ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC NHÀ NGOẠI GIAO: CHIẾN TRANH, BI KỊCH VÀ NHỮNG VỤ THẢM SÁT VÔ ÍCH
Một vòng thế giới về các cuộc xung đột đang diễn ra và nhắc lại quan điểm của Tòa Thánh về các vấn đề lớn, Đức Phanxicô đã có bài diễn văn chúc mừng truyền thống tới Ngoại giao đoàn vào Thứ Hai, ngày 8/1/2024. Ngài kêu gọi đặt khuôn mặt và tên tuổi cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh và di cư. Ngài cũng liệt kê những con đường cần thực hiện để đảm bảo hòa bình, chủ đề trọng tâm trong bài phát biểu của ngài.
Ngay từ đầu diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến Việt Nam: “Tôi muốn nhắc lại rằng Tòa Thánh đã tiến hành bổ nhiệm một vị Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Hà Nội, sau khi Thỏa thuận về Quy chế Đại diện Tòa Thánh được ký kết với Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, để cùng nhau tiếp tục con đường đã trải qua cho đến nay, dưới dấu hiệu tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, nhờ vào các mối quan hệ thường xuyên ở cấp độ thể chế và nhờ sự hợp tác của Giáo hội địa phương”.
Đây là diễn văn “chính trị” được mong chờ nhất trong năm của Đức Thánh Cha. Trước 180 nhà ngoại giao tại Tòa thánh, Đức Phanxicô đã phát biểu về những xung đột chính đang diễn ra và những vấn đề chung ảnh hưởng đến thế giới ngày nay. Ngài cũng nhắc lại rằng “đằng sau bức tranh này” “là hàng triệu người […] mà chúng ta hầu như không biết khuôn mặt của họ và chúng ta thường quên”. Cuối cùng, ngài đã mở ra những viễn cảnh, nêu bật những con đường khác nhau để khám phá và đi theo nhằm bảo đảm hòa bình, “một món quà từ Thiên Chúa” nhưng đồng thời là “trách nhiệm của chúng ta”, một từ “rất mong manh” và “rất đòi hỏi và đầy ý nghĩa”. Do đó, ngài nhắc lại trách nhiệm của Tòa Thánh trong việc “trở thành tiếng nói ngôn sứ và lời kêu gọi lương tâm”.
Trong bức tranh toàn cầu này, Đức Phanxicô lần đầu tiên lưu ý rằng “động lực của ‘sự đổi mới sâu sắc’ này” được người tiền nhiệm Đức Piô XII gợi lên trong thông điệp Giáng sinh năm 1944, “dường như đã cạn kiệt”, bằng chứng là “số lượng xung đột ngày càng tăng”, điều này củng cố khái niệm của Đức Thánh Cha về “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh”.
Kêu gọi ngừng bắn trên mọi mặt trận
Trước hết, Đức Thánh Cha lặp lại “sự lên án” của ngài về “cuộc tấn công khủng bố chống lại người dân Israel vào ngày 7 tháng 10” và “mọi hình thức khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, nhấn mạnh rằng “phản ứng mạnh mẽ của lực lượng quân sự Israel ở Gaza đã dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người Palestin, phần lớn là dân thường bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên” và “tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng với những đau khổ không thể tưởng tượng được”.
Từ đó, lời kêu gọi đạt tới “lệnh ngừng bắn trên mọi mặt trận“, bao gồm cả ở Libăng, “trả tự do ngay lập tức cho tất cả các con tin ở Gaza“, gửi “viện trợ nhân đạo” cho người dân Palestin và “sự bảo vệ cần thiết” đối với các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng. Đức Thánh Cha nhắc lại sự ưu tiên của Tòa Thánh đối với “giải pháp hai Nhà nước” với “một quy chế được quốc tế đảm bảo cho thành phố Giêrusalem”.
Tiếp tục về tình hình ở Trung Đông, Đức Phanxicô kêu gọi đừng bỏ quên người Syria và yêu cầu cộng đồng quốc tế tìm kiếm giải pháp để họ không còn phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nữa. Ngài bày tỏ “sự đau buồn” đối với hàng triệu người tị nạn Syria đang sinh sống trong khu vực, đặc biệt là ở Libăng, nơi ngài hy vọng rằng “sự bế tắc về thể chế” đang khiến đất nước “ngày càng phải quỳ gối” sẽ được giải quyết và một tổng thống sẽ sớm được bầu.
Tại Châu Á, Đức Thánh Cha hướng cái nhìn đến Miến Điện, “yêu cầu thực hiện mọi nỗ lực để khôi phục niềm hy vọng cho vùng đất này và một tương lai xứng đáng cho các thế hệ trẻ, mà không quên tình trạng khẩn cấp nhân đạo vẫn đang ảnh hưởng đến người Rohingya”.
Đức Phanxicô lấy làm tiếc rằng “cuộc chiến tranh quy mô lớn do Liên bang Nga tiến hành chống lại Ucraina” vẫn tiếp tục và trở thành “một cuộc xung đột vốn ngày càng trở nên sa lầy hơn, gây thiệt hại cho hàng triệu người”. Ngài khẳng định: “Nó không thể được phép tiếp tục mà phải chấm dứt thông qua đàm phán, trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Nhắc lại quyền tự do tín ngưỡng thiết yếu
Một mối quan tâm khác là “tình hình căng thẳng ở Nam Caucasus, giữa Armenia và Azerbaijan”. Người kế vị Thánh Phêrô kêu gọi các bên “đạt tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình” để “tìm ra giải pháp cho tình hình nhân đạo bi thảm của người dân”, “tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa những người phải di tản trở về nhà của họ một cách hoàn toàn hợp pháp và an ninh” và “tôn trọng những nơi thờ thượng của các niềm tin tôn giáo khác nhau hiện có”.
Liên quan đến Châu Phi, Đức Giáo Hoàng nói về “các sự kiện bi thảm ở Sudan”, nơi mà “chưa có lối thoát trước mắt”, và về số phận của những người phải di dời ở Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Nếu không có chiến tranh xảy ra ở châu Mỹ, thì Đức Phanxicô gợi lên “những căng thẳng mạnh mẽ” giữa Venezuela và Guyana cũng như “hiện tượng phân cực làm tổn hại đến sự hòa hợp xã hội và làm suy yếu các thể chế dân chủ” của Peru.
Đức Thánh Cha không quên Nicaragua đang trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài và “với những hậu quả đau đớn cho toàn thể xã hội Nicaragua, đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo”. “Tòa Thánh tiếp tục kêu gọi đối thoại ngoại giao tôn trọng vì lợi ích của người Công giáo và toàn thể người dân”.
Chiến tranh, một sự thảm sát vô ích
Đằng sau những cuộc chiến tranh và khủng hoảng này, có những nạn nhân vốn “không phải là “thiệt hại bên lề”“ mà là những người nam và người nữ “có họ và tên đã thiệt mạng. Đó là những đứa trẻ mồ côi và không có tương lai. Đó là những người phải chịu đói, khát và lạnh hoặc bị tàn tật vì sức mạnh của máy móc hiện đại. Nếu chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt mọi người, gọi họ bằng tên và kể câu chuyện cá nhân của họ, thì chúng ta sẽ thấy cuộc chiến thực chất là gì: không gì khác hơn là một thảm kịch to lớn và là một “cuộc thảm sát vô ích” ảnh hưởng đến phẩm giá của mọi người trên trái đất này.”
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta “theo đuổi chính sách giải trừ quân bị”, và một lần nữa đề xuất “thành lập một quỹ toàn cầu để cuối cùng xóa bỏ nạn đói và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hành tinh”. Ngài vẫn khẳng định “sự vô đạo đức của việc sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân” và hy vọng nối lại các cuộc đàm phán về năng lượng hạt nhân của Iran.
Để theo đuổi hòa bình, “vẫn phải giải quyết tận gốc các nguyên nhân của chiến tranh, trước hết là nạn đói”, “sự khai thác tài nguyên thiên nhiên” và “con người”. Cũng phải đấu tranh chống lại các thảm họa thiên nhiên và môi trường “do hành động hoặc sự coi thường của con người” chẳng hạn như “sự phá rừng ở Amazon”. Điều này khiến Đức Thánh Cha nói về cuộc khủng hoảng khí hậu vốn “đòi hỏi một phản ứng ngày càng cấp bách và đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của mọi người và toàn thể cộng đồng quốc tế”. Đức Phanxicô hoan nghênh thỏa thuận đạt được vào cuối COP28 ở Dubai, bằng chứng cho thấy “có khả năng hồi sinh chủ nghĩa đa phương” “trong một thế giới nơi các vấn đề về môi trường, xã hội và chính trị được liên kết chặt chẽ”.
Quyền có thể ở lại quê hương
Trong số những vấn đề này, có những vấn đề liên quan đến vấn đề di cư, hàng nghìn người bị buộc phải “bỏ đất đai để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh”, và là nạn nhân của “những kẻ buôn người vô đạo đức” chịu trách nhiệm, như ở Địa Trung Hải, về “các bi kịch”. Vùng biển giữa Châu Phi, Châu Âu và Trung Đông này, nơi đã trở thành “một nghĩa trang vĩ đại”, “đáng lẽ phải là một phòng thí nghiệm hòa bình”. Ở đây cũng vậy, “chúng ta dễ dàng quên rằng trước mặt chúng ta có những con người có khuôn mặt và tên tuổi và chúng ta quên ơn gọi đặc biệt của Mare Nostrum (Biển của chúng ta)”, đó là “nơi gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau giữa con người, các dân tộc và các nền văn hóa”.
Đức Thánh Cha nhắc lại quan điểm của mình: “Việc di cư phải được điều chỉnh để chào đón, thúc đẩy, đồng hành và hội nhập những người di cư, với sự tôn trọng văn hóa, tôn trọng sự nhạy cảm và an ninh của những cộng đồng có trách nhiệm chào đón và hội nhập”. Cũng phải “nhắc lại quyền có thể ở lại quê hương của mình và do đó cần phải tạo điều kiện để quyền đó có thể được thực thi một cách hiệu quả”. Vì điều này, “không một quốc gia nào có thể bị bỏ mặc một mình”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Thực hành đáng tiếc của “việc mang thai hộ”
Sau đó, Đức Phanxicô đề nghị với các đại sứ có mặt rằng họ nên đi theo một số con đường dẫn đến hòa bình, bắt đầu từ việc tôn trọng sự sống. Ông tố cáo hành vi “đáng tiếc” được gọi là “mang thai hộ”, vì đứa trẻ luôn là một món quà, “không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng” và kêu gọi cấm hành vi này ở cấp độ phổ quát. Ngài cũng chỉ trích “sự lan rộng dai dẳng của một nền văn hóa chết chóc, nhân danh lòng đạo đức sai lầm, chối bỏ trẻ em, người già và người bệnh” ở phương Tây. Ngài cũng chỉ trích việc “thực dân hóa ý thức hệ” dẫn đến việc đưa ra các quyền mới “không hoàn toàn quan trọng so với những quyền được xác định ban đầu” trong tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền và không phải “luôn luôn được chấp nhận”, chỉ ra lý thuyết về phái tính vốn “rất nguy hiểm vì nó xóa bỏ những khác biệt trong mong muốn coi mọi người đều bình đẳng”.
Một con đường khác, đối thoại, “linh hồn của cộng đồng quốc tế”. Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ tê liệt “vì sự phân cực về ý thức hệ, do bị các quốc gia đơn lẻ lợi dụng”. Tuy nhiên, “đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và khả năng lắng nghe”, điều này rất cần thiết về mặt đối thoại xã hội và chính trị, “nền tảng của sự chung sống dân sự của một cộng đồng chính trị hiện đại”. Với việc năm 2024 là năm bầu cử của gần một nửa dân số thế giới, Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ nói riêng hãy bỏ phiếu, nhấn mạnh rằng chính trị là “hình thức bác ái cao nhất”.
Cuộc đối thoại cũng mang tính liên tôn. ĐTC Phanxicô tin rằng nó đòi hỏi “bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tôn trọng các nhóm thiểu số”, đồng thời lo ngại về số phận của các nhóm thiểu số Kitô giáo, mà một số trong số họ “đang bị đe dọa tuyệt chủng”. Do đó, 360 triệu Kitô hữu phải chịu đựng “mức độ bách hại và phân biệt đối xử cao”, đồng thời tố cáo, cùng với những điều khác, “việc họ bị loại ra ngoài lề và bị loại trừ khỏi đời sống chính trị và xã hội cũng như khỏi việc thực hiện một số ngành nghề nhất định”. Ngài cũng tố cáo nạn bài Do Thái, một “tai họa” vốn “phải bị loại bỏ khỏi xã hội, đặc biệt thông qua việc giáo dục tình huynh đệ và sự chấp nhận người khác”.
Cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Năm Thánh 2025
Giáo dục cũng là nơi dẫn đến hòa bình, Đức Thánh Cha nói. Đặc biệt, giáo dục về các công nghệ mới, để sự phát triển của chúng được thực hiện một cách có đạo đức và trách nhiệm, và để trí tuệ nhân tạo “vẫn phục vụ con người, bằng cách thúc đẩy chứ không cản trở, đặc biệt nơi giới trẻ, các mối quan hệ liên vị, một tinh thần huynh đệ lành mạnh và tư duy phê phán có khả năng phân định.”
Chào mừng ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói về Năm Thánh 2025, “thời gian ân sủng khi chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa và hồng ân hòa bình của Ngài”, một thời điểm mà có lẽ thế giới cần hơn bao giờ hết.
Tý Linh
(theo Xavier Sartre, Vatican News)
Tags: Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Hòa-bình, Nhân-phẩm, Phanxicô-I, Truyền-thông-internet, Tự-do-tôn-giáo
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025