay cả cảm nghiệm thần bí của  Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đều mang âm hưởng quan niệm này. Và cũng từ cảm nhận của Origen các giáo phụ dần dần phát triển các học thuyết khác nhau về sự kết hợp với Thiên Chúa.

            Tiếp đến, vị giáo phụ đại diện tiêu biểu cho thần học thần bí Tây phương là thánh Augustinô. Đặc trưng của đạo lý thánh Augustinô về con đường lên tới Thiên Chúa là trở về với nội tâm. Nhờ sự hồi tâm con người nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa. Người ki-tô hữu nhờ Lời Chúa mà trở về với lòng mình, để gặp gỡ và đàm đạo với Thánh Linh, Đấng ngự trong linh hồn và là thầy dạy nội tâm.

Theo thánh Augustinô khi nhận thức được sự hiện diện Thiên Chúa trong mình, linh hồn cảm thấy an vui dịu ngọt, và dần dần được Chúa cho nếm hưởng cảm giác như hạnh phúc Thiên đàng. Để có được cảm nghiệm ấy con người cần luôn mong mỏi được vào nhà Chúa, khao khát được nhìn ngắm dung nhan Ngài, mặc dù chính Chúa khơi lên niềm khao khát ấy. Từ cảm nhận này, thánh nhân đã để lại lời cầu nguyện bất hủ:“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không được yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.[25]

Thánh Augustinô mô tả hành trình lên đến Thiên Chúa có tính cách tiệm tiến, bao hàm nhiều cấp độ. Trong tác phẩm De vera religione, hành trình đó được so sánh với bảy lứa tuổi trong đời người; còn trong quyển De sermone Domini in monte, bảy cấp độ ấy được đối chiếu với các chân phúc và bảy ơn Chúa Thánh Thần.[26]

Như vậy có thể nói, cao điểm của đời sống nội tâm là trở về cô tịch lòng mình để kết hợp với Thiên Chúa, đó là tư tưởng tu đức của thánh Augustinô khi mới trở lại đạo. Với thời gian, tư tưởng ấy thay đổi, bởi thánh nhân đã cảm nhận được giá trị của việc tìm kiếm Chúa trong cộng đoàn, vì cộng đoàn mới là nơi ta thực hiện đức ái, cốt yếu của sự kết hợp với Thiên Chúa. Điều tuyệt vời nhất là thánh nhân đã đề cao vai trò của ân sủng Thiên Chúa tác động trên con người trong hành trình kết hợp này.

Cuối cùng, với các giáo phụ bên Đông, truyền thống nhấn mạnh nội tại siêu hình, điển hình là Grêgôriô Nyssa và Điônysius Areopagita. Hai tác giả theo khuynh hướng thần bí đêm tối. Hành trình tâm linh được ví như tiến trình từ hữu hình đến vô hình.

            Grêgôriô Nyssa đã trình bày hành trình đi lên Thiên Chúa không chỉ từ “tối đến sáng”, mà còn “từ sáng đến tối”. Quả vậy, trong giai đoạn đầu của hành trình tâm linh, con người phải đi từ tăm tối của tội lỗi đến ánh sáng của đức tin. Ánh sáng đức tin giúp con người hiểu biết Thiên Chúa. Nhưng muốn biết hơn, con người lại phải hành trình từ ánh sáng đến đêm tối. Vì càng muốn biết thêm về Thiên Chúa con người lại càng thấy bất lực, không tài nào hiểu được sự cao siêu của Ngài. Đứng trước mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, trí tuệ con người như rơi vào tối tăm mù mịt.[27]

            Người được nhắc tới nhiều trong thần bí Ki-tô giáo là Điônysius Arêôpagita, bởi tác phẩm văn chương Ki-tô giáo đầu tiên là Thần học thần bí được gán cho ông.[28] Ảnh hưởng của ông tới thần học thần bí rất sâu đậm. Theo Điônysius, Thiên Chúa được nhận biết qua thế giới hữu hình, qua thụ tạo. Chính mặc khải của Thiên Chúa cũng được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Vì thế nó mang dấu tích của sự bất toàn. Ông đề nghị một cách thức nhận biết Thiên Chúa không bắt đầu từ thụ tạo mà bằng nẻo đường của tối tăm thinh lặng. Bởi Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt tuyệt đối, cho nên trí tuệ loài người không thể biết được Ngài. Cách duy nhất để “biết” Thiên Chúa là “không biết”. Có điều, sự “không biết” ở đây không phải là ngu dốt u mê, nhưng là một cấp độ cao của sự “biết” Chúa : “biết” qua cảm nghiệm thần bí.[29] Cho nên, hành trình tiến đến sự kết hợp với Thiên Chúa được ví như đi vào tăm tối, bởi chính sự tăm tối linh diệu đó mang lại ánh sáng. Điều mà Điônysius gọi là “tia sáng của tối tăm”.

Có sử gia cho rằng thần học thần bí Ki-tô giáo bắt đầu từ Điônysius. Có ý kiến khác : thần bí Ki-tô giáo bắt nguồn từ Tân Ước, nhưng đến Điônysius mới được phân tích bằng phạm trù “thần bí”. Có điều, tác phẩm của Điônysius ảnh hưởng lớn đến thần học kinh viện Tây phương, và có lẽ cả nơi thánh Gioan Thánh Giá với tác phẩm Đêm tối của ngài.[30]

 2.3. Giáo huấn Hội Thánh

            Giáo huấn của Hội Thánh không trực tiếp nói về thần bí, nhưng Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã khẳng định:“tất cả các Ki-tô hữu theo bất cứ bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến tới sự viên mãn của đời sống Ki-tô giáo và đến sự trọn lành của đức ái”.[31] Nên thánh là kết hợp với Thiên Chúa và trở nên giống Ngài, là sống tương quan sống động và thân tình với Ngài, và đó là thần bí.

Để đạt được sự trọn lành ấy, Công đồng khuyến dụ:“phải sử dụng những sức lực của Chúa Ki-tô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân”.[32] Công đồng xác quyết mọi ki-tô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh, nên trọn lành theo bậc sống của mình. Tự bản chất việc nên thánh là một, dù đường lối nên thánh thì nhiều. Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban, theo ơn gọi, môi trường sống mà đạt được mục đích này.[33]

Theo đường hướng ấy, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định rõ ràng khi viết: “Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến sự kết hiệp mật thiết với Ngài, mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người”.[34] Như vậy, giáo huấn của Hội Thánh đã dung hòa hai quan niệm cho rằng: tất cả ki-tô hữu đều được được kêu gọi vào đời sống thần bí, và ơn gọi thần bí là một đặc ân chỉ dành riêng cho rất ít linh hồn ưu tuyển.

 3. Bản chất và đặc trưng thần bí Ki-tô giáo

3.1. Bản chất  thần bí Ki-tô giáo

Bản chất thần bí Ki-tô giáo là sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki-tô. Nét độc đáo thần bí Ki-tô giáo là nơi Đức Giêsu chính Thiên Chúa đến gặp con người và mời gọi họ kết hợp với Ngài.

Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã làm người để ở với con người.[35] Đức Giêsu đã mở đường để người môn đệ có thể “ở lại” trong Ngài,[36] và chính Thiên Chúa đến cư ngụ nơi người ấy :“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Đó là sự kết hợp trong tình yêu. Sự kết hợp ấy ở đỉnh cao được diễn tả bằng cuộc kết hôn nhiệm lạ giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tuy nhiên, để khỏi rơi vào ảo tưởng tình cảm, các nhà thần bí Ki-tô giáo không quên lưu ý rằng việc kết hợp với Thiên Chúa không phải là chuyện tình cảm, nhưng tiên vàn là kết hợp ý chí,[37] theo gương Đức Ki-tô, người đến để thi hành ý muốn của Cha.[38]

 3.2.Đặc trưng thần bí Ki-tô giáo

Có nhiều khuynh hướng thần bí Ki-tô giáo giải thích bản chất sự kết hợp với Thiên Chúa, như thần bí ánh sáng và đêm tối, thần bí giao duyên, thần bí bản thể hay vắng lặng.[39] Có thể ghi nhận các đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo như sau:

3.2.1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Ki-tô và Hội Thánh

Thiên Chúa của Ki-tô giáo được mặc khải là Đấng Sáng Tạo, vừa siêu việt vừa nội tại trong vạn vật. Hơn nữa, Ngài còn được tỏ bày là “Thân Phụ Đức Giêsu” và là Cha của tất cả mọi người.[40]

Thiên Chúa muốn mọi người được nhận biết tình thương của Người và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đã dành cho những ai kết hợp với Ngài. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa tỏ bày kế hoạch tình thương đó,[41] bởi chính Ngài là Đường dẫn nhân loại về với Cha.[42] Cho nên, chìa khóa của thực tại thần bí Ki-tô giáo không phải là con người đi tìm gặp Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đến gặp con người và bày tỏ cho con người tình yêu hợp nhất với Ngài.

Chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, thần bí Ki-tô giáo tránh chủ trương vô tri và nhân hình về Ngài, nên thâm tín: một đằng Thiên Chúa đã được tỏ bày nơi Đức Ki-tô, vì thế, kết hợp với Thiên Chúa bao hàm sự hợp nhất với Đức Ki-tô, cả nhân tính và thiên tính. Đàng khác, vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, con người được mời gọi kết hợp với Ngài, nhưng mãi mãi con người vẫn là thọ tạo không thể nào đồng hóa với Thiên Chúa. Bao lâu còn sống ở trần gian, con người vẫn khát khao tìm kiếm và kết hợp với Ngài trong đêm tối.[43]

Là bí tích cứu độ của Chúa Ki-tô, Hội Thánh đón nhận và chuyển thông hồng ân đó cho con người bằng Lời Chúa và các bí tích. Nhờ Hội Thánh, đời sống thần bí người ki-tô hữu được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.[44]

3.2.2. Kết hiệp thần bí với Thiên Chúa biểu hiện qua đức mến

Đức ái là điều răn cao trọng nhất được chính Chúa Giêsu dạy.[45] Đức ái trọn hảo có mẫu chung là“yêu như Thày đã yêu”(Ga, 13, 35). Kết hợp thần bí không dẫn đến hủy diệt cá nhân trong Thiên Chúa, nhưng biểu hiện qua lòng mến, là đỉnh cao của sự hoàn thiện ki-tô hữu. Lòng mến Chúa trào ra lòng mến tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa bao gồm cả việc yêu mến những người thuộc về Chúa, nhất là những người bé nhỏ hiện thân của Chúa Ki-tô. Sự kết hợp thần bí cũng đi kèm theo một đời sống đạo hạnh. Người ta không thể dung hòa việc kết hợp với Thiên Chúa mà lại sống nếp sống vô luân, trác táng. Vì tự bản chất đời sống thần bí họa lại dung nhan thánh thiện của Đức Ki-tô.[46]

Tình yêu đòi hỏi người ta luôn thăng tiến. Hơn nữa, trong hành trình thiêng liêng ai không tiến tức là đang lùi.

3.3.3. Đời sống thần bí gắn chặt với đời sống ki-tô hữu

Đời sống người ki-tô hữu đã mang tính thần bí từ khởi đầu, bởi vì khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được liên kết vào Đức Ki-tô, trở thành chi thể của Người[47]. Thánh Thần đã biến đổi họ thành nghĩa tử của Thiên Chúa,[48]được thông phần vào bản tính Thiên Chúa,[49] và thành đền thờ Chúa Thánh Thần.[50] Tuy nhiên, đó mới là ơn “nền tảng”,“mầm giống” của đời sống thần bí.[51] Mầm giống thần linh đã được ban cho người ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh tẩy nhưng nó chưa được kiện toàn. Vì thế, trong suốt cuộc đời mình, người ki-tô hữu cần phải sống cách có ý thức hơn bản tính thần bí trong mình, và phát triển mầm giống thần linh đã được lãnh nhận ấy.

Ở đây một lần nữa cần phân biệt đời sống thần bí và cảm nghiệm thần bí. Tất cả các ki-tô hữu đều được mời gọi đón nhận và phát triển đời sống thần bí. Đây là tiến trình hoàn thành ơn gọi làm con Thiên Chúa. Cảm nghiệm thần bí là ơn được ban cho một số người, họ cảm nhận được sự kết hợp gần gũi với Chúa. Tất nhiên cảm nghiệm đó không nhất thiết kéo dài cả đời người.

Như thế, rõ ràng có hai nghĩa của thần bí người ta phải xác nhận: nghĩa rộng là ơn gọi của mọi ki-tô hữu do hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy; nghĩa hẹp là đặc ân được ban cho một số ít người có cảm nghiệm đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như những biểu hiện trong sự kết hợp với Ngài, để minh chứng cho hồng ân thần hóa dành cho mọi người, như trường hợp thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá mà đề tài này quan tâm.

