ĐỜI SỐNG THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO QUA CẢM NGHIỆM CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ (Phần 2)

Written by lcd on Tháng Tư 22nd, 2015. Posted in Tâm linh, Thiên Phong

Như đã đề cập, những người được ơn kết hợp đặc biệt với Thiên Chúa thường giữ kín vì hai lý do: tự bản chất cảm nghiệm thần bí mang tính khôn tả, và do đức khiêm nhường thúc đẩy họ giữ riêng mình với Chúa. Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá thuộc vế số ít người vừa được ơn cảm nghiệm thần bí, vừa có thể diễn tả những cảm nghiệm đó cho người khác. Tìm hiểu về hai vị thánh, người ta có thể khám phá những cung bậc cảm xúc thần linh trong cảm nghiệm thần bí, cũng như nét đặc sắc của cảm nghiệm nơi hai vị thánh này.

 I. ĐỂ HIỂU THÁNH TÊRÊSA AVILAVÀ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Con người làm nên lịch sử. Đối lại, lịch sử cũng góp phần định vị con người. Muốn hiểu một con người, phải hiểu bối cảnh lịch sử người đó sống. Thế kỷ XVI đánh dấu nhiều thay đổi trong thế giới và Hội Thánh. Những khám phá mới của con người trong nhiều lãnh vực đã làm thay đổi nhận thức về những giá trị tâm linh. Tình trạng luân lý đạo đức ở trên đà suy thoái. Hiện tượng thần bí Tây Ban Nha làm nẩy sinh nhiều vấn đề. Hoàn cảnh ấy không chỉ góp phần tạo nên, mà còn giúp nhận hiểu hai con người vĩ đại của lịch sử thần bí Tây Ban Nha và Hội Thánh Công Giáo.

1. Bối cảnh lịch sử

1.1. Hoàn cảnh thế giới

Thế kỷ XVI, thế giới bước vào giai đoạn đầu thời hiện đại xét về mọi phương diện. Thế giới được “mở rộng” từ lục địa này sang lục địa khác. Những cuộc thám hiểm đã khám phá ra Bắc Mỹ, Mêhicô, Phi Luật Tân. Thế giới được biết đến như một quả cầu tròn. Vàng bạc châu báu mang về từ “thế giới mới” đã làm cho “thế giới cũ” giầu có hơn.

Quyền lực trở thành lý tưởng cho người thích chinh phục thống trị thế giới. Kéo theo đó, hiện tượng tục hóa lan tràn, luân lý cổ truyền đang dần bị phá vỡ. Những chân trời kiến thức xưa chỉ hoài mong nay đã được khám phá. Một thế giới của khoa học và hiểu biết được khai mở. Sự thật của vạn vật đang được tỏ lộ.[1]

Rượu mới cần bầu da mới. Thế giới mới cần có con người tâm linh mới. Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá là hai con người được ban cho thế giới mới này. Quả thế, khi các nhà thám hiểm tìm ra những vùng đất mới thì các ngài đã tìm thấy cõi vô biên; khi thế giới được cai trị bằng quyền lực, các ngài giới thiệu một thế giới nội tâm ngự trị trong khiêm hạ. Các nhà khoa học tìm ra chân lý bằng tri thức của giác quan, thực nghiệm, đo lường, còn hai vị đón nhận Sự Thật trong thị kiến, xuất thần và kinh nghiệm thần hiệp vượt ngoài tầm kiểm soát của giác quan. Copernicus khám phá ra mặt trời là trung tâm của vũ trụ, Têrêsa khám phá khoa thiên văn của linh hồn, nơi sâu thẳm lòng người có Thiên Chúa ngự trị là mặt trời của mọi mặt trời.[2] Khi Kepler tìm ra định luật hấp dẫn vật thể thì Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá khám phá ra nguồn sống cuốn hút linh hồn; lần đầu tiên nhà giải phẫu Vesalius nghiên cứu các bộ phận trong cơ thể con người, còn hai ngài thì phơi trần tâm hồn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển đời sống tâm linh và ngành tâm lý chiều sâu. Trong lãnh vực văn học, nền văn chương của Tây Ban Nha sẽ mãi ghi danh nhà văn Têrêsa Avila và nhà thơ thần bí Gioan Thánh Giá.

Như sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng : trong hoàn cảnh thế giới mới, Ngài cho xuất hiện những con người có kinh nghiệm tâm linh mới, để Thiên Chúa tiếp tục đến với, ở cùng, thánh hóa con người qua con người.

1.2. Hoàn cảnh Hội Thánh

            Lịch sử Hội Thánh thế kỷ XVI ghi nhận sự lung lay của quyền lực giáo quyền. Sự sa đọa của hàng giáo sĩ từ thời Trung cổ nay đã chín mùi. Đời sống đạo của giáo dân gặp nhiều khủng hoảng. Hội Thánh phải chuẩn bị để đương đầu với một thế giới đang thay đổi.

Chỉ sau khi Têrêsa Avila chào đời hai năm, ngày 31 tháng 10 năm 1517 linh mục Luther công bố ly khai với Hội Thánh, thành lập Giáo Hội Tin Lành. Vài năm sau đó, Calvin muốn biến Gơneve thành Rôma thứ hai.[3] Không lâu sau, vua Henri VIII của Anh quốc đã thành lập Giáo hội riêng, đồng thời nữ hoàng Mary của Xcốtlen đã khiêm tốn thần phục những mệnh lệnh của nhà lạc giáo John Knox. Các phong trào ly khai thành hình và lớn mạnh.

Trong Hội Thánh, đời sống đạo đức cổ truyền đã mất đi nhiều sức mạnh do sự công kích dữ dội của khoa học và thế lực tục hóa. Để bảo vệ đức tin Công Giáo, công đồng Trentô đã nhóm họp từ năm 1545 đến năm 1563. Công đồng này đưa ra những phán quyết về tín lý. Trong tình trạng khủng hoảng niềm tin ấy, một đội quân có tổ chức được cha Inhaxiô Lôyôla qui tụ hăng say ra chiến trận nhằm chống lại thế lực của Cải Cách. Hơn lúc nào hết, Hội Thánh đang rất cần những chứng nhân có thế giá về đời sống thiêng liêng để ngăn chặn sự tục hóa, hầu vãn hồi sự tinh tuyền và sự linh thiêng vốn có của đức tin Công Giáo.

           Trong bối cảnh đó của lịch sử Hội Thánh, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá xuất hiện, như bằng chứng sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa tình yêu.

1.3. Tình hình thần bí Tây Ban Nha thế kỷ XVI

Theo cha Jordan Aumann,“một số tuyên bố trong các tác phẩm của thánh Têrêsa và Gioan Thánh Giá có thể mở ra cho sự diễn dịch sai lầm nếu người đọc không lưu ý đến tình hình ở Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI”.[4] Quả vậy, để hiểu đúng về hai vị thánh cải tổ Cát-minh, cần nắm hiểu tình trạng đời sống ki-tô hữu Tây Ban Nha đương thời.

Thời ấy ở Tây Ban Nha, có nhiều người cho rằng mình được ban cho những mặc khải và thị kiến, nhờ vào những hiện tượng thần bí này họ sẽ được ngưỡng mộ và nhiều người biết đến. Vì thế, nhiều người khao khát cầu xin cho được ơn thị kiến. Nó hoàn toàn trái ngược với cảm nghiệm thần bí tinh tuyền nơi thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá : thần bí là một ân ban. Hơn nữa, có người còn giả vờ được in các vết thương của Chúa hay ơn thị kiến để tạo ấn tượng cho quần chúng.[5] Trong các đan viện thì tinh thần tu trì sa sút. Các tu sĩ mặc dù vẫn cố gắng để đạt được tình trạng thánh thiện trổi vượt nhưng lại ngại hy sinh và khổ hạnh. Khoa thần bí giả hiệu này là đối tượng thường xuyên của Tòa Điều Tra Tây Ban Nha,[6] khốc liệt đến tàn nhẫn.

Tình trạng đó khiến cho Têrêsa và Gioan Thánh Giá phải chịu nhiều đau khổ do Tòa Điều Tra liên quan đến những cảm nghiệm thần bí của mình. Ngoài ra, cũng phải nói đến những ảnh hưởng của trào lưu khai sáng của những người Alumbrados, tư tưởng vô vi của nhóm Cải Cách làm cho tư tưởng, tinh thần con người đương thời khó gạn đục khơi trong.

2. Đôi nét về tiểu sử

            Có nhiều cách để hiểu một con người. Với một thánh nhân, ngoài việc tìm hiểu con người, sự nghiệp và ảnh hưởng của họ, cần khám phá ra cách thức ân sủng Thiên Chúa biến đổi một người trở nên thánh theo ý Ngài.

2.1. Thánh Têrêsa A-vi-la

2.1.1. Con người

Biến cố ngã ngựa trên đường Đa-mát[7] đã chia đôi cuộc đời của một con người: Saun của Do-thái giáo thành Phaolô của Ki-tô giáo. Cũng vậy, thị kiến hình ảnh đầu tiên[8]cũng làm cho Têrêsa Avila – con người của thế gian, trở thành một Têrêsa Giêsu –  người của Thiên Chúa như thế.[9]

Người con của thế gian ấy chào đời ngày 18 tháng 3 năm 1515 trong một gia đình quí tộc, tại La Moneda gần Avila, với tên gọi là Teresa Sanchez de Cepeda y Ahumada. Thân phụ của Têrêsa là ông Alonso Sanchez de Cepeda, một người đạo đức và thích đọc sách, nhất là sách đạo đức. Thân mẫu là bà Beatriz d’Avila Y Ahumada, một phụ nữ nhân đức, đoan trang, tiết hạnh và thích đọc tiểu thuyết trinh thám.[10] Sự khác biệt của cha mẹ đã tạo nên một Têrêsa    vừa khát khao sự thánh thiện vừa muốn sống sự đài các của một tiểu thư lãng mạn.

Người dân thành Avila gọi cô là công nương lộng lẫy Têrêsa Ahumađa Cepeda. Những lời tán dương chúc tụng của những anh chàng si mê Têrêsa chỉ kết thúc cô khi được mười ba tuổi. Thân mẫu qua đời, thân phụ đã gửi Têrêsa vào một trường nội trú do các nữ tu dòng thánh Augustinô điều khiển. Vào sống nội trú trong tu viện theo ý của người cha,Têrêsa không hề nghĩ sẽ trở thành nữ tu. Nàng chỉ mong sớm hết năm để trở lại với cuộc sống vốn thuộc về mình. Tuy nhiên, tiếng Chúa mời gọi tha thiết, mãnh liệt, khiến cô không cưỡng lại được. Sau một thời gian giằng co chiến đấu, Têrêsa đã hiến mình cho Chúa trở thành nữ tu dòng kín Cát-minh, khi cô 21 tuổi.

Trong tu viện Nhập Thể ở Avila, sơ Têrêsa nhanh chóng hòa nhịp với các nữ tu khác sống tinh thần bộ luật khoan nhượng của dòng kín đã được phê chuẩn. Với luật đã được giảm nhẹ, các nữ tu có giờ trò chuyện, tiếp khách, nên cách nào đó tinh thần của thế tục đã từ từ đi vào đan viện. Têrêsa cảm thấy như bị xâu xé trong nội tâm bởi khát khao mãnh liệt thuộc về Chúa lúc cầu nguyện với Ngài trong tu phòng của nội vi, nhưng lại hào hứng phấn chấn trong giờ tiếp chuyện với người ta tại phòng khách. Và điều Chúa muốn Ngài sẽ thực hiện. Trong một thị kiến xẩy ra khi chị đang cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu đầy thương tích. Cảm nhận cái nhìn mãnh liệt của Chúa, Têrêsa rơi vào tình trạng xuất thần. Trong cơn xuất thần này, Chúa chiếm đoạt chị và bắt đầu thời kỳ của Ngài trong người nữ tu bé nhỏ này.

Công nương lộng lẫy Têrêsa Ahumađa Cepeda đã trở thành một Têrêsa Giêsu, nồng nàn tận hiến để thực hiện công việc của Chúa. Từ giờ phút ấy, cuộc đời chị không còn là của mình nữa, nhưng là của Chúa Giêsu ở trong chị. Chúa Giêsu ngày càng hiện diện sống động, mạnh mẽ trong đời chị, đến nỗi chị tiếp tục nghĩ đến Ngài cả trong giấc ngủ. Trước bao ân sủng tuôn đổ như thác xuống tâm hồn, con tim Têrêsa ngày càng gắn bó với con tim của Chúa Giêsu, Người Bạn Tình, đến độ chị không còn tìm kiếm gì khác ngoài “danh giá” và “quyền lợi” của Người Bạn ấy. 

Bao nhiêu khó khăn gian khổ trong công việc cải tổ dòng kín ngành nữ và nam,   Têrêsa hoàn toàn buông mình để Chúa thực hiện thời kỳ của Ngài. Trong chiêm niệm, cầu nguyện và xuất thần, Chúa không ngừng hướng dẫn và ban sức mạnh để chị can đảm thi hành. Khi cần cộng tác, Ngài đã gửi người đầy nhiệt huyết, lòng hăng say và khát khao sống tinh thần Cát-minh về nguồn là linh mục trẻ Gioan. Với sự trợ lực mạnh mẽ này, Têrêsa  hăng say không mệt mỏi thực hiện điều Chúa muốn cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1582 trong cuộc hành trình thành lập đan viện mới ở Alba de Tormes.

              2.1.2. Sự nghiệp

Têrêsa không phải là nhà văn, cũng không muốn để lại giáo thuyết gì. Ba tác phẩm lớn của ngài đều ra đời từ đức vâng lời các cha giải tội, và là cảm nghiệm của Têrêsa trước ân huệ của Thiên Chúa. Nhưng khi tìm hiểu các tác phẩm này, người ta lại khám phá ra một Têrêsa bậc thày trong con đường tu đức, đời sống thiêng liêng và cảm nghiệm thần hiệp.

Tiểu sử Tự thuật, tác phẩm đầu tay củaTêrêsa Avila, được viết trong thời gian rất ngắn, theo sự vâng lời cha Garcia de Toledo, hoàn thành tháng 6 năm 1562. Tác phẩm trình bầy rất chân thực đời sống thiêng liêng và kinh nghiệm thần hiệp của Têrêsa.Đường hoàn thiện là tác phẩm thứ hai có thế giá trong thần bí học, được Têrêsa viết không lâu sau Tiểu sử Tự thuật. Tác phẩm được chính cha D. Banez, linh hướng của ngài, công bố là :“Tiếng nói của con tim đã được cảm nghiệm và là sự trình bày của một lý trí đã được trau dồi bởi học hỏi, đọc sách và chuyện vãn thánh thiện”.[11] Cuốn sách chứa đựng những lời khuyên cụ thể và những hướng dẫn khai tâm vào đời sống cầu nguyện dành cho các nữ tu và con cái của Têrêsa Cả.

            Tác phẩm thứ ba được coi như kiệt tác thần bí của Têrêsa Lâu đài nội tâm, viết năm 1577. Tuyệt phẩm mô tả hành trình linh hồn kết hợp với Thiên Chúa qua bảy cư sở của tòa lâu đài nội tâm. Khác với các khảo luận về cầu nguyện trước đó, các tác phẩm của Têrêsa có tính thực hành hơn là lý thuyết, mô tả hơn là giải thích, nhất là những ánh sáng tâm lý học vô giá rút từ kinh nghiệm cá nhân và sự quan sát sâu kỹ hành vi của người khác.[12] Nhìn chung, các tác phẩm của Têrêsa rất chuyên môn, được viết ra từ những cảm nghiệm thần bí thâm sâu. Khi đọc các tác phẩm này độc giả vừa như được đụng chạm tới huyền nhiệm cao siêu nơi Thiên Chúa, lại vừa tìm đường nẻo tiến bộ trong cầu nguyện để kết hợp với Ngài.

            Ngoài các tác phẩm, sự nghiệp của Têrêsa còn biết đến qua cải tổ dòng Cát-minh và các đan viện ngài thành lập. Chỉ trong khoảng 15 năm, từ năm 1567 đến năm 1582 người phụ nữ bé nhỏ này đã bất chấp mọi khó khăn gian khổ đi khắp Tây Ban Nha, thành lập 17 đan viện nữ Cát-minh về nguồn[13]. Tuy nhiên, sự nghiệp vĩ đại nhất của Têrêsa Avila là trở thành Bạn Trăm Năm của Đấng Tình Quân mình yêu mến, tôn thờ. Têrêsa đã sống cuộc đời xứng với tên gọi Têrêsa Giêsu. Năm 1622, sau 40 năm từ giã cuộc đời ngài được phong thánh cùng với hai tổ phụ dòng Tên là Inhaxiô Lôyôla và Phanxicô Xavie.

2.1.3. Ảnh hưởng

            Ảnh hưởng của thánh Têrêsa Avila vượt qua những gì người ta có thể nghĩ về một nữ tu dòng kín. Một tước hiệu kép do chỗ đứng của ngài trong lịch sử linh đạo: nhà cải cách dòng Cát-minh và người giữ thẩm quyền vô song trong thần học về cầu nguyện.[14] Quả vậy, ảnh hưởng của Têrêsa không chỉ dừng lại nơi dòng Cát-minh. Riêng về lãnh vực cầu nguyện:“chưa từng có ai sánh vai với Têrêsa, càng không có ai vượt qua Têrêsa    trong tư cách là người giảng giải các giai đoạn cầu nguyện”.[15]Có thể nói, kể từ thời Têrêsa    đến nay, hễ nói về cầu nguyện, chiêm niệm hay thần bí là người ta nhắc đến Têrêsa Avila. Ngài được gọi bằng cái tên thân thương là vị thánh hay xuất thần. Nhìn chung, các nền linh đạo Ki-tô giáo sau đó cách nào đó đều chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm của ngài.

            Năm 1970, Đức Giáo hoàng PhaolôVI đã phong thánh Têrêsa Avila tước hiệu tiến sỹ Hội Thánh. Thánh nhân là người phụ nữ đầu tiên được nhận danh hiệu cao quí này.[16]

2.2. Thánh Gioan Thánh Giá

2.2.1. Con người

Có ba danh xưng để gọi con người vĩ đại này: Gioan Yepes ; Gioan Thánh Mátthia và Gioan Thánh Giá. Các tên gọi ấy tương ứng với ba giai đoạn trên con đường nên thánh của ngài: Gioan Yepes – con người; Gioan Thánh Mátthia – tu sĩ và Gioan Thánh Giá – nhà thần nhiệm.

Gioan Yepes chào đời ngày 24 tháng 6 năm 1542 tại Castille, là hoa trái của cuộc tình nhiều hy sinh của ông Gonzalo de Yepes với bà Catarina Alvarez. Ông Gonzalo de Yepes xuất thân từ gia đình có thế giá ở Toledo. Bà Catarina Alvarez, xinh đẹp tốt lành, vừa diễm lệ vừa cao quí nhưng con nhà nghèo và mồ côi. Họ yêu nhau và thành vợ chồng bất chấp mọi khó khăn môn đăng hộ đối. Khi Gioan Yepes lên 4 tuổi, sự ra đi của người cha đã đẩy cả gia đình vào tình trạng khốn cùng. Nhờ tình yêu thương và sự khôn ngoan của mẹ, Gioan được đi học tại trường dành cho các trẻ mồ côi. Ở tuổi niên thiếu cậu đã đi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện để kiếm sống. Trong thời kỳ này, người ta thấy một Gioan Yepes đạo đức, có lòng yêu thương người nghèo và tình thần say mê học tập.

Năm 1563, khi được 21 tuổi, Gioan quyết định dâng mình cho Chúa trong dòng Cát-minh nam. Vào năm 1564, Gioan Yepes tuyên khấn với tên gọi là Gioan Thánh Mátthia. Nhận ra sự thông minh và ham học của tu sĩ trẻ tuổi này, nhà dòng đã gửi thày Gioan tới học văn chương, triết học và thần học tại trường đại học dòng Tên Salamanca. Tháng 7 năm 1567, thày Gioan thụ phong linh mục và trở về Avila dâng lễ mở tay. Tại đây, cha Gioan đã gặp thánh Têrêsa. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy hứa hẹn, nó mở ra cho cha Gioan một tương lai đầy lý thú dù chưa thấy rõ. Qua việc kết hợp sâu xa và cộng tác chân thành, cha Gioan và mẹ Têrêsa thực hiện cuộc cải tổ dòng Cát-minh, điều mà Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho hai vị.

Trong công việc cải tổ dòng kín ngành nam, kịch tính nhất là giai đoạn cha Gioan bị các anh em cùng dòng coi là phản loạn, bắt giam tại Toledo từ tháng 12 năm 1577 đến tháng 8 năm 1578. Thời gian này, ngài được biết đến với tư cách là nhà đào tạo, người sống và dạy người khác sống thần hiệp. Cũng từ đây, danh xưng Gioan Thánh Giá được tỏ lộ. Có thể nói, thử thách đau thương ở Toledo đã chia đôi đời tu của ngài : 14 năm trước đó, năm 1563 cậu Gioan vào dòng Cát-minh, và 14 năm sau, năm 1591 Gioan Thánh Giá chết tại Ubeda.[17] Mặc dù thân xác bị giam cầm, nhưng tâm hồn thánh nhân thì tràn ngập Thiên Chúa. Điều đó chứng thực:“ân sủng đã bao trùm lên một con người mà chín tháng địa ngục đã trở thành cơn đau chuyển cữ để sinh ra một thụ tạo mới, cả về nhân cách và tâm linh”.[18]

2.2.2. Sự nghiệp

Chín tháng tù giam tại Toledo, Gioan Thánh Giá đã để lại những áng thơ thần bí bất hủ, khiến ngài trở thành nhà thơ thần bí vĩ đại không chỉ của Tây Ban Nha mà cho toàn thế giới. Các tác phẩm hay nhất về thần bí Ki-tô giáo của thánh nhân cũng ra đời từ việc minh giải các áng thơ này.

Bốn tác phẩm lớn của Gioan Thánh Giá là: Lên đỉnh Cát Minh (1579 – 1585); Đêm tối linh hồn (1582 – 1585); Khúc linh ca (biên soạn lần đầu năm 1584 và lần hai năm 1586 và 1591); Ngọn lửa tình nồng (biên soạn lần đầu giữa năm 1585 và năm 1587, lần thứ hai giữa năm 1586 và 1591). Ngoài ra còn có 10 bài thơ Tình khúc; khoảng 200 câu châm ngôn về Ánh sáng và tình yêu cùng những Lời khuyên; Những lờiCảnh báo và bốn Lời khuyên gửi một tu sĩ và 34 lá thư.[19] Đọc những tác phẩm này, người ta thấy rõ một Gioan Thánh Giá xứng với danh hiệu nhà văn, nhà thơ thần bí. Quả vậy, đời sống nội tâm và sự kết hiệp thần nhiệm giữa linh hồn và Thiên Chúa được ngài mô tả bằng những hình ảnh rất sống động, lãng mạn như một cuộc tình.

Trong sự nghiệp cải tổ dòng kín, sứ mạng của thánh Gioan Thánh Giá rất rõ nét: là tập sư, là nhà đào tạo tâm linh và thày dạy sống thần hiệp. Năm 1570 học viện đầu tiên của dòng Cát-minh cải tổ được thành lập, Gioan Thánh Giá là viện trưởng. Với tri thức và kinh nghiệm ngài học được từ đại học Salamanca, việc đào tạo các tu sỹ sinh viên của học viện đem lại cho công cuộc cải tổ những tập sư đầu tiên thật sáng giá. Sau đó, thánh Gioan Thánh Giá cộng tác với thánh Têrêsa Avila tại tu viện Nhập Thể với vai trò cha linh hướng cho các nữ tu.  

            Nếu thành công của đời người là nên thánh, thì Gioan Yepes đã đạt được khi trở thành thánh Gioan Thánh Giá. Ngài đã sống cuộc đời xứng với tên gọi này. Vào năm 1726 Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII đã tuyên phong Gioan Thánh Giá lên bậc hiển thánh.

2.2.3. Ảnh hưởng

Cha Thomas Merton đã nhận định thánh Gioan Thánh Giá là nhà thần bí lớn nhất trong tất cả các nhà thần học thần bí.[20] Ngài cùng với thánh Têrêsa Avila trao cho Giáo hội giáo thuyết về linh đạo chưa từng bị vượt qua.[21] Cách riêng với dòng Cát-minh, Gioan Thánh Giá cùng với Têrêsa Avila là hai cột trụ, trên đó trường phái linh đạo Cát-minh được dựng xây và phát triển vững chắc cho đến ngày nay.[22]

Trong dòng Cát-minh, không chỉ các tu sỹ nam, nữ mà ngay cả thánh Têrêsa Cả cũng được thăng tiến nhờ sự chỉ dẫn thiêng liêng của thánh Gioan Thánh Giá. Có thể nói linh đạo “con đường thơ ấu thiêng liêng” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, cũng chỉ là cách gọi khác của linh đạo“tập trung vào tình yêu” mà thánh Gioan Thánh Giá đã sống. Gioan Thánh Giá đã sống trọn vẹn ơn gọi của dòng Cát-minh Về Nguồn.

Với những người khác, ảnh hưởng của Gioan Thánh Giá lớn đến độ chỉ nguyên sự hiện diện của thánh nhân cũng đủ để qui tụ một đoàn người, từ kẻ hèn mọn đến những người trọng vọng bậc nhất trong xã hội. Đặc biệt là tất cả họ, nam lẫn nữ đều sống mối tương giao nghĩa thiết, thân tình với Thiên Chúa.[23] Bà quả phụ Ana de Pẽnalosa đã coi thánh nhân như là người cha, người thày. Bà đã thực thi giáo huấn của thánh nhân cách hoàn hảo đến nỗi ngài có thể viết tặng bà tác phẩm cao siêu bậc nhất của mình là Ngọn lửa tình nồng.

Cũng không quá khi so sánh ảnh hưởng của bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô xét về tầm mức phổ quát trong lãnh vực tri thức thuần túy với các tác phẩm của Gioan Thánh Giá trong lãnh vực tri thức thực hành. Quả thế, các tác phẩm bàn về đời sống tâm linh, hoặc khía cạnh nào đó trong đời sống tâm linh, hay về một cách thức nào đó trong việc kết hợp với Thiên Chúa người ta đã biết, đều phải được đọc dưới ánh sáng các nguyên tắc vị thánh tiến sĩ đã đề ra.[24]Tước hiệu“tiến sĩ thần bí” được Hội Thánh phong tặng cho thánh Gioan Thánh Giá ngày 24 tháng 8 năm 1926, khẳng định ảnh hưởng của ngài trong đời sống thần bí Ki-tô giáo.

3. Sự kết hợp hoàn hảo[25]

Trong Hội Thánh thời ấy, người ta đã biết đến sự kết hợp thánh thiện giữa Phanxicô Átsisi và Clara. Với Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, một mẫu gương sự kết hợp hoàn hảo khác được lộ diện. Sự kết hợp không chỉ trong cuộc sống, công việc mà cả giáo thuyết, đến độ muốn hiểu người này phải hiểu người kia.

3.1. Trong cuộc sống

Có bao điều khác biệt giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Khác biệt về giới tính, tính cách, tuổi tác, trình độ học vấn, địa vị gia đình …, nhưng giữa họ có một điểm chung, chỉ cần điểm chung này các khác biệt được hợp nhất cách hoàn hảo : cả hai người đều say mê Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá diễn ra năm 1567, khi ấy cha Gioan mới 25 tuổi, còn Têrêsa đã sang tuổi 52, thế mà như họ đã gặp nhau lâu rồi. Sau cuộc gặp gỡ đó, Têrêsa có được câu trả lời cho bao nhiêu kinh nguyện xin Chúa ban cho người có khả năng thực hiện cuộc cải tổ. Cha Gioan chính là câu trả lời tuyệt diệu của Thiên Chúa đáp lại khát vọng đó. Đối với Têrêsa, cha Gioan là“một trong những linh hồn thanh khiết nhất và thánh thiện nhất Thiên Chúa có được trong Hội Thánh”.[26]Bởi thế, Têrêsa coi Gioan như một người vừa là “con của mẹ” vừa là “cha linh hồn của tôi”.[27] Thật vậy, chính thời gian cha Gioan làm linh hướng tại tu viện Nhập Thể, Têrêsa nhận được ơn kết hôn tâm linh với Chúa Ki-tô và cũng tại đây, cha Gioan được thị kiến thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Và trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, cả hai nhà cải tổ cùng xuất thần.[28]

Nếu Têrêsa từng nói rằng trong khắp cả vùng Castille, ngài không tìm được một ai như cha Gioan,[29] thì cha Gioan cũng không tìm được một ai khác giầu kinh nghiệm thần hiệp như mẹ. Quả thế, muốn cố gắng đào sâu về mẹ Têrêsa hãy đến với cha Gioan và khi tìm hiểu cha Gioan thì sẽ khám phá vẻ đẹp nơi tâm hồn mẹ Têrêsa.[30]

3.2. Trong công việc

Sự cộng tác giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đến độ hoàn hảo là trong thời gian   Têrêsa làm Bề Trên tại tu viện Nhập Thể, còn cha Gioan làm linh hướng. Chính trong thời gian này, mối quan hệ tâm linh giữa hai nhà cải tổ được đào sâu. Cha Crisogono nói rằng mẹ   Têrêsa và cha Gioan tựa như hai bàn tay làm việc trên cùng một dự phóng.[31] Chúa đã kêu gọi hai vị đến tu viện này để làm một công việc duy nhất là biến đổi 130 nữ tu ở đây. Có thể nói, chỉ trừ khoảng thời gian cha Gioan bị giam tại Toledo, công cuộc cải tổ dòng kín ngành nữ và nam được thực hiện bởi hai con người mà chỉ một công việc.

3.3. Trong giáo thuyết

            Sự kết hợp hoàn hảo giữa hai vị thánh đặt nền tảng cho nền linh đạo Cát-minh được kết tụ trong giáo thuyết về đời sống tâm linh họ để lại cho hậu thế. Giáo thuyết của Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá bổ sung cho nhau cách thiết yếu. Tất cả được hàm chứa trong tình yêu, sự khó nghèo, đức khiêm nhường, đau khổ và thần bí.    

Trước hết, phải nói ngay là giáo thuyết của hai vị dành cho các tu sỹ Cát-minh và những người sẵn sàng và can đảm đón nhận con đường hẹp của thập giá. Những người khiêm nhường thẳm sâu, biết buông mình để cho Chúa sử dụng; họ muốn đi qua sự trần trụi của tâm linh, những người say mê sự thánh thiện hay ít là có thể đi đến sự say mê đó. Phương pháp tu đức của họ chủ yếu hướng đến thần bí, vì thế giáo thuyết mang tính kiên quyết, không khoan nhượng.[32] Thật vậy, con đường tâm linh về đức nghèo khó và trông cậy là nền móng học thuyết của Gioan Thánh Giá, còn đức khiêm nhường và cầu nguyện là nền tảng của học thuyết mà Têrêsa đã để lại cho Hội Thánh. Nhưng sự nghèo khó tâm linh phải được hiểu trong đức khiêm nhường, và thái độ trông cậy tuyệt đối nơi Thiên Chúa lại đến nhờ phút giây đắm chìm trong cầu nguyện, chiêm ngắm.

Rồi nữa, để tiến bước trên đường tâm linh, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mời gọi người ta đi vào con đường thanh luyện. Giáo thuyết của hai vị lấy tình yêu để hiểu đau khổ, thanh luyện bằng tình yêu, vì tình yêu kết hợp con người với Thiên Chúa cách nhiệm lạ.

Cuối cùng, học thuyết tâm linh của hai vị không hình thành từ suy tư của lý trí mà đến từ cảm nghiệm của con tim, trong cầu nguyện, chiêm niệm và xuất thần. Ngôi Lời Thiên Chúa được cảm nhận nơi Đức Giêsu làm người như một Đấng Tình Quân, Bạn Tình – Người Yêu Dấu rất gần gũi, thân tình chứ không phải là Đức Ki-tô của môn Ki-tô học. 

Như vậy, người ta không thể phủ nhận sự kết hợp hoàn hảo về giáo thuyết của hai vị thánh đặt nền tảng cho nền linh đạo Cát-minh. Quả thực, người ta sẽ không thể đón nhận sự khó nghèo trần trụi của con tim mà thánh Gioan Thánh Giá mời gọi, khi chưa sống thái độ khiêm nhường thẳm sâu, nền tảng sự tăng trưởng đời sống nội tâm thánh Têrêsa đã trình bày. Cũng thế, người ta sẽ chẳng thể bước vào cuộc thanh tẩy bằng đêm tối, được coi là trung tâm học thuyết thánh Gioan Thánh Giá, nếu chưa lặng lẽ và kiên trì thực hành việc cầu nguyện của bậc thày Têrêsa. Và điều có ý nghĩa nhất là sự kết hợp nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa cuộc hôn phối thần linh, được thánh Têrêsa cảm nghiệm ở cư sở thứ bảy của Lâu đài nội tâm, sẽ được minh giải nơi Ngọn lửa tình nồng của thánh Gioan Thánh Giá. 

 II. CẢM NGHIỆM THẦN BÍ CỦA THÁNH  TÊRÊSA AVILA VÀ GIOAN THÁNH GIÁ

 Cảm nghiệm thần bí là ân ban của Thiên Chúa, là thực tại khôn tả, không thể trình bày bằng quan sát, phân tích hiện tượng.Trong Tiểu sử Tự thuật, thánh Têrêsa viết :“Được Chúa ban cho ơn này đã là một hồng ân rồi. Nếu hiểu được hồng ân và ân sủng là gì thì lại là một ơn hoàn toàn khác. Có thể trình bày và giải thích ơn mình được nhận lãnh lại là một ơn khác nữa”.[33]Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã được “ơn kép” ấy, vì không những các ngài đã nhận được cảm nghiệm thần bí, lại còn dùng ngôn ngữ thần học để diễn tả nó. Bằng cả văn vần và văn xuôi, các ngài đã mô tả thực tại thần bí bằng các hình ảnh, qua một cuộc hành trình, để tất cả qui hướng về tình yêu với Đức Ki-tô – Người Yêu Dấu của linh hồn. Qua đó, chẳng những các nét chính yếu của bản chất thần bí, mà cả những cung bậc vi tế nhất trong bản giao hưởng tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn được tỏ lộ.

1. Mô tả qua các hình ảnh

            Bằng các hình ảnh đối lập như bóng tối và ánh sáng, ngọn lửa và củi khô, nhất là hình ảnh vết thương tình ái, thực tại thần bí được thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mô tả hết sức sinh động. Những hình ảnh hữu hình này sẽ giúp nhận hiểu thực tại vô hình là ân sủng và tình yêu Thiên Chúa.

1.1. Bóng tối và ánh sáng

Bóng tối và ánh sáng là hình ảnh đối lập sắc nét nhất giúp nhận hiểu ân sủng Thiên Chúa tác động trên thân phận con người trong thực tại thần bí. Từ bóng tối của giác quan cần được ánh sáng chiếu tỏa, đến bóng tối tâm linh phải được chiếu rọi bằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Để qua đó con người nhận ra sự thật là họ không chỉ cần ánh sáng mà còn phải học biết yêu bóng tối.

Có bóng tối của tội lỗi, kiêu ngạo cần ánh sáng của ân sủng tình yêu chiếu rọi. Có bóng tối giác quan, bóng tối tâm linh ước mong ánh sáng của an ủi, khát khao kết hợp. Có bóng tối của đau khổ bệnh tật, ganh tị, bỏ rơi, phải được rọi sáng bởi bình an, quảng đại, chữa lành. Có bóng tối trong thanh tẩy khô khan, ánh sáng làm thanh khiết, bừng cháy. Bóng tối bởi ẩn khuất che giấu, ánh sáng trong gặp gỡ, kết hợp. Tuy nhiên, bóng tối lớn nhất, đau khổ lớn nhất khi linh hồn khắc khoải lo mình đã đánh mất Thiên Chúa, hoặc bị đã Thiên Chúa bỏ rơi. Tựa tâm trạng của Đức Giêsu trên thập giá:“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Bóng tối bởi quá yêu mà không thể ngay lập tức lấp đầy khát vọng hợp nhất của con tim. Có đau khổ là bởi đau khổ ấy đến từ tình yêu.

Một thực tế khá nghiệt ngã, hễ ai muốn cuộc đời mình trở thành ánh sáng cho người khác, thì người ấy phải chấp nhận đi trong bóng tối. Bóng tối khủng khiếp nhất không phải là đau khổ vì vắng bóng Chúa, nhưng là sự khát khao gặp Chúa mà không gặp được. Và đau đớn hơn cả bóng tối chính là cơn khát về Người. Đó cũng là cảm nghiệm của vị thánh thành Calcutta của thế kỉ 20 :

Chính cái cảm giác mất mát khủng khiếp này, bóng tối khôn cùng này, nỗi cô đơn này, sự khao khát Chúa vô tận này đã khiến lòng con đau đớn vô cùng. Bóng tối đến nỗi con không thấy được, cả bằng con tim lẫn lý trí. Vị trí của Chúa trong con tim con bị bỏ trống. Khi nỗi đau quá lớn, con chi biết mong mỏi, mong mỏi Chúa.[34]

 Có bóng tối để giúp người ta nhận ra ánh sáng. Chúa dùng chính kinh nghiệm bóng tối nơi người này để chiếu sáng cuộc sống cho người kia. Khi nhận ra cách Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình, Mẹ Têrêsa Calcutta đã khiêm nhường bày tỏ ước nguyện :“Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của ‘bóng tối’. Tôi sẽ tiếp tục ở xa Thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang phải sống trong bóng tối trên trái đất này”.[35]

Khi bóng tối tạo nên do nỗi đau trong con tim bởi khát khao tìm kiếm mà Người Yêu Dấu cứ như vắng mặt. Khi sự nhớ nhung tưởng chừng như không gì thỏa lấp được khát vọng của con tim, thì bất ngờ Chúa lại đến, tuôn đổ ân sủng tình yêu của Ngài cho linh hồn. Cuộc gặp gỡ trong tình yêu không ai có thể thay thế được :“Ai mà trong giây lát có thể đổ chan hòa ánh sáng vào tâm hồn tăm tối dày đặc như thế. Người làm mềm một trái tim coi như bằng đá, và đổ tràn nước mắt dịu dàng vào một nơi mà từ lâu sự khô khan đã tàn phá”.[36]Trong ánh sáng ân sủng ấy, linh hồn ước ao được nhìn thấy Chúa bằng chính đôi mắt của mình :

“Và ước gì đôi mắt em được thấy Người

 Vì Người là ánh sáng của đôi mắt ấy” (khúc ca 10).

Hẳn nhiên, Thiên Chúa là ánh sáng siêu nhiên của đôi mắt linh hồn. Thiếu ánh sáng ấy, linh hồn sẽ rơi vào tối tăm. Vì thế, linh hồn ước mong được trông thấy Người, vì chỉ mỗi mình Người là ánh sáng để đôi mắt ấy nhìn vào. Nó không muốn sử dụng đôi mắt ấy vào chuyện gì khác ngoài việc ngắm nhìn Người.[37] Bởi vì:“Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10).

Điều lạ lùng đối với con người là Thiên Chúa đã dùng bóng tối để chiếu sáng, và biến ánh sáng thành đêm tối để thanh luyện họ trong đau khổ. Cảm nghiệm điều ấy, tác giả thánh vịnh tự nhủ: “Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối! Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau” (Tv 138, 11-12). Đêm đen là đêm tối tâm linh, đêm chiêm niệm sẽ bùng lên thành ban ngày, trở thành ánh sáng chiếu soi trí hiểu và thanh tẩy lòng muốn con người, để họ xứng đáng kết hợp nên một với Thiên Chúa.

Như vậy, trong cuộc hành trình thiêng liêng con người không chỉ yêu ánh sáng mà còn phải “thích” bóng tối. Chỉ khi biết đón nhận bóng tối mới có hy vọng được chiếu sáng.

1.2. Ngọn lửa và củi khô

            Thánh Gioan Thánh Giá đã dùng hình ảnh ngọn lửa và củi khô để mô tả cách thức Thiên Chúa thanh tẩy linh hồn để biến đổi nó nên một với Ngài. Như ngọn lửa tác động lên củi, đốt cháy và biến củi thành lửa, Thiên Chúa ban ân sủng trên linh hồn, thanh luyện và biến đổi nó thành chính Chúa.

            Hành trình biến củi thành lửa được thánh nhân mô tả : khi lửa táp vào củi thì trước hết nó làm cho củi phải khô đi, rồi tống khứ thứ ẩm ướt trong củi ra ngoài, củi phải trào ra số nước còn tồn đọng bên trong. Tiếp đến, lửa thui cho củi thành đen đủi, xấu xí, thậm chí còn bốc mùi khó chịu. Càng làm cho củi khô dần, lửa càng lôi củi về phía ánh sáng, loại bỏ hết mọi thứ linh tinh xấu xa và tăm tối nghịch với lửa. Cuối cùng, lửa bén vào củi đốt cháy, biến củi thành lửa và làm cho nó xinh đẹp như lửa.[38] Cũng vậy, trước khi cho linh hồn được hiệp nhất với Thiên Chúa, lửa thần linh của tình yêu Thiên Chúa phải thanh tẩy nó khỏi mọi xấu xa đối nghịch. Lửa làm cho những điều xấu xa của linh hồn bật ra ngoài, khiến linh hồn đen đủi, tối tăm đến nỗi có vẻ như tồi tệ, thậm chí đáng tởm hơn trước. Thiên Chúa dùng “ánh sáng tối tăm” của ơn chiêm niệm thần linh chiếu rọi, giúp linh hồn thấy rõ mình quá xấu xa, đến nỗi không những chẳng đáng Thiên Chúa đoái thương, mà còn đáng Thiên Chúa ghê tởm. Linh hồn nhờ đó trở nên dịu hiền, khiêm nhường vì nhận biết sự thật nơi mình. “Ánh sáng tối tăm” chính là đêm tối giác quan và tâm linh. Bằng khô khan, trống rỗng, Thiên Chúa thanh tẩy hết những gì nhơ bẩn và cảm giác nơi linh hồn, Ngài biến đổi nó nên giống Ngài, xứng đáng đón nhận và nên một trong tình yêu.

            Ở đời này ngọn lửa thanh luyện linh hồn đạt sự hoàn hảo của tình yêu gây đau đớn, vì còn mang tính thiêu đốt và tàn phá. Giống như lửa thiêu cháy củi và làm cho củi thành lửa rồi thành than. Mặc dù than được biến đổi thành đồng dạng với lửa, nhưng khi thiêu đốt than, lửa cũng hủy diệt và biến than thành ra tro. Trong Khúc linh ca 39, thánh Gioan Thánh Giá còn nói về “ngọn lửa thiêu đốt mà không gây đau đớn”, đó là lửa tình yêu Chúa Thánh Thần. Lửa thiêu đốt để đưa đến kết thúc và hoàn tất mỹ mãn trong tình yêu mà không gây đau đớn. Vì muốn cho hoàn hảo, tình yêu phải có hai đặc tính : vừa thiêu đốt linh hồn; vừa biến đổi linh hồn thành Thiên Chúa.[39] Điều này chỉ có được khi đã đạt tới tình trạng toàn phúc, khi ngọn lửa kia chỉ còn là tình yêu hoan lạc. Vì khi linh hồn đã được biến đổi trong ngọn lửa Thánh Thần thì được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cùng mãn nguyện trong hạnh phúc với Thiên Chúa. Không còn đau đớn, khổ tâm do bên hơn bên kém, như khi linh hồn chưa được thanh luyện đạt tới tình yêu hoàn hảo. Bởi tình yêu hoàn hảo mang đặc tính ngang hàng. Ở tình trạng này, Thiên Chúa đã biến đổi và đặt linh hồn ngang hàng với Ngài để yêu nó. Đó là cảm nghiệm được thánh Gioan reo lên trong tác phẩm “Ngọn lửa tình nồng”:

Ôi ngọn lửa tình yêu hằng sống!

Thiêu hủy tôi, Ngài làm tôi biến đổi

Từ cái chết Ngài làm nên sự sống

Ôi những ngọn đèn cháy sáng!

Chiếu huy hoàng vào hang hốc giác quan,

Nơi trước đây tăm tối mù lòa,

Nay chuyển hóa thành những điều tuyệt hảo,

Thành sức nóng và thành ánh sáng

Cho Đấng Chí Ái tôi yêu.[40]

             Mượn hình ảnh ngọn lửa đốt cháy củi khô, thánh Gioan Thánh Giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm ngọn lửa tình yêu thanh luyện và biến đổi linh hồn. Qua đó, một hành trình thần bí được hé mở : từ tăm tối thành sức nóng và ánh sáng; từ thanh tẩy đến chiếu sáng, từ chiếu sáng đến hợp nhất nên một với Thiên Chúa.

1.3. Vết thương tình ái

Vết thương tình ái là hình ảnh thần bí thể hiện rõ nét sự kết hợp hoàn hảo về giáo thuyết giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Quả thật, thị kiến vết thương tình ái được Têrêsa mô tả trong Tiểu sử Tự thuật Lâu đài nội tâm sẽ dễ hiểu khi được chiếu rọi qua cảm nhận của Khúc linh ca. Têrêsa thuật lại thị kiến ấy như sau :

Con thấy có một thiên thần lấy hình người, ở bên tay trái con … Chắc đây là vị người ta vẫn thường gọi là Thần Sốt Mến, tay cầm một cây giáo bằng vàng, nơi đầu mũi giáo bằng sắt, con trông thấy hình như có lửa. Ngài đâm mũi sắt này vào tim con mấy lần, thấu tận tạng phủ con. Khi Ngài rút ra, con cảm thấy như ngài rút cả tâm can con ra theo, bấy giờ con bừng cháy lửa yêu mến Chúa.[41]

 Lẽ thường khi cơ thể người ta trúng thương, vết thương càng sâu thì càng đau và khó chữa. Trái lại, vết thương tình Têrêsa đã trúng thì nỗi đau đớn mãnh liệt đó lại gây nên sự ngọt ngào lớn lao :“nó gây cho con phúc lạc lớn lao hơn bất cứ niềm hoan lạc nào mà toàn thể vụ trụ này có thể tạo nên”.[42] Tại sao vậy? Theo thánh Gioan Thánh Giá, vết thương tình chính là nỗi nhớ Người Yêu Dấu say đắm, bởi đã được Ngài đón nhận và hé mở cho biết tình yêu vô tận và vẻ đẹp tuyệt hảo của bản thể Ngài. Nỗi nhớ ấy làm cho người bị trúng thương không thể được chữa lành nếu không được gặp mặt chính người đả thương. Tuy nhiên, vết thương đó càng sâu bao nhiêu thì người bị trúng thương càng sướng khoái bấy nhiêu và lại ước mong nó không lành lại.[43]

Vết thương ấy xuất hiện sau một lần xuất thần : khi Người Yêu Dấu đem người mình yêu đến một nơi mà chẳng ai khác có thể đến được để thổ lộ tâm tình,[44] hé mở cho nó một chút vẻ đẹp đích thực của Bản Thể Ngài, thông truyền cho linh hồn chính Ngài, tựa như trong một cuộc đính hôn nhiệm lạ. Dù chỉ xẩy ra trong khoảnh khắc nhưng cả ngàn năm sau linh hồn cũng chẳng thể nào quên. Chân lý về chính bản thể Ngài được mặc khải cho linh hồn lớn lao đến nỗi trí khôn con người có học biết cả ngàn năm cũng không thể bằng một chút mặc khải ấy. Vì thế, linh hồn mong ước vết thương ấy không lành cho tới khi nó được hợp nhất nên một với Người Yêu Dấu trong cuộc kết hôn thần bí. Điều mà thánh nhân gọi là “vết phỏng êm ái”.

 Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng có sự bình đẳng trong tình yêu giữa Người Yêu Dấu và linh hồn.[45] Trong sự bình đẳng ấy, chính Người Yêu Dấu cũng trúng thương, bởi chính Người nhớ thương và khát khao hợp nhất nên một với linh hồn. Sự đau đớn vì vết thương của người yêu cũng chính là nỗi khát khao chịu khổ của người được yêu. Vì khi đó cả hai đã thuộc về nhau, là của nhau rồi. Còn linh hồn, vì đã hoàn toàn dứt khoát không nhận một bạn tình nào khác, nhưng Đấng Lang Quân lại không màng đến những ước muốn mãnh liệt lễ đính hôn sớm được hoàn thành của họ,[46] nên đau khổ khôn nguôi. Có điều tại sao cả hai đều khát khao yêu thương mà lại không thể thỏa mãn tình yêu? Chính sự khác biệt về hữu thể khiến cho Người Yêu Dấu không thể hiệp nhất nên một với người mình yêu, khi chưa được thanh luyện.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, cần phải có tia sáng của đêm tối thanh luyện tâm hồn người yêu nên trong sạch, tinh tuyền mới có thể xứng đáng hợp nhất. Chính vì thế, vết thương tình làm cho người được yêu đau khổ mà chẳng có nguồn an ủi nào có thể thỏa lấp, nếu không có sự hiện diện của Người Yêu Dấu. Cho nên, vết thương tình chính là quà tặng mà Người Yêu Dấu trao ban cho người yêu trước khi có cuộc hợp nhất trọn vẹn. Người chưa “yêu và được yêu” khó mà cảm nghiệm được nỗi khổ của kẻ yêu mà không thể gặp gỡ, cũng không thể ngay lập tức lấp đầy khát vọng của con tim. Cũng chẳng có thày thuốc nào chữa lành được vết thương tình, chẳng gì có thể làm cho người yêu được thỏa mãn ngoài chính người mình yêu. Chỉ trên Thiên đàng vết thương ấy mới được chữa lành.

Vết thương tình là một ân huệ, nên chẳng ai có thể đòi hỏi hay ước mong được trúng vết thương ấy. Người Yêu Dấu hoàn toàn tự do trao ban cho ai, vào lúc nào Ngài muốn, và luôn trao ban cách nhiệm lạ. Vì thế, có người bị trúng thương mà không biết ai đã làm và vết thương đó như thế nào. Có điều chắc chắn là Người Yêu Dấu chỉ trao ban cho ai đã hoàn toàn trao hiến trọn vẹn trái tim cho Người.

2. Qua một cuộc hành trình

            Cả Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đều mô tả tiến trình thần bí qua cuộc hành trình linh hồn kết hợp với Thiên Chúa. Dù cách gọi tên, hình ảnh mô tả khác nhau, nhưng bản chất vẫn là việc Thiên Chúa thanh luyện để con người xứng đáng kết hợp nên một với Ngài. Hành trình bảy cư sở trong Lâu đài nội tâm được soi sáng nhờ cầu thang mười bậc của Khúc linh ca, và ngược lại.

2.1. Lâu đài nội tâm – hành trình bảy tầng

            Têrêsa Avila đã phân tích các cấp độ đời sống tâm linh cũng như những hiện tượng kèm theo cách hết sức rõ ràng. Trong“Lâu đài nội tâm”, những chặng đường của đời sống thần bí từ khởi đầu cho đến khi kết hiệp với Thiên Chúa, được thánh nữ mô tả qua bẩy cư sở (phòng, tầng, bậc) của tòa nhà tâm linh. Trong mỗi cư sở đó, Thiên Chúa thông ban ân huệ, và Ngài trao ban chính Ngài cho linh hồn ở cư sở cuối. Mỗi người tùy theo ân huệ và lòng nhân từ Thiên Chúa ban, cùng với tâm hồn khiêm nhường tiến vào đón nhận, chiêm ngưỡng, sống trong các cư sở đó.

cư sở thứ nhất, vẻ đẹp của linh hồn được mô tả như một tòa lâu đài pha lê trong suốt và tinh tuyền. Linh hồn người công chính thì chính là Thiên đàng. Người ta tiến vào cư sở này bằng suy niệm và cầu nguyện, cả khẩu nguyện và tâm nguyện. Cũng trong cư sở này Thiên Chúa tỏ cho linh hồn biết Ngài cao cả, và sự yếu hèn của mình, nên cần khiêm nhường tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Ai muốn vào cư sở thứ hai phải dẹp bỏ những công việc và bận tâm không cần thiết.

cư sở thứ hai linh hồn bắt đầu thực hành việc nguyện gẫm. Linh hồn muốn tiến xa nhưng lại không kiên quyết đủ, không xa tránh các dịp tội nên rất nguy hiểm. Chính Chúa tìm mọi dịp, mọi cơ hội để không ngừng thúc đẩy linh hồn khao khát và cố gắng sống tình bạn với Ngài. Trong cư sở này sẽ có cuộc giao tranh khủng khiếp giữa linh hồn và ma quỉ, gây nên nhiều đau khổ cho linh hồn. Trong cuộc chiến này kiên trì cầu nguyện là tối cần cho linh hồn. Nếu bỏ cầu nguyện, linh hồn sẽ càng ngày càng xa Chúa. Hơn nữa, vì cửa dẫn vào lâu đài là cầu nguyện.

Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, kiên trì cầu nguyện và chiến đấu với cám dỗ, linh hồn tiến vào cư sở thứ ba. Thánh Têrêsa cho rằng ở trần gian nhiều linh hồn đã vào được cư sở này.[47] Ở cư sở này linh hồn được Thiên Chúa ban những ơn trọng đại. Khi ấy linh hồn ước muốn không xúc phạm đến Thiên Chúa, tránh phạm tội nhẹ, thích làm việc hãm mình, hồi tâm lâu giờ, thi hành nhiều việc bác ái. Tuy nhiên, trước khi chiếm đoạt linh hồn, Thiên Chúa để cho có thời kỳ cầu nguyện khô khan kéo dài, qua đó Ngài thanh luyện linh hồn. Có khô khan là để linh hồn nhận ra cách Thiên Chúa thanh luyện và biết kiểm điểm chính mình. Ngài tạm rút ơn an ủi thiêng liêng để linh hồn nhận ra giới hạn của mình, đồng thời biết khiêm nhường tin tưởng vào Thiên Chúa. Thời gian này linh hồn cần bền chí và khiêm nhường tuyệt đối, biết vui vẻ đón nhận điều Thiên Chúa ban và cả điều Ngài không ban.

Khi tiến vào cư sở thứ tư, linh hồn bắt đầu thực hành việc nguyện gẫm an tĩnh.[48] Nơi đây các tài năng của linh hồn đều bị thu hút vào Thiên Chúa. Linh hồn ở tình trạng này không được tìm kiếm an ủi thiêng liêng mà cứ khiêm nhường đón nhận điều Chúa ban. Vì lao nhọc tìm khiếm là vô ích nếu từ nguồn không ban. Ở tình trạng này, linh hồn có sức cuốn hút người khác nên sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho Hội Thánh và gây hại nhiều cho ma quỉ, cho nên ma quỉ hành động ráo riết để tiêu diệt. Chính vì thế, linh hồn phải khiêm nhường phó thác và không được háo danh. Cư sở thứ tư là khúc rẽ quan trọng trong hành trình thiêng liêng, bắt đầu tình trạng thần bí. Từ đây Thiên Chúa chủ động thanh luyện linh hồn, linh hồn thụ động đón nhận ơn Ngài ban.

           Ở trong cư sở thứ năm, linh hồn thực hành việc nguyện gẫm kết hợp.[49] Khi đó Thiên Chúa kết hợp với linh hồn trong chính linh hồn, theo ý Ngài muốn, tự do ra vào và ban ơn. Chúa vào thâm sâu linh hồn không qua giác quan và nội quan nào. Thiên Chúa biến đổi linh hồn từ con tằm xấu xí trở thành con bướm trắng đẹp. Còn linh hồn sung sướng được tiêu hao và chết đi ngàn lần vì Người, khát mong được chịu thử thách nặng nề, nóng lòng làm những việc hãm mình, ở trong cô tịch để cho mọi người nhận biết Chúa. Không có gì ở trần gian làm cho linh hồn thỏa mãn. Ngay cả mối dây cốt nhục, bạn hữu không còn ràng buộc được linh hồn. Linh hồn được bình an sâu thẳm.

     Trong cư sở thứ sáu, linh hồn được mang vết thương tình nên có đau khổ nội tâm. Đây là cách Thiên Chúa thanh luyện linh hồn, gọi là thanh tẩy thụ động. Vết thương tình là việc Thiên Chúa bất ngờ đến như một tia sáng chiếu rọi đâm thấu tâm hồn làm linh hồn tỉnh thức. Linh hồn hạnh phúc và sẽ rất hạnh phúc nếu vết thương đó không lành lại. Trong tình trạng đó Thiên Chúa nói lời yêu thương bằng thứ vô ngôn. Thiên Chúa cho linh hồn nhận thức Ngài đang hiện diện nhưng không tỏ lộ để cho linh hồn hưởng Ngài. Hạnh phúc này còn sướng khoái hơn cơn ngây ngất trong bậc nguyện ngắm an tĩnh. Vì trong cư sở này linh hồn thực hành cầu nguyện tận hiệp.[50] Trong tình trạng đó thường diễn ra cơn ngất trí.

            Cư sở thứ bảy còn được gọi là Thiên đàng thứ hai. Thiên Chúa nhận linh hồn làm hôn thê. Trước khi hoàn tất lễ thành hôn thiêng liêng, Chúa đem linh hồn vào trong cung điện của riêng Người. Trong đó, Chúa kết hợp với linh hồn trong chính mình và làm cho linh hồn như câm như mù, như Người đã hoán cải Phaolô.[51]

Chúa đưa linh hồn vào cư sở này bằng một thị kiến tri thức. Trong đó chính Chúa Ba Ngôi tự mặc khải chính Ngài cho linh hồn. Linh hồn nhận biết được nhờ nhìn thấy, dù cả con mắt xác thịt và con mắt linh hồn đều chẳng trông thấy gì. Linh hồn “nhìn thấy” vì cả Ba Ngôi đều hiệp thông với linh hồn. Trước khi diễn ra cuộc thành hôn thiêng liêng có lễ đính hôn thiêng liêng. Đính hôn thiêng liêng là tình trạng Thiên Chúa và linh hồn không liên tục ở bên nhau. Còn thành hôn thiêng liêng thì Thiên Chúa và linh hồn nên một. Đúng hơn, linh hồn không còn cảm thấy mình mà chỉ có Chúa. Chúa và linh hồn vui hưởng nhau trong thinh lặng thẳm sâu. Chúa dạy dỗ và làm cho linh hồn trở nên giầu có cách êm đềm lặng lẽ. Chúa ban cho linh hồn nụ hôn mà hôn thê cầu xin Đức Lang Quân. Khi ấy linh hồn quên mình hoàn toàn, ước muốn chịu đau khổ mãnh liệt mà không làm cho linh hồn rối loạn, khát khao ý Chúa được thể hiện. Chúa có làm gì thì linh hồn cũng cho là tốt. Chúa mặc khải chính mình cho linh hồn và đem linh hồn vào một nơi ma quỉ không vào được. Trong cư sở này không còn ngất trí nữa.

Ở tình trạng này linh hồn phải làm gì? Linh hồn cần nhớ tất cả những ơn Chúa ban cho không phụ thuộc vào hoạt động của mình, mà hệ tại ở việc linh hồn hoàn toàn khiêm nhường phó thác mình cho Thiên Chúa. Vì nền tảng của cả lâu đài là sự khiêm nhường. Đời sống thiêng liêng tiến bộ bằng cách chế ngự ý riêng. Người ta sống đời thiêng liêng thực sự khi trở thành nô lệ cho Thiên Chúa. Được Thiên Chúa đóng dấu hiệu là thánh giá Chúa Kitô. Đó là bảo chứng ta đã trao tự do cho Ngài.

Trong lời tái bút tác phẩm Lâu đài nội tâm, thánh Têrêsa đã khéo nhắc các nữ tu cũng như các độc giả: chính Ông Chủ mới có thể dẫn các chị vào được tòa lâu đài.[52] Vì Ông Chủ hoàn toàn tự do ra vào lâu đài và ban ơn, cho ai, khi nào, cách nào Ngài muốn. Cho nên, để tiến bước con người phải ngoan ngùy đón nhận điều Thiên Chúa ban và cả khi Ngài không ban, vì“Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).

Với Lâu đài nội tâm, thánh Têrêsa đã mô tả cuộc hành trình thần bí thật rõ ràng. Theo đó, ân sủng Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi con người vươn cao trên đỉnh hoàn thiện. Dù mỗi người mỗi cách, thời nào thánh đó. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thần hiệp thánh Têrêsa Avila để lại, như một bản chỉ đường cho đời sống thiêng liêng của ai biết khiêm nhường và ngoàn ngùy theo sự hướng dẫn của Thiên ý.

2.2. Đêm tối linh hồn – cầu thang mười bậc

Trong tác phẩm Đêm dày, thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả thật tuyệt vời tiến trình thần hiệp bằng hình ảnh cầu thang bí mật. Ngài cũng gọi đó là chiếc thang chiêm niệm, phát xuất từ Thiên Chúa. Cầu thang ấy được gợi hứng từ chiếc thang tổ phụ Giacóp đã thấy trong giấc mơ.[53] Chiếc thang được bắc từ đất lên trời. Trên thang có các thiên thần lên lên xuống xuống vì Thiên Chúa ở trên đỉnh thang. Chiếc thang có mười bậc, là khoa học yêu mến.[54] Nơi đó Thiên Chúa ban ơn hiểu biết thần phú để:“vừa soi sáng linh hồn, vừa khiến linh hồn đắm đuối yêu thương, và từng bước nâng linh hồn lên tới Thiên Chúa, vì chỉ có tình yêu mới nối kết được linh hồn với Thiên Chúa”.[55] Bằng tình yêu, linh hồn bước từng bậc lên tới đỉnh thang để được nên một với Thiên Chúa. Thánh nhân cũng trình bày những dấu hiệu và hiệu quả mỗi bậc, linh hồn theo đó để biết mình đang ở bậc nào trong mười cung bậc tình yêu này.

            Bậc tình yêu thứ nhất, linh hồn phải“gầy mòn tiều tụy” vì nỗi nhớ Thiên Chúa. Tình Nương trong sách Diễm Ca đã diễn tả bậc tình yêu này:“Này thiếu nữ Giêrusalem, tôi van nài các bạn : gặp người tôi yêu dấu, xin cho nhắn rằng : tôi đang ốm tương tư” (Dc 5,8). Như một người ốm, linh hồn tựa kẻ si tình, mất đi sự hứng thú đối với mọi sự. Đó chính là nỗi nhớ người yêu, nhớ tình, ốm vì yêu. Trong cơn bệnh này linh hồn không còn tìm thấy sự nương tựa, thú vui, an ủi hay nghỉ yên nơi bất cứ điều gì.[56] Đây là ơn thanh tẩy bằng chiêm niệm, dấu hiệu khởi đầu cuộc hành trình hiệp nhất thần linh. Cho nên từ bậc thang này linh hồn sẽ tiến ngay lên bậc thứ hai.

            Bởi đã“ốm vì yêu” và sẽ chết nếu không được chữa lành, nên ở bậc này linh hồn liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Mọi tư tưởng, lời nói hay trao đổi, dù ăn, ngủ, thức hoặc làm bất cứ việc gì linh hồn đều quy hướng về Người Yêu Dấu.[57] Đây là nỗi khắc khoải của tình yêu. Chính nhờ tình yêu này, linh hồn được phục hồi và lấy lại được sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong cuộc thanh tẩy thiêng liêng thần nhiệm.

            Trong bậc thứ ba của chiếc thang yêu thương, linh hồn được thúc đẩy hoạt động không biết mỏi mệt vì Thiên Chúa. Bởi lò than hừng hực yêu thương đang khiến linh hồn nóng bỏng, nên:“Dù có làm được những việc lớn lao cho Người Yêu Dấu, linh hồn vẫn coi là nhỏ nhoi, dù làm được nhiều nó vẫn coi là ít ỏi, thời gian phục vụ Ngài tuy dài nó vẫn coi là ngắn”.[58]Với một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt đến thế, linh hồn sẽ muộn phiền và đớn đau khôn tả khi nhận ra mình đã làm được quá ít cho Thiên Chúa. Linh hồn sẽ được an ủi biết bao nếu được chết đi ngàn lần vì Thiên Chúa.[59] Tác động của tình yêu mãnh liệt này làm phát sinh nơi linh hồn hiệu quả lạ lùng : linh hồn thấy mình thực sự tội lỗi hơn mọi người khác. Vì tình yêu đang dạy cho linh hồn biết Thiên Chúa đáng yêu kính vô ngần và tuy linh hồn đã làm được nhiều việc cho Thiên Chúa, nhưng nó lại thấy tất cả đều bất toàn, thiếu sót, nên khiến thêm đau buồn và xấu hổ.[60] Nhờ thanh luyện này, linh hồn đã xa khỏi thói háo danh, tự phụ và tật hay kết án kẻ khác[61] nên linh hồn nhẹ nhàng tiến lên bậc thang kế tiếp.

            Trong bậc thang thứ tư, linh hồn có khả năng chịu đau khổ vì Người Yêu Dấu cách thường xuyên và không mệt mỏi. Tình yêu khiến cho mọi gánh nặng dù to lớn và vất vả trở thành nhẹ nhàng.[62] Bởi vì, linh hồn thấy rõ Thiên Chúa ban cho mình vô vàn hồng ân, cho nên  tất cả nỗi lo lắng của linh hồn là làm thế nào có thể làm hài lòng Thiên Chúa, dù phải trả giá tới đâu đi nữa”.[63] Lại nữa, ở bậc thang này linh hồn luôn bước theo Thiên Chúa với một tình yêu chân thực và ước muốn chịu đau khổ vì Ngài, nên được Thiên Chúa thường xuyên viếng thăm khiến linh hồn tràn ngập niềm hoan lạc khôn tả.[64] Vì thế, linh hồn khao khát Thiên Chúa cách mãnh liệt và được Ngài đưa lên bậc thang thứ năm.

            Vì quá yêu, quá khao khát hiểu Người Yêu Dấu và mong được hiệp nhất với Ngài, nên trong bậc thang tình yêu này linh hồn sẽ mệt mỏi và ngột ngạt nếu sự trì hoãn dù chỉ trong chốc lát.[65]Sự khao khát lên đến cực độ vì lúc nào linh hồn cũng nghĩ đến việc được gặp Người Yêu Dấu. Và nếu không đạt được niềm ao ước ấy nó như ngất đi, bởi :“kẻ đang yêu sẽ chết mất nếu chẳng được thấy người yêu”.[66] Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng trong bậc thang này linh hồn được vỗ béo trong tình yêu,[67] no thỏa cơn đói khát ấy, linh hồn chạy nhanh lên bậc thang thứ sáu.

Nhờ nhiều lần được Thiên Chúa “chạm đến” nên trong bậc thang thứ sáu này, tình yêu làm tăng sức mạnh khiến linh hồn bay lên nhẹ nhàng để chạy nhanh đến Thiên Chúa.[68] Tiên tri Isaia đã cảm nhận về tình trạng này khi viết :“Những người cậy trông Đức Chúa, thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40, 31). Lý do khiến linh hồn trở nên nhanh nhẹn là vì đức ái đã triển nở và linh hồn hầu như đã được hoàn toàn thanh tẩy.[69]       

Trong bậc thang tình yêu thứ bẩy sự bạo dạn quyết liệt là ân ban cho linh hồn. Ai đã tiến vào đến tình trạng này, đức ái làm cho họ tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả[70] nơi Thiên Chúa. Tựa như ông Môsê mạnh dạn cầu xin Thiên Chúa tha cho dân nếu không thì Ngài hãy xóa tên ông trong sổ hằng sống,[71] Tình Nương cũng bạo dạn thốt lên:“Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng” (Dc 1,1). Làm sao mà linh hồn dám bạo dạn như thế ? Vì linh hồn đã thấy Đức Vua dủ lòng thương và nâng cao phủ việt hướng về nó,[72] nên những linh hồn được diễm phúc tiến vào bậc này phải luôn luôn giữ lòng khiêm nhường.

Nhờ sự bạo dạn và tự tin được Thiên Chúa ban cho, linh hồn tiến đến cùng Ngài với tình yêu cuồng nhiệt. Đó là tình trạng ở bậc thang thứ tám, nơi đây linh hồn mạnh mẽ tiến tới ôm ghì lấy Người Yêu Dấu, và sẽ chẳng chịu buông ra cho đến khi hiệp nhất với Ngài.[73] Tình Nương trong sách Diễm ca đã thể hiện cảm nghiệm ấy:“Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra, cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi”(Dc 3,4). Nơi bậc thang này tình trạng hiệp nhất làm cho linh hồn được mãn nguyện, nhưng không liên tục, vì vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện trọn hảo, linh hồn vẫn chưa được thanh luyện trọn vẹn, nên dễ dàng bằng lòng với tình trạng vui sướng này mà không can đảm bước tiếp lên bậc thang hoàn thiện.

            bậc thang thứ chín của tình yêu, linh hồn lìa khỏi xác, bốc cháy thật dịu dàng trong Thiên Chúa. Đây là tình trạng của những người hoàn thiện, ở trần gian rất ít người đã vào được bậc thang này.[74] Sự dịu dàng và đầy hoan lạc là quà tặng của Chúa Thánh Thần ban cho linh hồn, bởi linh hồn đã được ơn hiệp nhất với Thiên Chúa. Quả thật, những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho linh hồn thì nhiều vô kể. Bởi trong bậc thang này, linh hồn được thanh tẩy kỹ lưỡng bằng tình yêu cho nên không phải thanh luyện ở luyện ngục.[75] Và từ đây, linh hồn sẽ tiến vào bậc thang cuối cùng, bậc thang không còn thuộc về cõi đời này nữa.[76]

Nơi bậc thang thứ mười, linh hồn được hoàn toàn đồng hóa với Thiên Chúa, được hưởng kiến Thiên Chúa cách tỏ tường và trực tiếp.[77] Như lời thánh Gioan, linh hồn hoàn toàn nên giống Thiên Chúa:“chúng ta sẽ nên giống như Người,vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).Sự nên giống Thiên Chúa không có nghĩa là linh hồn có được những khả năng như Thiên Chúa, mà là thực sự trở nên giống Thiên Chúa bằng cách tham dự vào bản tính của Ngài.[78]

            Đích điểm cuộc hành trình cũng là đỉnh của chiếc thang, nơi Thiên Chúa ngự, ở đó linh hồn được kết hợp nên một với Thiên Chúa, thông phần vào bản tính thần linh của Ngài. Đây cũng là ý nghĩa của cuộc thanh luyện, Thiên Chúa thanh tẩy để con người xứng đáng trở nên giống Ngài, do hiệu quả của ơn thần hóa.

2.3. Hành trình cuộc hôn phối thần linh

            Các nhà nghiên cứu thần bí đều cho rằng thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá thuộc về trường phái thần bí hôn phối thiêng liêng. Quả thật, cảm nghiệm thần bí của các ngài cho chúng ta thấy rõ sự kết hợp nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa được mô tả như cuộc tình thần linh. Trong cuộc tình ấy, Đấng Tình Quân Thiên Chúa “tìm mọi cách” để kết hôn với Tình Nương linh hồn; còn linh hồn khát khao đến ốm liệt vì yêu. Tất nhiên, cuộc hôn phối thần linh phải trải qua giai đoạn đính hôn trước khi được thành hôn thiêng liêng.

            Như một cuộc tình, Thiên Chúa đi bước trước khơi lên lòng khao khát mãnh liệt hiệp nhất nên một nơi linh hồn. Phần linh hồn, một khi đã trúng vết thương tình của Thiên Chúa, không mỏi mệt lên đường tìm kiếm cho đến ngày hợp nhất. Theo thánh Gioan Thánh Giá, sau khi đã trải qua nhiều thao luyện tâm linh, Thiên Chúa đưa linh hồn vào một trạng thái cao vời để kết hợp nên một trong yêu thương. Nơi đó diễn ra cuộc đính hôn thiêng liêng giữa linh hồn và Ngôi Lời, Con Thiên Chúa.[79] Với thánh Têrêsa A-vi-la, cuộc đính hôn này diễn ra ở cư sở thứ sáu của lâu đài nội tâm. Thiên Chúa đưa linh hồn vào đính ước này trong cơn ngất trí, khi linh hồn không còn lệ thuộc vào giác quan.[80] Như hai người nam nữ khi đính hôn thuộc về nhau, linh hồn thuộc quyền sở hữu riêng của Thiên Chúa, là hôn thê của Người.

            Tựa như cô gái trong ngày đính hôn, Thiên Chúa cũng “tiết lộ” cho linh hồn những điều lớn lao về Người. Tô đẹp cho linh hồn sự cao cả uy nghi, trang sức cho nó những ân tứ và nhân đức, mặc cho linh hồn nhận thức về Thiên Chúa và danh dự của Người. Linh hồn bắt đầu một tình trạng an bình, hoan lạc và dịu ngọt của tình yêu.[81] Trong niềm vui sướng ấy, linh hồn chẳng làm gì ngoài việc kể lại và ca hát những điều cao cả của Người Yêu Dấu:“Ở đó Chàng đã cho tôi hết lòng hết dạ. Đã dạy tôi một khoa học hết sức dịu ngọt. Và tôi đã thực sự hiến dâng cho Chàng tất cả, không trừ lại gì. Ở đó tôi đã cùng Chàng kết tóc xe tơ”.[82]

Trong cuộc đính hôn thiêng liêng này, Thiên Chúa ban cho linh hồn tình yêu Ngài, dạy cho nàng sự khôn ngoan và huyền bí. Còn linh hồn, nàng cũng thực sự trao dâng tất cả cho Chàng, không giữ lại gì cho mình và cho bất cứ ai. Hai lòng muốn đã thuộc về nhau, buông mình cho nhau, mãn nguyện đến nỗi bên này không từ chối bên kia điều gì. Tuy nhiên, như hai người yêu sau ngày đính hôn, họ thuộc về nhau nhưng không liên lỉ ở bên nhau vì có thể xa nhau. Cũng thế, với lễ đính hôn thiêng liêng, linh hồn vẫn chưa liên lỉ ở trong Thiên Chúa, vì sự nên một chưa được liên tục. Tất cả là tình yêu và mong đợi lễ thành hôn thiêng liêng.

Hồng ân của lễ thành hôn thiêng liêng làm cho linh hồn liên lỉ ở lại trong thâm cung lòng mình với Thiên Chúa. Thiên Chúa đưa linh hồn vào lễ cưới thiêng liêng bằng thị kiến tri thức, được diễn ra trong cư sở thứ bảy của tòa lâu đài nội tâm.[83] Nơi đó Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính Ngài cho linh hồn. Ngài biểu lộ cho linh hồn thấy vinh quang trên trời qua một thể thức tuyệt diệu hơn bất kỳ một an ủi thiêng liêng nào. Linh hồn cảm thấy khoái trá đến nỗi chính thánh Têrêsa cũng không biết lấy gì để diễn tả, và điều có thể hiểu là linh hồn nên một với Thiên Chúa.[84] Vì như lời thánh Phaolô:“Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17). Trong cuộc hôn phối thiêng liêng này, linh hồn nhận được nụ hôn mà nàng đã cầu xin Đức Lang Quân.[85]

Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả hôn phối thiêng liêng này trong Khúc ca thứ 38. Linh hồn cầu xin được yêu mến Thiên Chúa cách tinh tuyền và hoàn hảo, như cách Ngài đã yêu mến nó, và xin Ngài hãy ban cho nó vinh quang Ngài đã tiền định trong vĩnh cửu :

  Và ở đó xin Người tỏ cho em

  Điều hồn em hằng khao khát

  Và rồi, hỡi Người là sự sống của em

  Ở đó xin Người hãy cho em

  Điều Người đã cho em từ ngày ấy.

 

            Linh hồn thấy chưa thỏa lòng dù đã đạt được sự biến đổi nơi Thiên Chúa ở đời này, dù tình yêu đã thật bao la, linh hồn cũng không thể yêu Thiên Chúa bằng một tình yêu hoàn hảo như Ngài đã yêu. Điều linh hồn khát khao là đạt được tình yêu ngang hàng với Thiên Chúa. Đó là sự bình đẳng trong tình yêu. Quả thế, một người đang yêu chỉ có thể hài lòng khi cảm thấy mình đã yêu nhiều như mình đã được yêu. “Điều ấy” chính là vinh quang tối hậu, tức là thấy được chính Bản Thể Thiên Chúa. Vì hạnh phúc con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Có điều, tại sao ở đây linh hồn lại bảo rằng ước vọng của nó là yêu mến Chúa, chứ không phải là được nhìn thấy Ngài. Có hai lý do trả lời cho vấn nạn này.

Thứ nhất, vì tất cả là tình yêu mà tình yêu lại nằm dưới quyền kiểm soát của lòng muốn, và đặc điểm của tình yêu là cho chứ không phải nhận. Còn đặc điểm của trí hiểu, vốn là chủ thể của cái vinh quang tối hậu lại là nhận chứ không phải cho. Ở đây, vì linh hồn đang say sưa yêu nên không đặt ưu tiên vào vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban, nhưng lại quan tâm đến sự hiến mình cho Ngài bằng một tình yêu đích thực, nên chẳng màng gì đến lợi ích riêng.

Thứ hai, vì ước vọng nhìn thấy Thiên Chúa được bao hàm trong ước vọng yêu mến Ngài. Vì với tình yêu linh hồn trả cho Thiên Chúa những gì nó mắc nợ Ngài (nợ tình), đang khi với trí hiểu linh hồn chỉ nhận lãnh mà thôi.[86] Cho nên linh hồn khao khát xin được yêu Chúa như Chúa đã yêu mình:“Những điều Ngài khao khát con cầu xin, con sẽ xin; và những gì Ngài không khao khát, con cũng không thể khát khao. Thỉnh nguyện của con giờ đây là được nên đáng quí, đáng yêu trước mặt Ngài, vì những thỉnh cầu của con đến từ Ngài, và chính Ngài khiến con thực hiện những thỉnh nguyện này”.[87]

Như vậy, điều mà linh hồn hằng khao khát thì đã rõ, nhưng còn “ngày ấy” mà linh hồn muốn nói ở đây là ngày nào? Và “điều ấy” được thực hiện thế nào trong “ngày ấy”. Ngày ấy là ngày vĩnh cửu của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đã tiền định cho con người được hưởng vinh quang. Ngày cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa, bởi Hiền Thê của Ngài đã điểm trang lộng lẫy.[88] Ngày linh hồn sẽ được sở hữu vĩnh viễn điều chính Thiên Chúa đã tiền định từ vĩnh cửu, khi quyết định tạo dựng nên nó. Điều thánh Phaolô bảo là:“mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới” (1Cr 2, 9). Vì thế, ở đây linh hồn như muốn nói:

Ôi Đức Lang Quân của em, điều Người đã cho em chính là sức nặng của vinh quang Người. Vậy hãy cho em điều ấy trong ngày đính hôn và hôn lễ của em, ngày đó tâm hồn em chan chứa vui mừng, khi em được rời khỏi xác thịt và bước vào những hang động thật cao của loan phòng Người. Người sẽ biến đổi em thành Người một cách vinh quang, và chúng ta sẽ cùng uống chất ngọt tư những quả lựu ngọt ngào.[89]

 Như vậy, dù tình trạng hôn phối thiêng liêng đem lại cho linh hồn sự biến đổi hoàn toàn ngay ở đời này, thì linh hồn vẫn không có được sự hoàn hảo của tình yêu vĩnh cửu. Cho nên điều ấy chỉ có thể đạt được trong hạnh phúc Thiên đàng, khi diện đối diện với Thiên Chúa, linh hồn mới biết và yêu Ngài như Ngài biết và yêu nó.

Cảm nghiệm thần hiệp trong tình trạng hôn phối thiêng liêng nói trên đã chứng minh giả thuyết nêu ra trong phần dẫn nhập : đích cùng cảm nghiệm thần bí là kết hợp nên một với Thiên Chúa ở đời này chưa phải là vinh quang tối hậu, hạnh phúc tuyệt đối, đích cùng của Ki-tô giáo. Cảm nghiệm thần bí chỉ là “khai vị” vào đời sống vĩnh cửu. Kết hợp thần bí là cách thức Thiên Chúa đến với con người, cũng là khát vọng của con người hợp nhất với Thiên Chúa ngay trong cuộc sống trần gian. Còn hạnh phúc vĩnh cửu con người chỉ đạt được trong cuộc sống đời sau.

3. Tập trung vào Đức Giêsu Ki-tô

Bản chất của thần bí Ki-tô giáo là kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Trong cảm nghiệm thần bí, thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá cho thấy sự kết hợp cao sâu này nơi Đức Giêsu Ki-tô như một Tình Quân – Người Yêu Dấu. Cảm nghiệm ấy được chiêm ngắm trong nhân tính và cuộc tử nạn của Ngài. Qua đó, dung nhan Vị Thiên Chúa Tình Yêu được khắc họa rõ nét và thuần khiết nơi Đức Giêsu.

3.1. Đức Giêsu được cảm nghiệm như một Tình Quân – Người Yêu Dấu.

            Cùng thuộc trường phái thần bí hôn phối thiêng liêng, hai vị thánh của nền linh đạo Cát-minh có chung cảm nghiệm về Đức Giêsu như một Tình Quân – Người Yêu Dấu, là đối tượng kết hợp nên một trong tình yêu của linh hồn. Tình yêu hoàn hảo có đặc tính làm cho người yêu ngang hàng với đối tượng được yêu và tình yêu như tình bạn.

Ngay ca khúc đầu tiên của Khúc linh ca, thánh Gioan Thánh Giá đã say đắm Lang Quân của mình là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, và khát khao kết hợp nên một với Người.[90] Linh hồn đã lên đường tìm kiếm, và chỉ nghỉ yên khi đã gặp được Người Yêu Dấu. Sau khi đã trải qua bao vất vả trong cuộc tiến sâu vào trong Thiên Chúa, khi khát khao của linh hồn được hòa hợp với khát khao của Thiên Chúa. Linh hồn yêu Chúa với tình yêu thanh khiết, nó nói :

            “ Hỡi Người Yêu Dấu, ta hãy cùng hân hoan

  Hãy ra đi mà nhìn ngắm trong vẻ đẹp của Người” (Khúc ca 36).

Sự êm ái ngọt ngào của tình yêu không chỉ có được khi đôi bên tâm đầu ý hợp, mà còn tuôn trào ra từ bên trong qua những hành vi trìu mến của lòng muốn, và qua những công việc phụng sự Người Yêu Dấu ở bên ngoài. Để làm sao nhờ việc thể hiện tình yêu nói trên linh hồn đạt tới chỗ nhìn thấy chính mình trong vẻ đẹp của Người, trong cuộc sống đời đời. Khi đó :

Em được biến đổi trong vẻ đẹp của Người, để khi đã được nên giống Người trong vẻ đẹp, cả hai sẽ thấy nhau nơi vẻ đẹp của Người, có được chính vẻ đẹp của Người; đến nỗi, khi ngắm nhìn nhau, mỗi bên đều thấy bên kia vẻ đẹp của mình, bởi thật ra, cả hai bên cũng là một vẻ đẹp duy nhất, vẻ đẹp của Người, vì em bị mất hút trong vẻ đẹp của Người. Do đó, em sẽ thấy Người nơi vẻ đẹp của Người và Người cũng thấy em nơi vẻ đẹp của Người. Rồi em sẽ thấy chính em nơi Người trong vẻ đẹp của Người. Và như thế, em được nên giống Người trong vẻ đẹp của Người và Người cũng nên giống em nơi vẻ đẹp của Người. Và, vẻ đẹp của em hãy là vẻ đẹp của Người, và ngược lại, vẻ đẹp của Người cũng hãy là vẻ đẹp của em. Như thế, em sẽ là chính Người nơi vẻ đẹp của Người và Người sẽ chính là em cũng nơi vẻ đẹp của Người; bởi chính vẻ đẹp của Người sẽ là vẻ đẹp của em. Và như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy nhau trong vẻ đẹp của Người.[91]

 

Tình yêu kết hợp hai người khác biệt nên một, bởi chỉ còn một vẻ đẹp, vẻ đẹp của Người. Vì yêu chúng ta Chúa đã tự hạ mình ngang hàng với chúng ta. Ngài cũng biến đổi chúng ta nên giống Ngài. Tình yêu đích thực xóa bỏ mọi khoảng cách, và làm cho hai người yêu trở nên như bạn, bạn tình, bạn trăm năm. Thánh Têrêsa Avila cảm nghiệm được yêu và sống tình yêu với Đấng Tình Quân của mình như bạn.

Đặc tính của tình bạn là sự trung thành. Thánh Têrêsa đã ước ao có ai đó công bố cho khắp hoàn vũ biết sự trung thành của Chúa đối với các bạn hữu Ngài.[92] Chính thánh nhân đã làm công việc ấy bằng sống tình bạn trung thành với Chúa. Tình bạn giúp cho hai người hiểu nhau như hai linh hồn ở trên Thiên đàng. Trong mặc khải lúc xuất thần, Têrêsa cũng cảm nghiệm được sự hiểu nhau giữa Thiên Chúa và linh hồn, đến độ không cần dùng phương tiện nào để diễn tả, vì tình bạn được hiểu trong tình yêu :“nên dù Ngài là Chúa của con, con vẫn muốn tâm sự với Ngài như với một người bạn”.[93]

Trong Tân Ước, thánh Gioan Tẩy Giả đã sống niềm vui người bạn của Chàng Rể, khi Chàng cưới Cô Dâu:“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (Ga 3,29). Chính tác giả Tin Mừng thứ tư đã sống cảm nghiệm của người yêu tựa đầu vào lòng Chúa, như tình bạn. Đó là tâm tình Thày Chí Thánh muốn các môn đệ mình sống khi công bố:“Thày gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Hai người nam nữ khi yêu, họ gọi nhau cách thân mật : chàng, nàng; anh, em. Tình yêu của anh trao hiến cho em; tình yêu của em dâng tặng anh được gọi là tình yêu của chúng ta. Tuy nhiên, khi đã kết hôn thành vợ chồng, nên một trong đời sống hôn nhân, họ gọi nhau là mình, là bạn trăm năm. Tình yêu muôn thủa ấy giờ đây được gọi bằng tình bạn trăm năm. Cũng thế, trong hồng ân của hôn phối thiêng liêng, thánh Têrêsa đã ước ao sống cho xứng đáng với Bạn Tình, Đấng Phu Quân, Bạn Trăm Năm của mình.[94] 

Trong nền văn hóa Á Đông, tình bạn trung thành của Trung thần và tình yêu thủy chung của Ái phi với đức Vua phản ánh phần nào cảm nghiệm này. Một vị vua muốn thành công trong việc trị nước, luôn cần cả tình bạn của Trung thần và tình yêu của Ái phi. Đức Giêsu là Đức Vua, ngài “cần” cả trung thần và ái phi, trong cuộc chinh phục các linh hồn cho vương quốc của Ngài. Thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila quả đã tôn thờ Chúa Ki-tô như Đức Vua của lòng mình, cũng yêu mến Ngài như là Bạn Tình.

3.2. Qua nhân tính và cuộc tử nạn

Một truyền thống phổ biến của linh đạo Trung cổ coi sự kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu chỉ thực hiện được trong Thiên Tính của Ngôi Lời Nhập Thể, chứ không thể đạt được bằng chiêm ngắm Nhân Tính. Quan điểm tu đức này khiến cho nhiều tâm hồn khát khao thánh thiện không thể thăng tiến trên đường trọn lành vì không được suy niệm, chiêm ngắm Nhân Tính Cực Thánh. Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá mở ra cách hiểu khác về sự kết hợp này.

Thánh Têrêsa không chịu nổi việc người ta cho rằng phải hoàn toàn tách mình khỏi Đức Ki-tô, và coi thân xác Thần Linh của Người cũng ngang hàng với thân xác của các tạo vật.[95] Từ đó những ai muốn tiến sâu trong đường thiêng liêng phải từ bỏ những gì liên quan đến thể xác. Bởi Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, nên điều gì trái ngược với siêu nhiên sẽ đưa người ta xa Chúa. Bằng kinh nghiệm đau thương của mình, khi trong cầu nguyện thánh nhân đã từng cố gắng bỏ qua những gì thuộc về thể xác, cũng đã từng coi Nhân Tính là chướng ngại cho việc siêu thăng tâm trí. Tuy nhiên, khi được cha giải tội cho biết đó là một sai lầm, thánh nhân đã thú nhận : không khi nào nhớ lại ý nghĩ đó mà ngài không đau đớn, và tin là mình đã phản bội Chúa cách nặng nề, dù chỉ vì không biết.[96] Từ đó, thánh nhân đề cao việc suy ngắm cuộc thương khó, và coi đó như là phương thế thăng tiến trên đường tâm linh, ngay cả khi đã tiến xa trên hành trình này.

Thánh nhân khuyên rằng trong bất cứ trường hợp nào người ta cũng phải ôm lấy thập giá. Trong thời kỳ khô khan của cuộc thanh tẩy, hãy chiêm ngắm Đức Ki-tô như một con người.[97] Với các nữ tu, ngài khuyên họ, mỗi khi vất vả, khó nhọc hay phiền muộn, hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu trên đường đến vườn Dầu. Hãy cảm nghiệm sự đau khổ cực độ đang chiếm đoạt tâm hồn Người, hãy ngắm nhìn Người vác thập giá. Chúa đã quên những đau khổ của Người để an ủi chị em mỗi khi chị em tìm đến an ủi Người.[98] Nhờ việc suy niệm, chiêm ngắm cuộc khổ nạn Chúa, người ta kín múc được sức mạnh cho cuộc đời vất vả của mình. Vì Thiên Chúa mặc khải chính mình qua Nhân Tính cực thánh Đức Giêsu.[99]

Với thánh Gioan Thánh Giá, Nhập Thể là công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, được coi như là hôn lễ giữa Đức Ki-tô và nhân loại sa ngã.[100] Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, trải qua cuộc thương khó, cái chết và phục sinh, rồi trở về với Chúa Cha mang theo mình nhân loại đã được cứu chuộc và thần hóa. Ngôi Lời làm người trong Nhân Tính Đức Giêsu để tìm kiếm linh hồn, là hiền thê của Ngài, biến đổi nó, cho được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa thần hóa con người trong nhân tính của Chúa Giêsu.

Thập giá Đức Giêsu đích thực là đường, là chiếc thang để nơi đó các thiên thần và con người lên lên xuống xuống trên Con Người mà đến cùng Chúa Cha.[101] Khi phục sinh, thân xác được vinh quang, Nhân tính trở nên ngang hàng với thần tính có thể sai Chúa Thánh Thần đến với nhân loại. Nhân tính Đức Giêsu giờ đây đời đời là Thiên Chúa. Bởi thế, mỗi người đều có chỗ trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ngôi Lời làm người đã đảm nhận nhân tính. Vì vậy, việc chiêm ngắm nhân tính, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu không chỉ giúp người ta đến gần Chúa Giêsu mà còn đi vào trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

            Ngày nay, trong khi thần học hiện đại tìm mọi cách để dung hòa giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Ki-tô siêu việt, thì người ta lại quên rằng trong cảm nghiệm thần bí, thánh Têrêsa Avila đã nhận được ơn kết hợp với Thiên Chúa nơi Nhân Tính Đức Giêsu. Chính từ việc say mê Nhân Tính cực thánh cách mãnh liệt mà thánh nhân hợp nhất nên một với Ngôi Lời. Vì chẳng thể nào phân chia được Đức Giêsu thành Na-gia-rét và Ngôi Hai Thiên Chúa. Hơn nữa, theo Têrêsa, Thiên Chúa chỉ ban những ơn trọng đại qua Nhân Tính rất thánh thiện của Chúa Ki-tô.[102]

3.3. Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

            Bản chất của thần bí Ki-tô giáo là kết hợp nên một với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Vì nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã làm người để yêu con người bằng tình yêu con người. Để thực hiện điều ấy Thiên Chúa một đằng đã tự hạ mình, đằng khác nâng con người lên ngang hàng với Ngài để yêu thương. Cảm nghiệm thần bí của thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila cho thấy cuộc gặp gỡ Vị Thiên Chúa của giao ước tình yêu hôn nhân, trong Đấng Tình Quân Giêsu.

            Thánh Gioan Thánh Giá đã chiêm ngắm và tôn thờ Đức Giêsu bằng một trái tim trần trụi, như chính trái tim của Đấng treo trên thập giá. Chúa Giêsu trên thập giá biểu lộ cho ta sức mạnh của Thiên Chúa trong sự trần trụi của trái tim yêu thương. Mượn hình ảnh chú bé chăn cừu, thánh nhân mô tả Đấng chấp nhận khổ đau, lẻ loi, dù bị “cô bé chăn cừu xinh đẹp” quên lãng, nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm, thậm chí bị đánh tả tơi, tất cả chỉ vì yêu, cho đến ngày Chàng dang đôi tay trên một thân cây, hiến cho đời trái tim tan nát vì yêu.[103]

Nơi Đức Giêsu, người ta được chiêm ngắm tuyệt mỹ Thần Linh trong thảm kịch Thập Giá. Nơi Ngài, người ta thấy một Thiên Chúa đau khổ vì yêu con người.

   Với thánh Têrêsa Avila, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được cảm nghiệm như Đấng Tình Quân, Bạn Tình Trăm Năm của linh hồn. Người Bạn này quả là “khó chơi” nhưng lại không thể tách ra khỏi, bởi Ngài quá đáng yêu. Cho nên:“chúng ta hãy nên điên dại vì mến Đấng đã bị người ta gọi là điên dại vì yêu chúng ta”.[104] Têrêsa đã tôn thờ và yêu mến Đấng Tình Quân của mình và thuộc trọn về Ngài cả xác hồn. Tình yêu mãnh liệt được cam kết bởi cuộc hôn phối thần linh, Chúa và linh hồn thuộc về nhau. Như dấu chỉ tình yêu lớn lao Chúa dành cho vị hôn thê, Ngài thường xuyên nói với Têrêsa:“Từ nay con là của Cha và Cha là của con”.[105]Khi ấy   Têrêsa thường đáp lại:“Lạy Chúa, con có quan tâm gì đến con hay sự gì khác ngoài Chúa đâu”.[106] Quả là nơi Đấng Tình Quân Giêsu, Thiên Chúa đã yêu con người và muốn họ đáp lại tình yêu Ngài bằng tình yêu của con người. Tình yêu làm cho con người chỉ còn tìm danh dự và vinh quang cho Đấng mình yêu mến, tôn thờ.

