ĐỨC CHA ALLYS, TÔNG ĐỒ BẰNG SỰ CHỊU ĐỰNG
Chúng tôi từng đề cập đến Đức cha Eugène – Marie – Joseph Allys (Lý) (1852-1936) trong bài « Có một vị mục tử như thế ! » để nói về việc ngài đã họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành trong cuộc đời truyền giáo ở Việt Nam, và tính cách thời sự của ngài như thế nào, trong việc không chỉ là mẫu gương cho những người loan báo Tin Mừng hôm nay, nhưng còn là người đã sống trước những nét mới mẻ mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho Giáo hội về một người môn đệ-truyền giáo-phục vụ. Giờ đây, qua bài viết này, chúng tôi muốn dừng lại ở một nét nổi bật nhất nơi con người thừa sai của Đức Cha : tông đồ bằng sự chịu đựng.
Nếu mỗi vị thánh có một nét nổi bật nhất của mình, chẳng hạn như thánh Charles de Foucauld, « tông đồ bằng sự hiền lành » ; chân phước Carlo Acutis, tông đồ kỹ thuật số ; thánh Scalabrini, tông đồ của người di cư ; thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tông đồ của tình yêu ; thánh Phanxicô Assidi, tông đồ bằng sự nghèo khó ; thánh Mackillop, tông đồ về giáo dục…, thì chúng tôi có thể nói, Đức cha Allys, vị thừa sai người Pháp sống trọn đời mình trên đất nước Việt Nam, tại giáo phận Huế, suốt 61 năm, không một ngày trở về quê hương, là vị tông đồ bằng sự chịu đựng. Thực ra, cũng có thể nói, nét nổi bật trong sứ vụ tông đồ của ngài là « lòng nhiệt thành hoán cải lương dân » ; hoặc là tình yêu, như khẩu hiệu của ngài cho thấy « Tôi yêu mến mọi người » (« Diligo omnes », x. 1Cr 16, 24), và ngài đã thực sự thể hiện tình yêu đó qua các mối tương quan đạo đời tốt đẹp của mình, qua việc lo lắng cho người nghèo…, và ngay cả trước lúc qua đời, lời nói của ngài vẫn là « Cha yêu mến tất cả các con biết bao ». Tuy nhiên, qua những nhận xét về ngài và, nhất là, qua những gì chính ngài nói và sống, có thể khẳng định rằng nét nổi bật trong cuộc đời truyền giáo của ngài là lòng chịu đựng. Chúng tôi tìm hiểu nét nổi bật này của ngài dưới hai khía cạnh chính, được soi sáng bởi các bản văn của huấn quyền : sự chịu đựng nhờ và vì Thiên Chúa ; và sự chịu đựng với và cho tha nhân. Một sự chịu đựng không hề tiêu cực, cũng không phải tự nhiên mà có, nhưng là một thái độ tích cực, một cuộc chiến đấu không ngừng kín múc ân sủng và sức mạnh nơi Thiên Chúa, và sống tình yêu dâng hiến một cách sáng tạo dành cho tha nhân.
1. Sự chịu đựng nhờ và vì Thiên Chúa
Nói về sự chịu đựng của Đức cha Allys, cha Chabanon, lúc đó là bề trên của Đại Chủng viện Huế và sẽ là người kế vị Đức Cha làm Giám mục giáo phận Huế, đã đưa ra một nhận xét tuyệt vời trong một bức thư gởi về Rôma: «Luôn tích cực hoạt động, bất chấp tình trạng sức khỏe cấm ngài hầu hết mọi thực phẩm, con nghĩ rằng ngài có thể được xem như một kiểu mẫu về sức chịu đựng, và sự quảng đại trong việc hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày…. Ngài đã làm việc với lòng nhiệt thành – và đã thành công – trong việc hoán cải lương dân. Đặc điểm của cuộc đời ngài, đó là lòng nhiệt thành hoán cải lương dân. Để gia tăng số con cái của Giáo hội, ngài không bao giờ tiết kiệm thời gian, sức lực hay tài sản của mình; ngài đã chiến đấu, chịu khổ, chịu đựng đủ loại đắng cay, mà không hề nản lòng một giây phút nào, vì ngài đặt niềm tin tưởng vào Đấng đòi hỏi những nỗ lực của chúng ta nhưng là Đấng duy nhất mang lại thành công » (thư ngày 22/4/1925). Từ lời nhận xét này, chúng ta đã có thể thấy hai khía cạnh chính này trong sự chịu đựng của Đức cha Allys, người được xem là « kiểu mẫu về sức chịu đựng ».
Sự chịu đựng, một sức mạnh nội tâm
Quả thế, lời nhận định trên đây của cha Chabanon cho thấy điều gì làm nên nền tảng của sức chịu đựng nơi Đức cha Allys, vị Giám mục thứ 5 của Giáo phận Huế : vì đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự chịu đựng này không phải là sự bi quan, cam chịu bực bội hay cay đắng, nhưng là một sức mạnh nội tâm và là một hành vi đức tin, bởi vì « được bén rễ sâu trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ có thể chịu đựng và kiên nhẫn trước những nghịch cảnh, những thăng trầm của cuộc sống, kể cả những thái độ thù nghịch của người khác, cũng như những bất trung và những khiếm khuyết của họ » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì, tr. 80). Sức mạnh nội tâm này, như Đức Phanxicô cho thấy, « vốn là công trình của ân sủng, sẽ giữ chúng ta không bị cuốn đi bởi bạo lực…., vì ân sủng dập tắt thói kiêu hãnh và giúp người ta có thể hiền lành trong lòng » (Gaudete et exsultate, số 116). Cũng chính « sức mạnh nội tâm ấy giúp ta có thể làm chứng cho sự thánh thiện xuyên qua sự nhẫn nại và kiên tâm làm việc thiện » (Gaudete et exsultate, số 112).
Và đó cũng là điều chúng ta nhận thấy nổi bật nơi Đức cha Allys : một con người có đời sống cầu nguyện sâu xa, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn sức mạnh cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. « Từ nay, cuộc sống của con tóm lại trong cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể », ngài sẽ nói như thế trong lá thư gởi cho Đức Hồng y Pietro Fumasoni Biondi. Đức Cha cũng được nhận xét là « kẻ có lòng mến Thánh Thể cách riêng » (Đức cha E.M.J. Allys, Đấng Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…, tr. 56). Và đến cuối đời, khi nghỉ hưu với đôi mắt gần như mù hoàn toàn, chính ngài đã nói : « Về phần con, trong khi chờ đợi Thiên Chúa nhân từ gọi con, con chỉ còn hai việc để làm : chịu đựng và cầu nguyện » (thư ngày 9/8/1931). Lời thổ lộ này cho thấy ngài ý thức như thế nào về sự chịu đựng trong cuộc đời của mình. Thập giá Chúa Giêsu cũng là một sức mạnh nội tâm cho sứ mạng tông đồ của ngài trước « đủ loại khó khăn », qua đó ngài có đủ sức chịu đựng và tiến bước, để « luôn luôn chiến đấu, không bao giờ được yên thân, đó là khó khăn và đôi khi kinh hoàng ; cần phải than phiền không ? Chắc chắn là không, vì ơn cứu độ là ở nơi thánh giá (in cruce salus) cho bản thân và cho tha nhân » (thư ngày 30/12/1925). Quả đúng như Đức Phanxicô nhấn mạnh, « khi yêu mến Chúa Kitô, những thiếu thốn, đau khổ…đều trở nên ngọt ngào » (bài giáo lý ngày 20/9/2023). Đặc biệt, niềm tin vào Chúa Quan Phòng là điểm nổi bật nơi Đức cha Allys. Trong những thời điểm khó khăn nhất, lòng cậy trông và phó thác cho Thiên Chúa không hề suy giảm nơi ngài, nhưng càng được gia tăng, như ngài cho thấy : « Liệu Chúa Quan Phòng nhân lành sẽ không còn can thiệp cho chúng con và sẽ không chăm sóc Giáo phận Huế vốn chỉ trông cậy vào Ngài? Xem ra không được phép nghi ngờ, nhất là sau những gì Ngài đã làm cho chúng con trong những năm qua. Vì ai đã thành lập đan viện Đức Bà An Nam? Tu viện của các nữ tu dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông? Cộng đoàn Anh em hèn mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu …? Chúa Quan Phòng nhân lành, vào lúc thích hợp, để thành lập các công trình này, đã khơi dậy những ân nhân mà chúng con đã không nghĩ đến » (thư ngày 30/12/1925). Niềm tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng như thế được lặp đi lặp lại thường xuyên nơi các lá thư của ngài, điều này đã khơi dậy nơi ngài một sức mạnh chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn. Chính Đức Cha nói lên xác tín này : « Thời gian này, chúng con cầu nguyện rất nhiều và hơn bao giờ hết cho việc trở lại của lương dân, và chúng con có lý, bởi vì nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, sẽ không có những cuộc hoán cải thực sự ; nhưng ân sủng chỉ được ban cho lời cầu nguyện nhiệt thành và kiên trì » (báo cáo mục vụ năm 1926-1927). Lời Chúa cũng là nguồn mạch cho sức mạnh nội tâm này. Đức cha Allys thường trích dẫn Lời Chúa khi đứng trước một vấn đề khó khăn, điều này giúp cho ngài tiếp tục kiên trì chịu đựng trong hy vọng : khi phải bảo vệ chọn lựa ưu tiên cho người nghèo : « Pauperes evangelizantur » (« người nghèo được loan báo Tin Mừng »); khi đứng trước những bách hại tôn giáo : « Quis ut Deus ! » (Ai bằng Thiên Chúa !); khi ưu tư về nhân sự truyền giáo: «Ai sẽ cung cấp họ, ai sẽ cung cấp đủ số linh mục? Domine, mitte operarios in messem tuam (Lạy Chúa, xin hãy sai thợ đến gặt lúa của Người) »; khi xác tín về sự quan phòng của Thiên Chúa :«Bởi vì ai biết được liệu Deus qui potens est de lapidibus…suscitare filios Abrahae (Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham) một ngày nào đó sẽ khiến xuất hiện những quân đoàn người Công giáo từ những con người hận thù và kiêu ngạo này? ». Tất cả những nền tảng đó cho thấy việc « ở lại trong tình yêu của Thầy » (Ga 15, 9) đã làm nên nguồn sức mạnh nội tâm của Đức Cha như thế nào, giúp ngài trung thành với sứ mạng, đến độ tuyên bố « dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng » (thư ngày 21/6/1925).
Đức cha Allys (đội mũ) và Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, ngoài cùng, bên trái, trong một dịp hành hương La Vang
Kiên trì chịu đựng, lòng trung tín và con đường nên thánh
Sự kiên trì chịu đựng « đi cho đến cùng » như thế, hay nói bằng ngôn ngữ tương tự khác, « sự kiên trì là một phẩm chất không thể thiếu của lòng trung tín » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr. 9). Quả đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, « loan báo Tin Mừng không chỉ làm chứng cho điều thiện, nhưng còn bằng cách chịu đựng sự dữ. Luôn có nguy cơ của một kiểu đầu hàng trong việc rao giảng. Khi có sự sẵn lòng và vâng phục, Thiên Chúa có thể hoàn thành điều gì đó bất ngờ » (bài giáo lý ngày 23/8/2023). Ở nơi khác, Đức Thánh Cha nói : « Chứng tá của Tin Mừng không chỉ giới hạn ở những gì làm hài lòng: chúng ta cũng phải biết vác thập giá của mình hằng ngày với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng » (bài giáo lý ngày 30/8/2023). Đức cha Allys còn đặc biệt thể hiện sức chịu đựng này bằng niềm vui phục vụ khi ngài cho biết « sẽ rất vui mừng khi được làm việc cho đến giờ chết để phát triển các công trình của Giáo phận » (thư ngày 1/5/1931) và « không lùi bước trước sự mệt mỏi cũng như những khó khăn … » (thư ngày 30/12/1925) [1]. Ngài nói về bản thân mình khi được biết được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Huế : « Cho đến giây phút cuối cùng, con đã hy vọng Chúa Quan Phòng sẽ sắp xếp mọi sự sao cho con vẫn là những gì con đã là trong suốt ba mươi mấy năm: một nhà thừa sai nghèo, thường xuyên đau ốm, luôn đau khổ, nhưng không bao giờ ngưng làm việc một chút nào » (thư 30/4/1908). Giải thích câu nói của thánh Phaolô « tình yêu chịu đựng tất cả », Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự chịu đựng này như sau : nó « là tình yêu chấp nhận mọi gian nan thử thách với một thái độ tích cực. Nó đứng vững trong môi trường nghịch lại nó. Sự « chịu đựng » này không chỉ liên quan đến khả năng đón nhận một số phiền phức, mà còn hơn thế : một thái độ luôn sẵn sàng để đương đầu với mọi thách đố. Đó là một tình yêu không bao giờ đầu hàng, ngay cả những những giờ phút tăm tối nhất. Nó cho thấy một thái độ anh hùng can trường nào đó, một sức mạnh đề kháng lại mọi trào lưu tiêu cực, một dấn thân bất khuất cho sự thiện » (Amoris laetitia, số 118).
Chính như thế mà chúng ta có thể hiểu được rằng, như Bộ Đời sống Thánh hiến nhấn mạnh, sự kiên trì chịu đựng là con đường nên hoàn thiện, con đường nên thánh: « Kiên trì đầu tiên được hiểu như kiên nhẫn, như là khả năng chịu đựng những gian nan thử thách, để chuẩn bị cho chúng ta nên hoàn hảo và trọn vẹn » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr. 40). Đức Bênêđíctô XVI cũng nói về « tinh thần chịu đựng » này như là « cuộc chiến đấu vì sự thánh thiện » và là điều góp phần vào việc xây dựng sự thánh thiện trong Giáo hội : « Chịu đựng cũng có thể là một diễn tiến hết sức tích cực, theo nghĩa là nỗ lực đóng góp cho chính Giáo hội ngày càng trở nên có khả năng nâng đỡ và chịu đựng hơn. Bởi lẽ Giáo hội không sống nơi nào khác hơn là trong chính chúng ta, Giáo hội sống nhờ cuộc chiến đấu của những người tội lỗi hướng đến sự thánh thiện, và cuộc chiến đấu đó cần đến ơn Chúa mới thực hiện được. Đàng khác, cuộc chiến vì sự thánh thiện chỉ mang tính xây dựng và đem lại nhiều hoa trái khi nó bắt nguồn từ tinh thần chịu đựng, từ lòng mến thực sự. » (Bênêđíctô XVI, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay …, tr. 370). Ở đây, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời nhận xét của cha Chabanon trên đây khi nói về đặc điểm của cuộc đời Đức cha Allys, một vị tông đồ khiêm nhường bước đi nhờ ân sủng Thiên Chúa và « đã chiến đấu, chịu khổ, chịu đựng đủ loại đắng cay, mà không hề nản lòng một giây phút nào, vì ngài đặt niềm tin tưởng vào Đấng đòi hỏi những nỗ lực của chúng ta, nhưng là Đấng duy nhất mang lại thành công ».
Sự chịu đựng như thế luôn được hướng dẫn bằng sự khiêm nhường. Khiêm nhường biết từ bỏ mình, khiêm nhường vì biết không phải do công sức và tài năng của người loan báo Tin Mừng dù mình phải chiến đấu và chịu đựng nhiều, « khiêm nhường trong việc mang lấy những nghịch cảnh » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr. 10) và đón nhận những giới hạn của người khác. Ở đây, chúng ta cũng thấy nơi Đức cha Allys một con người khiêm tốn phục vụ, “luôn muốn tránh xa danh dự của thế gian” (Đức cha E.M.J. Allys, Đấng Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…, tr. 51). “Đức Cha là người rất khiêm nhượng khi sống và đến giờ gần chết cũng chẳng hề khoe mình đã làm được việc nọ việc kia” (tr. 56). Chính Đức Cha cũng nhắc nhở: “Đừng có nói đến các việc mình làm, mình chẳng có công gì, ấy là ơn Chúa giúp, tôi chỉ có chút công là qua An Nam đặng 61 năm mà thôi, nên đừng nói và không nên nói đến các điều ấy” (tr. 56). Chuẩn bị cho việc hậu sự, Đức Cha cũng dặn dò : « Xin đừng làm chi trọng thể việc đám xác ngài » (tr. 55). Khi biết được có người viết thư gởi qua Tòa Thánh xin cho ngài một tước hiệu dịp Kim Khánh Linh Mục của mình, ngài đã lập tức viết thư gởi qua Tòa Thánh xin dừng việc đó, vì ý thức “thấy vô số thiếu sót mà mối quan tâm duy nhất của tôi là xin được tha thứ” (thư ngày 8/5/1925). Tất cả những điều đó cũng cho thấy rằng Đức Cha đang sống khẩu hiệu « yêu thương mọi người » của mình : sống cho tha nhân và « cho thế gian được sống » (Ga 6, 51).
2. Sự chịu đựng với và cho tha nhân và để loan báo Tin Mừng
Quả thế, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ, « những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì cũng có thể trung thành với người khác » (Gaudete et exsultate, số 112). Về điểm này, Đức Bênêđíctô XVI cũng lưu ý : « Ai dám khẳng định rằng mình chẳng cần gì sự chịu đựng của ai hay không cần ai nâng đỡ ? Và làm sao kẻ sống nhờ sự chịu đựng của người khác lại từ chối chịu đựng kẻ khác ? Đó lại không là món quà duy nhất mà người đó có thể trao tặng trở lại, niềm an ủi duy nhất vì mình cũng đã biết chịu đựng như mình đã được người khác chịu đựng ? » (Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay … tr. 368). Điều này cũng vang vọng giáo huấn của thánh Phaolô Tông đồ : « Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau » (Êp 4, 2), « anh em hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau » (Cl 3, 13). Tinh thần chịu đựng ở đây phải được hiểu trong nhãn quan loan báo Tin Mừng, và cụ thể trước tiên được thể hiện trong việc góp phần xây dựng và nâng đỡ tình huynh đệ, bởi vì đời sống chung và huynh đệ cũng là đối tượng đầu tiên cho lời mời gọi kiên trì, là nơi chốn của sự kiên trì chịu đựng (x. Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr.49-50).
