ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI, THẦN HỌC GIA VỀ ĐỨC ÁI
Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã rộng rãi đề cập các chủ đề liên quan đến học thuyết xã hội của Giáo Hội. Với thông điệp Caritas in veritate, năm 2009, ngài đã đề nghị một suy tư thần học mới mẻ, biến đức ái thành một khái niệm trung tâm.
Vào năm 2008, 2400 tấm quang điện mặt trời đã được đặt trên mái của thính phòng Phaolô VI, biến Vatican thành một trong những Nhà Nước trung lập nhất, trên bình diện năng lượng. Vị “Giáo Hoàng xanh”, như báo chí Ý thường gọi ngài, đã biểu lộ một sự quan tâm đến môi trường sinh thái. Nếu Đức Gioan-Phaolô II đã nâng thánh Phanxicô Assidi, vào năm 1979, lên hàng thánh bổn mạng về môi trường sinh thái, thì Đức Bênêđíctô XVI đã đều đặn khơi lên những vấn đề về môi trường.
Vào tháng Sáu năm 2009, trong thông điệp Caritas in veritate của mình, ngài đã nhấn mạnh rằng “Giáo Hội có một trách nhiệm đối với công trình tạo dựng và phải công khai nói lên trách nhiệm đó của mình. Làm như thế, Giáo Hội phải gìn giữ không chỉ trái đất, nước và không khí như là những ân huệ của công trình tạo dựng thuộc về mọi người, nhưng Giáo Hội đặc biệt phải bảo vệ con người khỏi bị hủy hoại” (số 51).
Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha đã tích lũy những nhận xét và những lời khuyên bảo trong mọi lãnh vực liên quan đến học thuyết xã hội của Giáo Hội: sự trao ban và thị trường, nhu cầu trao ban, vai trò của Nhà Nước, sự toàn cầu hóa, vấn đề dân số hiện nay, kinh tế, các tổ chức quốc tế, các nền văn hóa, vấn đề di dân, môi trường, vị trí của kỹ thuật… Bốn năm trước đó, những đề tài này đã từng được soạn thảo trong thông điệp đầu tiên của ngài, Deus caritas est. Trong thông điệp này, ngài đã nhấn mạnh mối tương quan giữa công bằng và bác ái.
“Mang lại cho bác ái một nền tảng khách quan”
Đức Thánh Cha đã không ngừng nhấn mạnh vai trò trung tâm của bác ái, cho đến sứ điệp Mùa Chay cuối cùng của ngài. Đặc biệt minh chứng cho điều đó là Tự sắc De caritate ministranda (“Về đức ái phục vụ”) mà ngài đã ký vào ngày 11.11.2012, trong đó ngài đã nhắc lại rằng đức ái là một trong ba nền tảng của sứ mạng của Giáo Hội, cùng với việc công bố Lời Chúa và cử hành các bí tích.
Theo Mathias Nebel, giám đốc Tổ chức Caritas in veritate, ở Geneve, Thụy Sĩ, Đức Thánh Cha đã “định nghĩa bác ái như là nền tảng của các mối quan hệ xã hội. Ngài đã củng cố đáng kể diễn từ thần học xung quanh khái niệm này”. Ông cho biết: “Cho đến lúc đó, bác ái đã là cứu cánh chung của học thuyết xã hội. Với Đức Bênêđíctô XVI, nó đã trở thành nguyên tắc hàng đầu của học thuyết xã hội”.
Mối liên kết của nó với chân lý có hiệu quả là “mang lại cho bác ái một nền tảng khách quan”. Nói cách khác, đòi hỏi đầu tiên của bác ái là nhìn nhận thực tại “như nó là”, Nebel, nhà nghiên cứu và đang dạy ở Học viện Công giáo Paris, nhấn mạnh.
“Vấn đề công bằng xã hội trên thế giới”
Đối với Đức Thánh Cha, từ đòi hỏi này cũng phát xuất bổn phận quan tâm không chỉ đến cách thức con người trình bày thế giới, nhưng còn cách thức con người xem xét chính mình. Là người kế thừa Đức Phaolô VI, Đức Bênêđíctô XVI trích dẫn 50 lần thông điệp Populorum progressio trong thông điệp Caritas in veritate. Nhưng Đức Bênêđíctô XVI thích ý tưởng “phát triển con người toàn diện”, thậm chí là ý tưởng “nền sinh thái nhân bản”, hơn ý tưởng phát triển các dân tộc mà Đức Phaolô VI đã nêu lên. Ý tưởng “nền sinh thái nhân bản” được Đức Bênêđíctô XVI dùng nhiều lần, dịp tiếp kiến ngoại giao đoàn, vào tháng Giêng năm 2010, hay trong chuyến tông du đến Đức năm 2011. “Con người cũng có một bản tính mà nó phải tôn trọng và không thể thao túng tùy ý. Con người không chỉ là một tự do được tạo nên bởi mình”.
Mối quan tâm của Đức Bênêđíctô XVI đối với số phận thế giới cũng bao gồm sự quan tâm đến kinh tế, và cách riêng khi ngài lo lắng đến những bất quân bình của việc toàn cầu hóa. Nhiều lần ngài đả kích những sai lệch của một thứ chủ nghĩa tư bản trở nên điên rồ và tham lam lợi nhuận ngày càng gia tăng. Đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc những thực hành của một “thế giới tài chính tái bắt đầu thực hành cách cuồng nhiệt những hợp đồng tín dụng vốn thường cho phép đầu cơ cách vô hạn”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đề cập đến một “vấn đề công bằng xã hội trên thế giới”. Và ngài không ngừng ca ngợi tầm quan trọng của sự nhưng không, sự cho đi và sự tin tưởng, ba yếu tố cần thiết cho sự vận hành của kinh tế.
“Biết đón nhận những tính đa dạng chính đáng của con người”
Trái lại, Đức Thánh Cha hầu như không bao giờ khơi lên những hình thức nghèo nàn mới. “Chắc chắn ngài đã không thấy đủ những đói nghèo vốn là hệ quả của những thái quá của tây phương: những thái quá truyền thông, lao động, cô độc…”, Nebel nhận xét. Ông cũng nhận xét rằng Đức Thánh Cha ít nói đến các vấn đề cầm quyền – một phương pháp quyết định được xây dựng trên tính đối tác giữa Nhà Nước, các đơn vị hành chính lãnh thổ và các tác nhân của xã hội -, ngày nay là trọng tâm trong suy tư của các cơ quan phát triển quốc tế.
Đức Thánh Cha thường xuyên kêu gọi liên đới với những người di dân, không chỉ “bằng cầu nguyện”, nhưng còn “bằng hành động”. Họ “không phải là những con số. Đó là những người nam, người nữ, trẻ em, giới trẻ và người già đang tìm kiếm một nơi để sống bình an”.
Ngày 22.8.2010, Đức Thánh Cha đã mời gọi “biết đón nhân những đa dạng chính đáng của con người, theo gương Chúa Giêsu đã đến tập hợp con người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ”. Tại Pháp, người ta lập tức nhận ra qua lời phát biểu này của Đức Bênêđíctô XVI một lời cảnh báo đến Tổng thống lúc đó là ông Nicolas Sarkozy.
Tý Linh
Theo La Croix
Tags: bác ái-liên đới, Bênêđíctô XVI
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT