ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC CHỦNG SINH: TRONG THIÊN CHỨC LINH MỤC, KHÔNG CÓ CHỖ CHO SỰ TẦM THƯỜNG
Hôm 14.4.2014, tại phòng Clêmentin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến cộng đoàn Học viện Giáo hoàng Lê-ô ở Anagni (Ý).Trong diễn văn của mình, Đức Thánh Cha đã kêu gọi giúp các ứng viên linh mục “một kinh nghiệm có khả năng biến đổi các kế hoạch ơn gọi của họ thành một thực tại tông đồ phong nhiêu”. Ngài nhắc lại bốn trụ cột của việc đào tạo linh mục vốn tương tác với nhau và không thể thiếu một: cầu nguyện, học tập, tình huynh đệ và cả đời sống tông đồ. Đặc biệt ngài kêu gọi các chủng sinh hãy trở thành những mục tử theo hình anh của Chúa Giêsu, chứ không phải là các công chức nửa chừng. Điều đó đòi hỏi cần phải khiêm tốn hiến dâng chính mình và để cho Chúa uốn nắn để dần dần có một ý hướng dâng hiến ngay thẳng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủng viện không phải là nơi để che giấu các giới hạn và mỏng giòn tâm lý, nhưng là nơi để tiến tới. Trích dẫn Đức Pi-ô XI, ngài nói: “Mất đi một ơn gọi thì tốt hơn là mạo hiểm với một ứng viên vốn đã không chắc chắn”. Ngài kêu gọi các chủng sinh có can đảm tìm kiếm một con đường nên thánh khác, bởi vì trong thiên chức linh mục, “không có chỗ cho sự tầm thường”.
Dưới đây là diễn văn của ngài :
Anh em Giám mục, Linh mục và Chủng sinh thân mến,
Tôi xin chào tất cả anh em, những người làm nên cộng đoàn Học viện Giáo hoàng Lê-ô ở Anagni. Tôi cám ơn Cha Giám đốc về những lời ngài đã nói với tôi nhân danh mọi người. Một lời chào hoàn toàn đặc biệt cho các con, các chủng sinh thân mến, các con đã muốn đi bộ đến Rôma ! Thật nhiệt tình ! Chuyến hành hương này là một biểu tượng rất đẹp của con đường đào tạo của các con, mà cần phải trải qua cách nhiệt thành và kiên trì, trong tình yêu Chúa Kitô và trong tình hiệp thông huynh đệ.
Học viện giáo hoàng Lê-ô, xét như là chủng viện vùng, đang phục vụ cho nhiều giáo phận của miền Latium. Theo bước truyền thống đào tạo của mình, nó được mời gọi, trong Giáo Hội hôm nay, đề nghị cho các ứng viên linh mục một kinh nghiệm có khả năng biến đổi các kế hoạch ơn gọi của họ thành một thực tại tông đồ phong nhiêu. Cũng như tất cả các chủng viện, chủng viện của anh em cũng có mục đích chuẩn bị các thừa tác viên chức thánh tương lai trong một bầu khí cầu nguyện, học tập và huynh đệ. Chính bầu khí Tin Mừng này, chính đời sống tràn đầy Thánh Thần và nhân tính này, sẽ cho phép những ai ngụp lặn trong đó hằng ngày đồng hóa với những tâm tình của Chúa Giêsu-Kitô, với tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và đối với Giáo Hội, với sự gắn bó trọn vẹn của Ngài với Dân Thiên Chúa. Việc cầu nguyện, học tập, tình huynh đệ và cả đời sống tông đồ : đó là bốn trụ cột của việc đào tạo vốn tương tác với nhau. Đời sống thiêng liêng : mạnh mẽ ; đời sống trí thức : nghiêm túc ; đời sống cộng đoàn và sau cùng đời sống tông đồ nhưng đó không phải là một trật tự quan trọng. Bốn điểm này đều quan trọng, nếu thiếu đi một, việc đào tạo sẽ không tốt. Và tất cả bốn điểm đều tương tác lẫn nhau. Bốn trụ cột, bốn chiều kích trên đó một chủng viện phải xây dựng cuộc sống của mình.
Còn các con, các chủng sinh thân mến, các con không chuẩn bị thực thi một nghề nghiệp, trở nên những công chức của một xí nghiệp hay của một cơ quan quan liêu. Chúng ta có nhiều, nhiều linh mục nửa chừng. Thật đau lòng khi họ không thành công đạt tới cùng : họ có điều gì đó của các công chức, một chiều kích quan liêu và điều đó không giúp ích cho Giáo Hội. Cha xin các con, hãy chú ý đừng rơi vào đó ! Các con đang trở thành những mục tử theo hình ảnh của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, để, như Ngài và « nhân danh Ngài » (in persona), ở giữa dân Ngài, để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Đối diện với ơn gọi này, chúng ta có thể trả lời cho thiên thần như Đức Maria : « Việc đó xảy ra cách nào ? » (x. Lc 1,34). Trở nên « những mục tử nhân lành » theo hình ảnh của Chúa Giêsu là điều gì đó quá lớn lao, và chúng ta thì rất nhỏ bé…Đúng thế ! Vào những ngày này, Cha đã nghĩ đến Thánh Lễ Dầu của ngày Thứ Năm Tuần Thánh và Cha đã tự nhủ rằng, với ân huệ rất lớn lao này mà chúng ta lãnh nhân, sự nhỏ bé của chúng ta sẽ mạnh mẽ : chúng ta ở trong số những người bé nhỏ nhất. Đúng thế, thật quá lớn lao, nhưng đó không phải là công trình của chúng ta ! Đó là công trình của Chúa Thánh Thần, cùng với sự cộng tác của chúng ta. Vấn đề là khiêm tốn hiến dâng chính mình, như việc uốn nắn đất sét, để người thợ gốm là chính Thiên Chúa nặn đắp nó với nước và lửa, với Lời Chúa và Thánh Thần, với sự cộng tác của chúng ta. Vấn đề là bước vào trong những gì mà thánh Phaolô nói : « Không còn tôi sống nữa, chính Chúa Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20). Chỉ như thế mà ta có thể là phó tế và linh mục trong Giáo Hội, chỉ như thế mà ta có thể chăn dắt dân Chúa và hướng dẫn dân Chúa không phải trên những nẻo đường của chúng ta, nhưng trên con đường của Chúa Giêsu, hay đúng hơn, trên Con Đường là chính Chúa Giêsu.
Thực sự từ ban đầu không luôn có một ý hướng ngay thẳng hoàn toàn. Nhưng Cha dám nói : thật khó mà khác như thế. Chúng ta hết thảy đều đã luôn có những điều nhỏ nhặt này vốn đã không luôn ở trong ý hướng ngay thẳng, nhưng cùng với thời gian điều đó được giải quyết, với sự hoán cải thường ngày. Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến các Tông đồ ! Các con hãy nghĩ đến Giacôbê và Gioan, những người đã từng muốn trở nên người thì thủ tướng và người kia thì bộ trưởng kinh tế, bởi vì đó đã là điều quan trọng hơn. Các Tông đồ vẫn chưa có sự ngay thẳng này, họ đã nghĩ đến điều gì khác và Chúa, rất kiên nhẫn, đã sửa đổi ý hướng của họ và, cuối cùng, họ đã có ý hướng ngay thẳng đến nỗi đã hy sinh mạng sống của mình trong việc rao giảng và trong việc tử đạo. Các con đừng hoảng sợ ! « – Nhưng con không biết rõ lắm liệu con muốn trở thành linh mục để thăng tiến…- Nhưng cón có yêu mến Chúa Giêsu không ? Dạ có. – Hãy nói chuyện với cha linh hướng của con, hãy nói với các nhà đào tạo của con, hãy cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện và con sẽ thấy rằng ý hướng ngay thẳng sẽ đến. »
Và con đường này có nghĩa là suy niệm Tin Mừng hằng ngày, để truyền đạt Tin Mừng bằng cuộc sống và lời rao giảng ; điều đó có nghĩa là cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong Bí tích Hòa Giải. Và điều đó, không bao giờ được bỏ bê nó ! Xưng tội, luôn luôn ! Và như thế, các con sẽ trở nên những thừa tác viên quảng đại và có lòng thương xót bởi vì các sẽ cảm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa trên các con. Điều đó có nghĩa là trong đức tin và lòng mến, nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, để nuôi dưỡng dân Kitô bằng Thánh Thể ; điều đó có nghĩa là những con người cầu nguyện, để trở nên tiếng nói của Chúa Kitô ca ngợi Chúa Cha và liên lỉ cầu bàu cho anh em (x. Dt 7,25). Lời nguyện cầu bàu, lời nguyện mà những nhật vật lớn đã làm – Môisê, Abraham – họ đã đấu tranh với Thiên Chúa cho dân mình, lời cầu nguyện can đảm này trước nhan Chúa. Nếu các con – nhưng Cha nói điều này với lòng Cha, không muốn xúc phạm ! – nếu các con, nếu một số trong các con, không sẵn lòng đi theo con đường này, với những thái độ và kinh nghiệm này, thì tốt hơn các con có can đảm tìm kiếm một con đường khác. Có nhiều cách thức, trong Giáo Hội, mang lại một chứng tá Kitô hữu và có nhiều con đường dẫn đến sự thánh thiện. Trong việc bước theo Chúa Giêsu trong thừa tác vụ, không có chỗ cho sự tầm thường, sự tầm thường này luôn thúc đẩy sử dụng dân thánh của Thiên Chúa vì lợi ích riêng của mình. « Khốn cho các mục tử xấu, những kẻ chỉ biết lo cho mình thay vì chăn dắt đàn chiên của mình !», các ngôn sứ đã mạnh mẽ thốt lên như thế (x. Êd 34,1-6). Và thánh Augustin lấy lại lời ngôn sứ này trong « De Pastoribus » của mình mà Cha khuyên các con đọc và suy niệm. Nhưng khốn cho các mục tử xấu, bởi vì chủng viện, chúng ta hãy nói thật, không phải là một nơi ẩn náu cho tất cả các giới hạn mà chúng ta có thể có, một nơi ẩn náu cho các mỏng giòn tâm lý hay một nơi ẩn náu bởi vì tôi không có can đảm tiến tới trong đời sống và tôi tìm một nơi để bảo vệ mình. Không, không phải thế. Nếu chủng viện của các con là như thế, thì nó sẽ trở nên một trở ngại cho Giáo Hội ! Không, chủng viện thực sự là để tiến tới, tiến tới trên con đường này. Và khi chúng ta nghe các ngôn sứ nói « khốn » ! », thì ước gì cái « khốn » này làm cho các con suy nghĩ nghiêm chỉnh về tương lai của các con. Ngày xưa, Đức Pi-ô XI đã nói rằng mất đi một ơn gọi thì tốt hơn là mạo hiểm với một ứng viên vốn đã không chắc chắn (sûr : chắc chắn, vững vàng, đáng tin cậy, đúng đắn). Ngài đã từng là một người leo núi, nên ngài thông thạo về việc đó.
Các bạn thân mến, tôi cám ơn anh em về chuyến viếng thăm của anh em. Tôi cám ơn anh em đã đi bộ đến. Tôi đồng hành với anh em bằng lời cầu nguyện và phép lành của tôi và tôi phó thác anh em cho Đức Trinh Nữ, là Mẹ. Đừng báo giờ quên Mẹ ! Các nhà thần bí Nga đã nói rằng trong những giây phút náo động thiêng liêng, cần phải đến trú ẩn dưới áo của Mẹ Thiên Chúa. Đừng bao giờ ra khỏi đó ! Được che chở dưới áo Mẹ. Và xin anh em cầu nguyện cho tôi !
Tý Linh chuyển ngữ
theo ZENIT
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE