ĐỨC PHANXICÔ Ở HUNGARY : BÀI HỌC VỀ HÒA BÌNH CHO TOÀN CHÂU ÂU

Written by xbvn on Tháng Tư 28th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Vào ngày đầu tiên của chuyến tông du đến Hungary, ngày 28/4, Đức Phanxicô lấy làm tiếc về « chủ nghĩa ấu trĩ hiếu chiến » của phương Tây. Nhưng ngài cũng mời gọi chính phủ Viktor Orban đón tiếp người di cư và tỵ nạn.

Quảng trường ở lối vào dinh tổng thống Budapest trông giống như thời kỳ giữa hai cuộc chiến, vào sáng 28/4/2023. Đức Thánh Cha Phanxicô vừa đến Hungary chưa đầy một giờ trước và, từ ghế ngồi của mình, ngài chứng kiến các binh lính diễu hành, mặc trang phục kaki và đi ủng cao, theo giai điệu của một ban nhạc. Bên cạnh tổng thống của đất nước, bà Katalin Novak, và thủ tướng Orban, phải chăng ngài đã nghĩ đến những lời mà ngài sắp phát biểu, khi nhìn thấy trước mặt mình cuộc thao diễn không biết lần thứ mấy ? Trước các quan chức của đất nước, ngài sẽ đưa ra lời kêu gọi để châu Âu chọn « khâu lại sự hiệp nhất » hơn là « mở rộng những xâu xé của nó ».

Cách biên giới Ucraina chưa đầy ba giờ đi ôtô, Đức Phanxicô đã kêu gọi châu Âu gìn giữ « kho tàng dân chủ và ước mơ hòa bình ». Từ tu viện cổ Cát Minh ở thủ đô Hungary, ngài lấy làm tiếc về sự kết thúc của chủ thuyết đa phương : « Chúng ta dường như đang chứng kiến sự suy tàn đáng buồn của ước mơ hợp xướng hòa bình, trong khi những kẻ đơn độc của chiến tranh chiếm chỗ ».

Giống như ngài, ở một nước Hungary lên án việc phương Tây gởi vũ khí đến Kiev và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, Đức Phanxicô đã sử dụng mối lối hùng biện ám chỉ đến chủ thuyết hòa bình truyền thống của Tòa Thánh. Ngài nói : « Ở cấp độ quốc tế, thậm chí có vẻ như chính trị có tác dụng làm nóng những cái đầu hơn là giải quyết vấn đề ». Ngài lên án một chính trị thụt lùi hướng đến « một thứ chủ nghĩa ấu trĩ hiếu chiến » hơn là lên án « nỗi kinh hoàng của chiến tranh ». Ngài chất vấn : « Khi nghĩ đến Ucraina, tôi đặt câu hỏi : đâu là những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình ? » .

Câu hỏi này vang vọng cách mạnh mẽ với câu hỏi trước đó vài phút của tổng thống nước này, về « cuộc chiến tranh đẫm máu và bi thảm » này giữa Ucraina và Nga. Katalin Novak hỏi : « Chúng ta vẫn còn cách xa con đường dẫn đến hòa bình và ước muốn thực sự đạt tới sự thinh lăng của vũ khí. Đâu là ý thức về sự cần thiết không được hâm nóng hay trái lại làm nguội đi cuộc chiến và những cái đầu nóng ? ».

Không có « kủ thù mãi mãi »

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, châu Âu không được cổ võ « một thứ chủ nghĩa siêu quốc gia trừu tượng », nhưng đúng hơn phải nỗ lực « hiệp nhất những người ở xa, đón tiếp các dân tộc ở giữa nó và không để ai trở thành kẻ thù mãi mãi ». Trong sự ám chỉ rõ ràng đến Nga, mà Đức Thánh Cha không trích dẫn trong bài phát biểu của mình, ngài dường như đại ý muốn khẳng định rằng giờ đây cần phải nghĩ đến việc hòa giải với quốc gia xâm lược Ucraina.

Nhưng thêm vào bài học hòa bình được nói với toàn châu Âu này, Đức Thánh Cha đã thêm một thông điệp trực tiếp hơn dành cho các nhà lãnh đạo Hungary. Và ngài đã làm điều đó bằng cách sử dụng lời nói của một trong những vị anh hùng của nước này : « Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn sẵn lòng đón tiếp những người ngoại kiều và đối xử họ một cách tôn trọng, để họ thích ở lại nhà bạn hơn là ở nơi khác. » Những lời này được viết hơn một nghìn năm trước bởi vị vua đầu tiên của Hungary, là thánh Têphanô, cho con trai của mình, dường như được nói trực tiếp với thủ tưởng Orban, người mà trước đó Đức Thánh Cha đã nói chuyện riêng trong khoảng 20 phút.

Di cư và cởi mở với người khác

Đức Thánh Cha nhấn mạnh trước các nhà lãnh đạo chính trị Hungary rằng một xã hội không thể không « mở ra cho người khác ». Đối diện với một chính phủ gần đây đã tăng mạnh các hình phạt đối với bất kỳ ai giúp đỡ một người di cư trái phép, Đức Thánh Cha đã dùng những lời lẽ thẳng thắn đến ngạc nhiên. « Một đất nước chỉ có môn ngôn ngữ duy nhất và một phong tục duy nhất thì yếu kém và suy tàn », Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế và đồng thời trích dẫn « những lời nói phi thường về tình huynh đệ » của vị vua đầu tiên của đất nước.

Trong suốt bài phát biểu của mình, ngài đã đối chiếu « sự cần thiết cởi mở với người khác » với « một xu hướng nào đó, đôi khi được biện minh nhân danh truyền thống và thậm chí là đức tin, để khép kín nơi chính mình ». Vấn đề đón tiếp người ngoại kiều, nếu nó « phức tạp », thì phải được tiếp cận bởi « những người Kitô hữu » với thái độ của Chúa Giêsu. Một thông điệp được gởi trực tiếp đến tổng thống và thủ tướng, cả hai đều là người Tin Lành theo thuyết Calvin : « Chính khi nghĩ đến Chúa Kitô hiện diện nơi biết bao anh chị em đang tuyệt vọng chạy trốn các cuộc xung đột, sự nghèo đói và biến đổi khí hậu mà cần phải đề cập vấn đề mà không thoái thác hay trì hoãn ».

Ngài nói tiếp : hiện tượng di dân sẽ không thể « được làm chủ bằng cách loại bỏ », nhưng phải được quản lý « theo cách cộng đồng ». Một lời phê bình trực diện trước mặt các nhà lãnh đạo thường xuyên bị các đối tác châu Âu chỉ trích vì họ không tôn trọng các thỏa thuận Dublin của châu Âu, trong đó các quốc gia của Liên hiệp châu Âu đã đặt ra hạn ngạch quốc gia cho việc đón tiếp người tỵ nạn.

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30