ĐỨC PHANXICÔ: CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH, MỘT SỰ LẮNG NGHE “CỞI MỞ VÀ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG”

Written by xbvn on Tháng Tư 30th, 2024. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức Phanxicô là tác giả của lời tựa cho cuốn sách ra mắt vào thứ Ba ngày 30 tháng Tư này, có tựa đề “Trò chuyện trong Chúa Thánh Thần – Nghệ thuật phân định và thực hành tính hiệp hành”, được viết bởi các cha Dòng Tên Juan Antonio Guerrero Alves và Oscar Martin López. Cuốn sách do nhà xuất bản sách Vatican xuất bản, đã được xuất bản vào năm ngoái bằng tiếng Tây Ban Nha. Dưới đây là toàn bộ lời tựa của Đức Thánh Cha.

Anh em thân mến, cảm ơn anh em đã chia sẻ cuốn sách này với tôi trước khi xuất bản nó. Từ những gì anh em nói với chúng tôi trong phần dẫn nhập, về sự hình thành của nó, tôi thấy rằng Óscar đã biết kéo đồng tác giả của mình ra khỏi thế giới kinh tế, trong đó chúng tôi đã nhốt ngài lại, để đưa ngài trở lại với những chủ đề tâm linh hơn. Thật tuyệt vời khi một cuốn sách về cuộc trò chuyện trong Chúa Thánh Thần đã ra đời từ cuộc trò chuyện tâm linh giữa các tác giả của nó.

Mặc dù cuốn sách chủ yếu bàn về cuộc trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, vốn là phương pháp được áp dụng trong con đường hiệp hành, nhưng tôi đánh giá cao rằng anh em đã không dừng lại ở phương pháp và cách thức vận hành của nó. Tôi rất hài lòng khi thấy anh em cung cấp cho độc giả đủ tham chiếu lịch sử để họ nắm bắt được chiều sâu của phương pháp này và tất cả những gì nó vận dụng để thực sự trở thành một kinh nghiệm lắng nghe Chúa Thánh Thần. Anh em hãy nhớ rằng phương pháp hiệp hành là một kinh nghiệm tâm linh, trong đó lời nói và việc lắng nghe nhằm mục đích làm Chúa Thánh Thần trở thành nhân vật chính thực sự. Đọc cuốn sách này cho thấy rõ ràng rằng con đường hiệp hành mà chúng ta đã thực hiện với tư cách là Giáo hội tạo thành một kinh nghiệm tâm linh cá nhân, cộng đoàn và Giáo hội, và do đó nó đòi hỏi công việc cá nhân của mỗi người trong nội tâm của chính họ.

Ý tưởng về cuộc trò chuyện như là “đổ vào một kênh chung” xứng đáng được khai triển trong tương lai. Thật vậy, quan niệm này về cuộc trò chuyện cho phép những quan điểm khác nhau làm phong phú thêm sợi dây xuyên suốt này. Một mức độ trò chuyện nhiều hơn trong đời sống của thành quốc và trong Giáo hội sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều điều tốt lành. Trong cuộc trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, chúng ta tìm thấy một con đường cộng tác hướng tới sự hiệp thông và đổi mới sứ mạng, khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người và chào đón, trong sự hiệp thông và sự hiệp nhất, sự đa dạng lớn lao như chúng ta là.

Trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, sự phân định và tính hiệp hành trước hết hệ tại việc lắng nghe. Con đường hiệp hành được Giáo hội thực hiện là con đường lắng nghe sâu xa. Thái độ mà anh em đề nghị, thái độ “lắng nghe cởi mở và dễ bị tổn thương”, là nền tảng và thực sự cần thiết, bởi vì nó cho phép Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta và làm cho chúng ta thay đổi, khiến chúng ta lựa chọn và dẫn chúng ta đến những quyết định cụ thể. Nếu mỗi người vẫn cố thủ trong những quan điểm mà họ đã chấp nhận trước đây, thì sẽ không có trò chuyện thực sự, không có sự lắng nghe Chúa Thánh Thần thực sự. Họ sẽ không thể học hỏi hoặc hiểu biết bất cứ điều gì từ người khác và sẽ sợ hãi trước bất kỳ quyết định nào liên quan đến sự thay đổi. Bởi vì chỉ khi chúng ta thực sự lắng nghe nhau mà chúng ta mới làm phong phú nhau và đào sâu thêm sự hiệp thông và sứ mạng.

Chương về những thái độ nội tâm có vẻ đặc biệt thiết yếu đối với tôi. Như tôi đã nói nhiều lần, ý định của chúng ta không phải là triệu tập một nghị viện hay thậm chí tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến. Chúng ta muốn bước đi cùng nhau như anh chị em, lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngài là nhân vật chính thực sự của Thượng hội đồng. Lắng nghe Chúa Thánh Thần đòi hỏi một thái độ nội tâm nào đó. Trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, sự phân định và tính hiệp hành chỉ có thể diễn ra nếu chúng ta cố gắng làm rỗng chính mình để đổ đầy Chúa Thánh Thần, nếu sự tự do của chúng ta được tách khỏi những ràng buộc vật chất, ý thức hệ và tình cảm, để cho phép Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta một cách hiệu quả hơn; nếu chúng ta vun trồng nơi bản thân mình những thái độ khiêm tốn, hiếu khách và đón tiếp, và nếu chúng ta loại bỏ tính tự mãn và tính quy ngã. Chỉ như thế mà sự hiệp thông và sứ mệnh của chúng ta mới có thể được củng cố.

Anh em dành chương cuối cùng để trình bày cách thức cụ thể thực hiện cuộc trò chuyện trong Chúa Thánh Thần. Anh em giải thích phương pháp, cách thực hiện nó, các khía cạnh đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Chương này không nên được đọc như thể nó là đỉnh cao nhất của cuốn sách. Mọi phương pháp đều là một phương tiện chứ không phải là mục đích. Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) cũng đề cập đến sự cần thiết phải thích nghi phương pháp này với các hoàn cảnh khác nhau, để nó thực sự hữu ích. Tầm quan trọng của các chương trước hệ tại việc cho phép việc chuẩn bị và áp dụng tốt phương pháp này.

Tài liệu làm việc nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đào tạo việc trò chuyện trong Chúa Thánh Thần. Đối với tôi, có vẻ như cuốn sách anh em đã giới thiệu cung cấp những tư liệu hữu ích cho mục đích này. Tôi cảm ơn rất nhiều vì sự dấn thân của anh em và tôi tin chắc rằng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho nhiều giới trong Giáo hội.

Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh em và xin Đức Trinh Nữ che chở anh em, và xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Phanxicô

———————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31