ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI CÁC PHÓ TẾ PHỤC VỤ MÀ KHÔNG NGHĨ ĐẾN LỊCH TRÌNH CÁ NHÂN CỦA HỌ

Written by xbvn on Tháng Hai 24th, 2024. Posted in Linh mục, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Cộng sự viên trung thành” “phục vụ đoàn chiên Chúa” “theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”: đây là ba khía cạnh được Đức Phanxicô nhấn mạnh trong bài phát biểu được trao cho các Phó tế của giáo phận Rôma mà ngài lẽ ra sẽ gặp vào sáng thứ Bảy 24/2/2023. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh: “Với chức linh mục, chức phó tế không biến mất : trái lại, nó là nền tảng mà chức linh mục dựa vào“. Do bị cảm, Đức Thánh Cha đã hủy buổi tiếp kiến ​​này.

Nếu các phó tế của giáo phận Rôma sắp được thụ phong linh mục không thể được gặp Đức Thánh Cha vào ngày 24 tháng Hai và lắng nghe ngài trực tiếp, vì ngài bị bệnh cúm nhẹ, thì họ sẽ có thể suy niệm những lời ngài đã chuẩn bị để nói với họ.

Dưới đây là bản văn được trao cho các phó tế suy niệm:

Anh em thân mến,

Cảm ơn anh em đã ở đây. Tôi xin chào Đức cha Di Tolve, và cha chào mừng từng người trong các con, vui mừng được gặp các con trong thời điểm trước khi các con được thụ phong linh mục.

Cha tưởng tượng rằng, nghĩ đến ngày đó, các con đã “nghiên cứu” nghi thức phong chức rồi! Vâng, câu hỏi đầu tiên mà các con sẽ được hỏi về những cam kết mà các con sẽ tuyên hứa là: “ Các con có muốn không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc linh mục, như là cộng sự viên tốt của hàng giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?” Bằng những lời này, cha dường như thấy được ba yếu tố thiết yếu trong thừa tác vụ: trước hết là những cộng sự viên trung thành, sau đó là phục vụ dân Thiên Chúa và cuối cùng là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cha sẽ dựng lại một cách ngắn gọn trên ba điểm này.

Những cộng sự viên trung thành

Những cộng sự viên trung thành. Người ta có thể có ý tưởng rằng, một khi đã trở thành linh mục, về cơ bản là đã đến lúc tùy nghi hành động, đích thân thực hiện những gì mình mong muốn từ nhiều năm, cuối cùng xây dựng những hoàn cảnh theo phong cách và ý tưởng riêng của mình…. Tuy nhiên, Mẹ Thánh Giáo hội trước hết không yêu cầu các con làm người lãnh đạo, mà là những cộng sự viên, nghĩa là theo nghĩa của từ, những người “làm việc với”. Chữ “với” này rất cần thiết, bởi vì Giáo hội, như Công đồng nhắc nhở, trước hết là một mầu nhiệm hiệp thông. Và linh mục là chứng nhân cho sự hiệp thông này, vốn bao hàm tình huynh đệ, lòng trung thành và sự ngoan ngoãn. Nói tóm lại, những đội viên hợp xướng, chứ không phải nghệ sĩ độc tấu; anh em trong hàng linh mục và là những linh mục cho tất cả mọi người, không phải cho nhóm riêng của họ; các thừa tác viên luôn được thường huấn, không bao giờ nghĩ đến việc tự trị và tự đủ. Ngày nay, điều quan trọng là các con phải tiếp tục việc đào tạo của mình, không phải một mình, mà luôn tiếp xúc với những người mà, được mời gọi đồng hành với các con, đã tiến xa hơn trong thừa tác vụ; và làm điều đó với tấm lòng rộng mở, để không nhượng bộ trước cám dỗ xoay xở cuộc sống một mình, từ đó dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những cám dỗ đa dạng nhất.

Phục vụ đoàn chiên Chúa một cách không trừu tượng

Khía cạnh thứ hai: để phục vụ dân Thiên Chúa. Cha muốn gặp các con bây giờ, khi các con còn là phó tế, bởi vì người ta không thể trở thành mục tử nếu trước tiên không phải là phó tế. Với chức linh mục, chức phó tế không biến mất : trái lại, nó là nền tảng mà chức linh mục dựa vào. Các con sẽ là những linh mục để phục vụ, giống như Chúa Giêsu, Đấng “đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống” (x. Mc 10,45). Do đó, cha có thể nói rằng có một nền tảng nội tại của chức linh mục cần được bảo tồn, mà chúng ta có thể gọi là “lương tâm phó tế”: cũng như lương tâm làm nền tảng cho các quyết định, thì tinh thần phục vụ cũng làm nền tảng cho việc trở thành linh mục. Vì vậy, mỗi buổi sáng thật tốt khi cầu nguyện xin biết cách phục vụ: “Lạy Chúa, hôm nay xin giúp con phục vụ”; và mỗi buổi tối, tạ ơn và xét mình, thưa lên: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con khi con nghĩ đến mình hơn là phục vụ người khác”. Nhưng, các bạn thân mến, phục vụ là một động vốn khước từ mọi sự trừu tượng: phục vụ có nghĩa là sẵn sàng, từ bỏ lối sống theo lịch trình riêng của mình, sẵn sàng đón nhận những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa thể hiện qua con người, những điều bất ngờ, những thay đổi trong kế hoạch, những tình huống không phù hợp với sơ đồ của chúng ta và tính “đúng đắn” của những gì người ta đã nghiên cứu. Đời sống mục vụ không phải là một cuốn giáo khoa, mà là một lễ vật hằng ngày; nó không phải là một công việc bàn giấy, nhưng đúng hơn là một “cuộc phiêu lưu Thánh Thể”. Đó là lặp lại trong đời sống của mình, ở ngôi thứ nhất: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Đó là một thái độ liên lỉ, được hình thành từ sự chấp nhận, lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, một phong cách nói bằng việc làm hơn là bằng lời nói, thể hiện ngôn ngữ gần gũi. Đó không phải là việc quan tâm đến mọi người vì những động cơ thầm kín, thậm chí là những động cơ tốt nhất, nhưng là nhận ra nơi họ những món quà độc đáo và tuyệt vời mà Chúa đã ban để phục vụ họ, với niềm vui và sự khiêm nhường. Đó là niềm vui được đồng hành với những bước chân của họ, nắm tay họ với lòng kiên nhẫn và sự phân định. Và chính trong ánh sáng này mà, với ân sủng của Thiên Chúa, người ta vượt qua nguy cơ nuôi dưỡng trong mình sự cay đắng và bất mãn với những điều không diễn ra như chúng ta mong muốn, khi người ta không đáp ứng được những mong đợi của chúng ta và không tuân theo những khát vọng của chúng ta.

Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

Và bây giờ chúng ta đi đến khía cạnh cuối cùng: dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Điều quan trọng là phải dành quyền ưu tiên cho Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con. Nếu điều này xảy ra, thì cuộc sống của các con, cũng như đối với các Tông đồ, sẽ hướng về Chúa và nhờ Chúa, và các con sẽ thực sự là “những người của Thiên Chúa”. Ngược lại, khi trông cậy vào sức mạnh của chính mình, người ta có nguy cơ thấy mình trắng tay. Sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: điều này có nghĩa là chuyển từ việc xức dầu của việc phong chức sang “việc xức dầu hàng ngày”. Và Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta sự xức dầu của Chúa Thánh Thần khi chúng ta ở trước sự hiện diện của Người, khi chúng ta tôn thờ Người, khi chúng ta thân mật với Lời Người. Ở với Người, ở lại với Người (x. Ga 15), do đó cũng cho phép chúng ta cầu bầu trước mặt Người cho Dân Thánh của Thiên Chúa, cho nhân loại, cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Bằng cách này, một trái tim tìm được niềm vui từ Chúa và làm cho các mối quan hệ được sinh hoa trái trong lời cầu nguyện, sẽ không đánh mất vẻ đẹp vượt thời gian của đời sống linh mục.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican NewsVatican.va)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31