« ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG VÀ TÍNH PHI HIỆN THỰC CỦA ‘VIỆC CHẠY TRỐN VÀO GIÁO THUYẾT THUẦN TÚY’ »

Written by xbvn on Tháng Bảy 28th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức tin & lý trí

« Đức nguyên Giáo hoàng và tính phi hiện thực của ‘việc chạy trốn vào giáo thuyết thuần túy’ » : đó là tựa đề của bài suy tư của Giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Vatican, ông Andrea Tornielli, đăng trên nhật báo Osservatore Romano, ngày 28/7/2021, liên quan đến câu trả lời của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho nguyệt san « Herder Korrespondenz ».

Dưới đây là bài suy tư của Andrea Tornielli:

« Ý tưởng về một ‘sự chạy trốn vào giáo thuyết thuần túy’ xem ra hoàn toàn phi hiện thực đối với tôi ». Thần học gia Joseph Ratzinger, Đức nguyên Giáo hoàng, trả lời bằng văn bản cho những câu hỏi của nguyệt san tiếng Đức « Herder Korrespondenz ». Một lần nữa, ngài dường như muốn thoát khỏi những lời sáo rỗng vụ lợi mà người ta đã khoác cho ngài.

Trong một đoạn phỏng vấn, mà hầu như không ai chú ý đến những điểm lặp lại hay những bình luận, Đức Bênêđíctô XVI khẳng định điều này : « Và rồi nhất là, người tin là một người tự vấn, một người phải liên lỉ tìm lại được thực tại đức tin này đằng sau và chống lại các thực tại ngột ngạt của cuộc sống thường ngày. Và theo nghĩa này, tư tưởng về một « sự chạy trốn vào giáo thuyết thuần túy » xem ra hoàn toàn phi hiện thực đối với tôi.

Một giáo thuyết mà chỉ có thể tồn tại như là một loại khu bảo tồn thiên nhiên, tách rời với thế giới thường ngày của đức tin và những đòi hỏi của nó, cách nào đó sẽ biểu hiện một sự từ bỏ chính đức tin. Giáo thuyết phải được phát triển trong đức tin và từ đức tin, chứ không phải bên cạnh đức tin ». Những lời này của Đức nguyên Giáo hoàng, như xuất hiện trong phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, cho thấy khuôn mặt của một Giáo hội vốn nói với tâm hồn và với tinh thần, bởi vì một Giáo hội chỉ nói với đặc tính chính thức của giáo thuyết của mình hay với chủ nghĩa chức năng của các cơ cấu của mình, cuối cùng kết thúc bằng việc làm xa cách thay vì lôi cuốn.

Trong cuốn sách-phỏng vấn của ngài với Peter Seewald, « Đây là Thiên Chúa của chúng ta. Đối thoại với Peter Seewald » (2001), người mà lúc đó là Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã từng khẳng định : « Bản chất của đức tin không phải như là từ một thời điểm nào đó người ta có thể nói : tôi có đức tin, những người khác không có đức tin… Đức tin vẫn là một con đường. Suốt cuộc đời chúng ta, đức tin vẫn là một con đường và chính vì thế mà đức tin luôn bị đe dọa và lâm nguy. Và cũng thật hữu ích khi nhờ thế đức tin thoát được mối nguy bị biến thành ý thức hệ có thể thao túng. Thoát được mối nguy chai cứng tâm hồn và làm cho chúng ta không có khả năng chia sẻ suy nghĩ và nỗi đau khổ của một người anh em đang nghi ngờ và phân vân. Đức tin chỉ có thể trưởng thành trong chừng mực nó nâng đỡ và gánh vác, ở mọi giai đoạn của cuộc sống, nỗi khắc khoải lo âu và sức mạnh của sự thiếu lòng tin và cuối cùng vượt qua nó để lại trở thành một con đường khả thi cho một thời đại mới. »

Đó là những lời mà Đức Bênêđíctô XVI, vị Giáo hoàng của Sân Chư Dân, cũng đã lặp lại trong cuộc đối thoại với các phóng viên, trên chuyến bay đưa ngài đến Praha, ngày 26/9/2009. Ngài đã nhắc nhớ rằng người không tin và người tin đều cần đến nhau. Và « người Công giáo không thể bằng lòng với việc có đức tin, nhưng họ phải tìm kiếm Thiên Chúa, và còn hơn nữa, trong cuộc đối thoại với người khác, tái học biết Thiên Chúa một cách sâu xa hơn ».

Người tin không biết hết mọi thứ nhưng đặt ra cho mình những vấn đề trước thực tại về cuộc sống thường ngày, đức tin không phải là một sở hữu được thủ đắc một lần cho tất cả, nhưng là một con đường và một sự phát triển, không thể nào là sự chạy trốn vào giáo thuyết bị giảm thiểu thành một khu bảo tồn thiên nhiên xa cách với thế giới. Người tin cần những chất vấn và những nghi ngờ của người không tin, để không giảm thiểu đức tin của mình thành một ý thức hệ, thành một sơ đồ : đó là những chủ đề mà Đức Bênêđíctô XVI đã thường đào sâu với tư cách thần học gia, Hồng y và rồi Giáo hoàng. Chẳng hạn, trong cuộc đối thoại với các linh mục, tu sĩ nam nữ ở nhà  thờ chánh tòa Milan, ngày 25/3/2017, khi ngài mời gọi những người loan báo Tin Mừng trở nên tự do đối với các kết quả và không buồn phiền trước các thách đố mà Giáo hội phải đương đầu hôm nay, cảnh giác chống lại chính nguy cơ biến đức tin thành ý thức hệ.

Đức Phanxicô đã từng nói, « thật tốt khi có những thách đố bởi vì chúng làm cho ta lớn lên. Chúng là dấu chỉ của một đức tin sống động, của một cộng đoàn sống động đang tìm kiếm Chúa và giữ cho đôi mắt và trái tim rộng mở. Đúng hơn, chúng ta phải sợ một đức tin không có thách đố, một đức tin tự cho mình đầy đủ rồi, hoàn toàn đầy đủ rồi : tôi không cần gì khác, mọi sự sẵn có rồi… Và ai tự cho mình đầy đủ rồi như thể mọi sự đã được nói và được thực hiện rồi ». Đức Giáo hoàng Bergoglio đã nói thêm vào dịp này : « Những thách đố giúp chúng ta làm sao để đức tin của chúng ta không trở thành ý thức hệ. Luôn luôn có những nguy cơ ý thức hệ. Các ý thức hệ lớn lên, nảy mầm và tăng trưởng khi ai đó nghĩ rằng có đức tin đầy đủ, và điều đó trở thành một ý thức hệ. Các thách đố cứu chúng ta khỏi một tư tưởng khép kín và ấn định và giúp chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn dữ kiện mạc khải ».

Tý Linh

(theo ZENIT)

« Le pape émérite et l’irréalisme de la «fuite dans la pure doctrine» », par Andrea Tornielli

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31