DIỄN VĂN CHO GIÁO TRIỀU: ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI VẠCH RA CON ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 24th, 2012. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Trong sứ điệp truyền thống cầu chúc Giáng Sinh và Năm Mới cho Giáo Triều, đức Bênêđíctô XVI đã đề cập đến một số chủ đề quan trọng như gia đình, đối thoại, Tân Phúc Âm hóa… Dưới đây là phần liên quan đến công cuộc đối thoại mà Giáo Hội phải dấn thân đối với Nhà Nước, xã hội và các tôn giáo.

Tôi xin đề cập đề tài lớn thứ hai mà, từ Assidi cho đến Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa, đã trải qua suốt năm liên quan đến nó : tức là vấn đề đối thoại và loan báo. Trước tiên, chúng ta hãy nói về đối thoại. Đối với Giáo Hội hôm nay, đặc biệt tôi nhận thấy ba lãnh vực đối thoại trong đó Giáo Hội phải hiện diện, trong cuộc đấu tranh cho con người và cho những gì có nghĩa là một con người : đối thoại với các Nhà Nước, đối thoại với  xã hội – mà bao hàm đối thoại với các nền văn hóa và khoa học – và, sau cùng, đối thoại với các tôn giáo. Trong tất cả các cuộc đối thoại này, Giáo Hội lên tiếng dưới ánh sáng mà đức tin mang lại cho Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội đồng thời thể hiện ký ức của nhân loại mà, từ nguyên thủy và xuyên qua thời gian, là ký ức về những kinh nghiệm và những đau khổ của nhân loại, trong đó Giáo Hội đã học biết thế nào là con người, bằng cách cảm nghiệm sự giới hạn và cao cả, những khả năng và những hạn chế của nó. Nền văn hóa của con người, mà Giáo Hội là người đảm bảo, đã được sinh ra và được phát triển từ cuộc gặp gỡ giữa mạc khải của Thiên Chúa và cuộc sống của con người. Giáo Hội thể hiện ký ức của con người khi đối diện với một nền văn minh của sự quên lãng, mà từ nay chỉ biết chính nó và tiêu chí đo lường của chính nó. Nhưng, cũng như một người không ký ức đã mất đi căn tính của mình, thì cũng thế một nhân loại không ký ức sẽ đánh mất đi căn tính của mình. Những gì đã được tỏ cho Giáo Hội thấy, trong cuộc gặp gỡ giữa mạc khải và kinh nghiệm con người, chắc chắn, vượt quá lãnh vực của lý trí, nhưng không tạo nên một thế giới riêng biệt không có quan tâm gì đến những người không tin. Nếu con người, qua tư tưởng của mình, bước vào trong suy tư và  trong sự hiểu biết các kiến thức của mình, thì những kiến thức này mở rộng chân trời của lý trí và điều này cũng liên quan đến những ai không thành công trong việc chia sẻ đức tin của Giáo Hội. Trong cuộc đối thoại với Nhà Nước và với xã hội, chắc chắn Giáo Hội không có những giải pháp làm sẵn cho mỗi vấn đề. Cùng với những lực lượng xã hội khác, Giáo Hội sẽ đấu tranh cho những câu trả lời tương xứng nhất cho chừng mực đúng đắn của con người. Giáo Hội phải bênh vực cách rõ ràng nhất những gì mà Giáo Hội đã xác định như là những giá trị căn bản, cấu thành và bất khả thương lượng, của cuộc sống con người. Giáo Hội phải làm hết sức có thể để tạo nên một xác tín mà tiếp đến có thể được thể hiện bằng hành động chính trị.

Trong hoàn cảnh hiện nay của nhân loại, việc đối thoại với các tôn giáo là một điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới, và do đó nó là một bổn phận đối với các Kitô hữu cũng như đối với các cộng đoàn tôn giáo khác. Cuộc đối thoại với các tôn giáo này có những chiều kích khác nhau. Trước hết, nó đơn giản sẽ là một cuộc đối thoại sự sống, một cuộc đối thoại chia sẻ thực tiễn. Chúng ta sẽ không nói đến những chủ đề lớn của đức tin ở đây – liệu Thiên Chúa là Ba Ngôi hay làm thế nào phải hiểu sự linh hứng của Thánh Kinh… Nó hệ tại những vấn đề cụ thể của sự chung sống và của trách nhiệm chung đối với xã hội, đối với Nhà Nước, đối với nhân loại. Ở đây, chúng ta phải học biết chấp nhận người khác trong sự đa dạng sống và suy nghĩ của họ. Trong mục đích này, điều cần thiết là biến trách nhiệm chung đối với công bằng và đối với hòa bình thành tiêu chí nền tảng của cuộc đối thoại. Một cuộc đối thoại mà hệ tại hòa bình và công lý, – bên kia những gì chỉ là thực dụng -, tự nó trở thành một cuộc đấu tranh đạo đức cho những lượng giá là những tiền đề cho mọi sự. Như vậy, chỉ thực dụng trong thời gian đầu, cuộc đối thoại cũng trở thành một cuộc đấu tranh cho phương thức đúng đắn trở nên một nhân vị. Cho dầu những chọn lựa căn bản không phải như thế trong tranh luận, nhưng những nỗ lực xung quanh một vấn đề cụ thể đang trở thành một tiến trình mà, qua việc lắng nghe người khác, cả hai phía đều có thể tìm thấy sự thanh luyện và việc làm phong phú cho nhau. Như thế, những nỗ lực này cũng có thể có ý nghĩa về những bước đi chung hướng đến chân lý duy nhất, mà những chọn lựa căn bản vẫn không bị thay đổi. Nếu cả hai phía đều khởi đi từ một lối giải thích về công bằng và hòa bình, thì sự khác biệt sâu xa sẽ không biến mất, nhưng,  đúng hơn một sự gần gũi sâu xa hơn giữa chúng sẽ lớn lên.

Đối với bản chất của việc đối thoại liên tôn, nói chung, ngày nay có hai quy luật phải được xem như là nền tảng :

1. Cuộc đối thoại không nhắm đến sự cải đạo, nhưng là sự hiểu biết. Ở đây, nó được phân biệt với việc Phúc Âm hóa, với việc truyền giáo.

2. Phù hợp với điều đó, trong cuộc đối thoại này, cả hai phía vẫn ý thức về căn tính của mình, mà họ không đặt vấn đề trong cuộc đối thoại, đối với chính mình cũng như đối với người khác.

Những quy luật này là đúng đắn. Nhưng tôi nghĩ rằng, dưới hình thức này, chúng được trình bày cách quá nông cạn. Đúng vậy, việc đối thoại không nhắm đến việc cải đạo, nhưng là một sự hiểu biết hỗ tương tốt hơn – điều đó đúng. Thế nhưng, việc tìm kiếm sự hiểu biết cũng luôn muốn là một sự xích lại gần chân lý. Như thế, khi dần dần xích lại gần chân lý, cả hai phía đang tiến tới và đang hướng đến một sự chia sẻ lớn lao hơn, được xây dựng trên sự thống nhất của chân lý. Liên quan đến việc trung thành với căn tính của mình, sẽ là không đủ, nếu qua sự quyết định đối với căn tính của mình, người Kitô hữu tự ý cắt đứt, có thể nói như thế, con đường đến chân lý. Lúc đó (sự kiện) là Kitô hữu của người Kitô hữu sẽ trở thành điều gì đó tùy tiện, một sự chọn lựa thuần túy sự kiện. Như thế, rõ ràng, người Kitô hữu sẽ không lưu ý rằng, trong tôn giáo, người ta chạm đến chân lý. Về vấn đề này, tôi xin nói rằng người Kitô hữu có niềm tin căn bản lớn lao, hay đúng hơn, sự xác tín căn bản lớn lao là có thể bình tâm ra chỗ sâu trong đại dương của chân lý, mà không sợ hãi cho căn tính Kitô hữu của mình. Chắc chắn, không phải chúng ta sở hữu chân lý, nhưng chính chân lý chiếm hữu chúng ta : Chúa Kitô, Đấng là Chân Lý, đã nắm lấy tay chúng ta, và trên con đường say mê tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta biết rằng tay Ngài nắm chặt tay chúng ta. Sự kiện được nâng đỡ trong tâm hồn bằng bàn tay của Chúa Kitô làm cho chúng ta tự do và đồng thời được đảm bảo. Tự do : nếu chúng được Ngài nâng đỡ, chúng ta có thể thẳn thắn và không sợ hãi bước vào mọi cuộc đối thoại. Được đảm bảo, chúng ta được như thế, vì Chúa Kitô không bỏ rơi chúng ta, nếu chúng ta gắn bó với Ngài. Được kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ ở trong ánh sáng của chân lý.

Tý Linh

 

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31