ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN KHÍCH GIÁO HỘI INDONESIA SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ LÒNG TRẮC ẨN

Written by xbvn on Tháng Chín 4th, 2024. Posted in Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Trong ngày thứ hai của chuyến tông du tới Indonesia vào thứ Tư, ngày 4/9/2024, Đức Phanxicô đã gặp gỡ hàng giáo sĩ Indonesia và những người đã dâng hiến đời mình cho việc loan báo Tin Mừng. Dựa vào ba từ trong khẩu hiệu chuyến tông du của mình, “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng “luôn luôn với lòng tôn trọng lớn lao và tình cảm huynh đệ đối với mỗi người”.

Vào lúc 16g30 thứ Tư, ngày 4 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Jakarta, thủ đô của Indonesia. Trước tiên, Đức Thánh Cha chào hỏi nhiều người Indonesia tại lối vào nhà thờ chính tòa, trước khi đi vào nhà thờ nơi có khoảng 400 người đang chờ đợi ngài.

Sau chứng từ của một linh mục, một nữ tu và hai giáo lý viên mà ngài nồng nhiệt cảm ơn như là những người đã đưa Giáo hội tiến về phía trước, trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn quay trở lại với ba từ trong khẩu hiệu của chuyến tông du đến Indonesia này: “Đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”. Đối với ngài, những từ này diễn tả rõ ràng con đường của Giáo hội Indonesia trong lòng một dân tộc “rất đa dạng về sắc tộc và văn hóa, nhưng đồng thời được đặc trưng bởi sự bẩm sinh hướng tới sự hiệp nhất và chung sống hòa bình”.

Công trình tạo dựng của Thiên Chúa giúp tin tưởng

Bắt đầu bằng đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên kết với sự giàu có về thiên nhiên của Indonesia như tài nguyên năng lượng hay sự đa dạng của hệ động thực vật. Như ngài quả quyết, “chính Chúa ban cho tất cả những điều này”, và sự giàu có này không phải là “động cơ để kiêu ngạo và tự phụ” nhưng là “một lời nhắc nhở về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Ngài trong vũ trụ và trong cuộc sống của chúng ta”. Ngài nói tiếp : nhìn vào Công trình Tạo dựng của Thiên Chúa bằng con mắt của trẻ thơ giúp chúng ta tin tưởng.

Không một tấc lãnh thổ tuyệt vời nào của Indonesia, không một khoảnh khắc nào trong cuộc đời của mỗi triệu cư dân ở đây mà không phải là ân huệ của Ngài, một dấu hiệu về tình yêu nhưng không và ân cần của Chúa Cha.”

“Khác nhau như hai giọt nước”

Từ thứ hai của khẩu hiệu: tình huynh đệ. Trích dẫn Wislawa Szymborska, nhà thơ Ba Lan thế kỷ XX và là người đoạt giải Nobel văn học năm 1996, Đức Thánh Cha Phanxicô đảm bảo rằng “là anh em có nghĩa là yêu thương nhau bằng cách nhìn nhận nhau khác nhau như hai giọt nước””. Bởi vì không có hai giọt nước nào giống nhau, cũng như không có người nào hoàn toàn giống người khác.

Đức Phanxicô nói tiếp: trong bối cảnh Indonesia, tình huynh đệ này mang một ý nghĩa đặc biệt, xuyên qua nhiều thực tại văn hóa, sắc tộc, xã hội hoặc tôn giáo. Ngài nhấn mạnh : “Điều này rất quan trọng, vì loan báo Tin Mừng không có nghĩa là áp đặt hay đối lập đức tin của mình với đức tin của người khác, nhưng là trao ban và chia sẻ niềm vui được gặp gỡ Chúa Kitô (x. 1 Pr 3, 15-17), luôn luôn với lòng tôn trọng lớn lao và tình cảm huynh đệ đối với mỗi người”. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về “ma quỷ, kẻ chia rẽ vĩ đại”. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu từ một nữ tu về việc dịch các văn bản Thánh Kinh cũng như các giáo huấn của Giáo hội sang các ngôn ngữ Indonesia khác nhau, và chủ yếu là tiếng Bahasa Indonesia, ngôn ngữ chính thức.

Đức Phanxicô cũng lấy lại phát biểu của giáo lý viên Nicholas, người đã mô tả sứ mạng của mình bằng hình ảnh một “cây cầu” hiệp nhất. Đức Thánh Cha ca ngợi, tại quần đảo Indonesia, “hàng ngàn “cây cầu tâm hồn” hiệp nhất tất cả các hòn đảo, và còn hơn thế nữa hàng triệu “cây cầu” này hiệp nhất tất cả những người sống ở đó! Đây là một hình ảnh đẹp khác về tình huynh đệ: một bức thêu bao la của những sợi chỉ tình yêu vượt biển, vượt qua rào cản và đón nhận mọi sự đa dạng, biến tất cả mọi người thành “một lòng một ý” (Cv 4, 32).”

Lòng trắc ẩn để mang lại niềm hy vọng

Cuối cùng, từ thứ ba là lòng trắc ẩn, không hệ tại việc bố thí cho người túng thiếu “nhìn họ từ cao xuống thấp, từ “tháp” an toàn của chính mình”, mà trái lại, đối với Đức Phanxicô, nó hệ tại “đưa chúng ta đến gần nhau hơn, loại bỏ mọi thứ ngăn cản chúng ta hạ mình xuống để thực sự tiếp xúc với những người đang thất vọng, nâng họ lên và mang lại cho họ niềm hy vọng.”

Đức Phanxicô nhắc nhở, việc thiếu lòng trắc ẩn không thể là một nhân đức, bất chấp thái độ của những người ca ngợi sự khéo léo giữ khoảng cách với mọi người của họ. Đối với ngài, “lòng trắc ẩn không che khuất cái nhìn chân thực về cuộc sống; trái lại, nó khiến chúng ta nhìn mọi thứ tốt hơn, dưới ánh sáng của tình yêu” và “lòng trắc ẩn có nghĩa là đau khổ, đồng hành với những người đau khổ trong cảm xúc của họ và ôm lấy họ, đồng hành với họ”.

Đức Maria, mẫu gương đức tin

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu của mình bằng hình ảnh Đức Maria, hiện diện trên cổng vào của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời: một mẫu gương đức tin “nâng đỡ Giáo hội bằng tiếng ‘xin vâng’ nhỏ bé của mình”, hình ảnh của tình huynh đệ chào đón những người bước vào thánh đường và cuối cùng là biểu tượng của lòng trắc ẩn “trong sự canh phòng và bảo vệ dân Thiên Chúa”.

Khuyến khích các linh mục, tu sĩ và những người thánh hiến tiếp tục sứ mạng của họ, Đức Phanxicô đã trích dẫn lời của vị tiền nhiệm là Thánh Gioan Phaolô II đến thăm Jakarta năm 1989, người đã mời gọi hàng giáo sĩ Indonesia làm chứng “cho niềm vui phục sinh […] để ngay cả những hòn đảo xa xôi nhất cũng có thể “hoan hỉ” khi nghe Tin Mừng.”

Tý Linh

(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31