ĐỨC PHANXICÔ : KHI KẾT HIỆP MẬT THIẾT VỚI CHÚA GIÊSU, CHÚNG TA ĐƯỢC CHỮA LÀNH TRONG CÁC MỐI LIÊN HỆ TÌNH CẢM
« Khi kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta được chữa lành trong các mối liên hệ tình cảm », Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các Kitô hữu như thế khi suy niệm về đoạn Tin Mừng Mc 5,21-43, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 27/6/2021, qua đó ngài cho thấy người phụ nữ bị băng huyết là mẫu gương cho chúng ta.
Quả thế, sau khi cảnh giác về nguy cơ « bao nhiêu lần chúng ta ném mình trong những phương thuốc sai lầm để thỏa mãn sự thiếu thốn tình yêu của chúng ta ? Chúng ta nghĩ rằng đó là thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc,[…] Chúng ta ẩn náu nơi cái ảo,[…] Chúng ta không chấp nhận bản thân như chúng ta là và chúng ta giấu mình đằng sau lớp trang điểm của vẻ bề ngoài », Đức Thánh Cha đã mời gọi theo gương người phụ nữ bị băng huyết trong Tin Mừng « đã chọn Chúa Giêsu và bà ẩn mình vào đám đông để chạm đến áo của Ngài » và đã được chữa lành.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở : « Căn bệnh lớn nhất trong cuộc sống, đó là thiếu tình yêu, đó là không thể yêu thương », vì chúng ta « thích nhìn vào những điều xấu xa của người khác » để xét đoán, để « lột da » người khác. Từ đó, ngài kêu gọi « không được xét đoán người khác », vì « chỉ duy tình yêu mới chữa lành cuộc sống».
Dưới đây là toàn văn bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, trong Tin Mừng (x. Mc 5, 21-43), Chúa Giêsu gặp hai hoàn cảnh bi thảm nhất, cái chết và bệnh tật. Ngài giải thoát hai người : một bé gái qua đời ngay khi cha của em đi xin Chúa Giêsu giúp đỡ ; và một phụ nữ bị bệnh băng huyết từ nhiều năm. Chúa Giêsu để cho nỗi đau đớn và cái chết của chúng ta chạm đến Ngài, và Ngài đã thực hiện hai dấu lạ chữa lành để nói với chúng ta rằng nỗi đau đớn và cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đã chiến thắng kẻ thù này, mà chúng ta không thể thoát khỏi đó một mình.
Nhưng, trong thời gian mà bệnh tật vẫn còn là trung tâm thời sự, chúng ta hãy tập trung vào dấu lạ khác, việc chữa lành cho người phụ nữ. Còn hơn cả sức khỏe của bà, chính những mối liên hệ tình cảm đã bị tổn thương. Tại sao ? Bà bị bênh băng huyết và do đó, theo não trạng thời đó, bà bị coi là ô uế. Đó là một phụ nữ bị gạt ra bên lề xã hội, bà không thể có các mối tương quan ổn định, bà không thể có chồng, bà không thể có gia đình và bà không thể có các mối tương quan xã hội bình thường vì bà bị « ô uế », căn bệnh này làm cho bà nên « ô uế ». Bà sống cô đơn, tâm hồn bị tổn thương. Đâu là căn bệnh lớn nhất trong cuộc sống ? Ung thư ? Lao phổi ? Đại dịch ? Không phải. Căn bệnh lớn nhất trong cuộc sống, đó là thiếu tình yêu, đó là không thể yêu thương. Chắc chắn, người phụ nữ tội nghiệp này mắc bệnh băng huyết, nhưng, hệ quả, bà mắc bệnh thiếu tình yêu, bởi vì bà không thể sống với người khác về mặt xã hội. Và việc chữa lành quan trọng nhất, đó là sự chữa lành các mối liên hệ tình cảm. Nhưng làm sao tìm thấy nó ? Chúng ta có thể nghĩ đến những người thân yêu của chúng ta : họ là đau ốm hay họ khỏe mạnh ? Họ đau ốm ? Chúa Giêsu có thể chữa lành họ.
Câu chuyện của người phụ nữa vô danh này – chúng ta hãy gọi bà như thế, « người phụ nữ vô danh » – trong đó tất cả chúng ta đều có thể thấy chính chúng ta, là mẫu gương. Bản văn nói rằng bà đã chạy thầy chạy thuốc nhiều đến độ « tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng nữa là khác » (c.26). Chúng ta cũng thế, bao nhiêu lần chúng ta ném mình trong những phương thuốc sai lầm để thỏa mãn sự thiếu thốn tình yêu của chúng ta ? Chúng ta nghĩ rằng đó là thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không mua được, nó là nhưng không. Chúng ta ẩn náu nơi cái ảo, nhưng tình yêu thì cụ thể. Chúng ta không chấp nhận bản thân như chúng ta là và chúng ta giấu mình đằng sau lớp trang điểm của vẻ bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là một dáng vẻ bề ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp nơi các pháp sư, nơi các lang băm, để tiếp đến thấy mình hết tiền hết bạc và mất bình an, như người phụ nữ này. Cuối cùng, bà đã chọn Chúa Giêsu và bà ẩn mình vào đám đông để chạm đến áo của Ngài, áo của Chúa Giêsu. Nghĩa là người phụ nữ này tìm kiếm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc thể lý với Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời đại chúng ta, chúng ta đã hiểu được việc tiếp xúc quan trọng thế nào, các mối tương quan. Cũng thế với Chúa Giêsu : đôi khi chúng ta bằng lòng tuân giữ một số giới luật và lặp đi lặp lại các kinh nguyện – rất thường như những con vẹt – nhưng Chúa mong đợi chúng ta gặp Ngài, chúng ta mở tâm hồn cho Ngài, như người phụ nữ này, chúng ta chạm đến áo của Ngài để được chữa lành. Vì khi kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta được chữa lành trong các mối liên hệ tình cảm.
Đó là những gì Chúa Giêsu muốn. Quả thế, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông thúc đẩy, Ngài vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm đến Ngài. Các môn đệ đã nói : « Thầy coi, đám đông chen lấn như thế… ». Không : « Ai đã chạm đến tôi ? ». Đó là cái nhìn của Chúa Giêsu : có nhiều người, nhưng Ngài đi tìm một khuôn mặt và một tâm hồn đầy đức tin. Chúa Giêsu không nhìn tổng thể, như chúng ta, nhưng Ngài nhìn con người. Ngài không dừng lại trước các vết thương và sai lầm của quá khứ, nhưng Ngài vượt quá tội lỗi và thành kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong bí mật, biết rõ những điều xấu xa của lịch sử của mình. Nhưng Chúa Giêsu nhìn chúng để chữa lành chúng. Trái lại, chúng ta thích nhìn vào những điều xấu xa của người khác. Bao nhiêu lần, khi chúng ta nói, chúng ta rơi vào thói ngồi lê đôi mách, là thói nói xấu người khác, « lột da » người khác. Nhưng hãy xem : đâu là chân trời của cuộc sống này ? Không phải chân trời của Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn vào cách thức cứu độ chúng ta, Ngài nhìn vào hôm nay, vào thiện chí chứ không phải lịch sử xấu xa này của chúng ta. Chúa Giêsu vượt quá tội lỗi. Ngài vượt quá các thành kiến. Ngài không dừng lại ở vẻ bền ngoài, Ngài đi vào tâm hồn. Và Ngài chữa lành chính người phụ nữ đã bị mọi người vứt bỏ, một người ô uế. Cách dịu dàng, Ngài gọi bà là « con » (c.34) – phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng : « Con… » – và Ngài ca ngợi đức tin của bà, khôi phục lòng tin tưởng cho bà.
Anh chị em đang ở đây, hãy để Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành tâm hồn anh chị em. Tôi cũng thế, tôi phải làm điều đó : để Chúa Giêsu nhìn vào tâm hồn tôi và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy cái nhìn dịu dàng của Ngài nơi anh chị em, thì hãy bắt chước Ngài, và hành động như Ngài. Hãy nhìn xung quanh mình : anh chị em sẽ thấy rằng có nhiều người đang sống bên cạnh anh chị em đang cảm thấy bị tổn thương và cô đơn, họ cần cảm thấy mình được yêu thương : hãy gắng vượt qua. Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em có một cái nhìn không dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng nhìn vào tâm hồn ; một cái nhìn không xét đoán – chúng ta hãy ngừng xét đoán người khác – Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta có một cái nhìn không xét đoán, nhưng là đón tiếp. Hãy mở tâm hồn chúng ta ra để đón nhận người khác. Bởi vì chỉ tình yêu mới chữa lành cuộc sống, chỉ tình yêu mới chữa lành cuộc sống. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng An Ủi kẻ âu lo, giúp chúng ta mang lại một sự âu yếm cho những người bị tổn thương trong tâm hồn mà chúng ta gặp gỡ trên hành trình của chúng ta. Và không được xét đoán, không được xét đoán thực tại cá nhân, xã hội của người khác. Thiên Chúa yêu thương mọi người ! Không được xét đoán, hãy để người khác sống và hãy cố gắng xích lại gần họ bằng tình yêu.
Tý Linh
(theo vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN