ĐỨC PHANXICÔ: “CHÚNG TA CẦN CỚ VẤP NGÃ CỦA ĐỨC TIN”
Đức Phanxicô đã chủ sự thánh lễ vào Chúa Nhật ngày 7/7/2024 tại quảng trường chính của Trieste. Trong bài giảng của mình, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vun trồng “một đức tin đánh thức các lương tâm khỏi sự mê muội của họ và chạm đến những vết thương của xã hội”. Ngài nhấn mạnh, sự hiện diện của Thiên Chúa ẩn giấu “trong những góc tối của cuộc sống và các đô thành của chúng ta”.
Trước gần 8.500 tín hữu tụ tập tại Quảng trường Unità d’Italia ở Trieste, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Chúa nhật, ngày 7 tháng Bảy, qua đó kết thúc năm ngày suy tư trong Tuần lễ Xã hội của Giáo hội Ý. Tại thủ đô của khu tự trị Frioul-Vénétie Julienne, giao lộ quốc tế của châu Âu, khoảng một trăm giám mục đã có mặt cùng với các phái đoàn từ các Giáo hội Chính thống Serbia, Chính thống Hy Lạp và Luther.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha tập trung vào từ “cớ vấp ngã”, được sử dụng trong Tin Mừng về việc Chúa Giêsu đi rao giảng trong hội đường vào ngày Sabát. Đức Thánh Cha chất vấn : “Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là trở ngại ngăn cản chúng ta tin vào Chúa Giêsu?”
Một đức tin cúi xuống nhân loại
Thánh Kinh cho thấy rằng nhiều người thực sự bị sốc trước thái độ của Chúa Giêsu, nhưng, Đức Thánh Cha nói, “nhân tính của Ngài” là cớ vấp ngã: “làm sao Thiên Chúa, Đấng toàn năng, lại có thể tỏ mình ra trong thân xác mỏng manh của con người? “Thưa anh chị em, đây là cớ vấp ngã: một đức tin được xây dựng trên một vị Thiên Chúa làm người, Đấng cúi xuống nhân loại, Đấng chăm sóc nhân loại, Đấng cảm động trước những vết thương của chúng ta, Đấng gánh lấy sự mệt nhọc của chúng ta, Đấng tự bẻ ra như tấm bánh cho chúng ta”.
Nhân tính này được cụ thể hóa nơi một vị Thiên Chúa yếu đuối, chết trên Thập Giá vì tình yêu, và yêu cầu mỗi người chúng ta vượt qua sự ích kỷ của mình, hiến mạng sống mình vì phần rỗi thế giới, là “một Thiên Chúa không tiện nghi”. Khi đặt mình trước Chúa khi đối diện với những thách thức đương thời, vô số vấn đề chính trị và xã hội đang chất vấn chúng ta, tuy nhiên, chúng ta cần đến “cớ vấp ngã của đức tin”.
Đức Thánh Cha giải thích: “Đó không phải là một lòng đạo khép kín nơi chính mình, hướng mắt lên trời mà không lo lắng về những gì xảy ra trên trái đất và cử hành phụng vụ trong đền thờ mà quên đi bụi bặm bay trên đường phố của chúng ta”, nhưng một “đức tin bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng đã làm người và, do đó, một đức tin nhân bản, một đức tin bằng xương bằng thịt, đi vào lịch sử, ôm ấp cuộc sống con người, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, trở thành men hy vọng và hạt giống của một thế giới mới“.
Đánh thức lương tâm khỏi sự mê muội
Do đó, đối mặt với những thách thức của thế giới, Đức Phanxicô nhắc lại sự cần thiết phải nuôi dưỡng “một đức tin đánh thức các lương tâm khỏi tình trạng mê muội của họ, đức tin chạm đến những vết thương của xã hội”. Tại thành phố Trieste này, nằm ở biên giới của tuyến đường Balkan (và nơi chào đón nhiều người di cư), Đức Thánh Cha một lần nữa muốn nêu bật những người bị phớt lờ hoặc bị từ chối: “Thiên Chúa ẩn mình “trong những góc tối của cuộc sống và các đô thành của chúng ta”, sự hiện diện của Ngài được bộc lộ chính xác trên những khuôn mặt gầy gò vì đau khổ và nơi sự suy đồi dường như chiến thắng. Sự vô hạn của Thiên Chúa ẩn giấu trong nỗi khốn cùng của con người”.
Đức Phanxicô cũng lấy làm tiếc về sự vô cảm đôi khi là nét đặc trưng của chúng ta trước những bất công trên thế giới. “Tại sao chúng ta không ghi nhớ hoàn cảnh của các tù nhân, mà, cũng từ thành phố Trieste này, đang vang lên như một tiếng kêu đau khổ?”
Một nền văn minh hòa bình và huynh đệ
Đức Thánh Cha nói tiếp : “Tại sao chúng ta không suy ngắm về sự khốn cùng, nỗi đau, sự ruồng bỏ của rất nhiều người trong thành phố? Chúng ta sợ, chúng ta sợ tìm thấy Chúa Kitô ở đó”. Từ thành phố Trieste này, nằm cách Slovenia chỉ vài cây số (một bài đọc trong thánh lễ bằng tiếng Slovenia, ghi chú của người biên tập) “một giao lộ của các dân tộc và văn hóa, một vùng đất biên giới, chúng ta hãy nuôi dưỡng giấc mơ về một nền văn minh mới dựa trên hòa bình và tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha kêu gọi và đồng thời mời gọi Giáo hội địa phương can đảm tiếp tục công việc “truyền bá Tin Mừng của niềm hy vọng”.
Vào cuối thánh lễ, Đức Giám mục Trieste, Đức cha Enrico Trevisi nồng nhiệt cảm ơn Đức Phanxicô vì chuyến viếng thăm mục vụ tới thành phố giàu văn hóa này. “Chính trên nền tảng Tin Mừng, cũng như thông qua đối thoại đại kết và liên tôn, mà chúng con mong muốn tham gia cách quyết tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ khác nhau giữa các dân tộc và các quốc gia.”
Tý Linh
(theo Olivier Bonnel – Vatican News)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TẤT CẢ 133 HỒNG Y ĐÃ ĐẾN RÔMA KHI CÁC HỒNG Y TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ MƯỜI
- ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH
- CHIẾC XE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG: MÓN QUÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ DÀNH CHO GAZA
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”
- ĐHY FERNANDEZ : ĐỨC PHANXICÔ, TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUẢNG ĐẠI
- ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
- ĐHY SANDRI: ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LẠI DI SẢN VỀ SỰ PHỤC VỤ VÀ TẦM NHÌN
- LỊCH SỬ MẬT NGHỊ HỒNG Y, TỪ THỜI TRUNG CỔ ĐẾN NGÀY NAY
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 7: CÁC HỒNG Y XIN CÁC TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
- TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC TƯỞNG NHỚ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y CÔNG NHẬN QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC HỒNG Y CỬ TRI TRONG MẬT NGHỊ
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 6: MẬT NGHỊ PHẢI MỞ RA CHO SỰ TỰ DO CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- ĐHY GAMBETTI : ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ MỞ GIÁO HỘI RA CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
- MẬT NGHỊ: AI SẼ BẦU GIÁO HOÀNG TIẾP THEO