ĐỨC PHANXICÔ : KHÔI PHỤC THIÊN NHIÊN, ĐÓ LÀ KHÔI PHỤC CHÍNH CHÚNG TA
« Khôi phục thiên nhiên mà chúng ta đã làm hư hại trước hết có nghĩa là khôi phục chính chúng ta », Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong một sứ điệp gởi cho các cấp Liên Hiệp Quốc nhân dịp khởi động « Thập niên Liên Hiệp Quốc khôi phục hệ sinh thái » để ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên thế giới.
Nhân ngày Ngày thế giới môi trường (4/6/2021), ngày trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một sứ điệp video, do ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đọc, gởi cho Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương Trình Liên Hiệp Quốc vì Môi Trường (UNEP) và Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông.
Đức Thánh Cha kêu gọi : « Chúng ta phải quan tâm lẫn nhau, và quan tâm những người yếu thế nhất trong chúng ta. »
Ngài cũng tố giác « những hậu quả bất công » của « sự rối loạn chức năng » của các hệ thống kinh tế hiện nay, và đồng thời mời gọi « suy nghĩ lại nền kinh tế của chúng ta ».
Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Kính thưa Quý vị,
Ngày mai chúng ta sẽ cử hành Ngày thế giới môi trường. Việc kỷ niệm hằng năm này khích lệ chúng ta nhớ rằng mọi sự đều liên kết. « Cần phải […] có mối bận tâm đến môi trường, kết hợp với một tình yêu chân thành đối với con người và sự dấn thân liên lỉ đối với các vấn đề xã hội » (1). Tuy nhiên, việc cử hành ngày mai sẽ có một ý nghĩa đặc biệt, vì nó sẽ diễn ra vào năm khởi động Thập Niên Liên Hiệp Quốc khôi phục các hệ sinh thái. Thập niên này mời gọi chúng ta thực hiện cam kết mười năm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta bằng cách nâng đỡ và tăng cường « các nỗ lực nhằm tránh, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên thế giới và giúp cho nhạy cảm về tầm quan trọng của việc khôi phục thành công các hệ sinh thái » (2).
Trong Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy : « Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh » (3).
Tất cả chúng ta đều là một phần của hồng ân tạo dựng này. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, chúng ta không tách rời khỏi đó. Đó là những gì Thánh Kinh nói với chúng ta.
Hoàn cảnh môi trường hiện nay kêu gọi chúng ta hành động cấp bách ngay bây giờ để trở nên những người quản lý ngày càng có trách nhiệm hơn về công trình tạo dựng và khôi phục thiên nhiên mà chúng ta đã làm hư hại và khai thác quá lâu. Nếu không, chúng ta có nguy cơ phá hủy chính cơ sở mà chúng ta phụ thuộc. Chúng ta có nguy cơ lũ lụt và đói khát với những hậu quả nghiêm trọng cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai. Đó là những gì nhiều nhà khoa học nói với chúng ta.
Chúng ta phải quan tâm lẫn nhau, và quan tâm những người yếu thế nhất trong chúng ta. Tiếp tục trên con đường khai thác và phá hủy con người và thiên nhiên này là bất công và thiếu khôn ngoan. Đó là những gì một lương tâm có trách nhiệm nói với chúng ta.
Chúng ta có trách nhiệm để lại một ngôi nhà chung có thể ở được cho con cháu chúng ta và các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn xung quanh chúng ta, chúng ta thấy gì ? Chúng ta thấy những cuộc khủng hoảng tiếp nối khủng hoảng. Chúng ta thấy sự phá hủy thiên nhiên, cũng như một đại dịch toàn cầu dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Chúng ta thấy những hậu quả bất công của một số khía cạnh của các hệ thống kinh tế hiện nay của chúng ta và nhiều cuộc khủng hoảng khí hậu thảm họa vốn có những hệ quả nghiêm trọng trên xã hội loài người và ngay cả một sự tuyệt chủng lớn của các loài.
Thế nhưng, vẫn có hy vọng. « Sự tự do của con người có khả năng hạn chế kỹ thuật, định hướng nó, cũng như đặt nó phục vụ một kiểu tiến bộ khác, lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn, toàn diện hơn » (4).
Chúng ta đang chứng kiến một sự dấn thân mới mẻ của nhiều Nhà nước và các tác nhân phi chính phủ : các chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, xã hội nhân sự, giới trẻ … những nỗ lực nhằm thăng tiến những gì chúng ta có thể gọi là « nền sinh thái toàn diện », vốn là một khái niệm phức tạp và đa chiều : điều đó đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn ; điều đó nhấn mạnh đặc tính bất khả phân ly của « việc quan tâm đến thiên nhiên, công lý đối với người nghèo, sự dấn thân đối với xã hội và bình an nội tâm » (5) ; điều đó nhằm khôi phục « các mức độ cân bằng sinh thái khác nhau, thiết lập sự hài hòa trong chúng ta, với người khác, với thiên nhiên và các sinh vật khác và với Thiên Chúa » (6). Điều đó làm cho tất cả chúng ta ý thức về trách nhiệm làm người đối với chính chúng ta, với tha nhân của chúng ta, với công trình tạo dựng và với Đấng Tạo Hóa.
Tuy nhiên, chúng ta được cảnh báo rằng chúng ta chỉ còn ít thời gian – các nhà khoa học nói về mười năm tới, khoảng thời gian Thập Niên Liên Hiệp Quốc này – để khôi phục hệ sinh thái, điều đó có nghĩa là khôi phục toàn diện mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên.
Nhiều « cảnh báo » mà chúng ta kinh nghiệm, trong đó có Covid-19 và sự nóng lên toàn cầu, thúc đẩy chúng ta hành động cấp bách. Tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu, diễn ra ở Glasgow vào tháng Mười Một tới, sẽ giúp mang lại cho chúng ta những câu trả lời tốt lành để khôi phục các hệ sinh thái xuyên qua cả việc tăng cường hành động về khí hậu và một ý thức gia tăng.
Chúng ta cũng được thúc giục suy nghĩ lại nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần một « suy tư mới mẻ và sâu xa về ý nghĩa của kinh tế và các mục đích của nó, cũng như xem xét lại cách sâu xa và sáng suốt mô hình phát triển để sửa chữa các rối loạn chức năng và những bất cân bằng của nó » (7). Sự suy thoái của các hệ sinh thái là một kết quả rõ ràng của sự rối loạn chức năng kinh tế.
Khôi phục thiên nhiên mà chúng ta đã làm hư hại trước hết có nghĩa là khôi phục chính chúng ta. Khi chào mừng Thập Niên Liên Hiệp Quốc khôi phục hệ sinh thái này, chúng ta hãy tràn đầy lòng trắc ẩn, hãy sáng tạo và can đảm. Ước gì chúng ta nắm lấy cơ hội của chúng ta như là « Thế hệ khôi phục ».
——————-
(1) Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), 91.
(2) Nghị quyết UNGA 73/284 được thông qua ngày 1/3/2019 : Thập Niên Liên Hiệp Quốc khôi phục hệ sinh thái (20212030), op. 1.
(3) Thánh vịnh 19, 1-3.
(4) Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), 112.
(5) Ibid., 10.
(6) Ibid., 210.
(7) Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), 32.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT)
ONU : restaurer la nature, c’est « nous restaurer nous-mêmes », écrit le pape
Tags: Môi-trường, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO