ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI

Written by xbvn on Tháng Năm 18th, 2025. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Về phần mình, Đức Lêô XIV đã tiếp kiến ​​các thành viên của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontefice vào sáng thứ Bảy ngày 17/5, sau khi kết thúc phiên họp chung của họ. Cơ hội cho Người kế nhiệm Thánh Phêrô trình bày học thuyết xã hội của Giáo hội như là “một công cụ hòa bình và đối thoại để xây dựng những cây cầu của tình huynh đệ phổ quát” và kêu gọi lên tiếng cho người nghèo.

Quả thế, Đức Giáo hoàng Lêô XIV, ngay từ đầu bài phát biểu trước các thành viên của tổ chức này, đã vạch ra tính liên tục, về mặt diễn ngôn xã hội, giữa Đức Lêô XIII, người “trong giai đoạn lịch sử của những hoàn cảnh chuyển đổi nhiễu loạn, đã muốn đóng góp cho hòa bình bằng cách thúc đẩy đối thoại xã hội giữa tư bản và lao động“, và Đức Phanxicô, người sử dụng thuật ngữ “đa khủng hoảng để gợi lên bản chất bi thảm của tình hình lịch sử mà chúng ta đang trải qua, trong đó hội tụ các vấn đề chiến tranh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng ngày càng gia tăng, di cư cưỡng bức và bị cản trở, nghèo đói để lại vết tích, đổi mới công nghệ có tính nhiễu loạn và sự bấp bênh của lao động và quyền lợi “.

Sự bổ sung giữa học thuyết và đối thoại

Đức Lêô XIV, khi nhắc lại những lời đầu tiên của mình vào buổi tối ngày đắc cử, nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết thành “một dân tộc luôn sống trong hòa bình”, “xây dựng những cây cầu thông qua đối thoại”. Và học thuyết xã hội của Giáo hội “muốn thúc đẩy việc tiếp cận thực sự với các vấn đề xã hội“, khuyến khích sự phân định để xác định rõ hơn cách tiếp cận chúng. Trên con đường này, điều “cơ bản” là xây dựng một “nền văn hóa gặp gỡ” và thoát khỏi lối mòn mà “nhiều người cùng thời với chúng ta” đang mắc kẹt, những người coi các từ “học thuyết” và “đối thoại” là hai thuật ngữ đối kháng. Ngược lại, Đức Lêô XIV nhìn thấy sự bổ sung: “thuật ngữ ‘học thuyết’ có một ý nghĩa khác, đầy hứa hẹn, nếu không có nó thì cuộc đối thoại cũng trở nên trống rỗng. Các từ đồng nghĩa của nó có thể là “khoa học”, “kỷ luật” hoặc “kiến thức””. Theo nghĩa này, học thuyết giống như một “cuộc hành trình chung, hợp xướng và thậm chí là đa ngành hướng tới chân lý”. Nó đối lập với việc nhồi sọ, được coi là “phi luân” vì nó ngăn cản sự phán đoán mang tính phê phán và làm suy yếu quyền tự do thiêng liêng của sự tôn trọng lương tâm, ngay cả sai lầm. Việc nhồi sọ từ chối sự thay đổi và đóng cánh cửa giải quyết các vấn đề mới.

Học thuyết lắng nghe mọi người

Vì vậy, học thuyết, được hiểu là sự suy tư nghiêm túc, có thể “dạy chúng ta” cách đối mặt với cuộc cách mạng số; nó mở ra cho ý thức phê phán mà Đức Giáo hoàng muốn tái khám phá, dù phải chống lại những cám dỗ đối nghịch “vốn cũng có thể xâm nhập vào thân thể Giáo hội“. Học thuyết này tạo điều kiện cho đối thoại thanh thản, trái ngược với văn hóa xung quanh với “ngôn từ gào thét”, “tin giả và luận đề phi lý của một số ít bạo chúa“.

Học thuyết xã hội nâng đỡ Giáo hội trong “nhiệm vụ thường trực là xem xét các dấu chỉ của thời đại, giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng để đưa ra câu trả lời thích hợp cho các vấn đề” của con người. Giáo hội lắng nghe “những người ở xa trung tâm quyền lực” và người nghèo, là “kho báu của Giáo hội và nhân loại, những người mang những quan điểm bị bác bỏ, nhưng không thể thiếu để nhìn thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa“, để dẫn họ vào học thuyết xã hội một mặt, nhưng cũng nhìn nhận họ là “những người tiếp tục và hiện thực hóa học thuyết đó“. Và Đức Lêô XIV đã nêu rõ: “Các phong trào quần chúng và các tổ chức công nhân Công giáo khác nhau là biểu hiện của những vùng ngoại vi hiện sinh, nơi hy vọng luôn tồn tại và nảy mầm. Tôi kêu gọi anh chị em hãy lên tiếng cho người nghèo.”

Đối thoại với mọi người, nền văn hóa gặp gỡ và lắng nghe đều là những chìa khóa giúp đáp ứng hiệu quả “nhu cầu công lý lan rộng“, khát khao “tâm linh, đặc biệt là về phía những người trẻ và những người thiệt thòi“, và “nhu cầu ngày càng tăng đối với học thuyết xã hội của Giáo hội“. Chính như thế mới có thể vượt qua sự phân cực và xây dựng lại nền quản trị toàn cầu, Đức Lêô XIV phát biểu khi lấy lại chủ đề hội nghị của Tổ chức, Vượt qua sự phân cực và xây dựng lại sự quản trị toàn cầu; một chủ đề mà ngài nhấn mạnh là “chạm đến cốt lõi ý nghĩa và vai trò của học thuyết xã hội của Giáo hội, một công cụ của hòa bình và đối thoại để xây dựng những cây cầu của tình huynh đệ phổ quát“.

Được thành lập vào năm 1993, Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontefice theo đuổi các mục tiêu tôn giáo và từ thiện. Nó hợp tác trong việc truyền bá học thuyết xã hội của Giáo hội. Tên của tổ chức này này bắt nguồn từ thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được công bố vào năm 1991, một trăm năm sau khi Đức Giáo hoàng Lêô XIII công bố thông điệp Rerum Novarum.

Tý Linh

(theo Jean-Charles Putzolu, Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31