ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC GIÁO LÝ VIÊN : SỐNG SỰ CHUYỂN ĐỘNG “TÂM THU-TÂM TRƯƠNG”

Written by xbvn on Tháng Chín 28th, 2013. Posted in Giáo lý, Thế Giới, Tý Linh

Hôm thứ Sáu 27/9/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với hơn 1600 giáo lý viên của chừng 50 nước, đang  tham dự một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Năm Đức Tin. Dưới đây là bài phát biểu của ngài:

 Các anh chị giáo lý viên thân mến,

Tôi vui sướng được gặp gỡ các anh chị trong Năm Đức Tin này : việc dạy giáo lý là một trụ cột của việc giáo dục đức tin, và cần phải là những giáo lý viên tốt ! Cám ơn các anh chị về sự phục vụ này cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Cho dầu đôi khi điều đó có thể khó khăn, chúng ta làm việc nhiều, chúng ta để tâm và không thấy kết quả mong muốn, thế nhưng thật đẹp việc giáo dục trong đức tin ! Có lẽ đó là di sản tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể trao ban: đức tin! Giáo dục trong đức tin, để nó lớn lên. Giúp đỡ các trẻ em, bạn trẻ, người lớn, biết và luôn yêu mến Chúa hơn nữa  là một trong những cuộc mạo hiểm giáo dục đẹp đẽ nhất, chúng ta đang xây dựng Giáo Hội ! « Là » giáo lý viên ! Không phải làm việc như giáo lý viên. Hãy lưu ý, tôi không nói « làm » giáo lý viên, nhưng là « là », bởi vì điều đó bao hàm cuộc sống. Chúng ta dẫn đến gặp gỡ với Chúa Giêsu bằng lời nói và bằng cuộc sống, bằng chứng tá. Các anh chị hãy nhớ những gì Đức Bênêđíctô XVI đã nói với chúng ta: “Giáo Hội không lớn lên bằng việc chiêu dụ tín đồ. Giáo Hội lớn lên bằng sự lôi cuốn”. Và sự lôi cuốn này là chứng tá. Là giáo lý viên có nghĩa là làm chứng cho đức tin, là nêu gương trong cuộc sống của mình.  Và điều đó không dễ dàng, không dễ dàng! Chúng ta giúp đỡ, chúng ta dẫn đến gặp gỡ Chúa Giêsu bằng lời nói, bằng đời sống và bằng chứng tá. Tôi thích nhắc lại lời thánh Phanxicô Assidi đã nói với các anh em của mình: “ Anh em hãy luôn rao giảng Tin Mừng, và nếu cần thiết, cũng bằng lời nói”. Lời nói đến…nhưng trước tiên là chứng tá: ước gì người ta nhìn thấy Tin Mừng trong đời sống của chúng ta, người ta đọc thấy Tin Mừng ở đó. Và « là » giáo lý viên đòi hỏi tình yêu, tình yêu luôn mạnh mẽ hơn đối với Chúa Kitô, tình yêu đối với dân thánh của Ngài. Và tình yêu này, không được bán nơi các cửa hàng, cũng không được bán ở Rôma. Tình yêu này đến từ Chúa Kitô. Đó là một món quà của Chúa Kitô! Đó là một món quà của Chúa Kitô! Và nếu nó đến từ Chúa Kitô, thì chúng ta phải khởi đi từ Chúa Kitô, khởi đi từ tình yêu mà Chúa Kitô ban cho chúng ta này.

Đối với một giáo lý viên, đối với các anh chị, cả đối với tôi nữa vì tôi cũng là một giáo lý viên, khởi lại từ Chúa Kitô điều đó có ý nghĩa gì ? Điều đó muốn nói điều gì? Tôi sẽ nói từ ba điểm: một, hai, ba – như các giám mục dòng Tên làm…một, hai, ba!

1. Trước hết, khởi lại từ Chúa Kitô có nghĩa là sống thân mật với Ngài. Chúa Giêsu đã tha thiết khuyên các môn đệ điều đó vào bữa Tiệc Ly, khi Ngài chuẩn bị sống sự trao hiến tình yêu cao cả nhất là hy tế Thập giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho và nói : các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy gắn bó với Thầy, như cành nho gắn liền với cây nho. Nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, thì chúng ta có thể trổ sinh hoa trái, đó là sự thân mật với Chúa Kitô. Ở lại trong Chúa Giêsu, gắn bó với Ngài, trong Ngài, với Ngài, nói chuyện với Ngài. Ở lại với Chúa Giêsu.

Điều đầu tiên, đối với một môn đệ, đó là ở với Thầy, lắng nghe Thầy, học hỏi từ Thầy. Và điều này luôn có giá trị, đó là một con đường trải dài suốt cuộc đời ! Chẳng hạn đối với tôi, việc đặt mình trước Nhà Tạm là rất quan trọng ; đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, để cho Ngài nhìn chúng ta. Anh chị có để cho Chúa nhìn anh chị chưa ? Ngài đang nhìn anh chị. Đó là một cách thế cầu nguyện. Anh chị có để cho Chúa nhìn anh chị chưa ? Làm thế nào ? Anh chị hãy nhìn lên Nhà Tạm và để cho Chúa nhìn anh chị, cho dầu anh chị ngủ, Ngài vẫn nhìn anh chị, anh chị hãy xác tín rằng Ngài đang nhìn anh chị.

Và điều đó sưởi ấm tâm hồn, giữ ngọn lửa tình bạn được thắp sáng, làm cho anh chị cảm thấy rằng Ngài thực sự đang nhìn anh chị, Ngài gần gũi anh chị và yêu thương anh chị nhiều. Tôi hiểu rằng đối với anh chị điều đó không phải dễ dàng : đặc biệt đối với người đã lập gia đình và có con cái, thật khó khăn khi tìm được một thời gian yên tĩnh lâu dài. Nhưng, ơn Chúa, không nhất thiết làm mọi sự cùng cách thức ; trong Giáo Hội có những ơn gọi khác nhau và những hình thức thiêng liêng khác nhau ; điều quan trọng là tìm ra cách thế thích hợp sống với Chúa ; điều đó là khả thi, nó khả thi trong mỗi bậc sống. Vào giây phút này mỗi người có thể tự hỏi : làm thế nào tôi sống « việc ở lại » này với Chúa Giêsu ? Tôi có những giây phút nào sống trước nhan Ngài, trong sự thinh lặng, mà tôi để cho Ngài nhìn tôi ? Tôi có để cho ngọn lửa của ngài sưởi ấm tâm hồn tôi ? Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, của tình yêu của Ngài, của sự âu yếm của Ngài, thì làm sao chúng ta, những người tội lỗi nghèo nàn, có thể sưởi ấm tâm hồn người khác ?

2. Yếu tố thứ hai là thế này : khởi lại từ Chúa Kitô có nghĩa là bắt chước Ngài bằng cách ra khỏi chính mình và đến gặp gỡ người khác. Đó là một kinh nghiệm đẹp đẽ, và hơi nghịch lý. Tại sao ? Bởi vì người nào đặt Chúa Kitô ở trung tâm của đời mình thì không đặt mình ở trung tâm nữa ! Anh chị càng kết hiệp với Chúa Giêsu và Ngài càng trở nên trung tâm  của đời sống anh chị, Ngài càng trở nên trung tâm của đời sống anh chị, thì Ngài càng làm cho anh chị ra khỏi chính mình, làm cho anh chị ra khỏi trung tâm và mở anh chị ra cho người khác. Đó là sự năng động của tình yêu, đó là chuyển động của chính Thiên Chúa ! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng luôn là sự trao hiến chính mình, là tương quan, sự sống được thông truyền… Chúng ta cũng thế, chúng ta trở nên như thế nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô, Ngài làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động tình yêu này. Ở đâu có một đời sống thực sự trong Chúa Kitô, thì có sự mở ra cho tha nhân, có sự ra khỏi chính mình để đi đến gặp gỡ tha nhân nhân danh Chúa Kitô.

Trái tim của giáo lý viên luôn sống sự chuyển động « tâm thu – tâm trương » (« systole – diastole ») này : sự kết hiệp với Chúa Giêsu – gặp gỡ tha nhân. Tâm thu – tâm trương. Nếu thiếu một trong hai chuyển động này, thì nó không đập nữa, nó không sống nữa. Nó đón nhận ân huệ Tin Mừng (kerygme), và đến lượt nó trao ban ân huệ Tin Mừng. Thật sự là thế trong chính bản chất của lời rao giảng Tin Mừng : nó là một ân huệ sinh ra sứ mạng, luôn thúc đẩy vượt lên chính mình. Thánh Phaolô nói : « Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi », nhưng « sự thúc đẩy chúng tôi » này cũng có thể được thể hiện bởi « sự sở hữu chúng tôi ». Chính như thế : tình yêu lôi kéo anh chị và sai anh chi ra đi, chiếm lấy anh chị và trao ban anh chị cho người khác. Trong sự thu-trương này là chuyển động của trái tim của người người Kitô hữu, cách riêng trái tim của giáo lý viên. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi : trái tim giáo lý viên của tôi có đập như thế không : kết hiệp với Chúa Giêsu và gặp gỡ tha nhân ? Nó có được nuôi dưỡng trong tương quan với Ngài, nhưng là để mang Ngài đến cho người khác chứ không giữ Ngài lại cho mình không ? Tôi nói với các anh chị một điều : Tôi không hiểu được làm thế nào một giáo lý viên lại có thể ở yên bất động, không có chuyển động này.

3. Và yếu tố thứ ba luôn nằm trong chuyển động này : khởi lại từ Chúa Kitô có nghĩa là không sợ đi với Ngài đến những vùng ngoại vi. Ở đây tôi chợt nhớ câu chuyện của Giôna, một nhân vật thực sự thú vị, đặc biệt vào thời đại xáo trộn và bấp bênh của chúng ta. Giôna là một người đạo đức, có một cuộc sống yên bình và nề nếp ; điều đó đưa ông đến chỗ có những sơ đồ rất rõ ràng và phán đoán mọi sự và mọi người theo những sơ đồ này một cách cứng nhắc. Nhưng khi Chúa gọi ông và nói ông đi đến Ninivê, một thành phố lớn của dân ngoại, thì Giôna không cảm nhận điều đó. Ninivê nằm ngoài các sơ đồ của ông, nó nằm ở vùng ngoại vi của thế giới của ông. Và như thế ông đã chuồn đi, chạy trốn, lên một con thuyền chạy đi cho xa. Các anh chị hãy đọc lại sách Giôna ! Nó vắn tắt, nhưng đó là một dụ ngôn rất bổ ích, đặc biệt cho chúng ta, những người đang sống trong Giáo Hội.

Nó dạy chúng ta điều gì ? Nó dạy chúng ta đừng sợ ra khỏi các sơ đồ của chúng ta để đi nghe theo Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn vượt lên trên, Thiên Chúa không sợ các vùng ngoại vi. Thiên Chúa luôn trung tín, Ngài sáng tạo, Ngài không khép kín, và Ngài không cứng nhắc, Ngài đón tiếp chúng ta, đến gặp gỡ chúng ta, hiểu thấu chúng ta. Để trung tín, để sáng tạo, cần phải biết thay đổi. Để ở với Thiên Chúa, cần phải biết đi ra, không sợ đi ra. Nếu một giáo lý viên để cho sự sợ hãi chiếm ngự, thì đó là một người hèn nhát ; nếu một giáo lý viên cứ ở yên, thì cuối cùng người ấy sẽ kết thúc bằng việc trở thành một bức tượng bảo tàng viện ; nếu một giáo lý viên cứng nhắc, thì người ấy sẽ trở nên như giấy da và khô cằn. Tôi đặt cho các anh chị câu hỏi : có ai trong các anh chị muốn làm người hèn nhát, làm bức tượng bảo tàng viện hay khô cằ không ?

Nhưng hãy lưu ý ! Chúa Giêsu không nói : các con hãy ra đi, hãy tự xoay xở. Không ! Chúa Giêsu nói : Các con hãy ra đi, Thầy ở với các con ! Đó là vẻ đẹp và là sức mạnh của chúng ta : nếu chúng ta ra đi, nếu chúng ta đi ra mang Tin Mừng của Ngài bằng yêu thương, bằng một tinh thần tông đồ thực sự, thì Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài đi trước chúng ta, Ngài – tôi nói bằng tiếng Tây Ban Nha – luôn « primerea » (đi trước) chúng ta. Từ nay các anh chị biết rõ ý nghĩa của lời này. Chính Thánh Kinh nói chứ không phải tôi. Nó là nền tảng cho chúng ta : Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta ! Khi chúng ta nghĩ đi xa, đến một vùng ngoại vi cực xa, và có lẽ chúng ta hơi sợ hãi, thì thực ra Ngài đã ở đó rồi : Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta nơi tâm hồn của người anh em này, nơi thân xác bị tổn thương của người ấy, nơi cuộc sống bị áp bức của người ấy, nơi tâm tâm hồn không có đức tin của người ấy. Chúa Giêsu ở đó, nơi người anh em này. Ngài luôn đi trước chúng ta.

Các anh chị giáo lý viên thân mến, tôi đã kết thúc ba điểm. Luôn khởi lại từ Chúa Kitô! Tôi cám ơn các anh chị vì những gì các anh chị đang làm, nhưng đặc biệt vì các anh chị đang sống  trong Giáo Hội, trong Dân Thiên Chúa đang lữ hành. Chúng ta hãy ở lại với Chúa Kitô, tìm cách luôn ở với Ngài hơn là chỉ là một sự vật ; chúng ta hãy bước theo Ngài, bắt chước Ngài trong chuyển động tình yêu của Ngài, trong chuyển động đến gặp gỡ tha nhân ; và chúng ta hãy đi ra, hãy mở các cánh cửa, hãy có can đảm vạch ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng.

Xin Chúa chúc lành cho các anh chị và  xin Đức Trinh Nữ đồng hành với các  anh chị.

Đức Maria là Mẹ của chúng ta, Đức Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ cho nhau.

 Tý Linh chuyển ngữ

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31