ĐỨC PHANXICÔ NHẮC NHỞ CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI VỀ BỒN PHẬN CỦA HỌ LÀ PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT

Written by xbvn on Tháng Một 14th, 2023. Posted in Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Gặp gỡ Chúa Giêsu, học biết Người, làm chứng. Ba trục qua đó Đức Phanxicô đã khai triển bài phát biểu của mình, vào hôm 14/1/2023, khi tiếp kiến các vị hữu trách và các thành viên của Học viện giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rôma.

Đối thoại, hiệp thông và sứ mạng là những từ ngữ thường xuyên trở lại vào giai đoạn « hiệp hành » này của Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị chúng cho các thành viên của Học viện giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rôma ; học viện mà, từ khi được Đức Piô IX khánh thành vào năm 1859, là một trung tâm đào tạo đối với các ứng viên linh mục đến từ Hoa Kỳ, đã trở thành học viện giáo hoàng vào năm 1884.

Đối thoại, lắng nghe, phân định

Đức Thánh Cha giải thích : Hành trình hiệp hành bao hàm việc lắng nghe Chúa Thánh Thần, và việc lắng nghe hỗ tương, để « phân định làm thế nào giúp đỡ các thành viên của dân thánh của Thiên Chúa sống hồng ân hiệp thông và trở thành các môn đệ truyền giáo ». Việc lắng nghe ngang qua đối thoại, trục đầu tiên trong ba trục được Đức Thánh Cha khai triển. Vì đối thoại bao hàm sự chất vấn, theo hình ảnh của Chúa Giêsu chất vấn các môn đệ đi theo Người khi hỏi họ đang tìm kiếm điều gì. Nói với các linh mục tương lai, Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Trong thời gian đào tạo ở chủng viện này, Chúa đi vào đối thoại cá nhân với các con, hỏi các con « đang tìm kiếm điều gì » và mời gọi các con hãy « đến xem », nói chuyện với Người bằng cách mở rộng tâm hồn các con và dâng hiến mình cho Người cách tin tưởng trong đức tin và tình yêu ». Cuộc đối thoại này, hay mối tương quan cá nhân, với Chúa Giêsu được nuôi dưỡng bởi việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, sự thinh lặng trước Nhà Tạm. Chính trong những thời điểm này mà « chúng ta có thể lắng nghe tiếng nói của Người cách rõ ràng nhất và khám phá ra cách phục vụ Người ».

Học biết Chúa Kitô

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cho rằng thời gian đào tạo linh mục đòi hỏi sự hiệp thông liên lỉ ; sự hiệp thông làm nên trục thứ hai của bài phát biểu của Đức Thánh Cha. Đó là việc « ở lại với » Chúa Giêsu, dành thời gian để học biết Người, bằng cách chia sẻ con đường của Người trong Tin Mừng, « những cử chỉ của Người, cái nhìn của Người, những gì thực sụ quan trọng đối với Người ». Đức Thánh Cha mời gọi các chủng sinh biết chú tâm, « mở rộng ánh mắt » về mầu nhiệm hiệp nhất của Giáo hội, và về chứng tá đức ái « thông qua những hành vi chia sẻ và giúp đỡ cụ thể của mình đối với những người nghèo khổ ». Biết bao kinh nghiệm giúp phát triển tình huynh đệ để « nhìn thấy sự cao cả thánh thiêng của người lân cận ».

Làm chứng

Chỉ sau khi được thấm nhuần Chúa Giêsu mà thời điểm của sứ mạng mới đến. Đây là trục thứ ba được Đức Thánh Cha khai triển. Ngài nhấn mạnh rằng chứng tá chỉ có thể nảy sinh từ đối thoại và hiệp thông với Chúa Kitô, như khi trong Tin Mừng theo thánh Gioan, thánh Anrê Tông đồ, sau khi đã ở lại với Chúa Giêsu, đã đi tìm kiếm em của mình là Simon để nói rằng « chúng tôi đã gặp thấy Đấng Mêsia », và đưa em mình đến với Chúa Kitô, và chính Người đến lượt mình đã nói « Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) ». Cũng chính Phêrô mà Chúa Giêsu sai đi truyền giáo cùng với tất cả các tông đồ. « Mỗi lần Chúa Giêsu kêu gọi những người nam và người nữ, Người luôn làm điều đó để sai họ đi, cách riêng đến với những người dễ bị  tổn thương nhất và những người bên lề xã hội », Đức Thánh Cha kết thúc và đồng thời nêu rõ hai yếu tố : người mục tử được mời gọi phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, những người mà ngài có thể học được nhiều điều nếu ngài biết lắng nghe và đồng hành với họ hướng về Chúa.

Tý Linh

(theo Jean-Charles Putzolu, Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31