ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI GIÁO HỘI PAPUA LOAN BÁO TIN MỪNG VỚI NIỀM HY VỌNG

Written by xbvn on Tháng Chín 7th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Đức Thánh Cha đã dành bài phát biểu thứ hai tại Papua vào ngày 7/9/2024 cho hàng giáo sĩ địa phương, một hàng giáo sĩ còn non trẻ và truyền giáo ở đất nước này, nơi Tin Mừng chỉ mới đến gần 150 năm trước. Tại đền thánh Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, rất được tôn kính ở Châu Á-Châu Đại Dương, ngài đã mời gọi Giáo hội trẻ địa phương, với nhiều đặc sủng phong phú, tiếp tục kiên trì loan báo Tin Mừng, trong sự gan dạ, vẻ đẹp và hy vọng.

Được chào đón bởi vị Hồng y địa phương đầu tiên của đất nước, John Ribat, người mà chính ngài đã tấn phong vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 20 giám mục của Hội đồng Giám mục Papua, cùng với Hội đồng giám mục của Quần đảo Solomon, cũng như các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên địa phương. Tại đền thánh Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở Cảng Moresby, tài sản của Dòng Salêdiêng, Đức Phanxicô tập trung vào lịch sử của nơi này.

Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu, theo tước hiệu rất thân thương của Thánh Gioan Bosco; Maria Helpim, như anh chị em trìu mến cầu khấn Mẹ ở đây. Vào năm 1844, khi Đức Trinh Nữ đã truyền cảm hứng cho Don Bosco xây dựng một nhà thờ để tôn vinh Mẹ ở Turin, Mẹ đã hứa với ngài điều này:Đây là nhà của Mẹ, từ đó vinh quang của Mẹ”. Đức Maria đã hứa với ngài rằng nếu ngài có can đảm để bắt đầu xây dựng đền thánh này, thì những ân sủng lớn lao sẽ đến tiếp theo”, Đức Thánh Cha kể lại và đồng thời vui mừng về trung tâm tỏa sáng Tin Mừng này, trung tâm đào tạo giới trẻ và lòng bác ái, điểm quy chiếu cho rất nhiều người ở một đất nước nơi 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ, và nơi mà nhiều trẻ em đi bộ trên đường mà không có giày. Đức Thánh Cha kể lại việc chính ngài đã được rửa tội bởi các cha dòng Salêdiêng.

Sự can đảm của những người tiên phong truyền giáo

Tiếp đến, Đức Phanxicô đã suy niệm về ba khía cạnh của đời sống Kitô hữu và truyền giáo trên mảnh đất non trẻ và xa xưa này: lòng can đảm để bắt đầu, vẻ đẹp của việc hiện diện ở đó và niềm hy vọng phát triển. Những người xây dựng Giáo hội này đã bắt đầu công việc của họ bằng một hành động đức tin vĩ đại vốn đã mang lại kết quả, nhưng chỉ có thể thực hiện được nhờ có nhiều khởi đầu dũng cảm khác của những người đến trước họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Những nhà truyền giáo đến đất nước này vào đầu thế kỷ XIX và những bước đầu tiên trong công việc của họ không hề dễ dàng, một số nỗ lực thậm chí còn thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc: với đức tin lớn lao và lòng nhiệt thành tông đồ, họ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em mình, thường bắt đầu lại từ nơi họ đã thất bại, với nhiều hy sinh”.

Chứng tá rạng ngời của các thánh và các vị tử đạo Châu Đại Dương

Các cửa sổ kính màu của nhà thờ, phản chiếu ánh sáng xanh đầm phá, lấp lánh những nhân vật tâm linh lớn của đất nước: Pierre Chanel, Giovanni Mazzucconi và Peter To Rot, các vị tử đạo của New Guinea, rồi Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Gioan Phaolô II, Marie McKillop, Maria Goretti, Laura Vicuña, Zeffirino Namuncurà, Phanxicô Salê, Gioan Bosco, Marie Dominique Mazzarello.

 “Tất cả họ đã góp phần mang Tin Mừng đến với anh chị em, với sự phong phú đa sắc màu của các đặc sủng”, Đức Thánh Cha lưu ý và đồng thời tin rằng chính “những sự ra đi và những sự ra đi mới của họ đã biến chúng ta thành những công cụ của ân sủng”. Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các vùng ngoại vi của đất nước, đến những người thiệt thòi ở các thành phố, đến những cư dân ở những vùng xa xôi và bị bỏ rơi, đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị tổn thương về mặt luân lý hoặc thể xác “do những thành kiến ​​và mê tín” đôi khi có nguy cơ đến tính mạng của họ. Trên thực tế, Giáo hội địa phương rất dấn thân thông qua Caritas trong cuộc chiến chống lại ma thuật phù thủy và ma thuật đen, đặc biệt đang còn nhắm vào phụ nữ ở Papua. Đối với tất cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương này, Đức Phanxicô muốn mang lại sự gần gũi và an ủi của Chúa Kitô.

Những hạt giống của vẻ đẹp và niềm hy vọng sẽ nở hoa

Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói về vẻ đẹp của đức tin ở vùng địa lý này. “Chúng ta có thể thấy nó được tượng trưng bằng những chiếc vỏ sò kina mà dàn hợp xướng của nhà thờ này được trang trí và vốn là dấu hiệu của sự thịnh vượng.” Chúng nhắc nhở chúng ta rằng ở đây, kho báu đẹp nhất trong mắt Chúa Cha, đó là chúng ta, nép mình vào Chúa Giêsu, dưới tà áo của Mẹ Maria, coi vẻ đẹp là cách tốt nhất để truyền nhiệt huyết truyền giáo cho giới trẻ. “Vì vậy, vẻ đẹp của việc ở đó không được sống nhiều trong những sự kiện lớn và những khoảnh khắc thành công, nhưng đúng hơn trong sự trung tín và tình yêu.”

Dựa vào một trong những “bài giáo lý bằng hình ảnh” của nhà thờ cho thấy sự vượt qua Biển Đỏ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến niềm hy vọng phát triển. “Đó là một dấu chỉ quan trọng, bởi vì nó khuyến khích chúng ta ngày nay cũng hãy tin tưởng vào sự phong nhiêu của việc tông đồ của chúng ta, bằng cách tiếp tục gieo những hạt giống thiện hảo nhỏ bé trên các luống cày của thế giới.”

Chúng có vẻ nhỏ bé, giống như hạt cải, nhưng nếu chúng ta tin tưởng và không ngừng rải chúng, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng sẽ nảy mầm, mang lại mùa màng bội thu và sinh ra những cây có khả năng đón nhận các loài chim trời.  Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi “tiếp tục rao giảng Tin Mừng, một cách kiên nhẫn, không để mình nản lòng trước những khó khăn và hiểu lầm, ngay cả khi chúng nảy sinh ở nơi mà chúng ta ít muốn gặp phải nhất”.

Tý Linh

(theo Delphine Allaire, ở Cảng Moresby, Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30