ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC NHÀ BÁO : SỨ MẠNG CỦA ANH CHỊ EM LÀ LÀM CHO THẾ GIỚI ÍT TĂM TỐI HƠN

Written by xbvn on Tháng Mười Một 14th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Nhân dịp lễ trao giải « Quý Bà » « Hiệp sĩ » Đại Thánh Giá của Huân chương Piô IX cho hai nhà báo chuyên viên về Vatican, Valentina Alazraki và Philip Pullella, sáng 13/11/2021, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chuyên viên thông tin là cho phép nhìn « người khác cách tin tưởng hơn ».

Nghề làm báo là gì ? Nhưng nhất là, đâu là những đặc điểm của một nghề làm báo tốt ? Đó là những câu hỏi chính yếu ẩn chứa trong diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp trao huân chương giáo hoàng cho hai nhà báo kỳ cựu của cơ quan thông tin Vatican : Valentina Alazraki, « khi đó còn rất trẻ, có mặt trên chuyến bay đưa thánh Gioan-Phaolô II đến Puebla vào năm 1979 », và Philip Pullella, một nhà báo kỳ cựu « rất nổi tiếng » khác. « Bao nhiêu kinh nghiệm được chia sẻ, bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu sự kiện các bạn đã trải qua ở ngôi thứ nhất, bằng cách kể lại chúng cho khán giả truyền hình và độc giả của các bạn », Đức Thánh Cha nhớ lại khi ngỏ lời với hai nhà báo. Những lời của Đức Thánh Cha vang lên trong phòng Hội nghị Hồng y, trước sự hiện diện của các nhà báo bên cạnh Văn phòng báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Tôi hân hạnh được đón tiếp anh chị em ở đây, sau bao nhiêu lần chúng ta đã gặp nhau trên máy bay, lúc trao đổi ở độ cao, hay khi đi ngang qua, lúc các cử hành khác nhau và các cuộc hẹn Tông du trên thế giới. Chúng ta là những người bạn đường ! »

Huân chương Piô IX (ảnh: wikipedia)

Nghề làm báo là một sứ mạng

Những lời của Đức Phanxicô, vốn bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà báo người Nga Aleksej Bukalov, qua đời năm 2018, dường như tạo nên một cuốn cẩm nang báo chí được viết cách riêng cho các chuyên viên vào thời kỳ này, vốn được ghi dấu sâu xa bởi sự phát triển các phương tiện truyền thông mới :

 « Người ta đến với nghề làm báo không phải bằng cách chọn một nghề mà là bắt tay vào một sứ mạng, giống như một bác sĩ, nghiên cứu và làm việc để sự dữ được chữa lành trên thế giới. Sứ mạng của anh chị em là giải thích thế giới, làm cho nó ít tăm tối hơn, làm sao để những ai sống ở đó ít sợ hãi hơn và nhìn người khác cách ý thức hơn, và còn cách tin tưởng hơn. Đó không phải là một sứ mạng dễ dàng. Thật phức tạp để suy nghĩ, nghiền ngẫm, đào sâu, dừng lại để thu thập ý tưởng và nghiên cứu các bối cảnh và những tiền đề của một tin tức ».

Đối với Đức Thánh Cha, sứ mạng này không phải là không có trở ngại. Nghề làm báo tốt có thể được kết hợp với ba phương diện : « Rủi ro, anh chị em biết rõ điều đó, là để mình bị đè bẹp bởi tin tức thay vì có thể mang lại cho nó một ý nghĩa. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích anh chị em kiên trì và vun trồng ý thức này về sứ mạng vốn là nguồn gốc của sự chọn lựa của anh chị em. Tôi thể hiện điều đó với ba động từ mà, theo tôi, làm nên đặc điểm của nghề làm báo tốt : lắng nghe, điều tra và báo cáo ».

Lắng nghe

Có một động từ « liên quan đến anh chị em với tư cách là các nhà báo, nhưng cũng liên quan đến tất cả chúng ta với tư cách là Giáo hội, bất cứ lúc nào và nhất là bây giờ khi tiến trình hiệp hành đã bắt đầu ». Và động từ này là lắng nghe.

« Đối với một nhà báo, lắng nghe, đó là có kiên nhẫn gặp diện đối diện những người được phỏng vấn, những nhân vật chính của câu chuyện được kể, những nguồn tin đến từ đó. Lắng nghe luôn đi đối với gặp thấy, hiện diện ở đó : một số sắc thái, cảm xúc, mô tả đầy đủ chỉ có thể được truyền tải đến độc giả, thính giả và khán giả nếu nhà báo đã lắng nghe và gặp thấy tận mắt. Điều đó có nghĩa là thoát khỏi – và tôi biết nó khó khăn thế nào trong công việc của anh chị em ! – để thoát khỏi sự độc tài của việc luôn luôn trực tuyến, trên các mạng xã hội, trên web. Nghề báo chí lắng nghe và gặp thấy tốt cần đến thời gian ».

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, các công cụ truyền thông là quan trọng, nhưng việc gặp gỡ cá nhân là không thể thay thế được :

 « Không phải mọi thứ đều có thể được kể qua email, điện thoại hay trên màn hình. Như tôi đã nhắc nhớ trong sứ điệp Ngày truyền thông năm nay, chúng ta cần các nhà báo sẵn sàng « bào mòn đế giày của họ », ra khỏi phòng biên tập, tản bộ trong các thành phố, gặp gỡ người dân, xác thực các hoàn cảnh trong đó chúng ta sống vào thời đại chúng ta ».

Đào sâu

Động từ thứ hai làm nên đặc điểm của nghề báo chí là « một hệ quả của việc lắng nghe và gặp thấy ». Đào sâu không phải là một yếu tộ phụ của nghề làm báo :

« Mỗi tin tức, mỗi sự kiện mà chúng ta nói đến, mỗi thực tại mà chúng ta mô tả cần thiết phải có một sự nghiên cứu đào sâu. Vào thời kỳ mà hàng triệu thông tin sẵn có trên web và nhiều người được thông tin và hình thành ý kiến của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội, mà không may là lôgíc đơn giản hóa và đối lập đôi khi chiếm ưu thế, thì việc đóng góp quan trọng nhất mà nghề làm báo tốt có thể mang lại, là nghiên cứu chuyên sâu ».

« Nhưng anh chị em có thể mang lại gì hơn nữa cho những ai đọc hay nghe, so với những gì họ đã tìm thấy trên web rồi ? »

« Anh chị em có thể mang lại bối cảnh, tiền đề, chìa khóa giải thích cho phép định vị sự kiện đã xảy ra. Anh chị em biết rất rõ rằng, ngay cả những gì liên quan đến thông tin về Tòa Thánh, tất cả những gì được nói đều không luôn luôn « mới mẻ » hay « có tính cách mạng ». Tôi đã cố gắng chứng minh điều đó trong diễn văn gần đây của tôi với các phong trào nhân dân, khi tôi đã chỉ ra những tham chiếu đến Học thuyết xã hội của Giáo hội trên đó nhưng lời kêu gọi của tôi được xây dựng. Truyền Thống và Huấn quyền được theo đuổi và được phát triển bằng cách đối mặt với những đỏi hỏi ngày càng mới mẻ của thời đại chúng ta đang sống và bằng cách soi sáng chúng bằng Tin Mừng ».

Kể lại

Động từ thứ ba làm nên đặc điểm của nghề làm báo tốt là kể lại :

« Kể lại, đó không phải là đặt mình lên trước, cũng không đặt mình làm người phán xử, nhưng là để mình được chạm đến và đôi khi bị tổn thương bởi những câu chuyện mà chúng ta gặp gỡ, để có thể kể lại cho các độc giả của chúng ta cách khiêm tốn. Thực tại là một phương thuốc tuyện vời cho nhiều « căn bệnh ». Thực tại, những gì đang diễn ra, cuộc sống và chứng tá của con người , đó là những gì đáng được kể lại ».

Nghề báo chí tốt không được để chúng ta dửng dưng :

« Ngày nay, chúng ta rất cần đến các nhà báo và các nhà truyền thông bị say mê bởi thực tại, có khả năng tìm thấy những kho tàng thường được che giấu trong trong những nếp gấp của xã hội chúng ta và kể lại chúng, như thế cho phép chúng ta bị ấn tượng, học biết, mở rộng tâm trí, nắm bắt các khía cạnh mà chúng ta chưa từng biết trước đây. Tôi biết ơn anh chị em về nỗ lực của anh chị em để kể lại câu chuyện này. Sự đa dạng của các lối tiếp cận, phong cách, quan điểm gắn liền với những nền văn hóa hay thuộc về tôn giáo khác nhau cũng là một sự phong phú. Tôi cũng cảm ơn anh chị em về những gì anh chị em đã nói với chúng tôi về những gì không ổn trong Giáo hội, để giúp chúng tôi đừng che giấu bụi bẩn dưới thảm, và về tiếng nói mà anh chị em đã mang lại cho các nạn nhân của các cuộc lạm dụng ».

Chỉ duy sự thật mới giải thoát chúng ta

Ngỏ lời với Valentina Alazraki và Philip Pullella, và các nhà báo cạnh Văn phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sợi chỉ xuyên suốt của các nhà báo là tìm kiếm sự  thật :

« Các bạn thân mến, cảm ơn về cuộc gặp gỡ này. Cảm ơn và chúc mừng hai « niên trưởng » của chúng ta, mà hôm nay trở thành « Quý Bà » và « Hiệp sĩ » Đại Thánh Giá của Huân chương Piô IX. Cảm ơn tất cả moi người về công việc mà anh chị em đang làm. Cảm ơn về việc tìm kiếm sự thật của anh chị em, vì  chỉ duy sự thật mới giải thoát chúng ta ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Giáo hội « không phải là một tổ chức chính trị » có cánh tả cánh hữu như trong các Nghị viện. Giáo hội cũng không phải là « một đại công ty  đa quốc gia được điều hành bởi các nhà quản lý nghiên cứu tại bàn cách bán sản phẩm của họ tốt nhất ». Và « Giáo hội không được xây dựng trên nền móng kế hoạch riêng của mình, Giáo hội không kín múc nơi mình sức mạnh tiến về phía trước và Giáo hội không sống nhờ những chiến lược marketing ».

« Mỗi lần Giáo hội rơi vào những cám dỗ trần tục này, Giáo hội, không nhận ra điều đó, tin rằng có một ánh sáng của riêng mình và quên rằng Giáo hội là « huyền nhiệm ánh trăng » (mysterium lunae » mà các Giáo phụ của các thế kỷ đầu tiên nói đến ». Giáo hội chứng thực chính mình trong ánh sáng của một người khác, như mặt trăng. Nhưng khi Giáo hội quên mình là « huyền nhiệm ánh trăng », thì hành động của Giáo hội « sẽ mất đi sức mạnh và không có ích gì ». « Giáo hội, bao gồm những người nam và người nữ vốn là những tội nhân như tất cả mọi người, được sinh ra và tồn tại để phản ảnh ánh sáng của một Đấng Khác, ánh sáng của Chúa Giêsu, như Mặt Trăng thể hiện như thế với Mặt Trời ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31