ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐẠI HỌC GIÁO HOÀNG RUMANI Ở RÔMA NUÔI DƯỠNG CỘI NGUỒN ĐỂ TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Năm 20th, 2022. Posted in Linh mục, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Hôm 19/5/2022, Đức Phanxicô đã ngỏ lời với các thành viên của Đại học giáo hoàng Rumani ở Rôma còn được gọi là trường « Pio Romeno », nhân kỷ niệm 85 năm thành lập. Ngài khích lệ các linh mục và chủng sinh nuôi dưỡng cội nguồn của đức tin, đề phòng sự tầm thường và biểu lộ tính phổ quát của đạo Công giáo bằng việc vun trồng mảnh đất và giữ gìn bầu không khí tốt lành.

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách nhắc lại chuyến thăm của ngài vào năm 2019 đến Blaj, ở Transylvanie (Rumani), khi ngài phong chân phước cho bảy Giám mục tử vì đạo dưới thời chủ nghĩa cộng sản. Lúc đó, ngài khuyến khích chống lại « những ý thức hệ mới tìm cách áp đặt và triệt tiêu các dân tộc…khỏi truyền thống tôn giáo và văn hóa của mình ».

Khẳng định trước các linh mục và chủng sinh của trường Pio Romeno, Đức Thánh Cha nói : « Anh em ở đây tại Rôma, trong thành trì gìn giữ chứng tá của thánh Phêrô, thánh Phaolô và nhiều vị tử vì đạo khác, anh em có thể tái khám phá cội nguồn của anh em một cách hân hoan, thông qua việc học tập và suy niệm ».

Không có cội nguồn, tôn giáo không còn phong nhiêu nữa

Đức Thánh Cha đã minh họa phát biểu của ngài bằng một ví dụ lịch sử. Trong Thế Chiến II, khi Giáo hội Công giáo Hy Lạp Rumani không còn Giám mục nào hoạt động, vì các ngài đã bị giết hay bị bỏ tù, Đức cha Ioan Ploscaru, Giám mục giái phận Lugoj, người bị cầm tù trong mười lăm năm, đã viết trong nhật ký của mình : « Các linh mục và giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp đã xem giai đoạn này như là giai đoan quý báu nhất của cuộc sống của mình. Đó là một ân sủng khi có thể dâng lên Thiên Chúa những đau khổ của mình và chứng tá đức tin của mình, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình ».

Những người dâng hiến mạng sống mình vì Tin Mừng nghĩ như thế, đón nhận lời đáp trả của Thiên Chúa đối với sự dữ của thế giới. « Họ từ bỏ mình, họ bắt chước tình yêu hiền lành và nhưng không của Chúa Giêsu, Đấng hiến thân cho những người ở gần và ở xa. Đó là cội nguồn cho phép rễ tự bám vào đất, trở nên mạnh mẽ và sinh hoa kết trái. Và anh em là hoa trái này », Đức Thánh Cha khẳng định và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc « nuôi dưỡng cội nguồn », vì, không có nó, « mọi truyền thống tôn giáo mất đi sự phong nhiêu của mình ».

Virus tính trần tục thiêng liêng

Và Đức Thánh Cha chứng minh điều đó bằng cách đề cập đến ẩn dụ về cái cây : « Trên thực tế, một tiến trình nguy hiểm đang diễn ra : theo thời gian, người ta ngày càng tập trung nhiều hơn vào bản thân, vào sự thuộc về của mình, đánh mất tính năng động của cội nguồn của mình. Do đó, người ta tập trung vào các khía cạnh thể chế, bên ngoài, tập trung vào việc bảo vệ nhóm của mình, lịch sử và các đặc quyền của mình, đánh mất đi, mà có lẽ không nhận ra, hương vị của sự cho đi. Để dừng lại ở lối ẩn dụ, đó là như thể dừng lại để nhìn vào thân cây, cành cây và lá cây mà quên rằng mọi sự được nâng đỡ bởi gốc rễ. Nhưng chỉ khi gốc rễ được tưới nước thật tốt thì cây mới tiếp tục phát triển tươi tốt, nếu không nó tự khép kín noi chính mình mà chết ».

 Điều đó xảy ra khi chúng ta trở nên tự mãn và bị nhiễm bởi virus trần tục thiêng liêng, Đức Thánh Cha lưu ý và đồng thời cảnh báo chống lại « sự suy sút trong trong một cuộc sống tầm thường, quy ngã, được tạo nên bởi não trạng kiếm chác, thăng tiến, tìm kiếm những thỏa mãn bản thân và những thú vui dễ dãi ».

Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục và chủng sinh Rumani ở Rôma đào sâu cội nguồn của mình, bằng cách nghĩ đến cách thức hiện tại hóa nó, để thừa tác vụ của họ không phải là « một sự lặp đi lặp lại vô bổ của quá khứ hay bảo lưu hiện tại », nhưng để nó được phong nhiêu trong Tin Mừng.

« Mảnh đất tốt » của các tiền nhân, của những người đau khổ

Sau cội nguồn, Đức Thánh Cha mời gọi đừng quên « mảnh đất ». « Mảnh đất đã được vun trồng bởi ông bà của anh em, cha mẹ của anh em, dân thánh của Thiên Chúa. Khi anh em chuẩn bị truyền đạt đức tin, hãy nghĩ đến họ và hãy nhớ rằng Tin Mừng không được rao truyền bằng những từ ngữ phức tạp, nhưng bằng ngôn ngữ của người dân, như Chúa Giêsu, Đấng Khôn Ngoan nhập thể, đã dạy chúng ta ». Theo ngài, mảnh đất tốt cũng là « mảnh đất giúp chạm đến thân xác của Chúa Kitô, hiện diện nơi người nghèo, bệnh tật, đau khổ, bé nhỏ và đơn sơ, nơi những người đau khổ mà trong họ Chúa Giêsu đang hiện diện ». Đức Thánh Cha nói, chẳng hạn, nhiều người tỵ nạn Ucraina mà Rumani đang đón tiếp và giúp đỡ.

Sau cùng, Đức Thánh Cha kết luận bằng một vài lời gởi tới các sinh viên nói tiếng Ả Rập của trường Thánh Éphrem trước đây, vốn làm thành một cộng đoàn từ mưới năm qua. « Sự chia sẻ của anh em về cuộc sống không nên được coi như là sự giảm thiểu các nét khác biệt của mỗi người, nhưng như một lời hứa phong nhiêu cho tương lai », Đức Thánh Cha tuyên bố và cho rằng các trường quốc gia, Đông phương và Latinh không nên là « những vùng đất » trong đó người ta trở về sau ngày học tập để sống như ở nhà, nhưng là những công xưởng của sự hiệp thông huynh đệ, nơi người ta có thể « cảm nghiệm được tính công giáo đích thực, tính phổ quát của Giáo hội ». « Tính phổ quát này là không khí tốt lành để hít thở hầu không bị hút vào bởi chủ nghĩa đặc thù vốn cản trở việc loan báo Tin Mừng », Đức Thánh Cha nhận xét và qua đó ca ngợi cội nguồn, mảnh đất và không khí tốt lành.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31