ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
Trong Thánh lễ thứ tám của tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng Phanxicô hôm 3/5/2025, ĐHY Artime mời gọi biến đổi lòng nhiệt thành của các tông đồ, những người đã được Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, thành một “chương trình sống”. “Sự kinh ngạc” của các ngài, trái ngược với “sự bối rối” và “sự nản lòng”, trở thành tấm gương cho những người ngày nay “có nhu cầu lớn muốn gặp Chúa”.
Một “chương trình sống” mới, bắt nguồn từ tình yêu dành cho Đức Giáo hoàng Phanxicô và trong sự nhiệt thành rõ ràng, trong sự ngạc nhiên tương phản với “sự bối rối” và “nản lòng” ban đầu của các tông đồ trước Đấng Phục Sinh. Một ví dụ cho thấy tất cả những người đã chịu phép rửa tội – và đặc biệt là những người sống đời thánh hiến – được kêu gọi làm chứng cho những người “có nhu cầu lớn lao muốn gặp Chúa” ngày nay. Đây là niềm hy vọng mà Đức Hồng y Ángel Fernández Artime, nguyên quyền Tổng trưởng Bộ các Dòng Tu và Hội Đời sống Tông đồ, đã bày tỏ trong bài giảng của mình trong Thánh lễ thứ tám và cũng là Thánh lễ áp chót của tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, được chủ tế vào chiều ngày 3 tháng Năm tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Đề cao giá trị của những người nữ thánh hiến
Ngay trước khi diễn ra nghi thức sám hối, Sơ Mary T. Barron, OLA, Bề trên Tổng quyền của Dòng Đức Mẹ các Tông đồ và Chủ tịch Liên hiệp Bề trên Tổng quyền Quốc tế (UISG) đã phát biểu. Thay mặt cho những người nữ thánh hiến, Sơ đã vẽ nên bức chân dung ấm áp về Đức Giáo hoàng Phanxicô: “một mục tử khiêm nhường, trắc ẩn, tràn đầy tình yêu thương vô bờ bến“, có khả năng nhắc nhở thế giới rằng chúng ta có thể chấp nhận “sự mong manh“, không phải như một “hạn chế“, mà là nguồn “ân sủng“. Đối với các nữ tu, Sơ nhắc lại lời mời gọi của Đức Giáo hoàng là hãy cúi xuống phục vụ, “như Chúa Kitô đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Người.” Với giọng nói tràn đầy lòng biết ơn, Sơ nhận ra nơi Đức Phanxicô người đã biết chào đón và trân trọng những người nữ thánh hiến, làm cho họ “tích cực tham gia vào hành trình hiệp hành“. Sơ kết luận : “Chúng con hứa sẽ tiếp tục sứ mạng, trở thành ngọn lửa thắp sáng những ngọn lửa khác“.
Một vị Giáo hoàng có khả năng “làm lay động”
Sau đó, cha Mario Zanotti, thư ký của Liên hiệp Bề trên Tổng quyền, đã bày tỏ sự đau buồn của tất cả các dòng tu. Ngài nói đầy xúc động : “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã để lại cho chúng ta một di sản to lớn về tính nhân văn, một tính nhân văn Kitô giáo sâu xa“. Vị linh mục người Ý mô tả một vị Giáo hoàng “gần gũi“, có khả năng lắng nghe và đôi khi “làm lay động” bằng những lời lẽ mạnh mẽ, “xác tín“. Với sự kiên định của Tin Mừng, Đức Thánh Cha kêu gọi sự nhất quán với Thánh Kinh và với đặc sủng của các gia đình tu trì, cho thấy sự dấn thân của ngài đối với “sự nghèo khó” như một dấu hiệu chung, “một dấu hiệu ngôn sứ đối lập với quyền lực và tiền bạc“.
Nhu cầu gặp Chúa hôm nay
“Cầu nguyện cho người đã khuất là công việc bác ái lớn lao nhất.” Đây là những lời mở đầu bài giảng của Đức Hồng y Fernández Artime, quy chiếu đến một câu trích dẫn của Thánh Anphong Ligôri, đặt cạnh câu trích dẫn của thánh Gioan Vianney, Cha sở họ Ars: “Vì vậy, cầu nguyện cho người đã khuất có nghĩa là yêu thương những người đã khuất“. Lời dẫn nhập đầy kỷ niệm và tình yêu thương, cũng được gửi đến nhiều nam nữ tu sĩ quy tụ trong thánh lễ. Đức Hồng y nhắc lại tình cảm của các hội dòng dành cho Đức Giáo hoàng Phanxicô và sự cam kết liên tục cầu nguyện “cho thừa tác vụ của ngài“, cho cá nhân ngài, “cho Giáo hội, cho thế giới“.
Khởi đi từ đoạn Tin Mừng được công bố – sự hiện ra của Chúa Phục sinh với các môn đệ trên Biển hồ Galilê – Đức Hồng y đã nhắc lại lời của thánh Athanasiô, theo đó sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh làm cho cuộc sống trở thành “một lễ mừng thường hằng“. Và chính ánh sáng biến đổi này giúp các môn đệ có thể đối mặt với “tù đày”, “mối đe dọa” và sự ngược đãi mà không sợ hãi.
“Không coi gì trọng hơn Chúa Kitô”
Đức Hồng y Artime sau đó nhắc lại những lời của thánh Gioan Phaolô II, đã nói trong Năm Thánh Đời sống Thánh hiến vào năm 2000: một sự lựa chọn trở thành “sự hiện diện mang tính ngôn sứ cho toàn thể dân Chúa“, thường được sống trong những điều kiện khó khăn, nhưng được trao hiến mà không chút do dự “nhân danh Chúa Kitô, trong việc phục vụ người nghèo, người bị thiệt thòi và những người thấp kém nhất“. ĐHY nói tiếp, tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi trở thành chứng nhân của Chúa, và ơn gọi làm môn đệ là động lực để sống triệt để quyền tối thượng của Thiên Chúa.
“Sứ mạng này đặc biệt quan trọng khi – như ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay – chúng ta cảm nghiệm sự vắng bóng của Thiên Chúa hoặc chúng ta quá dễ dàng quên đi sự trung tâm của Người. Khi đó, chúng ta có thể đảm nhận và biến chương trình của thánh Biển Đức thành của riêng mình, được tóm tắt trong câu châm ngôn “không coi gì trọng hơn Chúa Kitô“”.
Sự hiện diện trong thất bại
Đức Hồng y cũng nhắc lại một đặc điểm khác của đời sống thánh hiến, được Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh: đó là đặc điểm của “những người lính canh nhận thức và loan báo cuộc sống mới đã hiện diện trong lịch sử của chúng ta“. Đức Hồng y nói tiếp, những người nam và nữ thánh hiến phải trở thành “dấu chỉ đáng tin cậy và sáng ngời của Tin Mừng và những nghịch lý của nó“, không tuân theo não trạng của thời đại, nhưng phải biến đổi bản thân và liên tục đổi mới “cam kết” của mình.
Vẫn trong Tin Mừng, vị Hồng y người Tây Ban Nha đã nhận xét, Chúa “đã hiện diện” khi mọi thứ dường như “kết thúc, thất bại”, và Người đến gặp các môn đệ, những người tràn đầy niềm vui, nhận ra Người là “Chúa”.
Đánh thức thế giới
Cuối cùng, Đức Hồng y Artime một lần nữa trích dẫn Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã mời gọi các tu sĩ “đánh thức thế giới” bằng một trái tim và một tâm trí trong sáng, có khả năng nhận ra những người nam và người nữ ngày nay – đặc biệt là những người nghèo nhất, những người rốt cùng, những người bị bỏ rơi – “vì Chúa ở trong họ“.
Tý Linh
(theo Edoardo Giribaldi – Vatican News)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”
- ĐHY FERNANDEZ : ĐỨC PHANXICÔ, TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUẢNG ĐẠI
- ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
- ĐHY SANDRI: ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LẠI DI SẢN VỀ SỰ PHỤC VỤ VÀ TẦM NHÌN
- LỊCH SỬ MẬT NGHỊ HỒNG Y, TỪ THỜI TRUNG CỔ ĐẾN NGÀY NAY
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 7: CÁC HỒNG Y XIN CÁC TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
- TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC TƯỞNG NHỚ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y CÔNG NHẬN QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC HỒNG Y CỬ TRI TRONG MẬT NGHỊ
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 6: MẬT NGHỊ PHẢI MỞ RA CHO SỰ TỰ DO CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- ĐHY GAMBETTI : ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ MỞ GIÁO HỘI RA CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
- MẬT NGHỊ: AI SẼ BẦU GIÁO HOÀNG TIẾP THEO
- TÍNH HIỆP HÀNH THEO ĐỨC PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y THÔNG BÁO THÁNH LỄ TIỀN MẬT NGHỊ
- HỒNG Y BECCIU SẼ KHÔNG THAM DỰ MẬT NGHỊ HỒNG Y