ĐỨC PHANXICÔ CẢNH GIÁC GIÁO HỘI HUNGARY CHỐNG LẠI ÓC CHỦ BẠI THẢM HẠI VÀ ÓC XU THỜI TRẦN TỤC

Written by xbvn on Tháng Tư 30th, 2023. Posted in Giáo dân, Linh mục, Luân lý, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Hôm 28/4/2023, tại nhà thờ chánh tòa Têphanô, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ đến từ các giáo phận khác nhau của đất nước. Đối diện với những thách thức mà Giáo hội phải đương đầu, ngài kêu gọi Giáo hội hướng đến « sự đón nhận có tính cách ngôn sứ », bằng cách chứng tỏ sự lắng nghe, hiệp thông và nhất là trung thành với việc cầu nguyện.

« Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm của Lịch sử, là tương lai », Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều đó như một chiếc la bàn khi bắt đầu bài phát biểu của mình, trước sự hiện diện của khoảng 1100 tín hữu theo chính quyền địa phương, trong khi hàng ngàn người đang theo dõi cuộc gặp gỡ từ sân trước.

Vun trồng vụ mùa của chúng ta

Đức Phanxicô khích lệ : « Cuộc sống của chúng ta, dù được ghi dấu bởi sự mong manh, nhưng được đặt chắc chắn trong đôi bàn tay của Ngài ».

Trước đó, Đức cha András Veres, Giám mục giáo phận Győr, chủ tịch HĐGM Hungary, đã đặc biệt đề cập đến « sự tục hóa, chủ nghĩa khoái lạc, một sự dửng dưng nào đó đối với các giá trị Tin Mừng, sự khó khăn trong việc truyền đạt đức tin trong các gia đình, thiếu ơn gọi linh mục và tu sĩ ».

Từ những thách thức này, Đức Thánh Cha cảnh giác có thể nảy sinh hai cám dỗ, « óc chủ bại thảm hại và óc xu thời trần tục ». Tin Mừng chỉ ra một dụ ngôn thích hợp : cây vả (x. mc 13, 28-29). Hôm nay, nó vang vọng đối với các Kitô hữu như một lời mời gọi « hãy vun trồng vụ mùa của chúng ta, đọc được nó, gieo Tin Mừng ở đó, cắt tỉa những cành khô sự dữ, sinh hoa trái. Chúng ta được  mời gọi hướng đến một sự đón tiếp có tính cách ngôn sứ ».

Đừng cứng nhắc

Đức Thánh Cha cũng tố giác « sự lan rộng của chủ nghĩa thế tục và những gì đi kèm với nó, vốn có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn và vẻ đẹp của gia đình, đặt người trẻ trước những lối sống mang dấu ấn của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, gây phân cực cuộc tranh luận về những chủ đề và thách thức mới ». Ngài cũng chỉ ra sự cám dỗ « cứng nhắc, khép kín và chọn thái độ của « những chiến binh » ».

Ngài nói tiếp : những thách thức này đúng hơn nên được coi như một cơ hội đối với các Kitô hữu, một lời mời gọi « đi vào đối thoại với Tin Mừng, tìm kiếm những con đường, những công cụ và ngôn ngữ mới », « mà không sợ hãi cũng không cứng nhắc ».

Cách cụ thể hơn, vấn đề là « cập nhật đời sống mục vụ, không bằng lòng với việc lặp lại quá khứ và không sợ cấu hình lại giáo xứ tại thực địa, nhưng đồng thời ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng và thiết lập sự cộng tác tích cực giữa các linh mục, giáo lý viên, nhân viên mục vụ, giáo viên ».

Cùng nhau trong vườn nho của Chúa

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng « tình trạng quá tải công việc dành cho các linh mục » cho thấy một khó khăn nghiêm trọng, cũng như tình trạng thiếu ơn gọi, và điều đó xảy ra ở khắp nơi  ở châu Âu. Vì thế, « điều quan trọng là tất cả mọi người – chủ chăn và giáo dân – cảm thấy đồng trách nhiệm : trên tiên trong lời cầu nguyện, bởi vì các câu  trả lời đến từ Chúa chứ không phải thế gian, từ Nhà Tạm chứ không từ máy tính ».

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất giữa  các thành phần khác nhau trong Giáo hội. Một « nền mục vụ tốt là khả thi nếu chúng ta có khả năng sống tình yêu mà Chúa truyền cho chúng ta và vốn là một ân huệ của Thánh Thần của Ngài ». Trái lại, « nếu chúng ta xa cách hay chia rẽ, nếu chúng ta cứng nhắc trong các lập trường và trong nhóm của mình, thì chúng ta không sinh hoa kết trái ». « Công việc mục vụ đầu tiên là chứng tá của sự hiệp thông, bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông và Ngài hiện diện ở đâu có đức ái huynh đệ », Đức Thánh Cha tuyên bố và đồng thời khích lệ vượt qua « những chia rẽ nhân loại để cùng nhau làm việc trong vườn nho của Chúa ».

Mẫu gương các thánh

Rồi Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các linh mục, mời gọi họ có « cái nhìn và lối tiếp cận thương xót và trắc ẩn ». Chẳng hạn, ngài trích dẫn chân phước János Brenner, một linh mục người Hungary, « bị giết chết một cách man rợ lúc chỉ mới 26 tuổi » bởi chế độ cộng sản. Người Hungary cũng có thể lấy cảm hứng từ thánh Martin hay vua thánh Têphanô của Hungary, « nhà loan báo Tin Mừng cũng cảm và là người sáng lập các đan viện và tu viện », người « cũng biết lắng nghe và đối thoại với mọi người và chăm sóc người nghèo ». Đức Thánh Cha tuyên bố, họ cho chúng ta thấy « Giáo hội mà chúng ta phải ước mơ : có khả năng lắng nghe nhau, đôi thoại, quan tâm đến những người yếu thế nhất ; đón tiếp tất cả mọi người và can đảm mang đến cho mỗi người lời ngôn sứ của Tin Mừng ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã ca ngợi « đức tin sắt đá của người Hungary », mà « nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đã tử vì đạo trong cuộc bách hại vô thần » đã làm chứng cách đặc biệt. Một câu ngạn ngữ địa phương thậm chí còn nói : « Nếu có một triệu người Hungary cầu nguyện, tôi sẽ không sợ tương lai ».

Đức Phanxicô đã khích lệ các Kitô hữu Hungary hãy trở nên « những người nữ và người nam cầu nguyện, vì lịch sử và tương lại tùy thuộc điều đó ». « Tôi cầu nguyện cho anh chị em, để, theo gương các chứng nhân vĩ đại của anh chị em, anh chị em không bao giờ bị khuất phục bởi sự mệt mỏi nội tâm, nhưng anh chị em sẽ tiến bước với niềm vui tươi ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31