ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG

Written by xbvn on Tháng Chín 10th, 2024. Posted in Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tu sĩ, Tý Linh

Trong cuộc gặp gỡ sáng thứ Ba ngày 10/9/2024, tại nhà thờ chính tòa Dili, với các giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo lý viên Đông Timor, Đức Phanxicô đã khuyến khích họ hãy trở thành hương thơm của Chúa Giêsu. Ngài cũng cảnh báo họ chống lại  cám dỗ kiêu ngạo và tiền bạc, mời gọi họ chăm lo cho dân chúng.

Chính “nơi tận cùng của thế giới” mà “trung tâm của Tin Mừng” được tìm thấy: chính qua “nghịch lý” này mà Đức Thánh Cha Phanxicô, khi lấy lại những lời của chủ tịch hội đồng giám mục Đông Timor, Đức cha Amaral, đã nhấn mạnh Đông Timor thân yêu đối với trái tim ngài như thế nào. “Trong trái tim của Chúa Kitô – chúng ta biết – các vùng ngoại vi là trung tâm”. Nhưng chính từ một tình tiết được kể lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, về chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu nơi nhà các bạn của Ngài là Ladarô, Maria và Marta, mà Đức Thánh Cha đã dệt nên bài phát biểu của mình với ba vị giám mục của đất nước, với các linh mục, các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ và các giáo lý viên. Cô Maria xức dầu thơm chân Chúa Giêsu. Và chính hương thơm này, hương thơm của chính Chúa Kitô, mà chúng ta được mời gọi gìn giữ và lan tỏa.

 “Anh chị em là hương thơm của Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha thốt lên và đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng ta đã được xức bằng dầu hân hoan”, điều này khiến Thánh Phaolô nói rằng “chúng tôi là hương thơm của Đúc Kitô dâng kính Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giống như một cây bạch đàn, luôn xanh tươi, khỏe mạnh, lớn lên và sinh hoa trái, anh chị em cũng là những môn đệ truyền giáo được Chúa Thánh Thần xức dầu để thấm nhập vào đời sống dân tộc anh chị em”.

Chống lại sự tầm thường và tính trần tục

Đức Phanxicô nói : hương thơm này phải được giữ gìn “cẩn thận”, để nó không bị phai và mất mùi. Nói cách khác, chúng ta phải nhớ rằng “hương thơm không dành cho chúng ta, nhưng để xức chân Chúa Kitô, bằng cách rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo”, và không quên cảnh giác “vì sự tầm thường và nguội lạnh về mặt thiêng liêng luôn rình rập”. Tiếp đến, Đức Phanxicô trích dẫn Đức Hồng Y De Lubac, người đã nói rằng “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với những người nam và nữ trong Giáo hội là rơi vào tính trần tục, tính trần tục thiêng liêng”. Cảnh báo thứ nhất của Đức Phanxicô.

Hội nhập văn hóa đức tin và thanh tẩy văn hóa

Mời gọi chúng ta “biết ơn” nhìn vào lịch sử đã đi trước chúng ta, Đức Thánh Cha khuyến khích “thắp lên ngọn lửa đức tin”, bằng cách trưởng thành trong việc đào tạo thiêng liêng, giáo lý và thần học, để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa, và để “ thanh lọc nó khỏi những hình thức cổ hủ và đôi khi mê tín”. “Việc rao giảng đức tin phải được hội nhập vào nền văn hóa của anh chị em và nền văn hóa của anh chị em phải được Phúc âm hóa. Điều này có giá trị cho tất cả mọi người, không chỉ của anh chị em. Nếu một Giáo hội không có khả năng hội nhập văn hóa đức tin, không thể diễn tả đức tin vào các giá trị đặc thù của mảnh đất này, thì đó sẽ là một Giáo hội duy luân lý và không có hoa trái”. Cảnh báo thứ hai của Đức Phanxicô.

Đổi mới nhiệt huyết truyền giáo

Người giữ gìn hương thơm này, bây giờ cần phải lan truyền nó. Ở điểm thứ hai này, lần này Đức Thánh Cha trích dẫn Tin Mừng Máccô nói rõ rằng cô Maria đã đập vỡ lọ dầu khi muốn xức chân Chúa Giêsu. Chúng ta cũng phải tìm thấy can đảm để “phá vỡ” chiếc bình, “phá vỡ cái vỏ thường nhốt chúng ta vào chính mình và thoát ra khỏi thói sùng đạo lười biếng, tiện nghi, chỉ sống vì nhu cầu bản thân”.

Điều này cũng có giá trị cho Giáo hội Đông Timor vốn cần “một nhiệt huyết mới trong việc loan báo Tin Mừng”, để hương thơm của Tin Mừng là hương thơm của “sự hòa giải và hòa bình sau những năm đau khổ của chiến tranh”, hay hương thơm của “ lòng trắc ẩn vốn sẽ giúp người nghèo đứng vững trở lại và sẽ khơi dậy sự dấn thân nâng cao mức kinh tế và trình độ xã hội của đất nước”, một hương thơm của “công lý chống tham nhũng” vốn có thể xâm nhập vào “trong các cộng đồng của chúng ta, trong các giáo xứ của chúng ta”. Lời cảnh báo thứ ba của Đức Phanxicô, ngài tiếp tục mô tả hương thơm của Tin Mừng, hương thơm “phải được lan tỏa chống lại tất cả những gì làm nhục, làm biến dạng và thậm chí hủy hoại sự sống con người, chống lại những tai họa tạo ra sự trống rỗng nội tâm và nỗi đau khổ, như chứng nghiện rượu, bạo lực và thiếu tôn trọng phụ nữ”. Vì thế, Đức Thánh Cha trực tiếp chất vấn các nữ tu hiện diện, những người phải đưa ra thông điệp rằng “phụ nữ là điều quan trọng nhất trong Giáo hội vì họ chăm sóc những người cần điều đó nhất”. Ngài khuyến khích họ: “Hãy là những người mẹ của dân Chúa”.

Thừa tác vụ là sự phục vụ

Đức Thánh Cha cũng nói với các linh mục. “Anh em đến từ dân, anh em được sinh ra bởi những người mẹ xuất thân từ dân, anh em lớn lên giữa dân, anh em đừng quên văn hóa của dân mà anh em đã lãnh nhận. Anh em không phải là bề trên. Điều đó không được khiến anh em cảm thấy mình là bề trên của mọi người, khiến anh em rơi vào sự cám dỗ kiêu ngạo và quyền lực ”. Lời cảnh báo thứ tư của Đức Thánh Cha, trong đó nêu rõ rằng sự cám dỗ đến từ tiền bạc.

Ngài nhấn mạnh: “Thừa tác vụ là sự phục vụ”: “Tôi biết được rằng mọi người xưng hô với anh em một cách hết sức trìu mến bằng cách gọi anh em là “Amu”, đây là danh hiệu quan trọng nhất ở đây và có nghĩa là “ngài”. Nhưng anh em không siêu vượt hơn người (…). Anh em không được coi thừa tác vụ của mình là uy thế nhưng là phục vụ.” “Và nếu một số trong anh em không cảm thấy mình là người phục vụ dân chúng, hãy đi xin lời khuyên từ một linh mục khôn ngoan để ngài ấy giúp anh em có được chiều kích rất quan trọng này.” Đức Thánh Cha nhắc nhở : “linh mục không bao giờ được lợi dụng vai trò của mình, ngài phải luôn chúc lành, an ủi, trở thành một thừa tác viên của lòng trắc ẩn và là dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Tý Linh

(theo Xavier Sartre – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31