ĐỨC PHANXICÔ KÝ HIỆP ƯỚC ASSIDI ĐỂ TRỞ VỀ VỚI NỀN KINH TẾ CỦA TIN MỪNG

Written by xbvn on Tháng Chín 25th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Kết thúc cuộc gặp gỡ « Nền kinh tế Phanxicô », hôm 24/9/2022,  Đức Thánh Cha đã ký một Hiệp ước với các bạn trẻ ở Assidi, trong đó tất cả đều cam kết có những hy sinh, để nền kinh tế hôm nay và ngày mai trở thành một nền kinh tế được tái sinh bởi Lời Chúa. Ngài kêu gọi thay đổi mô hình phát triển trước khi quá muốn, và nhắc nhớ về « vốn tinh thần » rất cần thiết cho nền kinh tế hôm nay.

Đức Phanxicô đã ký với một ngàn chuyên viên kinh tế trẻ, các doanh nhân và các tác nhân của sự thay đổi đang quy tụ tại Assidi cho sự kiện thế giới « Nền kinh tế Phanxicô », Hiệp ước trong đó họ cam kết tạo ra một nền kinh tế mới mẻ. « Một nền kinh tế hòa bình chứ không chiến tranh », chống lại việc gia tăng vũ khí, nhất là những vũ khí hủy diệt, và chăm sóc công trình tạo dựng và không « cướp bóc » nó.

Phục vụ con người

Với hiệp ước được ký ở thành phố của thánh Phanxicô, các bạn trẻ chuyên viên kinh tế này dấn thân biến « nền kinh tế hôm nay và ngày mai thành một nền kinh tế của Tin Mừng ». Một nền kinh tế nhắm phục vụ con người, gia đình và sự sống, tôn trọng mỗi người nữ, người nam, trẻ em, người cao tuổi, và nhất là những người mong manh và dễ bị tổn thương nhất ; nơi mà sự quan tâm thay thế cho sự vứt bỏ và sự vô cảm, một nền kinh tế không gạt ai sang một bên, để xây dựng một xã hội trong đó những viên đá bị loại bỏ bởi não trạng thống trị, trở thành những viên đá góc tường.

Một nền kinh tế được hướng dẫn bởi đạo đức

Hiệp ước này cũng dự kiến một nền kinh tế nhìn nhận và bảo vệ một lao động xứng đáng và an toàn cho mọi người, cách riêng cho các phụ nữ. Nền kinh tế, trong đó tài chính là « một người bạn và là một đồng minh của nền kinh tế thực sự và của lao động ». Nó nhấn mạnh đến một nền kinh tế biết đề cao giá trị và bảo vệ các nền văn hóa và  truyền thống của các dân tộc, tất cả các loài sống và tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất ; đấu tranh chống lại sự khốn khổ dưới mọi hình thức, giảm thiểu những bất công và biết nói, với Chúa Giêsu và với Đức Phanxicô, « phúc thay người nghèo », một nền kinh tế được dẫn dắt bởi đạo đức về con người và mở ra cho siêu việt, tạo ra của cải cho mọi người, tạo ra niềm vui chứ không chỉ là sự sung túc.

Trong diễn văn nói với các bạn trẻ vào ngày 24/9/2022, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « không có nền kinh tế Phanxicô mà không có lòng quý trọng, quan tâm, yêu thương đối với người nghèo, đối với mỗi người mong manh và dễ bị tổn thương. Từ lúc được cưu mang trong lòng mẹ cho đến người đau ốm và khuyết tật, tuổi già khó khăn ».

« Nền kinh tế Phanxicô không thể bị giới hạn vào việc làm việc cho hay với người nghèo. Bao lâu hệ thống của chúng ta tạo ra những đồ vứt bỏ và  chúng ta vận hành theo hệ thống này, thì chúng ta sẽ là những kẻ đồng lõa của một nền kinh tế giết người ». Thánh Phanxicô không chỉ yêu thương người nghèo, ngài còn yêu thích sự nghèo khó. « Thánh Phanxicô đến với người phong hủi không phải chỉ  để giúp họ, nhưng còn muốn được nghèo như họ. Bước theo Chúa Giêsu Kitô, ngài đã trút bỏ mọi sự để trở nên nghèo khó với người nghèo khổ ».

Không phải là điều không tưởng

Hiệp ước này được kết thúc bởi một chân trời vốn đã trở thành, đối với nhiều người, một chương trình sống : « Chúng tôi tin vào nền kinh tế này. Đó không phải là điều không  tưởng, vì chúng tôi đang xây dựng nó rồi. Và một số người trong chúng tôi, vào những buổi sáng đặc biệt tươi sáng, đã hé nhìn thấy khởi đầu của miền đất hứa ». Các bạn trẻ của Nền kinh tế Phanxicô tự nhủ quyết tâm thay đổi, và tầm nhìn của họ, vốn « không phải là điều không tưởng », bao trùm toàn thế giới. 

Vốn đầu tiên của một xã hội là tinh thần

Trong diễn văn trên, Đức Thánh Cha cũng làm nổi bật « tính cấp bách của việc khôi phục vốn tinh thần », vốn « thiết yếu », và « tạo ra niềm vui sống cần thiết cho nền kinh tế ». Ngài nói : « Vốn (tư bản) đầu tiên của mọi xã hội là vốn tinh thần », vì chính nó « mang lại lý do để trỗi dậy mỗi ngày và đi làm việc, và tạo ra niềm vui sống vốn cũng cần thiết cho nền kinh tế ». Thế giới ngày nay, theo Đức Thánh Cha, đang nhanh chóng tiêu thụ hình thức vốn thiết yếu này được tích lũy qua nhiều thế kỷ bởi các tôn giáo, các truyền thống khôn ngoan và lòng đạo đức bình dân. Ngài nói : giới trẻ vì thế đặc biệt phải chịu đựng sự thiếu ý nghĩa này, thường phải đối mặt với đau đớn và bấp bênh của cuộc sống, họ thấy mình với một tâm hồn cạn kiệt nguồn tinh thần để chữa trị đau khổ, mặc cảm thất đoạt, sự thất vọng và mất mát. « Sự mong manh của nhiều bạn trẻ xuất phát từ việc thiếu vốn tinh thần quý giá này : một thứ vốn vô hình nhưng hiện thực hơn vốn tài chính hay công nghệ ». Vì thế, « cần phải cấp bách khôi phục vốn tinh thần thiết yếu này ». Theo ngài, công nghệ kỹ thuật có thể làm được nhiều điều : nó dạy cho biết phải làm « cái gì » và « như thế nào », nhưng nó không nói được cái « tại sao » ; và như thế các hoạt động của chúng ta trở nên cằn cỗi và không lấp đầy cuộc sống, ngay cả cuộc sống kinh tế.

 Thay đổi mô hình phát triển trước khi quá muộn

Trong bài xã luận hôm 24/9/2022, Andrea Tornielli, quản lý bộ phận biên tập của Bộ Truyền thông của Vatican, đã nhận định về hiệp ước liên quan đến Nền kinh tế Phanxicô, với tựa đề « Thay đổi mô hình phát triển trước khi quá muộn », khi cho thấy Đức Thánh Cha kêu gọi « thay đổi mô hình phát triển nếu chúng ta muốn cứu thoát nhân loại đang bị đe dọa bởi đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu ». « Một nền kinh tế được gợi hứng bởi chiều kích ngôn sứ ». « Nền kinh tế Phanxicô » « ngày nay được diễn tả trong một tầm nhìn mới về môi trường và trái đất. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đang thực hiện một sự hoán cải sinh thái », Tornielli trích dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô và đồng thời cho thấy « lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đi đến tận nguồn gốc của vấn đề và đã không được đón nhận, được hiểu và ủng hộ đủ trong những năm qua ». « Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato si’ đã họ thấy làm thế nào nạn đói khát, chiến tranh, di dân và biến đổi khí hậu đã liên kết với nhau » và « tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất là cùng một tiếng kêu ». Tác giả cũng đưa ra nhận định rằng mặc dù hôm nay nhân loại đang đối diện với bóng tối của đe dọa hạt nhân và buôn bán vũ khí, nhưng « những gì đến với chúng ta từ Assidi là một thông điệp hy vọng : có những người trẻ quyết tâm dấn thân cách sáng tạo vào một nền kinh tế mới mẻ, một nền kinh tế khác biệt và nhân bản hơn, một nền tài chính mới mẻ không có « Thần tài » ở trung tâm, nhưng là con người. Mô hình phát triển chỉ có thể được thay đổi với sự tham gia của cấp cơ sở, và bởi các chính phủ xác tín về sự cần thiết của việc đưa ra những chọn lựa có tầm nhìn xa để đảm bảo một tương lai cho trái đất và các cư dân của nó ». Trong bài xã luận này, tác giả cũng cho biết những phế phán của Đức Phanxicô trong “Niềm vui Tin Mừng” về một nền “kinh tế giết người” đã khiến ngài bị cáo buộc là chủ nghĩa marxít cách thô thiển và vô căn cứ, được đưa ra bởi những người phê bình mà không biết gì về Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Và những lời phê phán của Đức Thánh Cha vẫn có tính thời sự hơn bao giờ hết.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31