ĐỨC PHANXICÔ: ĐÁNH GIÁ CAO HƠN VAI TRÒ CỦA NỮ GIỚI TRONG DÂN THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Ba 8th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi tiếp kiến ​​các tham dự viên Hội nghị quốc tế liên đại học với chủ đề “Phụ nữ trong Giáo hội: người thợ cả của nhân loại”, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh khả năng của phụ nữ “đoàn kết thông qua sự dịu dàng” và công việc cần thiết để giúp đào tạo phụ nữ trong Giáo hội, vốn là “những nghệ nhân của nhân loại”.

Con đường dẫn đến những xã hội tốt đẹp hơn chính là ngang qua việc giáo dục các bé gái, các thiếu nữ và thanh nữ”, Đức Thánh Cha giải thích với 160 tham dự viên Hội nghị quốc tế liên đại học “Phụ nữ trong Giáo hội: người thợ cả của nhân loại”, diễn ra tại Rôma vào ngày thứ Năm ngày 7 tháng 3 và thứ Sáu ngày 8 tháng 3 năm 2024.

Trong Phòng Clementine, Đức Thánh Cha đã nhờ cha Pierluigi Giroli đọc bài phát biểu của mình, giải thích rằng ngài còn “mệt”. Ngài bắt đầu bằng việc trích dẫn mười phụ nữ, là “mười chứng từ về sự thánh thiện”, chủ đề nghiên cứu của cuộc họp quốc tế này: “Josephine Bakhita, Magdeleine de Jésus, Elizabeth Ann Seton, Maria MacKillop, Laura Montoya, Kateri Tekakwitha, Mẹ Têrêsa Calcutta, Rafqa Pietra Choboq Ar-Rayès, Maria Beltrame Quattrocchi và Daphrose Mukasanga”.

Ví dụ về “thiên tài phụ nữ”

Theo Đức Thánh Cha, mười hành trình cuộc đời này, từ các thời đại và khu vực khác nhau, đã cho thấy rằng “thiên tài phụ nữ” có thể phản ánh một cách độc đáo sự thánh thiện của Thiên Chúa trên thế giới”. Ngài nói tiếp, thông qua các sáng kiến ​​bác ái, giáo dục và cầu nguyện khác nhau, vào “những thời đại mà phụ nữ bị loại trừ nhiều nhất khỏi đời sống xã hội và giáo hội”, họ đã trở thành công cụ của Chúa Thánh Thần để khởi xướng “những năng động tâm linh mới và những cải cách quan trọng trong Giáo hội”.

Những người phụ nữ này “đã hỗ trợ và biến đổi các gia đình và cộng đồng thông qua sức mạnh chứng tá của họ” như Đức Thánh Cha nhắc lại trong tông huấn Gaudete et Exsultate. “Và Giáo hội cần họ, bởi vì Giáo hội là nữ: con gái, người vợ và người mẹ, và ai hơn người phụ nữ có thể tiết lộ khuôn mặt của mình?”, Đức Thánh Cha hỏi trong buổi tiếp kiến ​. Tiếp đến, ngài khuyến khích các tham dự viên “tìm ra những cách thức thích đáng để sự cao cả và vai trò của phụ nữ được đánh giá cao hơn trong Dân Thiên Chúa”.

Những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa

Quay trở lại chủ đề của cuộc gặp gỡ coi phụ nữ là “những nghệ nhân của nhân loại”, Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ là “những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa trong việc phục vụ sự sống, công ích và hòa bình”. Sau đó, ngài đã đưa ra hai hướng suy tư liên quan đến sứ mạng của phụ nữ trong Giáo hội.

Đầu tiên, Đức Phanxicô đề cập đến sự đóng góp “thiết yếu nhất” của phụ nữ, đó là tình yêu. Tiếp đến, ngài nhắc đến thánh Têrêsa thành Lisieux là người “muốn trở thành tình yêu trong Giáo hội”.

Quả thế, người phụ nữ với khả năng cảm thông độc đáo, với trực giác và khuynh hướng tự nhiên là “chăm sóc” của mình, biết cách trở thành “trí tuệ và trái tim yêu thương và đoàn kết” đối với xã hội một cách xuất sắc, bằng cách đặt tình yêu vào nơi không có, đặt nhân tính vào nơi con người vất vả để tìm thấy chính mình.”

Sự thánh thiện như một đường lối giáo dục xuyên suốt

Sau đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo phụ nữ trong Giáo hội. Theo nghĩa này, đối với ngài, cuộc gặp gỡ quốc tế tại Rôma này đề nghị cho các sinh viên “những chứng từ về sự thánh thiện, đặc biệt của phụ nữ, khuyến khích họ nâng tầm nhìn, mở rộng chân trời ước mơ và lối suy nghĩ, cũng như sẵn sàng theo đuổi những lý tưởng cao đẹp”.

Do đó, sự thánh thiện có thể trở thành một đường hướng giáo dục xuyên suốt trong toàn bộ cách tiếp cận kiến ​​thức”, Đức Thánh Cha nói tiếp và đồng thời yêu cầu môi trường nghiên cứu trí thức cũng trở thành “bối cảnh “đào tạo”, nơi chúng ta giúp mở rộng tâm trí và con tim cho hoạt động của Chúa Thánh Thần.” Đặc biệt qua chiều sâu và tính cụ thể của nhân tính của các thánh.

 Cuối cùng, Đức Phanxicô lấy làm tiếc về thế giới hiện nay “nơi phụ nữ vẫn phải chịu quá nhiều bạo lực, bất bình đẳng, bất công và ngược đãi”, một tai tiếng thực sự đối với “những người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa” Đấng được sinh ra bởi người nữ””. Chống lại sự phân biệt kỳ thị, ngài kết thúc bằng cách mời các tham dự viên cuộc họp quốc tế dấn thân và cầu nguyện cho việc đào tạo phụ nữ.

Tý Linh

(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31