ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
“Ngài đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi”, nhưng trên hết là cuộc đời của toàn thể Giáo hội bằng cách mang đến, với Evangelii Gaudium, “một làn gió trẻ trung và niềm vui cho tinh thần truyền giáo”. Bên cạnh những phân tích cá nhân này, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc ở New York đề cập đến sự tôn vinh của Liên hợp quốc dành cho Đức Phanxicô và mối liên kết kết hợp triều đại giáo hoàng với sân khấu đa phương độc đáo này, đó là Cung điện Kính, trụ sở của LHQ.
Tại Hoa Kỳ, cờ được treo rủ tại Cung điện Kính, trụ sở của Liên Hợp Quốc. Vào thứ Ba 29/4, trong phiên họp đặc biệt, Đại hội đồng đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô. Bức chân dung của ngài, với một dải băng đen, hướng ra bục nơi đại diện của nhiều quốc gia, từ Pháp đến Philippines, đã phát biểu để cùng nhau ghi nhận dấu ấn chung mà Đức Giáo hoàng người Argentina để lại.
Chủ tịch Đại hội đồng, người đầu tiên phát biểu, đã nói về “một tiếng nói đạo đức và một lương tâm toàn cầu” quan tâm đến việc “bảo vệ phẩm giá của những người thiệt thòi và người nghèo bằng sự khiêm nhường và lòng dũng cảm“. Cũng như Philemon Yang người Cameroon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Gutteres, có mặt tại tang lễ của Đức Phanxicô vào thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư tại Rôma, đã ca ngợi khả năng của Đức Thánh Cha trong việc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm, mô tả ngài là “sứ giả của hòa bình” có tiếng nói “truyền cảm hứng cho hàng triệu người tin vào một tương lai công bằng và bền vững hơn“.
Đức cha Gabriele Caccia nói về chất lượng của sự vinh danh này. Ngài là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ kể từ năm 2019, được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào vị trí này
Marie Duhamel: Đâu là phẩm chất của sự vinh danh dành cho Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Liên Hợp Quốc?
Đức cha Caccia: Ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là, đây thực sự là một phản ứng đồng thanh. Tất cả các thành viên Liên hợp quốc đều có mặt, hoặc ký vào sổ chia buồn, hoặc tham gia buổi cử hành được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa New York để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Phanxicô, hoặc tham gia gần như đầy đủ vào thứ Ba vừa qua trong lễ tưởng niệm được tổ chức tại Đại hội đồng. Tất cả đều nhấn mạnh rằng hình ảnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ ảnh hưởng đến bốn phương trời trên thế giới. Ngoài phạm vi địa lý, ảnh hưởng này còn tác động đến mọi người. Mọi người đều cảm thấy thực sự gần gũi với Giáo hội vào lúc này, giống như một gia đình mất đi một thành viên yêu dấu. Đó là cảm giác chung. Theo thuật ngữ của Liên Hợp Quốc, chúng ta có thể nói rằng ngài đã tạo được sự đồng thuận, trong khi nêu rõ lập trường về các nguyên tắc công lý, bình đẳng, nhân đạo và kêu gọi mọi nơi vì công ích, ngay cả khi các con đường không thực sự tối ưu cho toàn thể nhân loại.
Marie Duhamel: Năm 2015, từ bục phát biểu của Cung điện Kính, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đối mặt với trách nhiệm của mình, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, thay đổi mô hình kinh tế không đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người và cảnh báo chống lại chủ nghĩa thực dân về mặt ý thức hệ. Đức Cha nghĩ bài phát biểu này đã ảnh hưởng như thế nào tới các thành viên của Đại hội đồng?
Đức cha Caccia: Tôi cho rằng nó đã được triển khai nơi các nhà lãnh đạo – và chúng ta đã thấy điều đó trong những quá trình khác nhau bàn về các vấn đề lớn như môi trường, bắt đầu từ Hội nghị COP Paris – mà còn trong dư luận, một sự nhạy cảm chung và ngày nay một số giá trị nằm trong một bối cảnh rộng hơn, không chỉ trong một diễn ngôn nghiêm ngặt của chính phủ hoặc kỹ thuật đến từ những người có thẩm quyền trong vấn đề này. Theo nghĩa này, việc phổ biến các bản văn như Laudato sì, cũng như Fratelli tutti, chỉ kể đến một vài thông điệp trong số này, cũng đã giúp rất nhiều vào việc tạo ra sự đồng thuận và một não trạng chung để đối mặt với những gì thực sự có thể được gọi là các vấn đề toàn cầu, và đòi hỏi những phản ứng mang tính toàn cầu.
Marie Duhamel: Đức Cha nói rằng tiếng nói của Đức Phanxicô là sự đồng thuận từ quan điểm của Liên Hợp Quốc, nhưng luôn lội ngược dòng.
Đức cha Caccia: Thật tuyệt vời khi được nghe Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký Liên hợp quốc, và các đại diện của tất cả các quốc gia tập hợp tại các nhóm khu vực khác nhau phát biểu. Ngoài ra còn có sự vinh danh từ tất cả các nước nhỏ muốn bày tỏ tình liên đới của mình. Khi lắng nghe tất cả các bài phát biểu này, chúng ta có thể thấy Đức Giáo hoàng đã thành công như thế nào trong việc đặt lợi ích chung lên trên lôgic đảng phái. Cho dù có những khó khăn trong những trường hợp cụ thể để chấp nhận và biến lời kêu gọi hòa bình, chẳng hạn, hoặc thậm chí lời kêu gọi về khí hậu thành các chính sách cụ thể, nhưng nhận thức vẫn là tiếng nói này được đưa ra vì lợi ích của tất cả mọi người, một cách nào đó, nó trở thành một điểm tham chiếu nếu chúng ta muốn tiến theo hướng này. Theo nghĩa này, tôi muốn nói đến sự đồng thuận, điều này không có nghĩa là mọi điều đã nói ra đều được thực hiện ngay lập tức, nhưng chúng tạo ra các điều kiện cần thiết để thực hiện các định hướng dù sao đã được chia sẻ.
Marie Duhamel: Liên Hợp Quốc đại diện cho điều gì, đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người được biết đến là người bảo vệ đối thoại và chủ nghĩa đa phương?
Đức cha Caccia: Có thể nói rằng, ở cấp độ thể chế, Liên Hợp Quốc là nơi duy nhất mà 193 quốc gia thành viên trên thế giới có thể gặp gỡ thường xuyên, đối thoại và cùng nhau giải quyết những thách thức chung vượt quá khả năng của bất kỳ quốc gia nào, và theo nghĩa này, đây cũng là một ngôi trường, một ngôi trường hòa bình, một ngôi trường đối thoại. Tất nhiên, sinh viên cũng phải muốn nghiên cứu và do đó, không có gì được coi là đương nhiên, mọi thể chế đều có cơ hội cải thiện, họ thậm chí phải thích nghi với những tình huống mới, nhưng chắc chắn đây là một công cụ không có tương đương, vì các cuộc họp nhỏ hoặc các thể chế khu vực và châu lục hoặc thậm chí các nhóm khác nhau của G7 và G20, đều để nhiều người bên ngoài.
Marie Duhamel: Do đó, rõ ràng là sự hiện diện của Tòa Thánh tại New York với tư cách là người quan sát tại trụ sở Liên Hợp Quốc là rất quan trọng.
Đức cha Caccia: Có thể nói rằng ngay cả với tư cách là một người quan sát và người bạn đồng hành đơn thuần, ý thức rằng mình không có tất cả các phương tiện mà các Nhà nước có, chúng ta vẫn có tiếng nói được lắng nghe và trân trọng trên hết vì đó là tiếng nói mang lại lợi ích cho toàn thể, chứ không chỉ một nhóm, một quốc gia hay một phạm trù, và theo nghĩa này có một sự tôn trọng chân thành, một sự đánh giá và, cũng có thể nói, rất thường là một tình bạn chân thành.
Marie Duhamel: Hôm thứ Ba, Đức Cha đã kêu gọi các quốc gia khôi phục lại hy vọng cho thế giới. Thúc đẩy phẩm giá của mọi thành viên trong gia đình nhân loại, công lý xã hội, bảo vệ công trình tạo dựng và, tất nhiên, hòa bình, đó sẽ là thách thức đối với Đức Giáo hoàng tiếp theo. Những người tiền nhiệm của Đức Cha để lại những bài học gì cho Đức Giáo hoàng tương lai và Đức Giáo hoàng tương lai có thể đóng góp như thế nào để làm cho đối thoại hiệu quả hơn, thúc đẩy cải cách Liên Hợp Quốc, một “thể chế cần thiết nhưng có thể cải thiện” theo Đức Phanxicô?
Đức cha Caccia: Tôi tin rằng trong Giáo hội, chúng ta luôn tiến về phía trước như một dòng sông lớn và có những lựa chọn đánh dấu thời đại của chúng, ví dụ Công đồng Vatican II đã thiết lập những đường hướng chủ đạo lớn và sau đó mỗi Giáo hoàng sẽ diễn giải và hướng dẫn chúng, cũng tùy thuộc vào sự phát triển của các tình huống không thể đoán trước. Lịch sử không nằm trong tay chúng ta. Nhưng tôi nghĩ có một xu hướng lớn mà mỗi Giáo hoàng, với đặc điểm cá nhân, sự nhạy cảm và tinh thần của mình, học cách đọc và giải thích các dấu chỉ của thời đại, để mang lại sự đóng góp của mình. Nhưng tôi cho rằng đó là một cuộc hành trình chung tuyệt vời. Ở đây, theo lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta đang nói về một dân tộc đang trên hành trình và cùng nhau đi theo một hướng. Có những người chạy xa hơn, có những người chậm hơn một chút, nhưng tất cả chúng ta đều đang tiến về phía trước trong những vấn đề lớn này và, theo nghĩa này, Công đồng luôn là ngọn hải đăng cho Giáo hội, cho hành trình của Giáo hội, ngay cả ngày nay.
Marie Duhamel: Có lẽ đây là một câu hỏi mang tính cá nhân hơn. Đức Giáo hoàng Phanxicô và triều đại của ngài đã tác động như thế nào đến thừa tác vụ của Đức Cha?
Đức cha Caccia: Cụ thể, ngài đã thay đổi cuộc đời tôi, theo nghĩa là tôi đang ở một nơi, tại Libăng, ngài chuyển tôi đến một nơi khác, đến Philippines, và từ Philippines ngài sai tôi đến đây. Vì thế, đó là một tác động rất cụ thể, nhưng đứng đắn mà nói, chắc chắn đó là cách ngài quan tâm cả chúng tôi, thực tế là có những cuộc họp cùng nhau và hàng năm ngài dành thời gian để tiếp chúng tôi một cách cá nhân, tất cả những điều đó để lại ấn tượng rất mạnh mẽ. Đối với tôi, điều này, có thể nói, đã tạo ra động lực cho ý thức truyền giáo này của Giáo hội, cho ý thức này của niềm vui. Tông huấn Evangelii Gaudium vẫn là công trình lớn nhất của triều đại giáo hoàng, và đối với chúng tôi, những người đi từ châu lục này sang châu lục khác, việc chứng kiến đến mức nào Tông huấn này ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của các Giáo hội là một chứng tá tuyệt đẹp. Tôi tin rằng ngài đã mang đến luồng gió trẻ trung và cả niềm vui cho nhiệm vụ truyền giáo của toàn thể cộng đồng Kitô hữu.
—————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican News)
Tags: Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
- ĐHY SANDRI: ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LẠI DI SẢN VỀ SỰ PHỤC VỤ VÀ TẦM NHÌN
- LỊCH SỬ MẬT NGHỊ HỒNG Y, TỪ THỜI TRUNG CỔ ĐẾN NGÀY NAY
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 7: CÁC HỒNG Y XIN CÁC TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
- TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC TƯỞNG NHỚ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y CÔNG NHẬN QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC HỒNG Y CỬ TRI TRONG MẬT NGHỊ
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 6: MẬT NGHỊ PHẢI MỞ RA CHO SỰ TỰ DO CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- ĐHY GAMBETTI : ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ MỞ GIÁO HỘI RA CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
- MẬT NGHỊ: AI SẼ BẦU GIÁO HOÀNG TIẾP THEO
- TÍNH HIỆP HÀNH THEO ĐỨC PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y THÔNG BÁO THÁNH LỄ TIỀN MẬT NGHỊ
- HỒNG Y BECCIU SẼ KHÔNG THAM DỰ MẬT NGHỊ HỒNG Y
- ĐHY REINA MONG ĐỢI MỘT MỤC TỬ DẪN DẮT DÂN CHÚA CÙNG NHAU BƯỚC ĐI
- BỘ PHIM “CONCLAVE” CÓ PHẢN ÁNH CHÍNH XÁC NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA Ở RÔMA TRONG NHỮNG NGÀY TỚI KHÔNG?
- PHIM “MẬT NGHỊ HỒNG Y”: NHẬT BÁO “LA CROIX” PHÂN RÕ THẬT GIẢ TRONG KỊCH BẢN PHIM
- MẬT NGHỊ HỒNG Y SẼ BẮT ĐẦU VÀO THỨ TƯ, NGÀY 7 THÁNG NĂM
- BÀI GIẢNG CỦA ĐHY PAROLIN TRONG THÁNH LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, CẦU HỒN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ: ĐÓN NHẬN KHO TÀNG QUÝ GIÁ MÀ ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ ĐỂ LẠI
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CẦU HỒN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- TẠI SAO CÓ MỘT CUỐN SÁCH ĐƯỢC MỞ RA TRÊN QUAN TÀI CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?
- UCRAINA, HÒA BÌNH NGANG QUA ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