 II. HÀNH TRÌNH THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

             Hành trình thần bí vốn huyền nhiệm và khó tả, trong quá trình tăng trưởng lại có quá nhiều sắc thái do hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn mỗi khác. Truyền thống thần học tâm linh chia hành trình thần bí hay con đường hoàn thiện Ki-tô giáo thành ba giai đoạn. Dù tên gọi và cách thức tiếp cận khác nhau nhưng bản chất vẫn là sự kết hợp với Thiên Chúa. Hiện nay, chưa có phương pháp trình bày nào được coi là tối ưu. Ở đây, có thể ghi nhận ba quan điểm, cũng là ba phương pháp tiêu biểu là: hành trình ba giai đoạn của quan điểm cổ truyền; hành trình đức ái hoàn hảo theo thánh Tôma Aquinô và hành trình tòa lâu đài nội tâm của thánh Têrêsa Avila mà bài viết này tập chú nhiều ở Phần 2.

 1. Quan điểm cổ truyền

            Quan điểm cổ truyền chia hành trình thần bí thành ba giai đoạn là: thanh luyện, chiếu sáng và kết hợp, cũng được gọi là thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo.[52] Trong mỗi giai đoạn này người ki-tô hữu nhận ra tình trạng, phương thế và mục đích để hướng đến.

 1.1. Giai đoạn thanh luyện

Gọi là thanh luyện, vì giai đoạn này dành cho những người khởi đầu, họ muốn sống chân thành đời sống người ki-tô hữu. Tuy sống trong ân nghĩa với Chúa nhưng họ vẫn còn quyến luyến với các tội nhẹ. Mục đích thanh luyện là giúp họ thống hối các lỗi lầm trong quá khứ. Thực tập khổ hạnh để tránh cám dỗ và nguy cơ phạm tội. Những người ở giai đoạn này có thể đạt mục đích bằng hai phương thế: cầu nguyện để được ơn Chúa và khổ hạnh để lãnh nhận ơn Chúa.

 1.2. Giai đoạn chiếu sáng

Giaiđoạn này được gọi là chiếu sáng vì tập trung vào sống theo gương nhân đức của Chúa Giêsu là ánh sáng. Điều kiện để vào giai đoạn này là linh hồn[53] thường xuyên trong tình trạng ân sủng, gớm ghét tội nhẹ và mọi nguy cơ phạm tội, làm chủ các dục vọng, thâm tín các  đạo lý đức tin. Nhắm mục đích nên giống Chúa Giêsu, linh hồn phải đặt Chúa làm trung tâm đời sống, để Chúa điều khiển mọi tư tưởng, tình cảm. Phương thế thực hiện là cầu nguyện, suy ngắm tâm tình hơn là suy lý. Linh hồn khát khao tìm hiểu, yêu mến Chúa Giêsu và thực hành các nhân đức theo gương Ngài.

 1.3. Giai đoạn kết hợp 

Sau khi đã trải qua hai giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng, linh hồn tiến vào giai đoạn kết hợp. Người đã tiến vào bậc này được kết hợp với Chúa cách mật thiết và thường xuyên. Linh hồn tan biến trong Chúa, chỉ sống bởi Chúa và nhờ Chúa. Cuộc sống của họ được đức mến thôi thúc, họ quên mình, tập trung tất cả tư tưởng, tâm tình và hành động vào lòng mến Chúa. Hiệu quả đạt được của bậc này là : linh hồn thoát ly thụ tạo; lòng mến Chúa đã trở nên nhu cầu sống; đời sống cầu nguyện trở thành việc chiêm ngắm Chúa liên lỉ trong tình yêu và hằng tuân phục thánh ý Chúa.[54]

Nhiều tác giả tu đức cho rằng giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng là thời kỳ khổ chế, khi đạt tới giai đoạn kết hợp là bắt đầu thời kỳ hiệp nhất thần bí.[55] Như thế, tiến trình kết hợp của con người với Thiên Chúa được hiểu cách khác là từ khổ chế đến thần bí.

 2. Quan điểm của thánh Tôma Aquinô

             Đức ái là mối dây liên kết điều thiện hảo,[56] cũng là ơn cao trọng và trổi vượt.[57] Thánh Tôma Aquinô đã mô tả hành trình kết hợp với Thiên Chúa theo sự tiến bộ của đức ái.

 2.1. Đức ái khởi đầu

            Đời sống thiêng liêng phát sinh nhờ hiệu quả của đức ái. Bởi thế, với người mới khởi đầu trên đường tâm linh, thánh Tôma cho rằng :“bổn phận đầu tiên và chính yếu của con người là tránh tội lỗi và chống lại các dục vọng nơi mình, vì nó thúc đẩy con người làm trái ngược với đức ái”.[58] Những thanh luyện và hãm mình tự nó không phải là cùng đích, nó chỉ là phương thế để gạt đi các trởngại ngăn cản sự tăng trưởng đức ái.

 2.2. Đức ái tiến bộ

            Ở bậc này, theo thánh Tôma, linh hồn phải chủ tâm tiến bước trong đường lành. Đức ái gia tăng và thêm vững mạnh.[59] Để mặc lấy Đức Ki-tô và trở nên giống Người, cần có những phương thế tích cực, nhờ đó, ơn thánh và đức ái mới có thể tăng trưởng. Các phương thế ấy là các bí tích, các việc lành phúc đức và cầu nguyện.

 2.3. Đức ái hoàn hảo

            Bậc này tương đương với giai đoạn kết hợp hay hiệp đạo. Ở tình trạng này, linh hồn quan tâm đặc biệt để kết hợp với Chúa:“mong ước được ra đi để được ở với Đức Ki-tô”.[60] Thánh Tôma, trong mở đầu luận đề Đức ái của Tổng luận Thần học, đã xác định: Đức ái là tình bạn giữa Thiên Chúa và con người. Đức ái hoàn hảo kết hợp mật thiết ta với Thiên Chúa, bởi hành vi yêu mến làm cho ý chí thoát ra khỏi chính mình để đến cư ngụ nơi Thiên Chúa.[61]

            Như vậy, với thánh Tôma hành trình kết hợp thần bí hệ tại ở việc gia tăng lòng mến Chúa. Yêu mến Chúa là mục đích tối hậu và hạnh phúc tuyệt đối của con người. Nhờ yêu Chúa, người ta sẽ yêu tha nhân và yêu chính mình vì được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa.

 III.THẦN BÍ VÀ HOÀN THIỆN KI-TÔ GIÁO

             Hoàn thiện là tình trạng hay điều kiện hiện hữu đã hoàn tất hay đã chấm dứt mà không dư thừa hay thiếu bất cứ điều gì. Bản chất của sự hoàn thiện Ki-tô giáo hệ tại sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo. Điều này có thể đạt được ngay trong cuộc sống đời này và được diễn tả qua cuộc hôn nhân huyền nhiệm hay sự kết hợp siêu biến.[62] Như thế, giữa thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có mối quan hệ đặc biệt. Trạng thái thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có thể chỉ là cách gọi tên khác nhau của cùng một thực tại là kết hợp với Thiên Chúa. Và cùng đích đời sống ki-tô hữu cũng là điểm tới mà đức ái hoàn hảo và thần bí hướng về.

 1. Thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo

            Đời sống thiêng liêng là một tiến trình tiệm tiến từ bình thường đến khổ chế; từ khổ chế đến thần bí, do mọi người được mời gọi nên hoàn thiện nhưCha trên trời là Đấng hoàn thiện,[63]“ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh”.[64] Tuy nhiên, trên con đường hoàn thiện có sự khác biệt cả khách quan lẫn chủ quan.

Khách quan vì Thiên Chúa muốn cho mỗi người mỗi khác:“trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.” (Ga 14,2). Chủ quan vì hoàn thiện Ki-tô giáo hệ lại tại ở đức ái, nên mức độ của đức ái là mức độ của hoàn thiện. Một người yêu mến Thiên Chúa và tha nhân được kể là người hoàn thiện theo nghĩa thực chất của từ này.[65] Có điều, hoàn thiện Ki-tô giáo chỉ trọn vẹn trong đức ái viên mãn nhờ ân huệ Chúa Thánh Thần.[66] Một cách hiểu khác là hoàn thiện Ki-tô giáo nhất thiết đòi tình trạng thần bí.[67] Cho nên, vấn đề đặt ra là khi nào linh hồn đi vào trạng thái thần bí? Thần học thần bí có nhiều quan điểm khi trả lời câu hỏi này.

Theo cha Aumann linh hồn đi vào trạng thái thần bí khi đức ái phát triển tới điểm hoàn toàn từ bỏ mình để theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[68] Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể đặt một linh hồn vào trạng thái thần bí ngay chính giai đoạn đầu của đời sống thiêng liêng. Vì thế, có người ở giai đoạn thanh tẩy mà vẫn có những hành vi thần bí. Trái lại, người đã bước vào trạng thái thần bí mà vẫn thực hành những việc ở giai đoạn thanh tẩy. Bởi vậy, trạng thái thần bí thì âm thầm trong giai đoạn khổ hạnh; chạy dài trong đời sống thiêng liêng và biểu hiện rõ nét trong giai đoạn kết hợp.

Theo cha Juan Arintero trạng thái thần bí khởi đầu ở giai đoạn cầu nguyện tình cảm.[69] Vì bằng trái tim người ta chiếm ngay được Chúa. Với thánh Têrêsa Avila thì con đường hoàn thiện đạt được trong cấp độ cầu nguyện hiệp nguyện, khi đó linh hồn sống trạng thái thần bí.[70] Còn theo thánh Gioan Thánh Giá khi linh hồn đạt đến kết hợp siêu biến, thì sự kết hợp này tạo nên sự hoàn thiện Ki-tô giáo trọn vẹn. Muốn kết hợp siêu biến, linh hồn phải trải qua thanh tẩy thụ động của đêm tối, để lòng mến Chúa được nên hoàn hảo.[71] Dù thế nào thì người ta cần nhớ rằng tác nhân chính trong đời sống tâm linh là Chúa Thánh Thần, Đấng không bao giờ bị giới hạn bởi các chỉ thị và kết luận của thần học.[72] Vì thế người muốn tiến bước trên đường trọn lành thì nhất thiết phải luôn sống theo sự hướng dẫn và đón nhận ân huệ Ngài ban.

Vậy có thể hiểu hoàn thiện Ki-tô giáo và thần bí gặp nhau khi linh hồn kết hợp siêu biến, hay ở tình trạng cầu nguyện hiệp nguyện. Và sự viên mãn ở đời này là trạng thái thần bí, khi con người kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, đó là đỉnh cao của hoàn thiện đức ái.

 2. Vai trò của khổ hạnh và ân huệ Chúa Thánh Thần trong thần bí

             Nhìn chung, các nhà thần học linh đạo quan niệm về đời sống tâm linh gồm hai chiều kích khổ hạnh và thần bí. Trong khi đó nhận thức về hoạt động của ân huệ Chúa Thánh Thần là một đặc điểm khác nhau căn bản giữa khổ hạnh và thần bí. Nếu khổ hạnh là cách thức thuần túy của con người sử dụng để thăng tiến thiêng liêng, nhờ sự soi dẫn của đức tin và đức mến, thì ân sủng lại là hoạt động của Thiên Chúa cách thụ động trên linh hồn ở tình trạng thần bí.

            Quả vậy, được thôi thúc bởi lòng mến Chúa những người mới bước vào hành trình tâm linh thường vui thích thực hành khổ hạnh để chứng tỏ tình yêu với Ngài. Đây là đặc tính của tình trạng khổ hạnh, thời kỳ Thiên Chúa thường ban ơn an ủi thiêng liêng, mời gọi con người tiến đến kết hợp với Ngài. Đó cũng là hoạt động của ân huệ của Chúa Thánh Thần trong thời kỳ thanh luyện chủ động. Tuy nhiên, chính khi các ân huệ Chúa Thánh Thần đến thường xuyên và lặp đi lặp lại, đến lúc chế ngự việc thực hành các nhân đức phú bẩm theo cách thức của con người, thì linh hồn bắt đầu đi vào tình trạng thần bí,[73] thường được biểu hiện bằng tình trạng khô khan kéo dài. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đó là đêm tối, nó bắt đầu thời kỳ thanh tẩy thụ động. Đêm này thanh luyện giác quan và tâm linh để kết hợp con người với Thiên Chúa.

Nhưng làm thế nào các ân huệ Chúa Thánh Thần tạo ra được kinh nghiệm thần bí, và tại sao lại ngưng ban những an ủi thiêng liêng trong lúc thanh tẩy thụ động? Vì ân huệ Chúa Thánh Thần cấu thành nên chính bản chất thần bí,[74] lại vì hoạt động của các ân huệ đó theo cách thức Thiên Chúa, trổi vượt hơn các nhân đức phú bẩm theo cách thức con người như tình trạng khổ hạnh. Hơn nữa, trong suốt thời gian thanh tẩy thụ động, các ân huệ Chúa Thánh Thần vận hành đúng mục đích: vừa thanh luyện linh hồn khỏi những ràng buộc, vừa lấy đi khỏi nó bất cứ cảm nghiệm vui sướng nào về Thiên Chúa, thậm chí còn mang đến cho linh hồn kinh nghiệm về sự khiếm diện và ruồng bỏ của Người,[75] đó chính là đau khổ nội tâm.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, có đau khổ nội tâm vì Thiên Chúa siêu vượt hơn linh hồn và vì linh hồn hèn yếu nên đau khổ và tối tăm.[76] Cuộc thanh tẩy của đêm tối này dù là đau khổ đối với con người nhưng đó cũng là ân huệ Thiên Chúa ban, vì nhờ có thanh tẩy linh hồn mới có thể kết hợp với Ngài.