Cảm nghiệm thần bí thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã khắc họa dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu, biểu lộ nơi Đấng Tình Quân Giêsu. Mối tình có hương vị ngọt ngào của hôn lễ thần linh, cũng có vị cay đắng của lãng quên, bỏ rơi. Mối tình đó mời gọi con người trung thành với giao ước tình yêu, bởi trái tim Đấng Thánh đã tan nát cũng vì yêu.

 III. NÉT ĐẶC SẮC TRONG CẢM NGHIỆM THẦN BÍ CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ GIOAN THÁNH GIÁ

            Ân sủng Thiên Chúa tác động trên mỗi người mỗi khác, cho nên cảm nghiệm thần bí cũng có nét riêng. Nét đặc sắc trong cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá minh chứng sự kết hợp nên một với Thiên Chúa là một ân ban. Vì nếu Thiên Chúa không tự ban chính mình, con người chẳng có được cuộc kết hợp này. Linh hồn muốn tiến bước, phải trải qua cuộc thanh luyện “chí tử” được Thiên Chúa dọn sẵn cho người Ngài yêu. Điều thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm tối. Và một nét đặc biệt nữa của cảm nghiệm thần bí, đó là dù nó đến trong cầu nguyện, chiêm niệm, xuất thần, nhưng hiệu quả của nó là nhiệt tâm tông đồ.

1. Kết hiệp thần bí là một ân ban

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã khẳng định đức tin Ki-tô giáo tự nền tảng là điều được nhận lãnh. Và con người không thể đạt tới ý nghĩa làm người sâu xa nhất bằng những gì mình làm được cho bằng những gì mình nhận lãnh.[107] Quả vậy, muôn vàn hồng ân ta lãnh nhận đều do lòng nhân hậu Chúa ban. Tất cả được ban trong Đức Ki-tô, bởi:“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(Ga 1,16).Cảm nghiệm thần bí của hai vị thánh cải tổ Cát-minh cũng cho thấy xác quyết này.

1.1. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn

            Cuộc tự thông ban được diễn ra trong tình trạng kết hôn tâm linh. Theo thánh Gioan Thánh Giá, nó diễn ra ở“giường hợp cẩn”, là chính Đức Lang Quân, Ngôi Lời Thiên Chúa trong“nơi hầm rượu bên trong”. Khi đó :“Chính Thiên Chúa tự thông truyền chính mình cho linh hồn bằng cách biến đổi linh hồn thành Ngài trong vinh quang tuyệt vời”.[108]Với thánh   Têrêsa, sự thông truyền này chỉ diễn ra trong cư sở thứ bảy. Ở đó, Thiên Chúa Ba Ngôi tự mặc khải chính mình và nên một với linh hồn trong Nhân Tính Cực Thánh.[109]

Cách thức Thiên Chúa thực hiện cuộc kết hợp là tự ban chính mình cho linh hồn, không qua bất kỳ trung gian nào, thậm chí là các thiên thần. Các giác quan bên ngoài cũng như nội quan đều vô phương cảm thấu, vì chỉ “một mình với một mình”.[110] Nơi ấy ma quỷ cũng không vào được, chỉ có Chúa và linh hồn vui hưởng nhau trong thinh lặng thẳm sâu.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, nét táo bạo thuộc về bản chất của tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn là sự bình đẳng, ngang hàng. Xét về bản tính, muôn đời con người là thụ tạo, không thể ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng vì “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,8.16) nên Ngài chẳng thể yêu cái gì ngoài tình yêu Ngài. Ngài yêu tất cả đều vì Ngài là tình yêu. Bởi vậy, Ngài cũng chẳng thể yêu thứ gì kém hơn yêu chính Ngài. Cho nên, đối với Thiên Chúa, yêu một linh hồn là đặt linh hồn ấy vào trong chính Ngài, làm cho nó ngang hàng với Ngài.[111]

Về hiệu quả cuộc thông truyền này : thứ nhất, linh hồn nhận biết cách chắc chắn và chân thật Ba Ngôi cùng một bản thể, một quyền năng, một sự thông suốt và là một Thiên Chúa duy nhất. Điều người ta nhận biết nhờ đức tin, giờ đây linh hồn nhận biết bằng trông thấy, dù cả con mắt giác quan và tâm linh không thấy gì. Đó là sự thông truyền siêu giác quan, vì ở đây cả Ba Ngôi đều thông hiệp với linh hồn.[112]

Hiệu quả thứ hai, Chúa Cha thông truyền cho linh hồn tình yêu Ngài đã thông truyền cho Chúa Con, dù không theo bản tính, nhưng bằng tình yêu, vì sự nên một được biến đổi trong tình yêu. Như thế, những điều Chúa Con có được theo bản tính thì linh hồn có được nhờ dự phần. Do đó, con người thật sự là thần linh do được dự phần với Con Thiên Chúa.[113] Đó là ước mong của Đức Giêsu trong lời nguyện hiến tế:“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17, 22-23).

Thứ ba, linh hồn được dự phần vào chính Thiên Chúa, nghĩa là sẽ cùng với Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài công việc của chính Ba Ngôi. Dù sự nên một tận bản thể giữa linh hồn và Thiên Chúa chỉ thực hiện được ở đời sau, thì trong đời này, ở tình trạng đang đề cập, linh hồn nhận được bảo chứng và được nếm trước hương vị của ơn nên một đó.[114] Cảm nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận điều này:“nhờ vinh quang và sức mạnh của Đấng chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã tặng ban tặng cho chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Ngài đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1, 2-4).

Ơn ban thứ tư: nhờ “hơi thở thần linh” Chúa Thánh Thần nâng linh hồn lên cách cao vời, làm cho nó có khả năng yêu Chúa Cha và Chúa Con bằng tình yêu thương của chính Thánh Thần. Thiên Chúa đã dùng hơi thở Thánh Thần nơi linh hồn để biến đổi nó nên chính Ngài. Đây thực sự là một hoan lạc cao vời, tinh tế và sâu xa đến nỗi trí hiểu con người không thể nắm bắt tí gì. Bởi khi đã được nên một với Thiên Chúa và được biến đổi thành Thiên Chúa trong tình yêu, linh hồn có thể thở ra trong Thiên Chúa và cho Thiên Chúa chính hơi thở thần linh mà Thiên Chúa thở ra từ chính Ngài, cho linh hồn được biến đổi nên như Ngài.[115] Cần phải biết rằng trong cuộc biến đổi này, linh hồn hoàn toàn thụ động bởi vì Chúa Thánh Thần thực hiện tất cả và hướng linh hồn tới những hoạt động đó. Theo đó tất cả hoạt động của linh hồn đều thiêng liêng, đó là hoạt động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa.[116]

Với cuộc tự trao ban Thiên Chúa biến đổi linh hồn thành chính Ngài, đến nỗi tất cả cơ năng của linh hồn đều là của Thiên Chúa :

Trí năng của linh hồn là trí năng của Thiên Chúa; ý chí của nó là ý chí của Thiên Chúa; ký ức của nó là kí ức về Thiên Chúa; và niềm hoan lạc của nó là hoan lạc của Thiên Chúa. Mặc dù bản thể của linh hồn không phải là bản thể của Thiên Chúa, vì nó không thể trải qua cuộc biến đổi bản thể vào Thiên Chúa được. Linh hồn đã trở thành Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào Thiên Chúa, được kết hợp với Ngài và được hấp thụ trong Ngài. Ở trong tình trạng này, linh hồn có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2, 20)”.[117]

 1.2. Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất

            Cảm nghiệm thần bí cũng cho thấy một Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất. Ngài vừa siêu việt vừa nội tại, vừa gần gũi vừa xa cách. Ngài vượt xa thụ tạo ngàn trùng, nhưng lại gần gũi thân thương ở giữa con người. Ngài đáng yêu như vị Hôn Phu nhưng cũng khó kiếm tìm như gió nhẹ. Nên để tìm kiếm Chúa, có lúc người ta cần phải vươn lên cao, có khi phải xuống tận đáy hồn mình, hàn huyên tâm sự với Đấng hiện diện trong sâu thẳm cõi lòng.

            Trong Khúc linh ca, ngay khúc ca đầu, thánh Gioan Thánh Giá đã nói về một Thiên Chúa ẩn mình: Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu. Nói như thế, linh hồn bày tỏ nỗi khát khao Người Yêu Dấu là Ngôi Lời Thiên Chúa biểu lộ yếu tính thần linh của Ngài, để nó đi tìm. Theo Tin mừng Gioan, Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa, hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), tức yếu tính Ngài là Thiên Chúa. Yếu tính đó xa lạ với mắt phàm và ẩn khuất đối với  trí hiểu loài người.[118] Tiên tri Isaia cũng tuyên bố như thế khi thưa với Chúa:“Lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15). Cho nên, đối với con người Thiên Chúa luôn luôn ẩn khuất, tìm kiếm Ngài như tìm Đấng ẩn mặt. Hệ luận là dù con người có cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa cách mạnh mẽ, cũng không vì thế mà cho rằng mình đã chiếm hữu được Chúa, đã được thấy Ngài cách tỏ tường.

            Với linh hồn, dù được ban cho một vài tia sáng về sự tuyệt hảo của Thiên Chúa, thì vẻ đẹp Sự Thiện Tối Cao ấy vẫn ẩn khuất với nó. Bởi nơi linh hồn Thiên Chúa hiện diện bằng ba cách.[119] Thứ nhất, hiện diện theo yếu tính. Bằng cách này, Thiên Chúa hiện diện trong mọi người, ở mọi nơi và trong muôn vật. Ngài ban cho muôn loài sự sống và hữu thể. Thiếu sự hiện diện này, muôn loài sẽ thành hư không. Cách thứ hai, hiện diện bằng ân sủng, nhờ đó Thiên Chúa cư ngụ nơi linh hồn cách thích thú và hài lòng. Có khi linh hồn cảm nhận được cũng có khi không. Ai phạm tội trầm trọng sẽ mất sự hiện diện này. Cách hiện diện thứ ba là do lòng Chúa ưu ái. Nơi những linh hồn thánh thiện, Thiên Chúa hiện diện và ban cho cảm thức tâm linh khiến nó thích thú, hoan lạc và vui thỏa.

Tuy nhiên, các cách hiện diện này đều mang tính ẩn khuất, bởi ở đó Thiên Chúa vẫn chẳng tỏ mình như yếu tính, cũng do thân phận yếu hèn ở đời này không cho phép người ta có được điều đó. Vì thế đến Khúc ca 11, linh hồn đã cầu xin:“Hãy tỏ cho thấy Người đang hiện diện”. Về điều này, cảm nghiệm của Môsê trên núi Xinai sẽ giúp người ta hiểu rằng ở trước nhan Thiên Chúa, Môsê đã thoáng thấy biểu hiện quá cao vời và thẳm sâu của vẻ đẹp thần tính còn ẩn khuất của Ngài. Khao khát chiêm ngắm mạnh mẽ không thể chịu nổi, Môsê đã “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33,18). Nghĩa là ông xin cho đạt được tình yêu trọn vẹn của vinh quang Chúa. Và Thiên Chúa đã trả lời ông:“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20).Cách khác, Thiên Chúa muốn bảo ông: hỡi Môsê, ngươi đã xin Ta một điều thật khó khăn. Vì vẻ đẹp của Ta quá cao vời, và niềm hoan lạc được nhìn thấy ta quá lớn đến nỗi linh hồn ngươi không thể nào chịu nổi điều ấy trong kiếp sống của ngươi.[120] Cho nên, cảm nghiệm của linh hồn trước vẻ đẹp, tình yêu và bản thể Chúa, ở đời này dù thế nào vẫn là mầu nhiệm ẩn giấu. Đến nỗi chỉ một cái nhìn âu yếm của Chúa đã khiến linh hồn suy nhược, ốm vì yêu. Cảm biết được điều này, câu thơ tiếp theo linh hồn đã thốt lên:“Để cái nhìn và vẻ đẹp của Ngài giết chết em đi”. Vì chỉ qua cái chết con người mới được chiêm ngắm Chúa cách tuyệt đối và vĩnh viễn.

Thánh Têrêsa cũng cho thấy nỗi cực hình khốn khổ khi có được chút khoảnh khắc để ở với Chúa thì Ngài lại ẩn mình đi. Yêu Chúa với tình yêu mãnh liệt, chân thành như tình bạn, thánh nhân dí dỏm thưa với Ngài:“Lạy Chúa, con tin rằng, nếu con có thể ẩn mình khuất mặt Chúa như Chúa đã ẩn mình khuất mắt con, thì tình Chúa yêu con sẽ không thể chịu nổi đâu. Xin Chúa hãy xét coi, đối xử như thế với kẻ yêu mến Ngài nhiều như vậy thì thật là bất công”.[121]

            Vậy nên, sống ở trần gian ta có cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa cách sống động qua thiên nhiên, con người, nơi Hội Thánh và trong các bí tích; dù Ngài vẫn đến với ta gần gũi thân thương như người Cha Hiền, người Thày, người Bạn, người Tình, thì sự hiện diện ấy cũng không trọn vẹn bản thể Ngài. Thiên Chúa vẫn như xa cách ngàn trùng, vẫn mãi ẩn khuất đối với con người. Chính vì thế, còn sống là còn thời gian tìm Chúa, tìm kiếm liên lỉ bằng đức tin và tình yêu.

Ở đây cần lưu ý cách kiếm tìm, kẻo miệt mài tìm mà không gặp, như nhà thần bí bản thể Eckhart cảnh giác:“Bất cứ ai tìm kiếm Thiên Chúa thông qua ‘những nẻo đường’ thì chỉ tìm thấy ‘những nẻo đường’ và đang đánh mất Thiên Chúa, Đấng ẩn núp trong nẻo đường. Nhưng ai tìm kiếm Thiên Chúa vượt ngoài những nẻo đường, thì sẽ tìm thấy Ngài như Ngài ở trong chính mình, và người đó sẽ sống với Người Con vì Người Con là sự sống”.[122]Vì với Đấng chịu đóng đinh, Vị Thiên Chúa ẩn giấu nay tỏ lộ cho nhân loại chiêm ngắm.

1.3. Thiên Chúa tự do – con người tự do

Trong cảm nghiệm thần bí, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá nói về một Thiên Chúa tự do, con người tự do là trở thành nộ lệ, nô lệ tình yêu. Đó là đặc tính của tình yêu hoàn hảo “Tình yêu hoàn hảo không muốn lấy không muốn nhận thứ gì làm của riêng mình nhưng chỉ muốn quy tất cả cho Người Yêu Dấu”.[123]Tình yêu chân thật biểu lộ bằng hành động điên rồ.

Quả thật, sự điên rồ của thập giá[124]mà thánh Phaolô ca ngợi đã chẳng diễn tả một tình yêu như điên dại của Đấng Chịu Đâm Thâu đó sao. Thánh Têrêsa Avila thì khẳng định :

Người ta sống đời sống thiêng liêng thực sự khi trở thành nô lệ của Thiên Chúa và được Chúa đóng dấu hiệu tức là dấu thánh giá của Người. Dấu ấy là bảo chứng rằng ta đã trao phó tự do của mình cho Người. Bây giờ Người có thể bán họ, như bán nô lệ cho cả thế giới như chính Người đã bị bán.[125]

 Con người là nô lệ của Thiên Chúa, điều này dễ hiểu : là thụ tạo khi nhận ra tình yêu vô biên của Đấng Tạo Thành, tâm tình yêu mến và khiêm nhường thúc đẩy ta khao khát được phục vụ Thiên Chúa như một nô lệ yêu mến, phục tùng Chủ, dù sự thật chúng ta là con Thiên Chúa.[126] Đó cũng là tâm tình của Đức Maria trong ngày Truyền tin, khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa :“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[127] Trong dòng cảm thức ấy, thánh Phaolô cũng tự hào nhận mình là tôi tớ của Đức Ki-tô,[128] và là tù nhân của Ngài:“Tôi, Phaolô, người tù của Đức Ki-tô Giêsu.” (Ep 3,1). Tuy nhiên, điều thánh Têrêsa cảm nhận khá bất ngờ : bởi chính Người(Thiên Chúa) cũng đã bị bán như một nô lệ. Phải chăng đây thực là sự tự do của Thiên Chúa?

Khi viết điều ấy, chắc hẳn thánh Têrêsa nghĩ đến đoạn Thánh Kinh Chúa Giêsu bị Giuđa bán với giá 30 đồng bạc.[129] Cần phải đẩy xa vấn đề, bởi sự thật không chỉ có thế. Chính sự điên dại của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Chúa Giêsu trong mầu nhiệm tự hủy (kenosis) mới thật là bất ngờ:

Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8).

 Chúa đã mặc lấy thân nô lệ, vẫn chưa hết, còn chết vì ta. Làm sao ta hiểu được sự tự do thâm sâu này! Lặng theo kinh nghiệm thần bí mà thánh Gioan Thánh Giá mô tả, người ta có thể cảm nhận phần nào. Trong“Những ca khúc giữa linh hồn và Người Yêu Dấu” thứ 31, ngài viết:

            Người đã nhìn chỉ một sợi tóc ấy

            Bay trên cổ em

            Người đã nhìn nó nơi cổ em

            Và Người đã bị bắt tù ở lại đó

  Và Người đã bị thương vì chỉ một liếc mắt em.[130]

 Bị cầm tù là mất tự do, có điều ai có thể cầm tù được Thiên Chúa. Người ta nói rằng chỉ một sợi chỉ nhỏ cũng cầm buộc được con chim phượng hoàng, khiến nó không thể bay cao, bay xa. Còn ở đây thì:“Tình yêu là mối dây liên kết điều thiện hảo” (Cl 3,14). Sự thiện hảo là nên một với Thiên Chúa. Đó phải là một tình yêu mãnh liệt, tạo ra từ sức mạnh của các nhân đức, sau khi đã trải qua muôn ngàn thanh luyện gian khổ, khiến nó trở nên thanh khiết tinh tuyền. Thiên Chúa yêu mến tình yêu mãnh liệt ấy nơi linh hồn, nên Ngài “ngắm” nó. Sợi tóc tượng trưng sức mạnh của tình yêu thuần khiết, đã làm cho linh hồn nên một với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bị cầm tù vì sợi tóc tình yêu ấy.

