ĐỨC CHA GOBILLIARD NÓI VỀ OLYMPIC 2024: “QUYỀN BÁNG BỔ KHÔNG CÓ CHỖ TRONG KHUÔN KHỔ THẾ VẬN HỘI”

Written by xbvn on Tháng Bảy 28th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trong thông cáo báo chí, HĐGM Pháp bày tỏ sự khó chịu với những cảnh tượng nhạo báng Kitô giáo trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024. Đức cha Emmanuel Gobilliard, Giám mục giáo phận Digne và là đại biểu của Giáo hội Công giáo ở Pháp tham dự Thế vận hội Olympic, phân tích với nhật báo La Croix lý do tại sao cảnh tượng này lại xúc phạm đến vậy trong giới Kitô giáo, ở Pháp và nước ngoài.

La Croix: Giới Kitô giáo trên khắp thế giới đã bị tổn thương bởi những gì có vẻ là trò đùa nhại lại Bữa Tiệc Ly với các drag-queens (*) trong Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 – một cách giải thích đã bị đạo diễn Thomas Jolly phủ nhận vào Chúa Nhật này (1). Đức Cha hiểu mức độ tổn thương này như thế nào và tại sao hàng giám mục Pháp đã quyết định phản ứng?

Đức cha Emmanuel Gobilliard: Chủ yếu xem phần cuối của lễ khai mạc, nên bản thân tôi chưa xem phân cảnh được đề cập. Vì vậy, tôi đã biết được điều này qua lăng kính của người khác, qua những phản ứng rất mạnh mẽ được đăng tải đặc biệt trên các mạng xã hội. Vì thế, điều mà tôi nhận thấy rất nhiều ở những người khác – Kitô hữu hay không – đó là cảm giác đứng trước một cảnh tượng có thành kiến ​​​​ý thức hệ rất mạnh mẽ, vốn tìm cách áp đặt một cách suy nghĩ đơn nhất và ngày nay dường như rất khó để bày tỏ sự không đồng tình về quan điểm đối với điều đó. Điều này đặt ra câu hỏi: tính hòa nhập, vốn được nhấn mạnh nhiều như thế trong nghi thức, sẽ đến mức nào?

Trong thông cáo báo chí của chúng tôi được công bố một ngày sau Nghi thức khai mạc Thế vận hội Olympic 2024 – trong đó chúng tôi cũng muốn, cùng với các giám mục, nhấn mạnh tất cả những điều tốt đẹp đã diễn ra ở đó – chúng tôi muốn đáp lại thay mặt cho tất cả các Kitô hữu đã cảm thấy bị tổn thương như thế, hoặc thực tế là bị loại trừ khỏi thời điểm này. Bản thân tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc bởi trò đùa nhại lại Bữa Tiệc Ly này.

La Croix: Trả lời gì với những người, cũng rất nhiều người, viện dẫn “quyền báng bổ” ở đây?

Đức cha Emmanuel Gobilliard: Tất nhiên, việc một đạo diễn thể hiện ý tưởng, ý thức hệ, cuộc đấu tranh của mình trong các buổi biểu diễn hoặc vở kịch chẳng hạn là điều chính đáng. Nhưng ở đây, Thế vận hội Olympic và Paralympic nằm trong một khuôn khổ rất rõ ràng, vì hiến chương Olympic yêu cầu rõ ràng rằng không được bày tỏ quan điểm chính trị, ý thức hệ hoặc tôn giáo.

Do đó, quyền báng bổ thực sự không có chỗ trong nghi thức này, nhất là được coi như làm cho thắng thế tinh thần đoàn kết, tình huynh đệ, tập hợp và hòa bình. Dù ai có nói gì đi nữa, cuộc luận chiến nảy sinh sau trò đùa nhại lại này sẽ không phục vụ mục đích hòa bình này.

La Croix: Thông cáo báo chí của hàng giám mục được đón nhận như thế nào?

Đức cha Emmanuel Gobilliard: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ, từ các tín hữu, từ các vận động viên – chẳng hạn, một số người đã gọi điện cho tôi và nói với tôi rằng nghi thức này đã không mang lại cho họ tâm trạng “hòa bình” trước các thử thách của họ – nhưng cũng có những phản ứng rất kịch liệt từ cả hai bên. Một số người có thể đã trách cứ thông cáo báo chí vì giọng điệu được coi là quá “mềm mỏng”; những người khác – thậm chí bắt chước một linh mục – muốn xin lỗi đạo diễn Thomas Jolly vì “sự lăng nhục” mà sự can thiệp của chúng tôi có lẽ đã gây ra, đặt vấn đề về tính hợp pháp của chúng tôi trong việc bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Những người đồng tính Công giáo đã viết thư cho tôi, để nói với tôi rằng họ đã bị tổn thương vì đã bị liên kết đến một quan điểm về tính dục phóng túng [đặc biệt là trong cảnh quay quan hệ tình dục giữa ba người, ghi chú của biên tập viên] mà họ không chia sẻ. Những người khác muốn ủng hộ Thomas Jolly.

Cùng với các giám mục, chúng tôi đã tìm cách giữ một cung giọng ôn hòa. Vì khung cảnh Olympic mang tính quốc tế, nên phân cảnh này cũng gây ra cảm xúc rất mạnh ở nước ngoài, vượt xa cả nước Pháp. Điều này gây sốc rất nhiều ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ, cũng như ở Nhật Bản, ở Maroc.

La Croix: Đặc biệt, các giám mục hoặc linh mục Hoa Kỳ ngày nay đang yêu cầu tổ chức “thánh lễ đền tạ” sau trò nhại lại Bữa Tiệc Ly: Đức Cha xem yêu cầu này như thế nào?

Đức cha Emmanuel Gobilliard: Chúng tôi muốn diễn tả nỗi đau khổ của những người bị tổn thương và nhắc nhớ rằng thành kiến này dường như nằm ngoài khuôn khổ của thế vận hội Olympic. Về vấn đề thánh lễ đền tạ, tôi không nằm trong trường hợp đó, nhưng tôi không muốn nói thay cho các giám mục khác.

Theo ý kiến ​​của tôi, chúng ta, những Kitô hữu, phải cẩn thận không đáp lại những gì có vẻ là khiêu khích bằng sự khiêu khích. Tôi nghĩ bây giờ cần phải vượt lên trên quan điểm, giữ khoảng cách và lật trang này để nhường chỗ cho thi đấu thể thao, tinh thần huynh đệ và đoàn kết của các trò chơi.

Sứ mạng của chúng ta, với Holy Games (một tổ chức của Giáo hội Công giáo Pháp trong thời gian Thế vận hội Olympic, ghi chú của biên tập viên), đó thực sự ở nơi động lực xoa dịu, vì hạnh phúc thể chất và tinh thần của các vận động viên trước các thử thách của họ.

———————————

(1) Chẳng hạn, trái ngược với những gì Damien Gabriac, một trong bốn tác giả tường thuật về nghi thức, đã bình luận trên France Inter hôm thứ Bảy ngày 27/7.

(*) Drag Queen là một thuật ngữ dùng để chỉ những nghệ sĩ nam cải trang và ăn mặc theo phong cách nữ giới một cách cường điệu, với mục đích biểu diễn nghệ thuật. Hình ảnh của Drag Queen thường rất sặc sỡ, ấn tượng và đầy màu sắc.

————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30