Như vậy, ân huệ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trên đường tiến tâm linh cả trong khổ hạnh và thần bí. Vì thế, để tiến bước trên đường hoàn thiện, người ta không thể bỏ qua khổ hạnh, lại phải khiêm nhường đón nhận ân huệ Chúa Thánh Thần, vì miệt mài tìm kiếm là vô ích nếu “từ nguồn” không ban.

 3. Cùng đích của đời sống ki-tô hữu

            Mục đích là điều trước tiên phải hướng tới trong ý định và là điều sau cùng đạt được trong thực hiện. Thần học đời sống tâm linh chỉ ra ba mục đích rõ ràng của đời sống ki-tô hữu, đúng hơn là chỉ có một mục đích tối hậu và hai mục đích gần hay phụ thuộc. Mục đích tối hậu là vinh quang Thiên Chúa, hai mục đích kia là sự thánh hóa và ơn cứu độ.[77]

            Vinh quang nội tại là Tình yêu thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm khôn tả và vẻ đẹp vô hạn của vinh quang Ngài. Vinh quang ấy hoàn hảo, không thiếu điều gì và cũng không thể thêm được gì.[78] Sáng tạo là giai điệu ngoại tại phản chiếu vinh quang Thiên Chúa tuôn trào cho muôn loài. Là đỉnh cao của công trình sáng tạo, nên tự bản chất con người phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa. Khi sa ngã phạm tội, nguyên tổ đã làm mất đi vẻ đẹp rạng ngời của ánh vinh quang ấy. Thiên Chúa đã phục hồi vẻ đẹp vinh quang cho con người bằng ơn cứu độ nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Vì thế, để đạt mục đích đời sống con người phải đón nhận ơn thánh hóa của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, bằng đời sống thánh thiện trong đức ái trọn hảo.

            Thánh I-rê-nê đã nói :“Vinh quang Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa”.[79] Tuy nhiên, con người chỉ phản ánh vinh quang Thiên Chúa khi kết hợp với Ngài, nghĩa là được ơn thánh hóa, được nên thánh, mà con người chỉ nên thánh khi đã đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô, qua bí tích Thánh tẩy. Trong nghĩa này, các ki-tô hữu là người phản ánh vinh quang Thiên Chúa, có điều vinh quang ấy không phải là kho tàng được ban cho để giữ lấy mà là hạt giống ân sủng được gieo trồng để được lớn lên trong đời sống, điều mà họ phải trả lại cho Thiên Chúa vì đã lãnh nhận sự sống thần linh từ Ngài.[80]

            Khi sống đời thánh thiện, người ki-tô hữu được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Đó là đích điểm của cảm nghiệm thần bí. Tuy vậy, dù đã tiến xa trên đường trọn lành, và ngay cả hạnh phúc trọn vẹn trên Thiên đàng thì cũng chưa phải là mục đích tối hậu đời sống người ki-tô hữu, đó chỉ là những phương thế tuyệt hảo và có hiệu quả nhất đem lại vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Chứng nghiệm điều này, thánh Gioan Thánh Giá khi vẽ sơ đồ cuộc hành trình lên đỉnh hoàn thiện, trên mút cùng đó ngài viết:“nơi đây, trên đỉnh cao này chỉ có danh dự và vinh quang Thiên Chúa”.[81] 

 Kết luận

             Bản chất thần bí Ki-tô giáo, tức sự kết hợp con người với Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, là trọng tâm của mặc khải Thánh Kinh. Như thế Ki-tô giáo là đạo thần bí. Cũng từ bản chất của sự kết hợp này có hai nghĩa của từ thần bí được xác nhận: nghĩa rộng được hiểu là mọi ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy đều có ơn gọi đời sống thần bí; nghĩa hẹp là một số người được Thiên Chúa ban cho ơn đặc biệt họ cảm nghiệm được sự kếthợp thần linh với Ngài, dù những hiện tượng thần bí thì không thuộc về bản chất sự kết hợp này.

            Hành trình thần bí cũng là hành trình đời sống tâm linh dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng đều trải qua ba giai đoạn: thanh tẩy, soi sáng và kết hợp, hoặc từ thông thường đến khổ hạnh; từ khổ hạnh đến thần bí. Kết hợp với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo là đích điểm của hoàn thiện Ki-tô giáo, cũng là sự viên mãn ở đời này do trạng thái thần bí mang lại. Tất cả nhắm đến mục đích tối hậu của đời sống người ki-tô hữu là vinh quang Thiên Chúa. Muốn được như vậy người ta phải đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô và nên thánh.

[Còn tiếp Phần 2 và 3]

                                                                                                   PHÊRÔ TẠ VĂN TUÂN


[1]Pastores dabo vobis, số 23.

[2]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 153.

[3]Ibid., tr. 154.

[4]Ibid., tr. 156.

[5]Cf. Inhaxio Loyola, Nhật ký những rung cảm nội tâm, Antôn & Đuốc sáng 2007, tr. 9 – 10.

[6]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh, tập 1, tr. 195.

[7] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 222.

[8] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004,tr. 388.

[9]Cf. 2Cr 12, 2-5.

[10] Têrêsa Avila, Tiểu sử tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 141.

[11] Cf. sách GLHTCG số 2014.

[12]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 206 – 207.

[13] Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 229 – 231.

[14]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London,tr. 139.

[15]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 147.

[16]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 160.

[17]Ibid., tr.161.

[18]Cf. 1Cr 9,1;15,8. 2Cr 4,6. Pl 3,7. Ep 3,8. 1Tm 1,16.

[19] Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 169.

[20]Cf. Ga 15.

[21]Cf. Mt 1, 18-24 ; 2, 14-15.

[22]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 175.

[23]Idib., tr. 177.

[24]Ibid., tr. 178.

[25]Thánh Augustinô, Confessiones, 1, 1, 1 : CCL 27, 1.

[26]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004,tr. 193.

[27]Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 187.

[28]Cf. Ibid., tr. 188.

[29]Cf. Ibid., tr. 189.

[30]Cf. Ibid., tr. 190 – 191.

[31]Vaticano II, Lumen gentium, số 40.

[32]Ibid., số 40.

[33]Vaticano II, Lumen gentium, số 42.

[34]Sách GLHTCG, số 2014.

[35]Cf. Ga 1, 14.

[36] Cf. Ga 14, 20.

[37]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 3, Rô-ma 2003, tr. 120.

[38]Cf. Dt 10,7.

[39]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 225.

[40] Cf. 2Cr 1,3 ; Rm 1,7.

[41] Cf. Ep 1,3-10.

[42] Cf. Ga 14, 6.

[43] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 226.

[44] Cf. Ga, 15.

[45]Cf. Mc 12, 28-34.

[46]Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 247.

[47]Cf. 1Cr 6,15.

[48]Cf. 2Cr 5,17.

[49]2Pr 1,4.

[50]Cf. 1Cr 6,19.

[51]Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 227.

[52]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 2, phần dẫn nhập.

[53]Theo thói quen của các tác giả tu đức cổ điển, từ “linh hồn” được dùng để chỉ con người toàn diện, trong tư cách là chủ thể của đời sống tâm linh. Nhiều chỗ khác trong luận văn này từ “linh hồn” cũng được dùng theo nghĩa nói trên.

[54]Cf. Minh Vận, CMC. Tu đức học: giáo khoa đào tạo thánh nhân, bản dịch, tr. 420.

[55]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 282.

[56] Cf. Cl 3,15.

[57]Cf. 1Cr 13.

[58]Tô-ma, Tổng luận Thần học, II – II,. 24,. 9.

[59]Cf. Ibid., II – II,. 24,. 9.

[60]Pl 1, 23.

[61]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 102.

[62] Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 164.

[63]Mt 5,48.

[64]1Tx 4,3.

[65]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1,tr. 146.

[66]Ibid., tr. 193.

[67]Ibid., tr. 210.

[68]Cf. Ibid., tr. 209.

[69]Juan Arintero, The Mystical Evolution quyển 2, tr. 427.

[70]Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 164.

[71]Gioan Thánh Giá, Đêm dày, chương 3, số 3 ; chương 7, số 5.

[72] Cf. Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 213.

[73]Ibid., tr. 196.

[74]Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 196.

[75]Ibid., tr. 199.

[76]Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh, chương 5, tr. 142-143.

[77]Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1, tr. 48.

[78]Ibid., tr. 49.

[79]I-rê-nê, Chống ngộ đạo IV, 20,7, dịch theo Sources Chrétiennes, tr. 647 – 649.

[80]Jordan Aumann, OP. Thần học về đời sống tâm linh tập 1,tr. 51.

[81]Ibid., tr. 52.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31