ĐỨC PHANXICO MỜI GỌI CÁC TÍN HỮU HÃY ĐỂ MÌNH ĐƯỢC THANH TẨY BỞI THIÊN CHÚA, ĐẤNG LUÔN THA THỨ

Written by xbvn on Tháng Ba 9th, 2024. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Nhân dịp năm thứ 11 của “24 giờ cho Chúa”, Đức Phanxicô đã tới Nhà thờ Thánh Piô V. Ngài đã giải tội cho giáo dân ở đó khoảng nửa giờ. Đức Thánh Cha nói trong buổi cử hành : “Bệnh phong hủi của tội lỗi đã làm hoen ố vẻ đẹp của chúng ta, chúng ta hãy tẩy sạch bản thân khỏi sự thiếu trung thực và giả dối”. Ngài cũng mời gọi các cha giải tội luôn ban ơn tha thứ cho những ai cầu xin. Ngài nói: “Chúng ta hãy đặt lại sự tha thứ ở trung tâm của Giáo hội”.

Vừa khỏi bệnh cúm khiến ngài suy yếu trong những ngày gần đây, chiều thứ Sáu 8/3/2024, Đức Thánh Cha đã đến một giáo xứ ở phía tây Rôma, cách Vatican 10 phút, để cử hành “24 giờ cho Chúa” lần thứ 11, sáng kiến cầu nguyện ​​trong đó Đức Thánh Cha đã ban – và trước đây đã nhận – bí tích hòa giải nhân dịp Mùa Chay. Hình ảnh Đức Thánh Cha ngồi trên ghế trong một góc giải tội cho một nhóm tín hữu – nam và nữ – là đặc điểm của cuộc gặp gỡ từ nay đã trở thành truyền thống.

Đến bằng ô tô, Đức Thánh Cha đã được chào đón tại quận Aurelio nổi tiếng bởi các giáo dân của Nhà thờ Thánh Piô V cũng như các thành viên của cộng đồng Công giáo Syro-Malabar, những người thường gặp nhau ở đó cho các buổi cử hành. Đức Phanxicô đã dành thời gian để chào thăm những người có mặt, một người đàn ông ngồi xe lăn, một bà mẹ và đứa con mới sinh, hàng chục trẻ em và linh mục Donato Le Pera. Ngài được vỗ tay hoan nghênh khi đi vào nhà thờ. Khoác áo choàng tím, ngài khai mạc buổi cử hành sám hối. Giọng nói của ngài, vẫn còn khàn, không ngăn cản ngài tự mình đọc bài giảng, ứng biến những đoạn dài.

Đời sống mới trong Chúa Kitô

Suy tư của Đức Thánh Cha tập trung vào khái niệm “đời sống mới”, vốn là chủ đề của “24 giờ dành cho Chúa” năm nay. Một đời sống mới là quà tặng của bí tích hòa giải: “Bí tích của sự chữa lành và niềm vui”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Một đời sống mới được Chúa Kitô ban tặng, Đấng xóa bỏ “tất cả những gì cũ kỹ” và “những điều xấu xí” đang ngự trị trong tâm hồn mỗi người bằng sự tha thứ. “Bệnh phong hủi của tội lỗi đã làm hoen ố vẻ đẹp của chúng ta,” Đức Phanxicô nói và đồng thời đề nghị một lời cầu nguyện hướng lên trời: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con!”

Lý do thì có rất nhiều: “Bởi vì con nghĩ rằng con không cần Chúa mỗi ngày (…) Sống bình yên với sự hai mặt của mình, không tìm kiếm trong sự tha thứ của Chúa con đường dẫn đến tự do (…) Khi những ý định tốt không đi kèm với hành động (…) khi con trì hoãn việc cầu nguyện và cuộc gặp gỡ với Chúa. Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể thanh tẩy con!” “Khi con bằng lòng với sự dữ, sự bất lương, dối trá, khi con phán xét người khác, khinh thường họ và nói hành nói xấu về họ, đả kích mọi sự và mọi người”. Được Chúa Giêsu đổi mới, chúng ta có thể trở lại để “sống một đời sống mới”.

Đi theo con đường tha thứ của Thiên Chúa

Bởi vì, ngày qua ngày, đắm chìm trong nhịp điệu lặp đi lặp lại, bị cuốn vào hàng nghìn thứ, choáng váng trước quá nhiều thông điệp, “chúng ta tìm kiếm ở khắp nơi sự thỏa mãn và mới lạ, những kích thích và cảm giác xác thực, nhưng chúng ta quên mất rằng một đời sống mới đã chảy trong chúng ta và giống như than hồng dưới đống tro tàn, nó đang chờ bùng cháy và chiếu sáng mọi thứ”.

Đức Thánh Cha nói, tro “đã được đặt trong tâm hồn” và “đang che giấu vẻ đẹp khỏi tầm nhìn của tâm hồn chúng ta”. Khi ấy Thiên Chúa là Cha, xuất hiện như một ông chủ và thay vì yêu mến Ngài thì chúng ta lại sợ Ngài. “Và những người khác, thay vì là anh chị em, con cái của cùng một Cha, lại xuất hiện với chúng ta như những trở ngại và đối thủ,” một thói quen xấu mà Đức Giáo Hoàng lấy làm tiếc. “Lỗi lầm của người lân cận của chúng ta dường như bị cường điệu hóa và những đức tính của họ dường như bị che giấu; biết bao lần chúng ta thường xuyên khắc khe với người khác và khoan dung với chính mình”. Vì vậy, chúng ta có thể không còn nhìn rõ được nữa, ngay cả trong chính chúng ta. Hậu quả: “chúng ta cảm thấy một sức mạnh không thể cưỡng lại được thúc đẩy chúng ta làm điều xấu mà chúng ta muốn tránh”.

Do đó, chúng ta cần một “biển chỉ dẫn mới”, “một sự thay đổi nhịp điệu” để tìm lại vẻ đẹp nguyên thủy. Làm sao? Bằng cách đi theo con đường tha thứ của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói : “Hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí anh chị em: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Anh chị em có hiểu điều này không? Anh chị em có thể nhắc lại với tôi được không? Cùng nhau, tất cả… Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Đâu là bi kịch? Chính chúng ta mới cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ!”. Nhưng Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ, và sự tha thứ của Ngài thanh tẩy chúng ta từ trong ra ngoài. Thiên Chúa “muốn chúng ta được đổi mới, tự do và nhẹ nhàng trong tâm hồn, hạnh phúc và bước đi, không bị mắc kẹt trên những con đường của cuộc sống”. Và “Ngài biết chúng ta rất dễ sẩy chân, vấp ngã và nằm trên mặt đất, nhưng Ngài muốn nâng chúng ta lên. Chúng ta đừng làm ngài buồn, chúng ta đừng trì hoãn việc gặp gỡ với sự tha thứ của Ngài …”

Sự tha thứ ở trung tâm của Giáo hội

Từ đó, lời mời gọi cuối cùng của Đức Thánh Cha: “Chúng ta hãy đặt lại sự tha thứ của Thiên Chúa ở trung tâm của Giáo hội!” Một lời kêu gọi cũng gửi đến các cha giải tội, những “anh em thân yêu” của ngài. Ngài mời gọi họ hãy cảm thấy như “những người phân phát niềm vui cho Chúa Cha, Đấng đã tìm thấy đứa con lạc lối (…) xin cho bàn tay của chúng ta đặt trên đầu các tín hữu được lòng thương xót của Thiên Chúa đâm thủng”. Đức Phanxicô kêu gọi họ đừng quá đòi hỏi các tín hữu và hãy tha thứ tất cả và luôn luôn.

Tý Linh

(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31