            Tình yêu mà Chúa Cha vô biên, vô lượng thiết đãi và tôn vinh linh hồn hèn mọn và say đắm này chân thực đến nỗi chính Ngài lụy phục linh hồn để suy tôn nó, như thể Ngài là đầy tớ và linh hồn là chủ nhân của Ngài. Chúa ân cần thết đãi linh hồn như thể Ngài là nô lệ của linh hồn còn linh hồn là Chúa của Ngài.[131] Tình yêu trung thành trong thử thách có sức mạnh đến nỗi có thể cầm tù được chính Thiên Chúa, Đấng cả vũ trụ không chứa nổi. Khi minh giải khúc ca này, thánh nhân đã reo lên:“Ôi thật đáng mọi khâm phục và mừng vui biết bao khi một vị Thiên Chúa mà lại bị cầm tù nơi một sợi tóc!”.[132] Tình yêu của tôi tớ trung thành không những được Thiên Chúa yêu thương mà còn được chính Ngài phục vụ : “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12, 36). Đúng là có sự chuyển đổi vị trí bởi tình yêu làm nên muôn điều kỳ diệu, vì đặc tính của tình yêu chân thực không giữ lại gì cho mình mà làm tất cả cho người mình yêu. Điều này diễn tả nơi hình ảnh Thày Giêsu cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình.[133]

            Khi chiêm ngắm Đấng “không còn gì” trên thập giá, Gioan Thánh Giá tuyên bố:“một trái tim trần trụi là trái tim tự do và mạnh mẽ”.[134]Tự do trao hiến của Thiên Chúa gặp tự do từ bỏ trọn vẹn đến trần trụi để thuộc về Ngài của con người. Muốn tự do hãy trở thành nô lệ,nô lệ tình yêu.

2. Tiến bước trong thần bí bằng thanh luyện

            Trong hành trình Lên Đỉnh Cát-minh, Thánh Gioan Thánh Giá mô tả cuộc thanh tẩy chủ động của con người, còn Đêm Tối là công cuộc thanh luyện thụ động đến từ Thiên Chúa. Trong tác phẩm Đêm Tối,[135] cùng một bài thơ thần bí, được thánh Gioan Thánh Giá dùng để minh giải hai cuộc thanh luyện. Đêm tối giác quan thanh luyện phần cảm giác và đêm tối tâm linh tôi luyện linh hồn, để linh hồn trở nên tinh tuyền xứng đáng hợp nhất với Thiên Chúa. Theo thánh nhân, đêm giác quan là kinh nghiệm chung xẩy đến cho nhiều người, còn đêm tâm linh chỉ xẩy đến cho rất ít người.[136]

2.1. Đêm tối giác quan

            Cuộc thanh tẩy giác quan liên quan đến các nết xấu chính yếu của con người. Dựa theo bảy mối tội đầu, thánh Gioan Thánh Giá mô tả các tật xấu tâm linh, khiến linh hồn không thể tiến xa trên con đường thánh thiện, nếu không được thanh tẩy.

            Mối tội đầu tiên là sự kiêu ngạo tâm linh. Đôi khi một số tiến bộ bước đầu làm cho người ta kiêu ngạo cách thầm kín[137]. Thứ hai là tật hà tiện tâm linh.[138] Đây là sự ham mê của cải thiêng liêng. Thực ra, lòng sùng mộ đích thực phải xuất phát từ tâm hồn, người ra chỉ nhìn vào chân lý và bản chất sâu xa của thực tại. Thứ ba là tật mê tà dâm tâm linh.[139] Biểu hiện của bất toàn này nhiều khi xẩy ra vượt khỏi tầm kiểm soát của đương sự. Nó dấy lên nơi phần nhục cảm, phát sinh những rung động và hành vi ô uế. Vì bản tính con người yếu đuối và mỏng dòn, khiến chút biến chuyển cũng làm rối loạn, nên rất cần thanh luyện. Thứ tư là tật nóng giận.[140] Có thể do người ta cảm thấy hụt hẫng, dẫn đến cáu giận vì chuyện không đâu. Có người chưa thấy mình hoàn thiện lại cáu giận với chính bản thân. Nóng nẩy muốn nên thánh trong một ngày, họ chẳng khiêm nhường và cũng không nhẫn nại. Tật mê ăn tâm linh[141] là nết xấu thứ năm. Do bị quyến rũ bởi các hương vị và thích thú đạt được khi thực hành tâm linh, làm cho người ta cứ mải mê tìm kiếm hương vị đó hơn là sự tinh tuyền trong kết hợp với Thiên Chúa. Chính những mê thích này khiến cho người ta nhu nhược và ươn hèn khi bước vào con đường cam go của thập giá, cũng khó chấp nhận được cái xót xa của việc bỏ mình. Ghen tị và lười biếng tâm linh[142] là nết xấu thứ sáu và thứ bảy, cần được đêm dày thanh luyện. Người ghen tị cảm thấy khó chịu trước những điều tốt lành của người khác. Họ buồn khi thấy người khác tiến bộ hơn mình trên đường hoàn thiện. Điều này trái với đức ái trọn hảo.[143]  Cũng thế, tật lười biếng tâm linh khiến người ta chán ngán những việc tâm linh vì chúng đi ngược với những thích thú khả giác. Cầu nguyện mà không có an ủi tâm linh là họ chán nản, bỏ cuộc, nghĩa là người ta muốn bước đi trên con đường tâm linh cách dễ dãi, họ khó chấp nhận gian khó của thập giá.

Những tật xấu này cần phải có sự khô khan thuần túy và bóng tối nội tâm của đêm dày thanh tẩy. Có ba dấu hiệu chứng tỏ sự khô khan thuần túy kéo dài ấy là cách Thiên Chúa thanh luyện linh hồn trong đêm tối giác quan.

Thứ nhất, linh hồn không thấy được thú vị và an ủi nào từ Thiên Chúa và các thụ tạo. Vì khi Thiên Chúa đưa linh hồn vào đêm tối này, Ngài dập tắt các mê thích khả giác khiến linh hồn không còn tìm được hương vị vui sướng nào. Điều ấy chứng tỏ sự khô khan vô vị này không phát sinh từ tội lỗi hay bất toàn của con người.[144] Thứ hai, linh hồn sẽ biết chắc mình đang trải qua cuộc thanh luyện này nếu trong khô khan mà linh hồn vẫn tưởng nhớ đến Thiên Chúa. Vì sự khô khan khác với tật nguội lạnh. Ở đây Thiên Chúa đang chuyển đổi các điều tốt linh hồn từ giác quan sang tâm linh. Dấu hiệu thứ ba, dù linh hồn có cố gắng hết sức cũng không sao cầu nguyện bằng suy niệm hay suy luận hoặc tưởng tượng được. Vì từ đây, Thiên Chúa bắt đầu thông truyền chính Ngài cho linh hồn không theo ngả giác quan mà bằng con đường thuần túy tâm linh. Điều mà các nhà tu đức gọi là từ suy niệm tới chiêm niệm. Ai được dẫn vào tình trạng này, thánh Gioan Thánh Giá khuyên họ hãy kiên trì nhẫn nại, đừng dằn vặt mình, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa.[145]

Cuộc thanh luyện khô khan tăm tối này đem lại cho linh hồn bao nhiêu lợi ích. Ơn trọng yếu là linh hồn hiểu chính mình và nỗi khốn cùng của mình.[146] Cũng nhờ biết sự cao cả của Thiên Chúa, linh hồn biết xử sự với Ngài cách lịch thiệp và trọng kính hơn. Từ những khô khan và trống vắng của đêm tối, linh hồn được thanh tẩy khỏi mọi thói xấu tâm linh như kể trên. Được rèn luyện cùng lúc toàn bộ các nhân đức, linh hồn trở nên tinh tuyền, trong trắng.

Cũng trong đêm thanh luyện này, vào những lúc bất ngờ nhất, Thiên Chúa thông ban cho linh hồn sự dịu ngọt tâm linh và một tình yêu rất tinh tuyền. Để cuối cùng, linh hồn đạt được tự do tâm linh, lãnh nhận được mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, linh hồn được giải thoát cách kỳ diệu khỏi bàn tay của ma quỉ, thế gian và xác thịt.[147] Sự khô khan của đêm dày cũng dập tắt các dục vọng thân xác, giải thoát linh hồn khỏi sự trói buộc và khống chế của mê thích. Đó là niềm hạnh phúc mà đêm dày mang lại, khiến linh hồn reo lên     “Ôi ! vận may diễm phúc” vì giờ đây:“Mái nhà tôi thật yên hàn”.

Đêm tối giác quan chỉ để chuẩn bị cho đêm tối tâm linh, điều không phải dành cho mọi người.[148] Thời gian mà linh hồn phải thanh tẩy trong đêm giác quan kéo dài bao lâu thì hoàn toàn theo ý Thiên Chúa và mức độ bất toàn cần thanh tẩy của mỗi người, cũng như cấp độ hiệp nhất trong tình yêu với Ngài. Hơn nữa, sự thanh luyện không xẩy ra cùng một cách nơi mọi người.

2.2. Đêm tối linh hồn

            Đêm tối tâm linh được hiểu là cuộc thanh luyện thụ động đúng nghĩa nhất mà Thiên Chúa dành cho những linh hồn Ngài muốn đưa họ tiến xa trên con đường hoàn thiện. Lẽ dĩ nhiên đây là những linh hồn đã trải qua cuộc thanh luyện của đêm giác quan. Đêm tâm linh được coi là tâm điểm của học thuyết Gioan Thánh Giá.[149] Bước theo thánh nhân trong đêm này, người ta sẽ được khám phá nét vĩ đại của cảm nghiệm thần bí, qua cách thức ngài mô tả những cặp đối lập.

            Theo thánh Gioan Thánh Giá, cuộc thanh tẩy giác quan chỉ là cửa ngõ và bước đầu của ơn chiêm niệm để dẫn vào cuộc thanh tẩy tâm linh. Hơn nữa, vì những người đã qua cuộc thanh luyện giác quan vẫn còn những bất toàn cố hữu và mới nhiễm nên cần đêm thanh luyện tâm linh.[150]

Trong đêm tâm linh, cách thầm kín Thiên Chúa dạy dỗ và giáo hóa linh hồn về sự hoàn thiện của tình yêu. Đó là ơn chiêm niệm thần phú, tạo nên hai hiệu quả chính nơi linh hồn : vừa thanh tẩy vừa soi sáng, chuẩn bị cho sự hiệp nhất trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng vì sao ân sủng thanh tẩy và soi sáng lại được linh hồn gọi là đêm tối tăm ? Theo thánh Gioan Thánh Giá, ơn thần linh này với linh hồn không chỉ tối tăm mà còn đớn đau và cực hình, vì hai lý do. Thứ nhất, đây là sự cao vời của ơn Khôn Ngoan thần linh, vượt quá khả năng của con người, nên là tối tăm với linh hồn. Thứ hai, vì sự thấp hèn và nhơ nhớp của con người, nên sự khôn ngoan ấy lại trở thành đau đớn, phiền muộn và cũng là tối tăm với linh hồn.[151]

Ơn chiêm niệm này được gọi là đêm, đó là thần học thần bí, là sự khôn ngoan bí mật và ẩn giấu của Thiên Chúa. Trong chiêm niệm, Thiên Chúa dạy bảo linh hồn cách lặng lẽ và thầm kín, chính linh hồn cũng chẳng biết bằng cách nào, vì chẳng có một chút động tịch của ngôn từ, chẳng có sự hỗ trợ của bất kỳ giác quan thể xác hoặc tâm linh nào, hoàn toàn tối tăm đối với khả giác tự nhiên. Thần học tâm linh gọi sự chiêm niệm này là “hiểu bằng cách không hiểu”[152]. Bằng cách thụ động linh hồn nhận lấy điều được ban cho. Có đêm tối là để Chúa đưa ta ra ánh sáng.

Đây là cách Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với linh hồn để thanh tẩy nó. Ngài khiến các quan năng nội tại của linh hồn thành tối tăm, làm chúng trống rỗng hết mọi chuyện trần gian. Ngài chế ngự và dập tắt những nghiêng chiều khả giác và tâm linh. Ngài làm suy yếu những năng lực tự nhiên của linh hồn, khiến linh hồn chết đi với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Linh hồn trở nên trần trụi, trút bỏ mọi y phục và đồ trang điểm trần gian, để được Thiên Chúa vận cho nó y phục mới, là ân sủng và tình yêu để sống vĩnh cửu. Vì nhờ cuộc thanh luyện này, trí hiểu con người trở nên thần linh nhờ hiệp nhất với Thượng Trí; lòng muốn được đổi mới và hiệp nhất với lòng muốn và tình yêu Thiên Chúa; cả kí ức, nghiêng chiều và mê thích được biến đổi theo ý Thiên Chúa cách thần kỳ.[153] Từ đây linh hồn thuộc về trời cao hơn là trần gian và chỉ còn Chúa là niềm vui tuyệt đỉnh của mình.

Làm thế nào linh hồn có thể vượt qua được đêm này? Theo thánh Têrêsa Avila, linh hồn phải khiêm nhường, tin cậy tuyệt đối lòng thương xót của Chúa, biết ngoan ngùy đón nhận điều Chúa ban và cả điều Ngài không ban, đón nhận sự thanh luyện như một ân ban từ tình yêu của Thiên Chúa.

2.3. Đau khổ và thần bí

            Có mối liên hệ sâu xa giữa đau khổ và thần bí. Dường như đau khổ là điều kiện để được ơn cảm nghiệm thần bí. Lời mời gọi bỏ mình, vác thập giá theo Thày Giêsu cho thấy ai muốn nên một với Ngài trong tình yêu thì phải nên một với Ngài trong đau khổ. Những đau khổ trong cuộc đời của Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá chứng thực cho cảm nghiệm thần bí của các ngài.

Với thánh Gioan Thánh Giá, đau khổ là phương tiện giúp linh hồn tiến sâu hơn vào trong sự khôn ngoan đầy hoan lạc của Thiên Chúa. Đau khổ càng tinh tuyền thì sự hiểu biết càng thâm thúy và tinh ròng hơn.[154] Kinh nghiệm “tử nạn và phục sinh” trong biến cố đau thương của “cuộc chiến huynh đệ” giữa anh em Gốc và anh em Về Nguồn[155] không chỉ in dấu ấn trên cuộc đời, các tác phẩm mà còn làm nên kinh nghiệm thần hiệp của thánh nhân. Quả vậy, bị giam trong phòng chỉ dài ba mét, rộng hai mét, với một cái lỗ nhỏ xíu đủ để cho ánh sáng lọt vào. Ngài bị hoàn toàn cách li, căn phòng giam khắc nghiệt ấy chỉ có Chúa mới vào được.[156] Chính trong những giờ cô tịch, chiêm niệm và đau thương ấy, tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của thánh nhân tập trung vào Thiên Chúa, Đấng trở nên tất cả cho đời ngài. Từ sự trần trụi của con tim, ngài đã kinh qua đêm tối giác quan và tâm linh, để hoàn toàn thụ động phó thác tuyệt đối định mệnh đời mình trong tay Thiên Chúa. Đối với thánh nhân, đau khổ ở tù là quà tặng của Thiên Chúa. Qua đau khổ, Thiên Chúa có thể thực hiện nơi  người ta những điều kỳ diệu.

Từ kinh nghiệm bản thân, thánh Gioan Thánh Giá nêu bài học sống tình trạng đau khổ, chịu đựng nó trong kiên nhẫn với lòng tin.[157] Linh hồn nào thật sự khát khao sự khôn ngoan của Thiên Chúa, phải đón nhận đau khổ, bước vào sự thẳm sâu của thập giá.

Nếu đau khổ đến với thánh Gioan Thánh Giá bởi tù đày, bị anh em coi như kẻ phản loạn, thì nó lại đến với thánh Têrêsa qua bệnh tật. Trong Tiểu sử Tự thuật, thánh nữ đã ghi lại những cơn đau dữ dội đến độ ngất đi và cứ bất tỉnh như thế gần bốn ngày. Một tình trạng mà chỉ có Chúa mới biết thánh nhân đau đớn thế nào :

Trong tình trạng ấy người ta tưởng tôi đã chết. Họ đã đọc đi đọc lại kinh Tin Kính bên tai tôi, đốt nến để rơi sáp trên mí mắt tôi. Trong tu viện Nhập Thể các nữ tu đã đào huyệt chôn xác tôi, ở các tu viện nam cùng dòng đã cử hành lễ cầu cho kẻ qua đời. Nhưng Chúa cho tôi hồi sinh từ cõi chết.[158]

             Bệnh tật đã làm cho cuộc đời Têrêsa thành dạng hết sức đặc biệt của sự trọn lành,  trong đó, đau khổ trở thành chìa khóa của sự vĩ đại; bệnh tật thành chìa khóa sự thánh thiện. Những cơn đau xé nát da thịt, đã không cho thánh nhân hưởng thụ cuộc sống trần tục mà hướng tư tưởng ngài vào niềm hoan lạc vĩnh cửu. Ý chí bị mất đi trong cơn bất tỉnh, trở nên sẵn sàng cho ý muốn siêu việt của Thiên Chúa hướng dẫn.[159] Cơn bất tỉnh bốn ngày đã “thanh tẩy” thể xác, làm cho giác quan nhậy cảm, dễ tiếp thu những kinh nghiêm siêu giác quan trong những lần xuất thần, ngất trí. Chính từ những đau khổ hằng ngày mà nữ tu Têrêsa Giêsu đã trở thành vị thánh của những cơn xuất thần.[160]

            Như vậy, đau khổ có giá trị thanh luyện ý chí và con tim, để biến đổi cái tự nhiên của con người thành siêu nhiên trong sự kết hợp với Chúa. Có đau thương thập giá mới có niềm hoan lạc phục sinh. Vì thế, không có con đường nên thánh cho ai chối bỏ đau khổ.

3. Hiệu quả cảm nghiệm thần bí là nhiệt tâm tông đồ

            Việc tông đồ theo linh đạo Cát-minh được kín múc từ lòng nhiệt thành của vị Tổ phụ Êlia :“Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con”(1V 19,10). Nó cũng phát sinh từ trong chiêm niệm, vì chiêm niệm mà không bốc lửa nhiệt tình tông đồ sẽ có nguy cơ tìm kiếm chính mình.[161] Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila     và thánh Gioan Thánh Giá minh chứng cho quan điểm này. Quả thật, có sự liên hệ sâu xa giữa cảm nghiệm thần bí và nhiệt tâm tông đồ. Vì khi đã được Thiên Chúa chiếm đoạt và tỏ bày yêu thương, điều làm linh hồn hạnh phúc là được cả ngàn kiếp sống để phụng sự Ngài. Nó cũng ước ao mọi sự ở trần gian đều thành miệng lưỡi để chúc tụng Chúa.[162]

3.1. Nơi thánh Têrêsa Avila

            Trong việc cải tổ dòng, dường như mọi quyết định và sức mạnh thi hành, vị thánh Cả Cát-minh đều nhận từ Thiên Chúa trong chiêm niệm, thị kiến và xuất thần. Bởi chính Chúa là tác giả của công việc còn thánh nhân chỉ là người thực thi.

Quả thực, biết bao gian khổ được thánh Têrêsa kể trong Kí sự thành lập các Đan viện không chỉ cho thấy lòng nhiệt thành tông đồ của thánh nhân, mà còn chứng minh cách Thiên Chúa chinh phục một tâm hồn và làm cho nó nên khí cụ của Ngài. Trong vai trò của Mẹ Bề Trên, Têrêsa không những đã sống triệt để tinh thần Cát-minh về nguồn mà còn hướng dẫn  các nữ tu khác như người mẹ gương mẫu cho các con. Ngoài ra, thánh nhân còn là mẹ thiêng liêng của những tâm hồn thánh thiện khác. Nhiều tâm hồn đã được thăng tiến cao trên đường trọn lành nhờ sự hướng dẫn thiêng liêng của mẹ. Trong đó nổi trội hơn cả là ông Francisco de Salcedo và bà quả phụ Guiomar de Ulloa.

            Với lòng nhiệt tâm tông đồ, Têrêsa đồng cảm với Hội Thánh. Khi nghe nói đến hằng triệu linh hồn ở Ấn Độ đang hư mất vì thiếu linh mục. Ngài đã lánh vào một tu thất, khóc lóc thảm thiết vì cảm thấy bất lực không làm được gì cho những linh hồn bị lạc mất ấy. Ngài đau khổ vì lạc thuyết và ly giáo đang xẩy ra. Mặc dù trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm về phía giáo quyền nơi Tòa Điều Tra, nhưng   Têrêsa vẫn không ngừng thấy Hội Thánh, hiền thê của Đức Ki-tô xinh đẹp tinh tuyền. Vì thế, thánh nhân tìm mọi cách góp phần xây dựng Hội Thánh, bằng cầu nguyện và mối ưu tư truyền giáo.[163]

                Tắt một lời, để đáp lại khát vọng mãnh liệt của Têrêsa muốn cứu giúp các linh hồn, Thiên Chúa đã cho ngài trải qua kinh nghiệm thần hiệp, trong đó Chúa hứa ban cho thánh nhân những điều lớn lao. Càng thêm kinh nghiệm về Thiên Chúa và Hội Thánh, tinh thần tông đồ của Têrêsa càng được đào sâu.

3.2. Nơi thánh Gioan Thánh Giá

            Nhờ những giây phút đắm chìm bên Chúa, trong đêm tối thanh luyện và sự từ bỏ trần trụi của con tim, lòng nhiệt tâm tông đồ nơi thánh Gioan Thánh Giá được nhìn nhận trong việc cải tổ dòng kín, làm nhà đào tạo và thày dạy sống thần hiệp.

            Là cộng tác viên xuất sắc nhất của mẹ Têrêsa trong công việc cải tổ dòng Cát-minh, cha Gioan nhiệt tâm dành trọn cuộc đời linh mục của mình cho các tu sỹ nam nữ của dòng. Ngài tận tụy phục vụ họ với sự dịu dàng, êm ái và tế nhị tuyệt vời.[164] Trong vai trò là cha Bề Trên và thầy dạy sống thần hiệp, ngài cương quyết và khôn ngoan hướng dẫn con cái mình hướng đến sự trọn lành. Với sự nhạy bén trước nỗi đau khổ của người khác, cha Gioan ân cần nâng đỡ ủi an họ, nói cho họ biết niềm vui được chịu đau khổ vì tình yêu. Ngài thấu hiểu các tâm hồn, quan tâm đến những gì Thiên Chúa thực hiện nơi họ. Người ta đến với Ngài để thú nhận là mình không còn sức chịu đựng đau khổ, nhưng khi rời ngài họ lại ao ước được đau khổ nhiều hơn cho Đức Ki-tô.[165]

            Điều vĩ đại có sức lôi cuốn hơn cả nơi thánh Gioan Thánh Giá chính là một cuộc sống thánh thiện. Thánh nhân đã trao nó lại cho bất cứ ai gặp gỡ, cũng như đón nhận giáo huấn thần nhiệm của ngài. Đó là sức mạnh tông đồ lớn nhất thánh nhân để lại cho những tâm hồn khát khao sự trọn lành. 

3.3. Sự khác biệt trong cảm nghiệm thần bí giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá

            Mặc dù có sự kết hợp hoàn hảo trong đời sống, công việc và giáo thuyết giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Tuy nhiên, trong cảm nghiệm thần bí nơi hai vị vẫn có những khác biệt. Những khác biệt ấy chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban ơn và con người cũng hoàn toàn tự do đón nhận, mỗi người mỗi cách.

Trước hết, thánh Têrêsa Avila dành vị trí quan trọng cho Đức Giêsu, cả khía cạnh nhân tính và thiên tính. Đức Giêsu trở nên người bạn thân tình để hàn huyên trò chuyện, và là trung gian dẫn đến Thiên Chúa.[166] Điều này có lẽ phát xuất từ bản chất nữ tính của ngài. Với bản chất này, người ta không ngạc nhiên khi ngài gọi Đức Giêsu là Bạn Tình, Người Chồng, Bạn Trăm Năm, Đức Lang Quân, Đức Vua của lòng em. Còn thánh Gioan Thánh Giá lại giải thích bản chất sự kết hợp thần bí bằng ngôn từ của tình yêu. Linh hồn mặc lấy tâm tình của Tình Nương trong sách Diễm Ca để giãi bày nỗi khát mong nhớ nhung, miệt mài tìm kiếm và chỉ thỏa mãn khi gặp Người Yêu Dấu. Và hợp nhất nên một trong cuộc kết hôn với Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, được biến đổi nên giống Thiên Chúa.[167]

Thứ đến, tuy cả hai vị đều lấy tình yêu làm mối dây kết hợp con người với Thiên Chúa nhưng nẻo đường trọn lành đối với thánh Têrêsa là đức khiêm nhường còn với thánh Gioan Thánh Giá là sự khó nghèo trần trụi của tâm linh.

                Cuối cùng, nếu cảm nghiệm thần bí được thánh Têrêsa Avila ghi lại qua những lần xuất thần, ngất trí, thì ta lại ít tìm thấy hiện tượng thần bí ấy nơi thánh Gioan Thánh Giá. Thậm chí thánh nhân còn cảnh giác chúng ta bao lâu còn sống ở trần gian này, hãy tìm kiếm Thiên Chúa bằng “đêm tối đức tin”, chứ đừng nắm bắt Ngài qua những hiện tượng khả giác. Với thánh nhân cảm nghiệm thần bí không gì khác là sự bước đi trong đêm tối của thanh luyện. Đây có thể là sự khác biệt lớn nhất trong cảm nghiệm thần bí của hai vị thánh cải tổ dòng Cát-minh.

Kết luận

            Bằng những cảm nghiệm của mình thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã trao lại cho Hội Thánh cách thức hợp nhất với Thiên Chúa. Kết hợp là một ân ban, con người chỉ cần khiêm nhường đón nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn trong tình trạng của những người dám tiến xa trên đường hoàn thiện. Cuộc thông ban này thường diễn ra trong cuộc kết hôn nhiệm lạ. Khi đó linh hồn nên một với Thiên Chúa, thuộc trọn vẹn về Ngài.

            Nét đặc sắc thuộc về bản chất táo bạo của tình yêu hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người là sự ngang hàng. Để yêu con người Thiên Chúa đã đặt con người ngang hàng với mình. Lẽ dĩ nhiên con người phải trải qua cuộc thanh luyện được gọi là đêm tối giác quan và đêm tối tâm linh. Qua đêm tối này, Thiên Chúa thanh luyện con người để nó trở nên tinh tuyền xứng đáng nên một và nên giống Ngài trong tình yêu. Kết quả cuộc kết hợp là linh hồn được biến đổi thành chính Thiên Chúa. Dù ở trần gian số linh hồn được ơn trọng đại này thật ít ỏi, nhưng đây là bảo chứng chắc chắn hạnh phúc Thiên đàng mai sau.

            Cảm nghiệm thần bí một lần nữa khẳng định cái nghịch lý của Tin Mừng : sự sống phát sinh từ sự chết. Trên con đường tu đức luôn diễn ra cái nghịch lý của một sự sống do sự chết mang đến. Đó là thử thách của đêm tối; là cái giá phải trả cho một công trình mài giũa rất tốt đẹp; là tiếng nổ lốp đốp mù mịt khói và khét lẹt của khúc gỗ, ứa rịn những dòng nhựa đen đủi để bắt đầu biến thành lửa; là nỗi đau ứa đọng không gì hàn gắn của trái tim bị trúng vết thương tình, khao khát tìm kiếm chữa lành; là cái chạm nhẹ mà đã nếm được cõi đời đời. Trong thử thách tiến xa nhất của đời thần bí, nó chiếu rõ cái khổ mà các linh hồn phải đón chịu vì tình yêu, đau đớn như một cuộc trở dạ mới đem lại sự khai hoa nở nhụy là sự sống, hợp nhất thần linh.[168]

            Những cung bậc vi tế của bản giao hưởng kết hợp Thiên Chúa và linh hồn trong cảm nghiệm thần bí không chỉ minh chứng sự kết hợp hoàn hảo giữa hai vị thánh cải tổ Cát-minh, mà còn khẳng định giáo thuyết vô song các ngài để lại cho Hội Thánh về cầu nguyện, tu đức và kinh nghiệm thần hiệp. Đó là sản nghiệp cao quí của người biết buông mình theo sự hướng dẫn “khủng khiếp” của Thiên Chúa.

 PHERO TA VAN TUAN (con tiep phan 3)

 


[1]Cf.René Fülöp-Miller, Têrêsa Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 13.

[2]René Fülöp-Miller, Têrêsa Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 14.

[3]Ibid., tr. 16.

[4]Jordan Aumann, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012, tr. 365.

[5]Cf. Ibid., tr. 365.                                    

[6] Tòa Điều Tra Dị Giáo được Đức Giáo Hoàng Ghegorio IX lập năm 1232 để xử các vụ án tôn giáo và chỉ giao cho các cha dòng Đaminh làm thẩm phán năm 1233. Tòa điều tra Tây Ban Nha thành lập năm 1478, do hoàng đế Ferdinando  và được Đức Giáo Hoàng Sixtô IV nhìn nhận. Tòa bị tố cáo là tàn nhẫn đến kinh khủng.

[7] Cv 9, 1-19.

[8]Hiện nay các học giả vẫn chưa thống nhất là thị kiến ấy xẩy ra năm 1558 hay 1560.

[9] Điều này được chính thánh nhân khẳng định trong Tiểu sử Tự thuật, tr. 262. Và trong René Fülöp-Miller, Têrêsa Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 74 : Thời của chị và thời của Chúa.

[10] Thân phụ Têrêsa có hai đời vợ và 12 người con, bà Beatriz d’Avila Y Ahumada là người vợ thứ hai. Têrêsa là con thứ 3 trong số 9 người con của bà mẹ này.

[11]Cf. Têrêsa Avila , Đường hoàn thiện, dịch từ bản “Obras de Santa Teresa de Jesus”, Nxb. Editorial de “El Monte Camelo”, Burgos, 1945, tr. 231.

[12]Jordan Aumann, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012, tr. 358.

[13] Têrêsa Avila , Kí sự thành lập các đan viện, Nxb. Washington, D.C 1985, tr. 7.

[14]Jordan Aumann, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012, tr. 355.

[15]Ibid., tr. 357.

[16]Nữ triết gia gốc Dothái Edith Stein, trở thành nữ tu Cát-minh, là một trong những người con bộc lộ nhiều ảnh hưởng của thánh Têrêsa Cả.

[17]Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 61.

[18]Cf. Ibid., tr. 70.

[19] Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 110.

[20]Gioan Thánh Giá, Lên đỉnh Cát-men, Nxb. Christian Classics Ethereal Library, tr. 2.

[21]Jordan Aumann, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012, tr. 372.

[22]Ibid., tr. 364.

[23] Cf. Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 409.

[24] Cf. Ibid., tr. 425.

[25]Gợi hứng từ sự kết hợp hoàn hảo của các tác phẩm của Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila  theoJordan Aumann, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012, tr. 364.

[26]Thư Têrêsa Cả gửi cho Don Phanxicô de Salcedo năm 1568.

[27] Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 41.

[28]Cf. Ibid., tr. 49.

[29] Lá thư 261.

[30] Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb Cát Minh, tr. 48.

[31]Ibid., tr. 48-49.

[32]Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 417 – 418.

[33] Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, chương 17, số 5, tr. 141.

[34] Mẹ Tê-rê-sa, Hãy đến làm ánh sáng của Ta, Nxb. Văn học 2008, tr.7.

[35]Ibid., tr. 253.

[36]Têrêsa Avila, Tiểu sử tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, chương 25, số 19, tr. 231.

[37]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 123-124.

[38]Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 179.

[39]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 398.

[40]John of the Cross, The Living Flame Of Love, bản dịch của Vĩnh An.

[41] Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 273.

[42]Ibid., tr. 274.

[43]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, cư sở thứ 6, chương 2, tr.122.

[44]Cf. Hs 2,16: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”.

[45]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 385.

[46]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, cư sở thứ 6, chương 1, tr. 111.

[47]Cf.Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, cư sở thứ 3, chương 2, tr. 42.

[48] Nguyện gẫm an tĩnh là hình thức cầu nguyện thần bí, trong đó nhận thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm cho ý chí ngất ngây và đổ đầy hồn xác sự ngọt ngào và vui sướng khôn tả.

[49] Nguyện gẫm kết hợp là hình thức cầu nguyện thần bí, trong đó mọi quan năng nội tại (cả ký ức và tưởng tượng) đều dần dần được Thiên Chúa chiếm lấy và làm cho ngất say.

[50]Đây là hình thức cầu nguyện liên kết mật thiết linh hồn với Thiên Chúa, là hình thức cuối cùng của cầu nguyện thần bí.

[51]Cf.Cv 9,1-19.

[52]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 235.

[53]Cf.St 28, 10-22.

[54] Cf. Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 235.

[55]Ibid., tr. 235.                                                              

[56]Cf. Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 237.

[57] Cf. Ibid., tr. 238

[58]Ibid., tr. 239.

[59] Cf. Ibid.

[60]Cf. Ibid., tr. 239 – 240.

[61]Ibid., tr. 240.

[62] Cf. Augustinô, Bài giảng 70.

[63] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 241.

[64] Cf. Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 241.

[65] Cf. Ibid., tr. 242.

[66]Ibid., tr. 243.

[67] Cf. Ibid.

[68] Cf. Ibid., tr. 244.

[69]Ibid.

[70] Cf. 1Cr 13,7.

[71]Cf. Xh 32, 32.

[72] Cf. Et 5,2;8,4.

[73] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 246.

[74] Cf. Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 247.

[75]Cf. Ibid., tr. 248.

[76] Cf. Ibid., tr. 247.

[77] Cf.Ibid., tr. 248.

[78] Cf.Ibid.

[79] Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 160.

[80]Cf. Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thứ 6, chương 4, tr.137, 143.

[81]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 161.

[82]Ibid., tr. 291.

[83]Cf. Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb Sheed and Ward – London, Cư sở thứ 7, chương 2, tr. 210-211.

[84]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 211.

[85] Cf. Ibid., tr. 222 ;  Cf. Dc 1,1.

[86]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 382-383.

[87]John of the Cross, The Living Flame Of Love, chương 1, số 36.

[88] Cf. Kh 19,8.

[89] Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 386.

[90]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 54.

[91]Ibid., tr. 363.

[92]Cf. Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 230.

[93]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 371.

[94]Cf. Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương13, số 3, tr. 72.

[95]Cf. Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 189.

[96]Cf. Ibid., tr. 190.

[97]Cf. Ibid., tr. 230.

[98]Cf. Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương 26, số 5, tr. 136.

[99]Cf. Têrêsa Avila, Tiểu sử tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 209.

[100]Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh tr. 74.

[101]Cf. Ga 1, 51.

[102]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, chương 22, số 6, tr. 193.

[103]Gioan Thánh Giá, bài thơ Chú bé chăn cừu.

[104]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 136.

[105]Ibid., chương 39, số 21, tr. 405.

[106]Ibid.

[107]Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, Đức Ki-tô hôm qua hôm nay, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 284.

[108]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 277.

[109]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thứ bảy, chương 1,2, tr. 206, 209.

[110]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 357.

[111]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 335-336.

[112]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thứ bảy, chương 1, 2, tr. 206.

[113]Cf.Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 391.

[114]Ibid., tr. 392.

[115]Ibid., tr. 389.

[116]John of the Cross, The Living Flame Of Love, chương 1, số 4.

[117]Ibid., chương 2, số 34.

[118] Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 55.

[119]Cf. Ibid., tr. 128.

[120]Cf. Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 131.

[121]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 374.

[122]Edmund Colledge, và Bernard  McGinn, dịch và giới thiệu, Meister Eckhart , New York,1981, tr. 183 – 184.

[123] Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 333.

[124] Cf. 1Cr 1, 22-25

[125] Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, cư sở thứ 7, chương 4, tr. 228.

[126]Cf. 1Ga 3,1.

[127]Lc 1, 38.

[128] Cf. Pl 1,1.

[129]Cf.Mt 26, 1-5.14 -16; Mc 14, 1-2.10 -11; Ga 11, 45 – 53.

[130]Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 48.

[131]Ibid., ghi chú mở đầu khúc ca 27.

[132]Ibid., tr. 329.

[133] Cf. Ga 13, 1-11.

[134]Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 48.

[135] “Dark night” được dịch giả Việt Nam dịch là “đêm dày’ có ý chơi chữ. Trong luận văn người viết sử dụng bản dịch này để tham chiếu.

[136] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 85.

[137]Ibid., tr. 55.

[138] Ibid., tr. 62.    

[139]Ibid.,tr. 66.

[140]Ibid., tr. 73.

[141]Ibid., tr. tr. 75.                                                                      

[142] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009,tr. 81.

[143] Cf. 1Cr 13,6.

[144] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 89.

[145] Ibid.,tr. 98-99.

[146]Ibid., tr. 107.

[147] Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 121.

[148]Ibid., tr. 125.

[149]Ibid., phần dẫn nhập, tr. 26.

[150]Ibid., tr. 133.

[151] Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 143.

[152]Ibid., tr. 396.

[153]Cf. Ibid.,tr. 205-206.

[154] Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 367.

[155]Đây là cách gọi khôi hài của hai nhóm Cát-minh: Nhóm đi giầy và Nhóm chân trần. Ở đây, thay vì gọi Cát-minh Đi Giầy, sẽ gọi là Cát-minh Gốc, và Cát-minh Chân Trần được gọi là Cát-minh Về Nguồn.

[156]Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 67.

[157]Gioan Thánh Giá, Ngọn lửa tình nồng, chương 2, số 28.

[158]Cf. Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, tr. 36-37.

[159]Cf. René Fúlóp-Miller, Têrêsa Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 55.

[160]René Fúlóp-Miller, Têrêsa Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 58.

[161]Cf. Anne – Elisabeth Steinmann, Đêm tối và ngọn lửa, tr. 232.

[162]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, cư sở thứ sáu, chương 4, tr. 145.

[163]Cf.Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 2, Rô-ma 2002, tr. 279.

[164]Cf. Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 437.

[165]Cf. Ibid., tr. 438.

[166] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 211.

[167]Cf. Ibid., tr. 212.

[168]Cf. Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 445.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31