Sự chịu đựng và việc xây dựng đời sống huynh đệ để loan báo Tin Mừng
Khi bàn về đời sống huynh đệ như là sự nâng đỡ lòng kiên trì, chịu đựng, văn kiện của Bộ Đời sống Thánh hiến nói về viễn cảnh « một đời sống chung hiểu như là schola amoris (trường học yêu thương) ». Một viễn cảnh mà Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả bằng việc « xây nhà », tức là « tạo ra những mối liên kết bằng những hành động đơn sơ thường ngày mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được…, đòi hỏi sự hợp tác của mọi người…, vì mỗi người đều là một viên đá cần thiết để xây dựng ngôi nhà », là nơi « đón tiếp và chấp nhận những giới hạn » [2]. Và bằng cách này, « tình huynh đệ là một sự nâng đỡ vô giá cho sự kiên trì của nhiều người » (tr. 77-78). Về mặt này, Đức cha Allys cũng là người nổi bật vì thao thức truyền giáo của ngài qua tình bạn. Quả thế, Đức Cha được cha Giuse Trần Văn Trang, đấng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng và cũng là con thiêng liêng của ngài, mô tả là « người có nhơn đức chịu khó rất lạ, nhiều lần trong mình mệt mỏi, mà trí nhớ điều nọ, tưởng điều kia thì cực lực tâm thần, bởi lòng mến Chúa thương người, song mặt mũi vẫn cứ tươi cười, khi ai đến viếng thăm thì chẳng hề từ chối… » (Đức cha E.M.J. Allys, Đấng Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…, tr. 53). Sự chịu đựng là điều mà một người nhân đức đều học biết trải qua, nhưng đối với Đức Cha, nhân đức chịu đựng này ở mức « rất lạ ». Ở chỗ khác, cha Trang nói thêm về gương chịu đựng vững chắc này: « Dầu phải cực lực, song mặt mày chẳng nhăn nhó, xem lòng vững đức chịu khó, và cũng cứ trả lời một đôi tiếng cho kẻ đến viếng… » (tr. 55). Và có thể nói sự chịu đựng này đem lại niềm vui và sự nâng đỡ cho người khác, như Bộ Đời sống Thánh hiến cho thấy, khi trích lại số 112 của Tông huấn Gaudete et exsultate : « Trong những thời điểm nguy nan, họ sẽ không bỏ rơi anh chị em mình trong lúc gian nan, họ sẽ không để cho mình bị cuốn theo sự xao xuyến, và luôn kiên tâm đứng bên cạnh anh chị em dù điều đó không mang lại cho mình những thỏa mãn tức khắc » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr. 80).
Trong bài viết với tựa đề « Đức cha Allys khi làm cha sở đối với cha phó và anh em bạn Thầy cả thể nào? », đăng trên báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1446, ngày 25/3/1937, cha Trang cho biết Đức Cha đối xử với cha phó rất tốt, điều mà chúng ta nhận thấy dấu ấn của tinh thần chịu đựng đằng sau đó : « Chúng tôi thấy có lần cố muốn buổi nọ buổi kia, dạy con nít mà xin cha phó lo, song rủi cha phó có tính khó ở và lười biếng, để rày mai, có cứ ở vui mặt không nói chi và không tỏ dấu chi mất lòng cha phó. Hoặc khi cha phó có việc đi vắng, ở nhà cố thuê người dạy ; cha về, cố cũng tỏ mặt vui vẻ và về sau cũng chẳng tỏ dấu chi không bằng lòng cha phó ». « Hễ họ đến xin rửa tội, xin đi kẻ liệt mà gặp cố trước, thì cố đi ngay, chẳng bao giờ nói rằng đi mời cha phó đã, đây cha mắc việc…Người ta cũng thấy cố đi đưa Mình Thánh Chúa cho trong họ, có họ đồng, họ ven, chức việc đi theo hầu mà chẳng phải nói lo đi mời cha phó đã ». « Hầu hết các cha phó và dầu có cha nào tính khó ở, thấy cách cố cư xử hẳn hòi, lại nhơn từ đại độ tử tế với mình thì ra sức làm việc giúp cố chẳng nài hà khó nhọc, lại đem lòng mộ mến cha chánh lắm » (tr. 187). Còn với các linh mục khác, cha Trang làm chứng : « Tôi thấy các cha, mà nhứt là các cha annam năng lui tới nhà cố Lý như nhà cha mẹ, nhà anh trưởng vậy, đến khi nào cũng đặng, cố chẳng lấy làm phiền hà chi hết. Thật là một nhơn đức rất lớn của cố Lý. Đến lúc ngài làm Giám mục, thì lại càng lịch sự với các bạn thầy cả hơn nữa » (tr. 188). Về phần mình, Đức Cha cũng ý thức về việc mình là đối tượng của sự chịu đựng của người khác, như cha Trang kể lại : « Đức Cha cũng nói với chú giúp việc Phaolô Chuyên (…), là kẻ giúp ngài từ ngày làm cha sở đến nay cũng đặng gần 35 năm, có lòng trung tín cùng chí thú với ngài mà rằng : « Ông Chuyên, tôi cũng xin ông tha thứ sự lỗi cho tôi, vì nhiều lần tôi làm cực lòng ông » » (Đức cha E.M.J. Allys, Đấng Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…, tr. 54). Bản thân Đức cha Allys cũng nhận định: « Những mối quan hệ thực sự huynh đệ này cho phép chiến thắng mọi trở ngại, vì vinh danh Chúa hơn » (thư ngày 30/12/1925). Và sự kiên trì chịu đựng lẫn nhau như thế là để « một chút điều thiện hảo luôn luôn được thực hiện » (thư 30/12/1925).
Sự chịu đựng có tính sáng tạo, để cho thế gian được sống
Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến « sự can đảm sáng tạo » khi đối diện với các thực tại khó khăn, thì, ở đây, chúng ta cũng có thể nói đến sự chịu đựng có tính sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng nơi Đức cha Allys. Quả vậy, sự chịu đựng vì Tin Mừng không chỉ là một sức mạnh nội tâm đối diện và giúp vượt qua mọi thử thách, nhưng còn là một sức mạnh sáng tạo, sinh hoa trái, « biến một thách đố thành cơ hội », để có thể đi cho đến cùng trong niềm vui dâng hiến và để « cho thế gian được sống ». Sự chịu đựng vì Tin Mừng không phải là một thái độ cam chịu chán nản, nhưng là một thái độ can đảm biết chấp nhận thực tại, biết « nhìn thẳng thực tế và đương đầu với nó, nhận trách nhiệm của mình đối với nó », và qua đó, « có thể biến một thách đố thành một cơ hội bằng cách luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng » (Tông huấn Patris corde, số 4 và 5). Chính vì thế, trước bao thách thức và khó khăn trong đời mục vụ, Đức Cha không bi quan, không chủ bại, không cay đắng, nhưng luôn tự nhắc nhở mình về sự quan phòng của Thiên Chúa và tìm cách vượt qua mà « không lùi bước trước sự mệt mỏi cũng như những khó khăn… » : « Con sẽ làm những gì con có thể làm được…và con xoay xở để hy vọng rằng Chúa Quan Phòng tốt lành, bằng những phương tiện quen thuộc với Ngài, sẽ sớm đến giúp đỡ con » (12/8/1909). Một điều mà chính Đức cha Henri Lécroart đã ghi nhận trong báo cáo kinh lý của mình : « Người ta sống ngày qua ngày và người ta đã vượt qua. Đó là từ tóm tắt toàn bộ hoàn cảnh ». Lời khẳng định « đã vượt qua » này rõ ràng cho thấy những nghịch cảnh của cuộc sống được đón nhận trong sự kiên trì chịu đựng có tính sáng tạo trong hoạt động mục vụ của Đức cha Allys.
Các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm bên cạnh thi hài của Đức Cha
Một đặc điểm khác của sự chịu đựng sáng tạo này trong sứ vụ tông đồ của ngài, đó là ngài luôn tìm ra hướng đi mới, tạo ra ý nghĩa cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình và luôn nhìn về chân trời hy vọng. Chẳng hạn, khi công cuộc truyền giáo gặp khó khăn nơi người Kinh và để không lãng phí nguồn lực cũng như ở yên đó mà than phiền sầu não, Đức Cha đã hướng việc truyền giáo đến người sắc tộc : « Trong khi chờ đợi, ngày mà chúng con sẽ thấy rằng các cuộc trở lại ngày càng trở nên khó khăn và bạc bẽo hơn ở đất nước An Nam, và việc dạy dỗ và huấn luyện các Kitô hữu không còn đủ để thu hút hết các hoạt động thể chất và trí tuệ của chúng con, chúng con sẽ hướng đến người Barbaros, tức là hướng đến những người sắc tộc đang sống ở vùng núi phía Tây của Giáo phận Huế. » (báo cáo mục vụ 1926-1927). Sở dĩ như vậy là vì, như Đức Cha thổ lộ, ngài « đã quen với công việc và sự mệt mỏi, con thừa nhận rằng việc ăn không ngồi rồi sẽ khiến con rất đau đớn » (thư 5/10/1927). Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng « sự yếu đuối thể lý không làm khép kín, nhưng giúp nhạy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân » (bài giáo lý ngày 13/9/2023), thì Đức cha Allys, gần mù hai mắt, kiêng hầu hết thức ăn, cũng đã nhấn mạnh: « Trong khi chờ đợi, con sẽ tiếp tục làm việc và làm mọi thứ có thể để giáo phận không chịu thiệt hại bởi nhược điểm của con » (24/6/1928). Hoặc nơi khác, ngài nói :« Không có gì đáng buồn đối với người hoạt động tông đồ hơn những cuộc rút lui này, và phải thực sự có trong lòng một tình yêu rất lớn lao đối với các linh hồn và một ước muốn không kém phần mãnh liệt là làm