ĐỨC ÔNG PHILIPPE BORDEYNE : « GIÁO HỘI PHẢI KHIÊM TỐN HƠN TRƯỚC MẦU NHIỆM GIA ĐÌNH »

Written by xbvn on Tháng Chín 24th, 2021. Posted in Gia đình, Học thuyết xã hội, Luân lý, Ơn gọi, Thế Giới, Tý Linh

Đức Ông Philippe Bordeyne, nguyên Viện trưởng Học viện Công giáo Paris, từ 1/9/2021 là hiệu trưởng của Học viện thần học Gioan-Phaolô II về các khoa học hôn nhân và gia đình. Hai năm sau cuộc đại tu Học viện, Đức Ông Bordeyne cho nhật báo La Croix biết những đường hướng chính trong kế hoạch của mình.

La Croix : Từ 1/9, Đức Ông đứng đầu Học viện Gioan-Phaolô II về gia đình, ở Rôma. Đâu là kế hoạch của Đức Ông ?

Đ.Ô. Philippe Bordeyne : Tôi trở thành hiệu trưởng của Học viện Gioan-Phaolô II khi đại dịch vừa khiến chúng ta ý thức về một số thay đổi tác động sâu xa đến các gia đình. Trước tiên, đối với điều tồi tệ nhất : các gia đình bị ảnh hưởng nhất đã là những gia đình bấp bênh nhất, và cách rộng lớn hơn, những gia đình đang sống nơi các nước phía Nam. Nhưng còn đối với điều tốt nhất : các gia đình chứng tỏ sự quảng đại nhiều hơn.

Đối với tôi, đây là một thời điểm rất đặc biệt : cách đây vài năm, Đức Giáo hoàng từng khẳng định với các thần học gia của Đại học Giáo hoàng Argentina rằng họ phải ở trên các biên giới ; đối với tôi, gia đình là một trong các biên giới mới này.

Chúng ta như đang ở trong thời điểm mà Kennedy đã biết đến vào năm 1960, khi ông dành được sự đề cử của đảng Dân chủ. Vào thời đó, ông cho rằng không có chọn lựa nào khác hơn là quan tâm đến một thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Cũng thế, tôi nghĩ rằng, ngày nay, chúng ta đang sống trong một sự thay đổi thời đại có thể so sánh được. Và đó là bởi vì thời đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng mà Giáo hội phải khiêm tốn hơn trước mầu nhiệm của gia đình.

La Croix : Ngày nay, Giáo hội không đủ khiêm tốn sao ?

Đ.Ô. Philippe Bordeyne : Giáo hội đã không luôn đủ khiêm tốn để nhìn nhận rằng có những thay đổi quan trọng trong cách thức lập gia đình. Đó là những gì mà Đức Giáo hoàng Phanxicô không ngừng lặp đi lặp lại, đặc biệt trong Tông huấn Amoris laetitia, sau Thượng hội đồng về gia đình.

Theo tôi, sự thiếu khiêm tốn này được thể hiện qua cám dỗ quá đơn giản hóa các vấn đề liên quan đến gia đình, và đưa ra những câu trả lời soạn sẵn. Chúng tôi, những thần học gia, chúng tôi không thể tiếp tục giáng những xác tín xuống trên gia đình, khi chúng ta chứng kiến những biến đổi mà gia đình phải chịu ngày nay. Các thần học gia là những nhà nghiên cứu, và vì thế họ kín múc trong ánh sáng của truyền thống, nhưng còn trong sức mạnh của lời loan báo Kerygma, vốn là lời loan báo về Chúa Kitô ngày nay đang sống nơi các gia đình.

La Croix : Nói tóm lại, Đức Ông kêu gọi thoát khỏi một cái nhìn bằng màu đen và trắng về gia đình ?

Đ.Ô. Philippe Bordeyne : Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng cần phải đón nhận những biến đổi văn hóa và kinh tế, và tiếp tục đào sâu cách thức mà Chúa Giêsu nhìn vào các hoàn cảnh phức tạp, hay sự chậm trễ của các bạn trẻ trong việc chọn lựa hôn nhân. Làm thế nào chúng ta có thể nhìn tất cả điều đó với niềm hy vọng ? Nói cách khác, làm thế nào chúng ta có thể khiêm tốn hơn và đồng thời tham vọng hơn ?

Giáo hội phải tham vọng đối với các thế hệ này, nhưng điều đó phải là một tham vọng có cơ sở, điều đó muốn nói rằng Giáo hội không thể che mắt của mình trước những biến đổi xã hội mà chúng ta đang chứng kiến. Nếu chúng ta không làm thế, thì chúng ta sẽ thiếu đi một cơ hội đề nghị hôn nhân và gia đình cho xã hội hôm nay.

 La Croix : Một ngày nào đó, Học viện Gioan-Phaolô II sẽ được gọi là Học viện Amoris laetitia không ?

Đ.Ô. Philippe Bordeyne : Chắc chắn là không. Một số người, từ một nhóm nhỏ, đã lưu ý tôi về điều này khi việc bổ nhiệm tôi được biết đến. Hoàn toàn không phải thế. Với tư cách là thần học gia và sử gia, tôi lặp lại tất cả tầm quan trọng của việc quy chiếu đến Đức Gioan-Phaolô II. Giáo huấn của Đức Phanxicô không được giảm thiểu thành Amoris laetitia, giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II không được giảm thành Familiaris consortio. Mỗi người đều ở đúng vào thời của mình, nhưng không có mâu thuẫn nào giữa hai ngài. Khẳng định sự mâu thuẫn, đó là giảm thiểu giáo huấn của các vị Giáo hoàng này.

La Croix : Cuộc khủng hoảng căn tính trong Học viện đã chấm dứt chưa ?

Đ.Ô. Philippe Bordeyne : Dù sao có một mong đợi lớn lao để nó chấm dứt. Tôi không thể nói với bạn chính xác chúng ta đang ở đâu trong cuộc khủng hoảng, nhưng ngày nay, đối với tôi, dường như tất cả các giáo sư và sinh viên đều muốn làm việc cùng nhau. Trong số 10 giáo sư thường xuyên, có 6 giáo sư là người mới, 4 giáo sư đã ở lại. Bây giờ chúng tôi phải đương đầu với khủng hoảng tài chánh : ở Rôma, chúng tôi đã mất khoảng 40 học bổng đặc biệt đến từ Hoa Kỳ. Năm nay sẽ còn khó khăn, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản chúng tôi đón tiếp 2 800 sinh viên trên khắp thế giới, trong đó có 150 sinh viên ở Rôma.

———————

Một đôi vợ chồng được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng

Đôi vợ chồng Milena Santerini và Agostino Giovagnoli được bổ nhiệm, ngày 22/9/2021, làm phó hiệu trưởng của Học viện Gioan-Phaolô II. Một quyết định chưa từng có. Milena Santerini nguyên là nghị sĩ Ý và là giáo viên sư phạm, và Agostino Giovagnoli chuyên viên về mối tương qua giữa Nhà nước Ý và Giáo hội Công giáo. « Sự hiện diện của một đôi vợ chồng trong ban giám hiệu của một Học viện, có mục tiêu là gia đình, là rất quan trọng », Đức Ông Bordeyne giải thích.

———-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31