ĐỨC PHANXICÔ KHUYÊN TÌM ĐỌC HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Trong một sứ điệp video, hôm 16/10/2021, nói với các tham dự viên của cuộc hội ngộ thế giới lần thứ tư của các phong trào nhân dân, Đức Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ cho các quyền lực trên hành tinh để họ hành động vì một thế giới công bằng, liên đới và huynh đệ hơn.
Cùng nhau ước mơ về một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch, bằng cách cố gắng vượt qua những trở ngại ngăn cản chúng ta đạt tới « đời sống tốt đẹp này, trong sự hài hòa với toàn thể nhân loại và công trình tạo dựng » vốn chỉ khả thi thông qua sự tự do, bình đẳng, công lý và phẩm giá. Thay đổi « một hệ thống chết chóc » bằng cách, nhân danh Thiên Chúa, yêu cầu những người nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế thay đổi hiện trạng và cho phép các ước mơ của chúng ta được thấm nhập bởi « ước mơ của Thiên Chúa cho tất cả chúng ta là những người con của Ngài ».
Và để cụ thể hóa ước mơ cùng nhau này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số nguyên tắc chỉ đạo của Học thuyết xã hội của Giáo hội. Và ngài khuyên đọc cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội để hiểu giáo huấn này, bởi vì “có nhiều người không biết về điều này”.
Dưới đây là trích đoạn trong sứ điệp video của ngài:
- Hãy cùng nhau ước mơ
….
Tôi muốn đưa ra một số nguyên tắc chỉ đạo. Giáo huấn xã hội của Giáo hội không có tất cả các câu trả lời, nhưng nó có một số nguyên tắc mà trong suốt cuộc hành trình này có thể giúp cụ thể hóa các câu trả lời, những nguyên tắc hữu ích cho cả người Kitô hữu cũng như không Kitô hữu. Đôi khi tôi ngạc nhiên khi thấy rằng mỗi lần tôi nói về các nguyên tắc này, một số người tỏ ra ngạc nhiên, và rồi sau đó Đức Thánh Cha được gắn nhãn với một loạt biệt danh, được dùng để giảm thiểu mọi suy tư thành chỉ một tính từ làm mất uy tín. Điều đó không làm cho tôi tức giận, nó làm tôi buồn. Đó là một phần của mưu đồ của kỷ nguyên hậu sự thật (*) vốn tìm cách vô hiệu hóa bất kỳ cuộc tìm kiếm nhân văn nào về một giải pháp thay thế cho sự toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, đó là một phần của nền văn hóa vứt bỏ, và nó là một phần của mô hình kỹ trị.
Các nguyên tắc mà tôi đưa ra đã được thực nghiệm, mang tính nhân bản, Kitô giáo, và được tập hợp trong cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình soạn thảo. (5) Đó là một cuốn cẩm nang nhỏ về Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Và thỉnh thoảng, khi các Giáo hoàng, có thể là chính tôi hay Đức Bênêđíctô XVI, hay Đức Gioan-Phaolô II, nói điều gì đó, thì có những người phân vân: “Ông ấy lấy nó từ đâu?” Đó là giáo huấn truyền thống của Giáo hội. Có nhiều người không biết về điều này. Những nguyên tắc mà tôi trình bày nằm ở trong cuốn Tóm Lược này, do thánh Gioan-Phaolô II ủy thác. Tôi khuyên anh chị em đọc nó, anh chị em và tất cả các nhà lãnh đạo xã hội, công đoàn, tôn giáo, chính trị và doanh nghiệp.
Trong chương bốn của văn kiện này, chúng ta tìm thấy các nguyên tắc như chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, mục đích phổ quát của của cải, tình liên đới, tính bổ trợ, sự tham gia, và công ích. Tất cả những nguyên tắc này là những con đường trong đó Tin Mừng mang hình thức cụ thể trên bình diện xã hội và văn hóa. Và điều làm cho tôi buồn là một số thành viên của Giáo hội cảm thấy khó chịu khi chúng ta đề cập đến những nguyên tắc chỉ đạo này, vốn thuộc về truyền thống chính thức của Giáo hội. Nhưng Giáo hoàng không được ngừng đề cập đến giáo huấn này, ngay cả khi nó thường gây khó chịu cho mọi người, bởi vì điều đang bị đe dọa không phải là Giáo hoàng, nhưng là Tin Mừng.
Và vì vậy trong bối cảnh này, tôi muốn nhắc lại cách ngắn gọn một số nguyên tắc mà chúng ta dựa vào để thực thi sứ mạng của chúng ta. Tôi sẽ đề cập hai hay ba, không hơn. Một là nguyên tắc liên đới. Liên đới không chỉ như là một đức tính luân lý nhưng còn là một nguyên tắc xã hội: một nguyên tắc tìm cách đương đầu với những hệ thống bất công với mục đích xây dựng một nền văn hóa liên đới vốn diễn tả, như chính cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội nói, “một quyết tâm vững chắc và kiên trì cam kết vì công ích” (6).
Một nguyên tắc khác là phải kích thích và thúc đẩy sự tham gia và tính bổ trợ giữa các phong trào và giữa các dân tộc, có khả năng ngăn chặn bất kỳ tư duy độc đoán nào, bất kỳ chủ nghĩa tập thể cưỡng bức nào hay bất kỳ tư duy tập trung vào Nhà nước nào. Công ích không thể được sử dụng như một cái cớ để dập tắt sáng kiến tư nhân, bản sắc địa phương hay các dự án cộng đồng. Vì thế, những nguyên tắc này cổ võ một nền kinh tế và chính trị thừa nhận vai trò của các phong trào nhân dân, “gia đình, các nhóm, hiệp hội, các thực thể địa phương; nói tóm lại, đối với toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, giải trí, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng tự động tạo ra vì chúng giúp họ có thể hoàn thành sự phát triển xã hội hữu hiệu” (7).
Anh chị em thân mến, như anh chị em thấy, đây là những nguyên tắc ổn định và đã có từ lâu trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Với hai nguyên tắc này, tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo từ ước mơ đến hành động. Bởi vì đã đến lúc hành động.
- Đến lúc hành động
…..
————————–
Chú thích:
(*) kỷ nguyên hậu sự thật là hoàn cảnh trong đó thực tại các sự kiện và tính xác thực của lời nói là thứ yếu, vì ưu tiên được dành cho cảm xúc và ý kiến (xem: https://fr.wiktionary.org/wiki/post-v%C3%A9rit%C3%A9). Ctcnd.
(5) Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, năm 2004.
(6) Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, số 193.
(7) Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, số 185.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Xem thêm:
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ở đây.
Tags: bác ái-liên đới, Nhân quyền, Nhân-phẩm, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM