ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI CÁC LINH MỤC HÃY MƠ VỀ MỘT GIÁO HỘI MAI NGÀY

Written by xbvn on Tháng Hai 8th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong tâm trạng và với khát vọng nào để dấn thân vào thừa tác vụ linh mục ? Hôm thứ Hai 7/2/2022, Đức Phanxicô đã gợi ý cho các sinh viên của chủng viện Lombard Thánh Ambrôsiô và Thánh Charles của Tòa Thánh ở Urbe, tại trung tâm Rôma, đừng khép kín trong phòng thánh của mình hay trong « lối biện chứng vô ích », nhưng mang Tin Mừng cho một thế giới « đang khao khát Chúa Kitô », như cựu sinh viên của chủng viện là Đức Piô XI đã làm.

Chính nhân kỷ niệm 100 năm ngày bầu chọn Đức Piô XI năm nay mà Đức Phanxicô đã tiếp kiến chủng viện Lombardi, nơi Đức Achille Ratti đã từng là một học trò ; Đức Phanxicô đã lấy cảm hứng từ vị tiền nhiệm của mình để mang lại cho các linh mục những viễn cảnh cho thừa tác vụ của ho, để phục vụ Giáo hội và dân tộc Ý.

Dấu hiệu ngôn sứ đầu tiên được Đức Piô XI đặt ra : vừa được bầu chọn, ngài đã chọn không còn trình diện với các tín hữu bên trong vương cung thánh đường thánh Phêrô nữa nhưng từ ban công nổi tiếng hướng ra quảng trường thánh Phêrô. Đức Phanxicô nói : phải mất 40 phút để mở các cánh cửa của ban công. Quả thế, chúng đã bị bít lại không dùng nữa trong nhiều năm vì nơi này đã trở thành một nhà kho. Đức Piô XI đã chờ đợi.

Theo Đức Phanxicô, cử chỉ này « đáng giá hơn một ngàn lời nói ». Trước tiên, ngài nhắc lại cho các linh mục rằng họ phải mở ra, « mở rộng chân trời mục vụ đến các chiều kích của thế giới, đạt tới mỗi người con mà Thiên Chúa muốn ôm lấy bằng tình yêu của Ngài ». Đức Phanxicô xin họ đừng bị « rào cản trong phòng thánh », đừng « nuôi dưỡng những nhóm nhỏ khép kín trong đó người ta có thể âu yếm và yên tĩnh ». Một thế giới đang chờ đợi Tin Mừng.

 Sống trong những hoàn cảnh cụ thể của thế giới

Đức Thánh Cha nói tiếp, Chúa muốn các mục tử của Ngài phải giống như Ngài. Ngài mời gọi họ « mang trong tâm hồn và trên vai mình những mong đợi và gánh nặng của đoàn chiên ». Để thừa tác vụ trở thành một sự chúc lành của Thiên Chúa cho thế giới, linh mục phải có « một tâm hồn cởi mở, trắc ẩn và  thương xót » nhưng còn « những đôi tay cần cù và quảng đại, bị vấy bẩn và tổn thương vì tình yêu, như đôi tay của Chúa Giêsu trên thập giá ».

Học tập là một « món quà của Thiên Chúa », nhưng những kiến thức không bao giờ được tách khỏi cuộc sống và lịch sử. « Tin Mừng không được phục vụ bởi một Giáo hội có nhiều  điều phải nói, nhưng những lời nói của Giáo hội thiếu sự xức dầu và không chạm đến da thịt của người ta. Để có những lời sự sống, cần thiết phải uốn nắn sự hiểu biết theo Thánh Thần trong cầu nguyện và tiếp đến cần phải sống trong những hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội và thế giới ». Đức Thánh Cha mong cho các linh mục « cháy lửa khát khao mang Thiên Chúa đến các nẻo đường của thế giới », nhất là ở những nơi nghèo khổ nhất và bị quên lãng nhất.

Cảnh giác não trạng tìm kiếm thành công xã hội

Một chỉ dẫn có tính ngôn sứ khác của Đức Giáo hoàng Ratti : trong bài giảng đầu tiên vào ngày 4/6/1922 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin, Đức Piô XI mời gọi mỗi người tự hỏi họ phải dâng cho Chúa điều gì. « Một câu hỏi ý nghĩa » nhằm cảnh giác các linh mục trước não trạng tìm kiếm thành công xã hội. Câu hỏi này « không xoay quanh các con, quanh ước muốn của các con về cái ghế này, giáo xứ này, vị trí này trong giáo triều ; không, đó là một câu hỏi yêu cầu các con mở rộng tâm hồn cho sự sẵn sàng ứng trực và phục vụ ».

Đức Phanxicô thường lấy làm tiếc rằng, đặc biệt ở Ý, diễn từ của Giáo hội bị giảm thiểu thành một « lối biện chứng nội tại vô ích giữa những người đổi mới và những người bảo thủ, giữa những người thích một chính trị gia hơn và những người thích một người khác hơn », như thế, chúng ta quên điểm trọng tâm : « trở nên Giáo hội để sống và loan báo Tin Mừng ». Đức Thánh Cha yêu cầu họ đừng bận tâm đến sân riêng lợi ích nhỏ bé của mình vì « có cả một thế giới đang khao khát Chúa Kitô ». Ngài kêu gọi họ nuôi dưỡng « một tâm hồn rộng mở, kiên quyết, truyền giáo ».

Tiếng nói của những người không có tiếng nói

Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên tính hiện đại của diễn từ của Đức Piô XI mà, trong thông điệp xã hội Tứ Thập Niên (Quadragesimo anno) của ngài, đã tố giác quyền lực chuyên chế của những người tập trung tất cả của cải trong tay mình. Trong một bối cảnh luôn được đánh dấu bởi những bất bình đẳng, ngày càng gia tăng do đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu họ trở nên « những người xây dựng sự hiệp thông, những người dẹp bỏ bất bình đẳng, những mục tử chăm chú đến những dấu hiệu đau khổ của dân chúng ». Ngài mong muốn rằng những kiến thức có được sẽ cho phép họ cho thấy mình « có năng lực và  can đảm để nêu lên những lời có tính ngôn sứ nhân danh những người không có tiếng nói ».

Để hoàn thành « những nhiệm vụ to lớn » đang chờ đợi họ, Đức Thánh Cha mời gọi họ cầu xin Thiên Chúa mơ về vẻ đẹp của Giáo hội : mơ về Giáo hội Ý mai ngày, trung thành hơn với tinh thần của Tin Mừng, tự do, huynh đệ và vui tươi hơn trong chứng tá cho Chúa Giêsu. « Một Giáo hội vun trồng sự hiệp thông mạnh mẽ hơn mọi sự phân biệt và say mê hơn nữa đối với người nghèo ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30