ĐỨC PHANXICÔ CÔNG NHẬN VIỆC BẮC KINH BỔ NHIỆM TÂN GIÁM MỤC THƯỢNG HẢI
Hôm 15/7/2023, Đức Phanxicô đã công nhận việc Bắc Kinh đơn phương bổ nhiệm tân Giám mục của Thượng Hải, Đức cha Giuse Thẩm Bân (Shen Bin). Một lần nữa, Rôma thích con đường xoa dịu hơn khi đối mặt với các hành động khiêu khích từ Trung Quốc cộng sản.
Đức cha Giuse Thẩm Bân (hình: asianews.it)
Hôm 15/7/2023, Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhân việc Bắc Kinh bổ nhiệm Đức cha Thẩm Bân (sinh 1970) làm tân Giám mục của Thượng Hải, giáo phận lớn nhất của Trung Quốc, và đồng thời lấy làm tiếc về « quyết định đơn phương này trái ngược với một thỏa thuận lịch sử dự kiến một tiến trình chung ».
Do đó, một lần nữa Bắc Kinh đã không tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận được ký kết với Vatican về việc bổ nhiệm giám mục. Thỏa thuận được ký vào tháng 10/2022 này làm mới thỏa thuận được ký lần đầu tiên vào năm 2018, và cho phép một chọn lựa chung, được đồng ý bởi Vatican và chính quyền Trung Quốc, các vị lãnh đạo Công giáo của nước này. Vào thời điểm đó, đây là cách thức cố gắng chấm dứt sự tồn tại của một Giáo hội song song, được hình thành từ năm 1953, do các Giám mục trung thành với Rôma lãnh đạo nhưng không được chính quyền Trung Quốc công nhận.
Đức Thánh Cha chọn sự xoa dịu
Bất chấp sự sỉ nhục này từ phía Trung Quốc, Rôma ưu tiên chọn con đường xoa dịu. Trung Quốc cộng sản luôn cảm thấy khó khăn trong việc công nhận một quyền bính khác với quyền bính của nó đối với các cuộc bổ nhiệm trong hàng giáo phẩm Trung Quốc. Vào cuối tháng 11 vừa qua, Vatican đã bày tỏ sự « ngạc nhiên » và « lấy làm tiếc » của mình khi Bắc Kinh đơn phương bổ nhiệm giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (Giovanni Peng Weizhao), « giám mục phụ tá của Giang Tây » – một giáo phận không được Tòa Thánh công nhận.
Việc bổ nhiệm lần thứ hai ở Thượng Hải, vẫn không tham khảo ý kiến, do đó dường như cho thấy từ phía Bắc Kinh ý muốn nhìn thấy nó có thể đi đến mức nào trong mối quan tâm kiểm soát Công giáo.
ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã công bố một cuộc phỏng vấn, vào hôm 15/7/2023, để giải thích ý muốn này của Đức Thánh Cha là không làm xấu đi thêm quan hệ với Bắc Kinh. ĐHY lấy làm tiếc nói : « Phương thức hoạt động này dường như không tính đến tinh thần đối thoại và cộng tác đã được thiết lập giữa Vatican và các quan chức Trung Quốc trong những năm qua ». Nhưng Đức Thánh Cha ưu tiên « khắc phục sự bất thường giáo luật được tạo ra ở Thượng Hải, nhằm lợi ích của giáo phận và việc thực thi thừa tác vụ mục tử của giám mục : ý định của Đức Thánh Cha về cơ bản là mục vụ và sẽ cho phép Đức cha Thẩm Bân làm việc một cách thanh thản hơn để thúc đẩy sự hiệp thông trong Giáo hội ».
Người Công giáo hầm trú Trung Quốc đáng được tin tưởng
Tuy nhiên, đối với ĐHY Parolin, điều quan trọng, và « thậm chí thiết yếu », là « tất cả các cuộc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả các cuộc thuyên chuyển, phải được thực hiện bằng sự đồng thuận, như đã thỏa thuận ». Ngài nói rõ thêm : « Phải thiết lập mối liên lạc thường xuyên giữa các Giám mục Trung Quốc và Giám mục Rôma vì điều đó thuộc về cấu trúc và giáo lý của Giáo hội Công giáo, mà chính quyền Trung Quốc đã luôn khẳng định không muốn sửa đổi ». Và ngài kết luận rằng « người Công giáo Trung Quốc, ngay cả những người được coi là « hầm trú », đang được tin tưởng, vì họ chân thành muốn trở thành những công dân trung thành và được tôn trọng trong lương tâm và đức tin của họ ».
Chắc chắn, sự truyền thông này của ĐHY Parolin, vào chính ngày Đức Thánh Cha chấp nhận việc bổ nhiệm, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là một cách thức để trả lời cho những phê bình của tất cả những ai cho rằng thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh chia cho Trung Quốc cộng sản phần ngon ăn. Quả thế, một số người chỉ ra rằng bản văn này, nội dung chưa bao giờ được công khai, chính thức hóa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với khoảng 10 triệu người Công giáo Trung Quốc, nơi các nhà thờ đã bị phá hủy và các cơ sở tôn giáo bị đóng cửa, trong khi việc hạn chế các quyền tự do luôn được vạch trần. Trên thực tế, quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc dường như đã trở nên căng thẳng hơn từ nhiều tháng qua.
Trong cuộc phỏng vấn này, ĐHY nhấn mạnh một số vấn đề mà, theo ngài, « phải được giải quyết khẩn cấp ». Ngài đặc biệt xác định ba vấn đề : Hội đồng Giám mục, sự liên lạc của các Giám mục Trung Quốc với Đức Thánh Cha, và việc loan báo Tin Mừng.
Những nghi ngờ của Vatican
Gần đây, chính các quan chức cao nhất của Vatican dường như cũng đã nghi ngờ. ĐHY Parolin, từng là người nhiệt thành bảo vệ và thúc đẩy bản văn, thậm chí còn đánh giá riêng rằng thỏa thuận này « tồi tệ nhất từng được ký kết » bởi Tòa Thánh. Nhưng, bốn năm sau khi ký kết phiên bản đầu tiên của hiệp ước Vatican-Trung Quốc này, theo ước tính của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, người ta cho rằng việc cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn việc tiếp tục các mối quan hệ này. Cho dù chúng khập khiễng.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Oulan-Bator, Mông Cổ, từ 31/8 đến 4/9/2023. Ngài sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm quốc gia ở Trung Á này, nơi có chưa đến 1500 người Công giáo, và nằm ở giữa Nga và Trung Quốc.
Tiểu sử
Đức cha Thẩm Bân sinh ngày 23/2/1970 tại Tề Đông, tỉnh Giang Tô. Sau khi học triết học tại Xà Sơn (Sheshan), ở tỉnh Thượng Hải, và thần học ở Bắc Kinh, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 1/11/1996. Sau đó, ngài thi hành thừa tác vụ mục tử tại giáo phận Hải Môn (Haimen), trước tiên là phó xứ tại giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu, rồi làm tổng đại diện, và cuối cùng là cha sở của giáo xứ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Vào ngày 17/4/2010, ngài được bổ nhiệm làm giám mục Hải Môn, với sự đồng ý của cả hai bên, và được tấn phong giám mục ngày 21/4/2010. Vào đầu tháng 4/2023, Trung Quốc đơn phương thuyên chuyển Đức cha Thẩm Bân đến Thượng Hải mà không có sự đồng ý của Tòa Thánh. Từ năm 2022, Đức cha Thẩm Bân cũng là chủ tịch của Giám mục đoàn Trung Quốc. Ngày 15/7/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Thẩm Bân, Giám mục Thượng Hải, thuyên chuyển ngài từ giáo phận Hải Môn, thuộc tỉnh Giang Tô. Việc bổ nhiệm này diễn ra khi Tòa thánh và Trung Quốc đang trải qua một con đường phức tạp, trên đó “những trở ngại” làm suy yếu “sự tin tưởng và lấy đi năng lượng tích cực”. Và Đức Phanxicô mô tả là “sự tử đạo của lòng kiên nhẫn“.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican News)
Tags: Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I, Trung quốc
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM