ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 8th, 2024. Posted in Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong Công nghị phong Hồng y thường lệ được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Bảy, ngày 7/12/2024, 21 tân Hồng y đã tuyên thệ trung thành và lãnh nhận mũ Hồng y sau khi được Đức Thánh Cha mời “bước đi trên con đường của Chúa Giêsu”, bằng đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm toàn bộ cuộc sống và sứ mạng của các ngài.

Trước toàn thể Hồng y đoàn tập hợp và hơn 5.000 tín hữu, 21 tân Hồng y đã tuyên thệ trung thành trong Công nghị phong Hồng y thường lệ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì, vào chiều thứ Bảy ngày 7 tháng 12. Trong công nghị lần thứ 10 trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào Tin Mừng Thánh Marcô (Mc 10, 37). Ngài đề cập đến sự tương phản giữa việc Chúa Kitô hướng tới cuộc Khổ nạn của Người ở Giêrusalem và ước muốn của các môn đệ được giữ bên canh Chúa Giêsu một chỗ danh dự cho bản thân các ông.

Đức Phanxicô nói với các tân Hồng y : “Điều đó cũng có thể xảy ra với chúng ta khi trái tim của chúng ta đã lạc lối, khi nó để cho mình bị lóa mắt bởi sự hấp dẫn của uy tín, của sự quyến rũ của quyền lực, hoặc bởi sự nhiệt tình quá nhân loại đối với Chúa của chúng ta.” Vì vậy, đối với Đức Thánh Cha, điều quan trọng là “hãy khiêm tốn đặt mình trước Thiên Chúa và trước chính mình một cách trung thực, và tự hỏi: trái tim tôi đang hướng về đâu?”

Bước đi trên con đường của Chúa Giêsu”

Trở về với trái tim để đi cùng con đường với Chúa Giêsu, đây là điều chúng ta cần, Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh và đồng thời mời gọi các tân Hồng y “đi trên con đường của Chúa Giêsu”. Con đường này trước hết hệ tại việc đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm của mọi sự. Và Đức Phanxicô cảnh báo chống lại cám dỗ gắn bó với “những điều thứ yếu”, vốn đôi khi thay thế những điều cần thiết. Ngài nhắc nhớ: “Chúng ta bị choáng ngợp bởi những hoạt động mà chúng ta cho là cấp bách mà không đi vào trái tim”.

Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh : “Đi trên con đường của Chúa Giêsu cũng là vun trồng niềm đam mê gặp gỡ,” “trên con đường, Chúa gặp gỡ những khuôn mặt của những người bị đau khổ, Người trở nên gần gũi với những người đã mất niềm hy vọng, Người nâng đỡ đỡ những người sa ngã và chữa lành những người bệnh tật”. “Cuộc mạo hiểm trên hành trình, niềm vui của cuộc gặp gỡ, sự quan tâm đến những người mong manh nhất: đây là điều sẽ làm sinh động sự phục vụ của anh em với tư cách là Hồng y”.

Một đại giáo sĩ người Ý, cha Primo Mazzolari, đã nói: “Chính trên nẻo đường này mà Giáo hội đã bắt đầu; chính trên những nẻo đường của thế giới mà Giáo hội tiếp tục. Không cần phải gõ cửa hay chầu chực để vào đó. Hãy bước đi và bạn sẽ tìm thấy nó; hãy bước đi và nó sẽ ở bên cạnh bạn; hãy bước đi và bạn sẽ ở trong Giáo hội” (Tempo di credere, Bologna 2010, 80-81). Chúng ta đừng quên rằng việc đứng yên sẽ hủy hoại trái tim và nước đọng là thứ đầu tiên trở nên hư hỏng.”

“Những người xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất”

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Bước theo con đường của Chúa Giêsu” cuối cùng có nghĩa là “trở thành những người xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất”. “Anh em là những người có những câu chuyện khác nhau, đến từ các nền văn hóa đa dạng và đại diện cho tính công giáo của Giáo hội, Chúa kêu gọi các bạn trở thành những chứng nhân của tình huynh đệ, những người kiến ​​tạo sự hiệp thông và những người xây dựng sự hiệp nhất”.

“Nói chuyện với một nhóm các Hồng y mới được bổ nhiệm, vị đại thánh Phaolô VI đã khẳng định rằng, giống như các môn đệ, đôi khi chúng ta không chống nổi cơn cám dỗ chia rẽ. Ngược lại, “chính nhờ lòng nhiệt thành mà họ đặt vào việc tìm kiếm sự hiệp nhất mà người ta nhận ra những môn đệ đích thực của Chúa Kitô”. Và thánh Giáo hoàng nói thêm: “Chúng ta muốn mọi người cảm thấy thoải mái trong gia đình là Giáo hội, mà không có sự loại trừ hay cô lập làm tổn hại đến sự hiệp nhất trong đức ái, và chúng ta không tìm kiếm sự ưu thắng để gây tổn hại cho người khác. […] Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện, chịu đau khổ, chiến đấu để làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh” (Bài phát biểu nhân Công nghị, ngày 27 tháng 6 năm 1977).”

Ngài kết luận : “Trên con đường của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cùng nhau bước đi. Với sự khiêm nhường, với lòng kính sợ, với niềm vui”.

Với công nghị này, Hồng y đoàn hiện nay bao gồm 253 Hồng y, trong đó có 140 Hồng y bầu cử và 113 Hồng y không bầu cử. Có 66 Hồng y dòng tu, trong đó có 36 người được bầu cử và 30 người không được bầu cử, và 28 dòng tu cũng được đại diện. 5 quốc gia gia nhập Hồng y đoàn: Algeria, Úc, Ecuador, Iran và Serbia.

Dưới đây là danh sách các tân Hồng y:

  1. Đức cha Angelo Acerbi, Sứ thần Tòa Thánh.
  2. Đức cha Carlos Gustavo CASTILLO MATTASOGLIO, Tổng Giám mục giáo phận Lima (Pérou).
  3. Đức cha Vicente BOKALIC IGLIC C.M., Tổng Giám mục giáo phận Santiago del Estero (Giáo trưởng của Argentina).
  4. Đức cha Luis Gerardo CABRERA HERRERA, O.F.M., Tổng Giám mục giáo phận Guayaquil (Equateur).
  5. Đức cha Fernando Natalio CHOMALÍ GARIB, Tổng Giám mục giáo phận Santiago du Chili (Chilê).
  6. Đức cha Tarcisio Isao KIKUCHI, S.V.D., Tổng Giám mục giáo phận Tokyo (Nhật Bản).
  7. Đức cha Pablo Virgilio SIONGCO DAVID, Giám mục giáo phận Kalookan (Philippines).
  8. Đức cha Ladislav NEMET, S.V.D., Tổng Giám mục giáo phận Beograd-Smederevo, (Serbia).
  9. Đức cha Jaime SPENGLER, O.F.M., Tổng Giám mục giáo phận Porto Alegre (Braxin).
  10. Đức cha Ignace BESSI DOGBO, Tổng Giám mục giáo phận Abidjan (Bờ Biển Ngà).
  11. Đức cha Jean-Paul VESCO, O.P., Tổng Giám mục giáo phận Alger (Algiêria).
  12. Đức cha Paskalis Bruno SYUKUR, O.F.M., Giám mục giáo phận Bogor (Indonesia).
  13. Đức cha Dominique Joseph MATHIEU, O.F.M. Conv., Tổng Giám mục giáo phận Alger Téhéran Ispahan (Iran).
  14. Đức cha Roberto REPOLE, Tổng Giám mục giáo phận Alger Turin (Ý).
  15. Đức cha Baldassare REINA, Giám mục phụ tá giáo phận Rôma, nguyên phó quản lý và bây giờ là Tổng đại diện giáo phận Rôma.
  16. Đức cha Francis LEO, Tổng Giám mục giáo phận Toronto (Canada).
  17. Đức cha Rolandas MAKRICKAS, phụ tá giám quản vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
  18. Đức cha Mykola BYCHOK, C.Ss.R., Giám mục giáo phận thánh Phêrô và Phaolô Melbourne của người Ucraina.
  19. Cha Timothy Peter Joseph RADCLIFFE, OP, thần học gia.
  20. Cha Fabio BAGGIO, C.S., phó thư ký Bộ Phục vụ sự Phát triển con người toàn diện.
  21. Đức ông George Jacob KOOVAKAD, viên chức của Phủ Quốc vụ khanh, người tổ chức các chuyến tông du.

Trước đó, trong lá thư gửi 21 tân Hồng y sẽ được tấn phong vào ngày 7/12/2024, Đức Phanxicô kêu gọi các ngài hãy mở ra cho người khác, cầu nguyện và giữ tiếp xúc với thực tế, tất cả được thể hiện qua ba thái độ “mắt ngước lên, tay chắp lại, đôi chân trần”. Ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện để “chức danh “tôi tớ” (phó tế) ngày càng được ưu tiên hơn chức danh “quý ngài”.

Tý Linh

(theo Olivier Bonnel –Vatican  News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31