ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CỘNG ĐỒNG CHEMIN NEUF : CHÍNH TRỊ LÀ NGHỆ THUẬT GẶP GỠ HUYNH ĐỆ

Written by xbvn on Tháng Năm 17th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Ơn gọi, Thế Giới, Tý Linh

Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 80 thành viên của Huynh đoàn chính trị của Cộng đồng Chemin Neuf (Con đường Mới) hôm 16/5/2022. Trước các thành viên trẻ tuổi từ 18 đến 35, ngài đã khai triển một chương trình chính trị theo nghĩa Kitô giáo của thuật ngữ, xoay quanh ba trục : gặp gỡ, suy tư và hành động.

Đâu là ý nghĩa của chính trị đối với các Kitô hữu ? Đức Thánh Cha đã suy tư quanh ba trục : chính trị như là gặp gỡ, suy tư và hành động.

Trước tiên, chính trị hay nghệ thuật gặp gỡ : « Cuộc gặp gỡ này được sống bằng việc đón tiếp tha nhân bằng cách chấp nhận sự khác biệt của họ, trong sự đối thoại tôn trọng ».

« Yêu thương kẻ thù chính trị của mình »

Tuy nhiên, với tư cách Kitô hữu, còn hơn nữa. Vì Tin Mừng truyền « yêu thương kẻ thù », nên chúng ta không thể bằng lòng với « một cuộc đối thoại hời hợt và chính thức, như những cuộc đàm phán thường thù nghịch giữa các đảng phái chính trị ». Cuộc gặp gỡ chính trị phải là một cuộc gặp gỡ huynh đệ, nhất là với những ai ít đồng thuận với chúng ta nhất, « điều mà có nghĩa là nhìn thấy nơi người mà chúng ta đối thoại là một người anh em thực sự, và là một người con yêu dấu của Thiên Chúa ». Nghệ thuật gặp gỡ này bắt đầu bằng sự thay đổi cái nhìn về người khác, bằng sự đón tiếp và tôn trọng « vô điều kiện » con người của họ.

Đối với Đức Thánh Cha, nếu không có sự thay đổi tâm hồn, thì chính trị sẽ  có nguy cơ biến thành một sự đối đầu thường là bạo lực để làm cho các ý tưởng của mình chiến thắng, trong sự tìm kiếm các lợi ích riêng hơn là công ích : ngược với nguyên tắc « hiệp nhất hơn là xung đột » (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 226-230).

« Toàn thể thì lớn hơn bộ phận »

Theo quan điểm Kitô giáo, chính trị cũng là suy tư, nghĩa là xây dựng một dự án chung. Vào thế kỷ XVIII, nhà triết học và chính trị người Ai-len, Edmund Burke, đã giải thích như thế cho các cử tri của thành phố Bristol rằng ông không thể bằng lòng với việc bảo vệ lợi ích riêng của mình, nhưng đúng hơn ông được cử đi nhân danh họ để cùng với các thành viên khác của Nghị viện phát triển một cái nhìn vì lợi ích của toàn thể đất nước , vì công ích.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Vì thế, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta hiểu rằng chính trị, sau sự gặp gỡ, được tiếp tục bằng một suy tư chung, tìm kiếm thiện ích chung này, chứ không chỉ bằng sự đối đầu các lợi ích mâu thuẫn và thường xuyên đối lập nhau ». Nói tóm lại, « toàn bộ thì lớn hơn bộ phận », và la bàn của nó là Tin Mừng.

Thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng

Cuối cùng, chính là cũng là hành động. Với tư cách Kitô hữu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối đầu những ý tưởng của mình « với bề dày của thực tế», « nếu chúng ta không muốn xây dựng trên cát bất ổn vốn luôn kết thúc bằng việc suy yếu đi một ngày nào đó ». Chúng ta đừng quên rằng « thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng », Đức Thánh Cha khẳng định và đồng thời hoan nghênh sự dấn thân của các bạn trẻ này đối với người di dân và sinh thái, và chúc mừng một số trong họ đã chọn cùng chung sống trong một khu phố bình dân ở Paris để sống với người nghèo.

« Đó là cách thức làm chính trị của người Kitô hữu ! », Đức Thánh Cha thốt lên và đồng thời trích dẫn Đức Piô XII, người đã coi chính trị là « hình thức cao thượng nhất của đức ái ».

Huynh đoàn chính trị Chemin Neuf tập hợp các bạn trẻ từ 18 đến 35 tuổi, từ các nước và văn hóa chính trị khác nhau, được thúc dẩy bởi cùng một say mê đối với công ích và người nghèo, và ao ước hành động chính trị theo lòng mong ước của  Thiên Chúa.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31