vui lòng Thiên Chúa nhân lành, để không dừng cuộc chiến đấu và không cố gắng thuyết phục bản thân rằng chiến đấu là uổng công, ít nhất là vô ích, thậm chí còn có hại cho rất nhiều linh hồn, mà chúng ta sẽ rất vui sướng dẫn tới thiên đàng » (báo cáo mục vụ 1926-1927). Đối diện với những khó khăn và thử thách mà như ngài thổ lộ : « Con đã ở trong giáo phận Bắc Đàng Trong được 48 năm rồi, con đã chứng kiến những thử thách đôi khi rất khủng khiếp về mọi mặt. Trong những thời kỳ buồn bã khiến cho khóc lóc, chỉ còn lại ký ức đau đớn », và có lúc ngài xin Chúa « tha cho những thử thách » này (thư ngày 21/11/1923), tuy nhiên, ngài tiếp tục tạo ra ý nghĩa cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình: « Có sứ mạng truyền giáo nào mà không có khó khăn, rắc rối và thất vọng đau buồn như những đau khổ về thể lý hay tinh thần mà Vùng đại diện của Huế phải chịu ». Trong một lá thư khác (ngày 15/11/1929), ngài cũng tạo ra ý nghĩa như thế : « Chao ôi ! Các công trình của Thiên Chúa cần gặp phải những trở ngại để dẫn đến những kết quả bổ ích ». Và nhìn vào những hoa trái của công việc phục vụ của ngài, qua biết bao nhiêu công trình mà ngài để lại, chúng ta có thể thấy sự chịu đựng và lòng can đảm sáng tạo để cho thế gian được sống của ngài thật phi thường là dường nào ! Chẳng hạn, ngài cho biết « sau những cuộc thảm sát khủng khiếp diễn ra ở An Nam, trong những năm 1885 và 1886, người ta có lẽ tin, và nhiều người đã tin, rằng thế là xong công trình các dự tòng. Tuy nhiên, chưa đầy ba hay bốn năm sau, các cuộc trở lại đã được báo cáo nhiều hơn bao giờ hết » (thư 21/11/1924). Sở dĩ được như vậy là vì, nhờ ơn Chúa và « trong miền truyền giáo ấy, chúng con đã quen chịu đựng mọi thứ khó nhọc và không lùi bước trước những khó khăn » (Thư 30/8/1919). Và « bất chấp những đau khổ mà con phải chịu đựng và những giọt nước mắt mà con đã đổ ra ở đó, con đã luôn gắn bó thân tình và con hy vọng sẽ trút hơi thở cuối cùng ở đó » (thư 30/12/1925).
Trích dẫn thánh Comboni, mô tả nhà thừa sai trước hết phải « thánh thiện », và tiếp đến « có khả năng là lòng bác ái: biến nỗi đau khổ của người khác thành của mình », Đức Phanxicô kêu gọi « một Giáo hội đứng về phía những người bị đóng đinh trong lịch sử » (bài giáo lý ngày 20/9/2023). Đức Cha Allys đã sống tinh thần này cách nổi bật trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho đất nước Việt Nam khi « tiêu phí tiền của, tiêu phí cả sức lực và con người của tôi vì linh hồn của anh em » (2Cr 12,15). Khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở người tông đồ phải mang « trái tim mục tử » như Chúa Giêsu, mang vào mình « mùi chiên », đón nhận « đau khổ » và « chấp nhận mạo hiểm » đời mình, thì việc đón nhận đau khổ này không chỉ hiểu về những đau khổ phải chịu đựng của người tông đồ [3], nhưng còn phải biết đón nhận những đau khổ của tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ, dễ bị tổn thương, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Điều này, với tư cách là linh mục thừa sai, bề trên Đại Chủng viện Thợ Đúc, cha sở giáo xứ Phủ Cam và Giám mục giáo phận Huế…, Đức Cha đã sống hết mình cho « giáo phận nghèo của cải nhất trần gian ». Và sự kiện ngài trải qua 61 năm ở Việt Nam, không một lần về quê hương, cũng như « hy vọng sẽ trút hơi thở cuối cùng ở đó », cũng đủ cho thấy sức chịu đựng cũng như sự dâng hiến của ngài lớn như thế nào ! Có như thế, ngài mới được mệnh danh là « Annamitophile » (người hết lòng yêu thương người An Nam)! Một danh xưng mà không phải vị thừa sai nào cũng có.
Chúng tôi vừa cho thấy nét nổi bật nhất nơi Đức cha Allys : sự chịu đựng. Nó không chỉ là một đức tính nhân bản, nhưng còn là một sức mạnh nội tâm, được đức tin thúc đẩy và tình yêu hướng dẫn từ bên trong, như lời thánh Phaolô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả » (1Cr 13, 7), và như khẩu hiệu Giám mục của ngài, được cảm hứng từ thánh Phaolô : « Tôi yêu mến mọi người » (x. 1Cr 16, 24). Chúng ta sẽ không thể hiểu được sức chịu đựng cho đến cùng của ngài nếu không nhận thấy khao khát mãnh liệt của ngài muốn loan báo Tin Mừng cho muôn dân và, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, muốn làm cho Chúa Giêsu được biết và yêu mến. Ngài đến « cắm lều » ở Việt Nam, suốt 61 năm, với xác tín rằng « chỉ có Đạo Thánh này mới có khả năng mang lại hòa bình và thịnh vượng, không chỉ cho các cá nhân, mà còn cho các dân tộc » (báo cáo năm 1926-1927). Chính vì thế, giữa bao nhiều gian nan khốn khó, ngài vẫn một lòng kiên trung, chịu đựng tất cả, miễn sao « cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng » (Pl 1, 18). Hay nói bằng chính xác tín của ngài : « Kiên quyết chịu đựng mọi sự để gia tăng số người thờ phượng Thiên Chúa thật » (báo cáo mục vụ 1926-1927).
Nhắc lại nét nổi bật nhất trong cuộc đời của ngài cũng là để nhắc nhở mỗi người chúng ta về thao thức loan báo Tin Mừng này, một thao thức đòi hỏi chúng ta cũng phải trở nên như « hạt lúa mì » chấp nhận mục nát đi (x. Ga 12, 24), trong sự chịu đựng đầy sáng tạo, để có thể trổ sinh những hoa trái và mang lại sự sống của Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người.
Lm. Võ Xuân Tiến, giáo phận Huế.
——————————————————————–
Tài liệu tham chiếu :
1. Bênêđíctô XVI, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay (bản dịch Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam), nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 368-370.
2. Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013) của Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch của Ủy ban loan báo Tin Mừng, HĐGM VN).
3. Tông huấn Amoris laetitia (19/3/2016) của Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch của Lm. Lê Công Đức).
4. Tông huấn Gaudete et exsultate (19/3/2018) của Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch của Lm Lê Công Đức).
5. Tông huấn Patris corde (8/12/2020) của Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch của Lm. Lê Công Đức).
6. Ba mươi bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về « Lòng nhiệt thành tông đồ» (từ ngày 11/1/2023 đến ngày 13/12/2023).
7. Bộ các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và các Hội Đời sống Tông đồ, Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì : Những định hướng, « Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy » (Ga 15, 9), Đan viện Cát Minh Sài Gòn 2022 (bản dịch của nữ tu Marie Ange, O.C.D).
8. Đức cha E.M.J. Allys, Đấng Tổ Phụ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân –Huế (Kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Dòng, 1920-2020).
9. Các thư và báo cáo mục vụ của Đức cha Allys gởi về Thánh Bộ Truyền bá Đức tin.
10. Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1446, ngày 25/3/1937, tr. 185-188.
———————————————————-
[1] Ở đây, chúng ta nhận thấy lời nhắc nhở của Bộ Đời sống Thánh hiến đối với các tu sĩ : « Cũng giống như bao nhiêu người khác, chúng ta đều nếm trải những đau khổ, đêm tối linh hồn, những thất vọng và bệnh tật, kiệt sức vì tuổi già. Tuy nhiên, trong tất cả mọi hoàn cảnh như thế, chúng ta phải khám phá ra « niềm vui trọn hảo », học cách nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên giống chúng ta trong tất cả mọi sự, và vui mừng biết rằng chúng ta trở nên giống Người, Đấng vì yêu thương chúng ta, đã không từ chối vác lấy thập giá » (Hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì…, tr. 20).
[2] Như Đức Phanxicô nói, « chúng ta gặp vấn đề bất cứ khi nào chúng ta đòi rằng các mối tương quan hay thiên hạ chung quanh mình phải hoàn hảo, hay khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và kỳ vọng mọi thứ đi theo con đường của mình. Rồi mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách bức xúc….Tình yêu luôn luôn có một khía cạnh thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của tôi » (Amoris laetitia, số 92).
[3] Những khó khăn và đau khổ mà Đức Cha phải chịu đựng thật là nhiều: từ việc ăn uống đến bệnh tật, từ những hiểu lầm, chống đối ở bên trong đến những bách hại ở bên ngoài, từ những khó khăn trong việc mục vụ đến những con người làm việc chung… Nhưng như ngài tâm sự với cháu Marie của mình: “Bác không có giờ để buồn“! (Thư năm 1933). Đức Cha nói về những năm cuối đời của mình: “Con không thể ngờ được bác rất nhạy cảm với một chút gió Tây Bắc vì bây giờ bác chỉ còn da bọc xương. Một chút gió mát nhẹ cũng làm cho bác cảm thấy đau….Bác nghỉ trên chiếc chiếu, hai chân gác lên một bịch nước nóng. Không có nước nóng, bác không thể ngủ được cho đến nửa đêm…” (Thư năm 1934 hoặc 1935).
Tags: Bênêđíctô XVI, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO