ĐỨC PHANXICÔ GẶP GỠ 25.000 CẶP ĐÍNH HÔN VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA HỌ
NÓI « VÂNG » MÃI MÃI ? ĐÓ LÀ ĐIỀU KHẢ THI
Vào một thời đại mà « làm những chọn lựa cho suốt cuộc đời dường như bất khả thi », Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời khuyên để tiếng « vâng » và tình yêu của các vợ chồng « được vững vàng và luôn mãi ».
Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 25.000 cặp đính hôn đang chuẩn bị cho hôn nhân, đến từ khắp thế giới, hôm 14/2/2014, tại quảng trường Thánh Phêrô, nhân ngày lễ thánh Valentinô.
Trong suốt cuộc gặp gỡ này, được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với ba cặp đính hôn. Dưới đây là nội dung :
Câu hỏi đầu tiên : nỗi sợ cái « luôn mãi » này
[H : Trọng kính Đức Thánh Cha, ngày nay có nhiều người nghĩ rằng hứa chung thủy trọn đời là một công việc quá khó ; nhiều người nghĩ rằng sống chung là một thách đố đẹp, hấp dẫn, nhưng quá đòi hỏi, hầu như bất khả thi. Chúng con xin Đức Thánh Cha một lời để soi sáng cho chúng con về điểm này.]
Đức Phanxicô : Cha cám ơn các con về chứng tá của các con và về câu hỏi này. Cha sẽ giải thích cho các con : họ đã gởi cho Cha những câu hỏi của họ trước rồi…Đó là điều dễ hiểu … Và như thế, Cha đã có thể suy tư và nghĩ đến một câu trả lời chắc chắn hơn.
Điều quan trọng là tự hỏi liệu có thể yêu nhau « luôn mãi » không. Đó là một câu hỏi cần phải đặt ra : có thể yêu nhau « luôn mãi » không ? Ngày nay, nhiều người sợ làm những chọn lựa dứt khoát. Một chàng trai đã nói với giám mục của mình : « Con muốn làm linh mục, nhưng chỉ trong 10 năm thôi ». Anh ta sợ đưa ra một chọn lựa dứt khoát. Nhưng đó là một nỗi sợ hãi chung, đặc thù của nền văn hóa của chúng ta. Làm những chọn lựa suốt đời dường như là bất khả thi. Ngày nay, mọi sự thay đổi nhanh chóng, không có gì kéo dài lâu…Và não trạng này thúc đẩy nhiều người đang chuẩn bị hôn nhân đến chỗ nói : « Chúng ta cùng chung sống bao lâu tình yêu còn », và tiếp đến là gì ? Chào tạm biệt và hẹn gặp lại sớm… Và hôn nhân chấm dứt như thế. Nhưng chúng ta hiểu « tình yêu » như thế nào ? Chỉ là một tình cảm, một tình trạng tâm-thể-lý ? Dĩ nhiên, nếu chỉ có thế, thì ta không thể được xây dựng trên điều gì đó vững chắc. Nhưng nếu, thực ra, tình yêu là một mối tương quan, thì như thế đó là một thực tại vốn đang lớn lên, và chúng ta có thể nói, theo cách loại suy, rằng nó được xây dựng như một ngôi nhà. Và ta cùng nhau xây dựng ngôi nhà, chứ không phải một mình ! Ở đây, xây dựng có nghĩa là tạo điều kiện dễ dàng và giúp đỡ cho sự tăng trưởng.
Các đôi bạn đính hôn thân mến, các con đang chuẩn bị lớn lên cùng nhau, xây dựng ngôi nhà này, để sống chung và luôn mãi. Các con không muốn xây dựng nó trên cát tình cảm vốn đến rồi đi, nhưng trên đá tảng của tình yêu đích thực, tình yêu đến từ Thiên Chúa. Gia đình nảy sinh từ kế hoạch tình yêu muốn lớn lên như ta xây dựng một ngôi nhà để nó là nơi yêu thương, giúp đỡ, hy vọng và nâng đỡ. Cũng như tình yêu Thiên Chúa là vững chắc và luôn mãi, thì cũng thế chúng ta cũng muốn rằng tình yêu vốn xây dựng nền tảng cho gia đình phải được vững chắc và luôn mãi. Cha xin các con, chúng ta không được để cho « nền văn hóa tạm bợ » chiến thắng chúng ta ! Nền văn hóa này, ngày nay, đang xâm chiếm mọi người, nền văn hóa tạm thời này. Điều đó là không thể !
Như thế, làm thế nào ta có thể chữa trị nỗi sợ hãi cái « luôn mãi » này ? Ta có thể chữa trị nó mỗi ngày, bằng cách tin tưởng vào Chúa Giêsu trong một đời sống đang trở thành một con đường thiêng liêng thường ngày, được làm thành bởi từng bước – những bước nhỏ, những bươc tăng trưởng chung – , được làm nên bởi sự dấn thân trở nên người nữ và người nam chín mùi trong đức tin. Các đôi bạn đính hôn thân mến, bởi vì cái « luôn mãi » này không chỉ là một vấn đề thời gian ! Một hôn nhân không được thành công chỉ vì nó kéo dài, nhưng còn phẩm chất của nó nữa vốn rất quan trọng. Thách đố của các đôi vợ chồng kitô hữu là cùng chung sống và biết yêu thương nhau mãi mãi. Phép lạ hóa bánh ra nhiều xuất hiện trong đầu Cha ; đối với các con cũng thế, Chúa có thể làm nhân tăng tình yêu của các con và làm cho nó tươi mát và tốt đẹp mỗi ngày cho các con. Ngài có kho dự trữ vô tận cho tình yêu ! Chính Ngài ban cho các con tình yêu vốn là nền tảng của sự kết hợp của các con và Ngài làm mới nó, củng cố nó mỗi ngày. Và Ngài còn làm cho nó lớn hơn nữa khi gia đình được lớn lên cùng với con cái. Trên con đường này, việc cầu nguyện là quan trọng, nó cần thiết, luôn cần thiết. Chàng cầu nguyện cho nàng, nàng cầu nguyện cho chàng và cả hai cùng nhau cầu nguyện. Các con hãy cầu xin Chúa Giêsu nhân tăng tình yêu của các con. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta nói : « Xin Cha cho chúng con hôm nay lương lực hằng ngày ». Các đôi vợ chồng cũng có thể học cầu nguyện như thế này : « Lạy Chúa, xin ban cho chúng con hôm nay tình yêu hằng ngày », bởi vì tình yêu hằng ngày của các vợ chồng là bánh, bánh đích thực của tâm hồn, bánh vốn nâng đỡ họ để họ có thể tiến bước. Và lời cầu nguyện : chúng ta có thể thử làm để thấy liệu chúng ta biết nó không nhé ? « Lạy Chúa, xin ban cho chúng con hôm nay tình yêu hằng ngày ». Tất cả cùng nhau ! [các đôi đính hôn : Lạy Chúa, xin ban cho chúng con hôm nay tình yêu hằng ngày ] Đó là lời cầu nguyện của các đôi đính hôn và các vợ chồng. Xin dạy choc hung con yêu thương nhau, yêu thương nhau thực sự ! Các con càng phó thác nơi Ngài, tình yêu của các con sẽ « luôn mãi », có khả năng đổi mới, và nó sẽ chinh phục mọi khó khăn. Đó là tất cả những gì Cha muốn nói với các con, trả lời cho cầu hỏi của các con. Cám ơn các con !
Câu hỏi thứ hai : Sống chung : hôn nhân, một « phong cách sống »
[H : Trọng kính Đức Thánh Cha, thật đẹp để sống chung với nhau mọi ngày, điều đó mang lại niềm vui, đó là một sự nâng đỡ. Nhưng đó là một thách đố cần phải đương đầu. Chúng con tin rằng cần học biết yêu thương nhau. Có một « phong cách sống » của đôi bạn, một linh đạo của đời thường, mà chúng con muốn học. Trọng kính Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có thể giúp chúng con điều đó không ?]
Đức Phanxicô : Sống chung là một nghệ thuật, một hành trình kiên nhẫn, đẹp và hấp dẫn. Điều đó không chấm dứt một khi các con đã chinh phục được nhau…Trái lại, chính lúc đó mới bắt đầu ! Hành trình mỗi ngày này có những quy luật mà chúng ta có thể tóm tắt trong ba từ này mà con đã nói, những từ mà Cha đã lặp đi lặp lại thường xuyên cho các gia đình : « Xin anh/em vui lòng ; anh/em cho phép chứ ? » – hay « anh/em có thể không ? », như con đã nói, « cám ơn », và « xin lỗi ».
« Anh/em có thể không? – Anh/em cho phép chứ ? ». Đó là một cách tử tế xin đi vào cuộc sống của một ai khác, cách tôn trọng và quan tâm. Cần phải học biết xin : anh/em có thể làm điều đó không ? Anh/em có muốn chúng ta làm điều đó không ? chúng ta làm sáng kiến này không, chúng ta giáo dục con cái chúng ta như thế không ? Anh/em có muốn chúng ta ra ngoài tối nay không ?…Tóm lại, xin phép có nghĩa là biết đi vào cách lịch thiệp trong cuộc sống của người khác. Nhưng các con hãy nghe rõ : biết đi vào cách lịch thiệp trong cuộc sống của người khác. Và điều đó không dễ dàng, không dễ dàng. Trái lại, đôi khi chúng ta có những cách thức nặng nề hơn một chút, như những đôi giày leo núi ! Tình yêu đích thực không áp đặt bằng sự cứng cỏi và sự gây hấn. Trong cuốn « Fioretti » của thánh Phanxicô, chúng ta đọc thấy kiểu nói này : « Bạn hãy biết rằng sự lịch thiệp là một trong những đặc tính của Thiên Chúa…và sự lịch thiệp là người chị em của đức ái, vốn dập tắt hận thù và gìn giữ tình yêu » (chương 37). Vâng, sự lịch thiệp gìn giữ tình yêu. Và ngày nay, trong các gia đình của chúng ta, trong thế giới của chúng ta, thường bạo lực và cao ngạo, cần phải có lịch thiệp nhiều hơn nữa. Và điều đó có thể bắt đầu ở nhà.
« Cám ơn ». Dường như dễ dàng nói lời này, nhưng chúng ta biết rằng nó không dễ như thế…Tuy nhiên, nó quan trọng ! Chúng ta dạy cho con cái, nhưng tiếp đến, chúng ta quên nó ! Lòng biết ơn là một tình cảm quan trọng ! Một lần nọ, ở Buenos Aires, một cụ già đã nói với tôi : « Lòng biết ơn là một cánh hoa nở ra trên một mảnh đất cao thượng ». Sự cao thượng của tâm hồn là cần thiết để cho cánh hoa này nở ra. Các con có nhớ Tin Mừng thánh Luca không ? Chúa Giêsu chữa lạnh mười người bị phong hủi và tiếp đến chỉ có một người trở lại nói cám ơn Chúa Giêsu. Và Chúa nói : « còn chín người kia đâu ? » Điều đó cũng đáng cho chúng ta : chúng ta có biết cám ơn không ? Trong tương quan của các con, và ngày mai trong đời sống hôn nhân, điều quan trọng là giữ một ý thức sống động rằng người khác là một ân huệ của Thiên Chúa và chúng ta nói cám ơn vì những quà tặng của Thiên Chúa ! Cám ơn nhau, cách hỗ tương, vì mọi sự, trong thái độ nội tâm này. Đó không phải là một từ tử tế là ta dùng với người xa lạ, để được coi là người có giáo dục. Cần phải biết nói cám ơn nhau, để cùng nhau tiến tới trong đời sống hôn nhân.
Từ thứ ba : « Xin lỗi ». Trong đời sống, chúng ta thường sai lầm, chúng ta mắc nhiều lỗi lầm. Hết thảy chúng ta đều như thế. Nhưng có lẽ ở đây có những người không bao giờ mắc lỗi ? Nếu có ai ở đây, thì xin đưa tay lên ! Có ai không bao giờ mắc lỗi không ? Chúng ta hết thảy đều mắc lỗi lầm. Thánh Kinh nói rằng người công chính nhất phạm tội bảy lần mỗi ngày. Và như thế chúng ta phạm những lỗi lầm…Từ đó sự cần thiết dùng từ ngữ đơn giản này : « xin lỗi ». Nói chung, mỗi người chúng ta sẵn sàng buộc tội người khác và tự biện minh. Điều đó bắt đầu với ông tổ Ađam của chúng ta, khi Thiên Chúa hỏi ông : « Ađam, ngươi đã ăn trái cây ? ». « Tôi à ? không đâu ! Chính người nữ mà Ngài đã ban cho tôi ! » Buộc tội người khác để khỏi nói « xin lỗi », « xin tha lỗi cho tôi ». Đó là một câu chuyện xưa rồi ! Đó là một bản năng vốn là nguồn của nhiều tai họa. Chúng ta hãy học biết nhìn nhận lỗi lầm của chúng ta và xin lỗi. « Xin lỗi nếu hôm nay anh/em đã cao giọng », « xin lỗi nếu anh/em đã đi ngang qua mà không chào em/anh », « xin lỗi nếu anh/em đến trễ », « xin lỗi vì tuần này anh/em đã im lặng như thế », « xin lỗi nếu anh/em đã nói quá nhiều mà không bao giờ lắng nghe », « xin lỗi, anh/em đã quên mất », « xin lỗi nếu anh/em đã nóng giận và đã đổ trách nhiệm cho em/anh »… Tất cả những lời « xin lỗi » này, chúng ta có thể nói mỗi ngày. Cũng chính theo cách này mà gia đình kitô hữu lớn lên. Chúng ta hết thảy đều biết rằng gia đình hoàn hảo không tồn tại, cũng không có người chồng hoàn hảo, người vợ hoàn hảo. Không nói đến người mẹ vợ/chồng hoàn hảo ! Chúng ta hiện hữ và chúng ta đều là tội nhân. Chúa Giêsu, Đấng biết rõ chúng ta, dạy cho chúng ta một bí mật : không bao giờ kết thúc ngày sống mà không xin lỗi nhau, mà không để hòa bình trở lại trong mái nhà, trong gia đình. Đó là bình thường việc vợ chồng cãi nhau, luôn có điều gì đó, chúng ta đã tranh cãi…Có lẽ các con đã nóng giận, có lẽ một cái dĩa đã bị mất, nhưng nếu các con vui lòng, các con hãy nhớ điều này : không bai giờ kết thúc một ngày sống mà không làm hòa ! Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ ! Đó là một bí quyết, một bí quyết để giữ gìn tình yêu và làm hòa ! Việc có những lời nói to tát thì không cần thiết…Đôi khi, một cử chỉ đơn giản và…bình an được tái lập. Không bao giờ chấm dứt…bởi vì nếu con chấm dứt ngày sống mà không làm hòa, thì những gì các con có nơi tâm hồn, ngày hôm sau, đó là sự lạnh lùng và cửng cỏi và càng khó hơn để làm hòa. Các con hãy nhớ điều đó : không bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa ! Nếu chúng ta học biết xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau, thì hôn nhân sẽ kéo dài, nó sẽ tiến tới. Khi các đôi bạn kết hôn từ lâu đến tham dự các buổi tiếp kiến, hay ở thánh lễ ở đây ở nhà nguyện thánh Mát-ta, những đôi bạn mừng kỷ niệm 50 thành hôn, thì Cha đã hỏi họ : « Ai đã nâng đỡ ai ? » Thật đẹp ! Hết thảy họ đều nhìn nhau, họ nhìn Cha và họ nói với nhau « Cả hai » ! » Và điều đó, thật đẹp ! Đó là một chứng ta đẹp.
Câu hỏi thứ ba : Phong cách cử hành hôn phối
[H : Kính trọng Đức Thánh Cha, những tháng này, tất cả chúng con đang chuẩn bị cho hôn nhân của chúng con. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con một vài lời khuyên để cử hành tốt hôn phối của chúng con ?]
Đức Phanxicô : Các con hãy làm thế nào để đó là một ngày lễ đích thực – bởi vì hôn nhân là một lễ mừng – một ngày lễ Kitô giáo, chứ không phải một lễ trần tục ! Lý do sâu xa nhất của niềm vui hôm nay được Tin Mừng Gioan đem lại cho chúng ta : Các con có nhớ phép lạ ở tiệc cưới Cana không ? Đến một lúc nào đó, thiếu rượu và ngày lễ mừng dường như bị phá hỏng. Các con hình dung ra việc kết thúc ngày lễ bằng việc uống trà được không ? Không được, không thể được ! Không có rượu, đó không còn là một ngày lễ mừng ! Theo gợi ý của Đức Maria, vào lúc đó, Chúa Giêsu tỏ mình ra lần đầu tiên và Ngài đã làm một dấu lạ : Ngài biến nước thánh rượu và, khi làm như thế, Ngài cứu ngày lễ mừng ở tiệc cưới. Những gì diễn ra ở Cana cách đây 2000 năm trên thực tế được tái hiện trong mỗi cuộc hôn nhân : Những gì sẽ làm cho hôn nhân của các con trọn vẹn và sâu xa đích thực sẽ là sự hiện diện của Chúa, Đấng tỏ mình ra và ban ơn của Ngài. Chính sự hiện diện của Ngài mang lại « rượu ngon », chính Ngài là bí mật của niềm vui trọn vẹn, niềm vui làm sưởi ấm tâm hồn thực sự. Đó là sự hiện diện của Chúa Giêsu ở ngày lễ mừng này. Ước gì đó là một ngày lễ mừng tốt đẹp, nhưng cùng với Chúa Giêsu ! Không theo tinh thần thế gian, không ! Chúng ta cảm nhận điều đó, khi Chúa hiện diện ở đó.
Nhưng đồng thời, chính hôn nhân của các con cần được giản dị và làm nổi bật nhưng gì thực sự quan trọng. Một số người quan tâm hơn đến những dấu bề ngoài, bàn tiệc, hình ảnh, áo quần và bông hoa… Đó là những thứ quan trọng trong một ngày lễ, nhưng chỉ khi chúng có khả năng chỉ ra lý do đích thực của niềm vui của các con : sự chúc lành của Chúa đối với tình yêu của các con. Hãy làm thế nào để, như rượu ở Cana, những dấu bề ngoài của ngày lễ của các con cho thấy sự hiện diện của Chúa và nhắc cho chính các con và mọi người nguồn mạch và động cơ của niềm vui của các con.
Nhưng con đã nói điều gì đó mà Cha muốn nắm lấy ngay đúng lúc, bởi vì Cha không muốn để nó trôi đi. Hôn nhân cũng là một công việc suốt mọi ngày, Cha có thể nói một công việc thủ công, một công việc kim hoàn, bởi vì người chồng có nhiệm vụ làm cho người vợ của mình nên phụ nữ hơn và người vợ làm cho người chồng nên đàn ông hơn. Cũng lớn lên về mặt con người, như là nam và như là nữ. Và chính giữa các con thực hiện điều đó. Đó là những gì được gọi là cùng nhau lớn lên. Điều đó không rớt xuống từ trời ! Chúa chúc lanh cho điều đó, nhưng điều đó đến từ đôi bàn tay của chúng ta, từ những hành xử của các con, từ lối sống của các con, từ cách các con yêu thương nhau. Làm cho chúng ta lớn lên ! Luôn làm thế nào để người khác lớn lên. Ra sức cho điều đó. Và như thế, Cha không biết, Cha nghĩ đến con : một ngày nào đó con sẽ ở nơi đất nước của con, nơi nẻo đường và người ta sẽ nói : « Hãy xem, thật là một người vợ đẹp, cô ta mạnh mẽ dường nào !… Cùng với chồng của cô ta, điều đó có thể hiểu được ! » Chính đó, hãy đạt đến đó : làm cho chúng ta cùng nhau lớn lên. Và con cái của các con sẽ thừa hưởng điều đó, có một người cha và người mẹ đã cùng nhau lớn lên, làm cho nhau trở thành đàn ông hơn và phụ nữ hơn !
Tý Linh chuyển ngữ
Theo ZENIT
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO