ĐỐI VỚI GIÁO HỘI, VIỆC ĐÓN TIẾP NGƯỜI DI DÂN LÀ MỘT MỆNH LỆNH LUÂN LÝ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 5th, 2020. Posted in Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Việc đón tiếp mà Đức Phanxicô ca ngợi không phải là một sự đoạn tuyệt với truyền thống Công giáo, vốn đề cập chủ đề này từ hơn một thế kỷ nay.

Nếu có một vị Giáo hoàng mà người ta gắn liền với vấn đề di cư, thì đó chính là Đức Phanxicô, con của người nhập cư Ý ở Argentina. Ngài đã có nhiều cử chỉ đối với người di dân từ chuyến viếng thăm đến đảo Lampedusa vào năm 2013, 5 tháng sau khi lên ngôi giáo hoàng. « Dĩ nhiên có sự đoạn tuyệt trong phong cách, nhưng về bản chất, Đức Phanxicô cũng nói điều tương tự như các vị tiền nhiệm của mình », cha Christian Mellon, dòng Tên và là thành viên của Trung tâm nghiên cứu và hoạt động xã hội (Ceras) của dòng Tên tại Pháp, nhận định. Vì thế, lịch sử không hề mới mẻ : Ngày thế giới cầu nguyện cho người di dân và tỵ nạn đã được thiết lập từ năm 1914 bởi Đức Bênêđíctô XV. Và văn kiện đầu tiên đào sâu vấn đề này, Tông hiến « Exsul familia » (Gia đình di dân), là vào năm 1952, được coi như là bản hiến chương về người di dân. Trong văn kiện này, Đức Piô XII đã xem Gia đình di dân Nadarét như là nguyên mẫu cho mọi gia đình di dân và qua đó đã xây dựng một cái nhìn tích cực về việc di dân, mà mục tiêu của nó là « sự đóng góp thuận lợi nhất của con người trên bề mặt Trái Đất được canh tác ».

Trong các thập niên tiếp theo, sự khắc nghiệt của điều kiện sống của các lao công di dân đã làm suy yếu cái nhìn lạc quan này : vào năm 1981, trong thông điệp Laborem exercens (Người lao động), Đức Gioan Phaolô II đã trình bày việc di dân như là một « sự xấu cần thiết » (số 23). Trong khi tiếp tục bảo vệ quyền của mọi người được di cư cách tự do, Giáo hội nhấn mạnh đến « quyền không phải di cư » của con người. Giáo hội xác định « những cuộc di cư cưỡng bức », mà hai nguyên nhân chính của chúng được đặt trên cùng bình diện trong số 2241 của sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo : việc tìm kiếm « an ninh » và « sinh tồn » (mà xem ra giống với những cuộc di dân được gọi là « kinh tế »). Nhân danh mệnh lệnh luân lý bảo vệ sự sống, những người này phải được đón tiếp bởi « các quốc gia giàu có hơn »

Những lập trường triệt để

Khi không phải là di cư cưỡng bức, các Nhà nước có thể điều chỉnh việc tiếp cận lãnh thổ của mình, nhưng chỉ là một ngoại lệ với nguyên tắc chung, vốn vẫn là quyền tự do di cư, như Đức Phaolô VI đã phát biểu trong Tông thư dưới hình thức Tự sắc « Pastoralis migratorum cura » (Chăm sóc mục vụ cho người di cư) năm 1969. «  Các nhà chức trách Công giáo không chủ trương mở toàn bộ biên giới ; nhưng họ lấy làm tiếc việc càng ngày càng nhiều, điều vốn phải là một luật trừ lại trở thành quy luật », cha Christian Mellon giải thích.

 Các lập trường triệt để mà một số vị Giáo hoàng thể hiện ngày nay có thể gây ngạc nhiên. Chắc chắn người ta không được quên rằng từ năm 1996, Đức Gioan Phaolô II đã từng đề cập vấn đề nhạy cảm về những người nhập cư bất hợp pháp…để yêu cầu rằng họ cần « được nhìn nhận và đón tiếp như là những người anh em » trong Giáo hội. Trước câu hỏi trong Thánh Kinh « Ngươi đã làm gì em của ngươi ? », câu trả lời không phải được đưa ra « trong những giới hạn do luật pháp áp đặt, nhưng trong quan điểm của tình liên đới », Đức Gioan Phaolô II nói thêm.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

————————————-

* số 23 của thông điệp « Laborem exercens »: « …Thế nhưng, mặc dầu việc di trú, dưới một vài khía cạnh, là một điều xấu, song điều xấu này, trong những hoàn cảnh nhất định, lại là một điều  xấu cần thiết. Chúng ta phải làm đủ mọi cách và quả thật người ta đang làm rất nhiều trong lãnh vực trên – để điều xấu này theo nghĩa vật chất không mang lại những tai hại nặng nề hơn theo nghĩa luân lý, mà trái lại còn có thể mang phần nào lợi ích trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của người di trú, cho xứ sở họ tới cũng như cho xứ sở mà họ bỏ ra đi. Về lãnh vực này rất nhiều việc phải tùy thuộc vào một nền luật pháp công bằng, đặc biệt là trong địa hạt các quyền lợi của người lao động. Chúng ta hiểu rằng vấn đề này phải được đặt trong nội dung các điều đang được bàn luận ở đây, nhất là về quan điểm này…. »

* Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2241 : « Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và nguồn lực sinh tồn mà họ không có được nơi chính quê hương họ. Chính quyền phải để tâm tôn trọng luật tự nhiên vốn đòi hỏi phải bảo vệ những khách kiều cư.

Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di dân phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ).Người dân nhập cư phải biết ơn và tôn trọng di sản vật chất và tinh thần của xứ sở tiếp nhận họ, tuân thủ luật pháp và chia sẻ các trách vụ trong nước ấy. »

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31