ĐỒNG Ý VỚI ĐỨC THÁNH CHA, CÁC GIÁO HỘI CHÂU PHI SẼ KHÔNG CHÚC LÀNH CHO CÁC CẶP ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Written by xbvn on Tháng Một 12th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Một thông điệp được phát đi bởi Đức Hồng y Fridolin Ambongo, chủ tịch Sceam, tổng hợp các quan điểm của các Hội đồng Giám mục khác nhau ở lục địa Châu Phi và trả lời, trong sự đồng ý với Đức Giáo Hoàng, cho mối quan tâm của giáo dân, những người thánh hiến và các mục tử, sau khi công bố Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Việc chúc lành cho các cặp đồng tính do Fiducia supplicans đề xuất không thể được thực hiện ở Châu Phi “mà không gây ra tai tiếng”, nhưng mỗi giám mục sẽ được tự do lựa chọn cách hành động trong giáo phận của mình. Đức Hồng y Fridolin Ambongo, Tổng Giám mục Kinshasa và chủ tịch Sceam (Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar), đã công bố một thông điệp vào Thứ Năm, ngày 11 tháng 1 về các chúc lành “ngoài phụng vụ” được đề xuất trong Tuyên ngôn của Bộ về Giáo lý Đức tin, được công bố vào ngày 18 tháng 12. Tuyên ngôn này mở ra khả năng chúc lành cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh “bất quy tắc” liên quan đến luân lý Công giáo, bao gồm cả những cặp đồng giới, nhưng nằm ngoài phụng vụ và nghi lễ cũng như việc mô phỏng hôn nhân nào.

Đức Hồng y Ambongo nhấn mạnh nét đặc trưng văn hóa của Châu Phi, bắt nguồn sâu xa từ các giá trị của luật tự nhiên liên quan đến hôn nhân và gia đình, vốn làm phức tạp thêm việc chấp nhận các cuộc kết hợp của những người đồng giới, được coi là “mâu thuẫn với các chuẩn mực văn hóa và xấu tự nội”.

Jean-Charles Putzolu: Kính thưa Đức Hồng y, ĐHY có thể cho chúng con biết lý do về việc không thể áp dụng Fiducia Supplicans ở lục địa Châu Phi không?

ĐHY Ambongo :  Fiducia Supplicans là một tài liệu được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và bởi Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Đó là một tài liệu ràng buộc toàn thể Giáo hội như một tài liệu bàn về các lời chúc lành. Do đó, nó có thể được áp dụng trong Giáo hội của chúng tôi ở Châu Phi.

Chỉ có một điểm mà các Giáo hội ở Châu Phi đang gặp khó khăn và không thể áp dụng được, đó là điểm liên quan đến việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, chỉ thế thôi. Nhưng phần còn lại của tài liệu là tốt.

Jean-Charles Putzolu: Ta có thể nói về một nét đặc trưng của Châu Phi không?

ĐHY Ambongo :  Quả thực, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới đa văn hóa. Điều gì tốt cho phương Tây không nhất thiết là tốt cho châu Á hay châu Phi. Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong tình huống này.

Jean-Charles Putzolu: Tất cả các Hội đồng Giám mục, vì ĐHY đã thu thập được những phản ứng khác nhau, và ĐHY đã nhanh chóng bày tỏ mong muốn, sau khi công bố Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, trình bày những đường lối định hướng chung cho toàn bộ lục địa Châu Phi, liệu các Hội đồng Giám mục có thống nhất với nhau không?

ĐHY Ambongo :  Các bạn đã có thể biết các tuyên bố của các Hội đồng Giám mục khác nhau ở Châu Phi. Thông điệp của tôi hôm nay chính xác là tổng hợp những gì các Giám mục đã nói. Tất cả các ngài đều nhất trí tái khẳng định sự hiệp thông của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô như một nhân tố hiệp thông, hiệp nhất trong Giáo hội; tất cả các ngài đều nhất trí thừa nhận rằng tài liệu này đã tạo ra sự thất đoạt và bất ổn nơi các tín hữu cũng như các mục tử; tất cả các ngài đều cho rằng không thể áp dụng phần của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans bàn về việc chúc lành cho các cặp đôi đồng tính luyến ái.

Jean-Charles Putzolu: Chỉ điểm này thôi sao? Chẳng hạn, đối với những cặp ly dị tái hôn, vấn đề sẽ không được đặt ra?

ĐHY Ambongo :  Hoàn toàn không. Khi chúng ta khởi đi từ thần học về lời chúc lành, đó đã là một thực hành rồi. Trong tất cả các nhà thờ trên khắp thế giới, chúng ta chúc lành cho mọi người, chúng ta chúc lành ngay cả các tội phạm, thậm chí chúng ta chúc lành cho động vật, chúng ta chúc lành cho ô tô, và đó không có vấn đề gì. Việc chúc lành cho những người đồng tính luyến ái với tư cách là con người không phải là một vấn đề. Điều đặt ra vấn đề đối với chúng tôi, đó là việc chúc lành cho mối liên kết giữa hai người, bởi vì nó gây nhầm lẫn thần học về hôn nhân.

Jean-Charles Putzolu: Dù sao cũng có biểu hiện của một hình thức phản đối đối với một văn kiện giáo thuyết, hay ít nhất là một phần của một văn kiện giáo thuyết. Đồng thời, các Giám mục Châu Phi tái khẳng định sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Chẳng phải chúng ta đang ở trong một tình huống tế nhị sao?

ĐHY Ambongo :  Vâng, phải nói là nó tạo ra sự khó chịu to lớn. Và chính vì điều này mà tôi đã đến. Ngay khi tài liệu này được đưa ra, đã có một làn sóng phản đối khắp Châu Phi. Về mặt cá nhân, với tư cách là chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, tôi đã nhận trách nhiệm của mình. Tôi đã mời gọi không phải từng các nhân giám mục, linh mục hay tín hữu, nhưng các Hội đồng Giám mục, lên tiếng. Điều này cho phép chúng tôi khôi phục hồ sơ thay vì để nó đi theo mọi hướng. Chính các Hội đồng Giám mục đã lên tiếng, và tôi đã tổng hợp tất cả những phản ứng này. Nhưng tôi không chỉ là chủ tịch của Sceam. Tôi cũng là thành viên của Hội đồng Hồng y C9. Tôi cũng là cố vấn cho Đức Giáo hoàng, và với tư cách là cố vấn, tôi đã đến gặp ngài. Chúng tôi đã trao đổi với ngài, chúng tôi đã trao đổi với ngài Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và chính sau khi kết thúc tất cả những cuộc trao đổi này, với sự đồng ý của Đức Thánh Cha và Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, mà tôi đã ký thông điệp của tôi hôm nay.

———————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31