ĐỨC PHANXICÔ Ở VENISE: NHÀ TÙ PHẢI LÀ NƠI TÁI SINH

Written by xbvn on Tháng Tư 28th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Một dấu hiệu mới cho thấy sự quan tâm của ngài đến những người ở bên lề xã hội. Hôm 28/4/2024, Đức Phanxicô đã đến thăm những phụ nữ bị giam giữ trên đảo Giudecca, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tới đầm phá nước Ý. Ngài khuyến khích họ nhìn về chân trời với niềm hy vọng. “Điều cơ bản là nhà tù cung cấp cho tù nhân không gian để phát triển (…), bước khởi đầu của sự tái hòa nhập lành mạnh”, Đức Phanxicô nhận xét và cầu xin “chúng ta đừng cô lập phẩm giá của con người”.

Đức Phanxicô và một nữ tù nhân

Đức Thánh Cha không muốn có một cuộc gặp gỡ “chính thức” với các tù nhân của nhà tù ở Venise và, trong sân của tu viện Augustinô cũ, nơi các nữ tu ngày xưa đón tiếp các kỹ nữ để cải tạo, đó là thời gian  “cầu nguyện, gần gũi và tình cảm huynh đệ”, như Đức Phanxicô hy vọng. Một số tù nhân, giọng nói đôi khi run rẩy, cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến, đã quan tâm hoặc đã đưa các nghệ sĩ đến nhà tù của họ nhân dịp Triễn lãm hai năm một lần và, hơn thế nữa, đã cho phép họ giúp các vị khách lạ khám phá các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Như sự kiện nghệ thuật mà các bạn đang đón tiếp biểu trưng, ​​​​thời gian tù tội có thể đánh dấu sự khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ, thông qua việc khám phá lại vẻ đẹp không thể nghi ngờ ở chính chúng ta và ở những người khác”, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như thế khi mời gọi 80 tù nhân đang lắng nghe ngài vào sáng Chúa Nhật này để biến việc ở trong tù của họ thành “một công trường tái thiết”. Những người phụ nữ này đến đó “bằng những con đường khác nhau, một số rất đau đớn, cũng vì những sai lầm mà, bằng những cách khác nhau, mỗi người đều mang những vết thương và vết sẹo” đã được Đức Phanxicô khuyến khích đánh giá cuộc sống của họ với lòng can đảm để loại bỏ những gì không cần thiết, “những gì cồng kềnh hay có hại”, để lập một kế hoạch, đào móng mới, đặt hết viên gạch này đến viên gạch khác “dưới ánh sáng kinh nghiệm”, bằng sự quyết tâm.

Tất cả chúng ta đều phạm những lỗi lầm cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành, kể cả tôi, và tất cả chúng ta đều có thể trở thành người được chữa lành và mang lại sự chữa lành, người được tha thứ và tha thứ, những người trở về cuộc sống và mang lại sự tái sinh”.

Đức Phanxicô xin những người phụ nữ này “đừng đóng cửa sổ”, nhưng hãy nhìn về chân trời và tương lai với niềm hy vọng. “Tôi thích nghĩ về niềm hy vọng như một chiếc neo được ném vào tương lai, chúng ta có trong tay sợi dây cho phép chúng ta đạt tới nó.” Ngài mời gọi mỗi tù nhân bắt đầu ngày mới bằng cách tự nhủ rằng “hôm nay là một ngày tốt lành”, “ngày mình bắt đầu lại”.

Đức Thánh Cha tin vào những người phụ nữ này, và vào khả năng biến nhà tù thành một nơi tái sinh bất chấp các vấn đề của hệ thống nhà tù như tình trạng quá tải, thiếu cơ sở vật chất và nguồn lực cũng như các đợt bạo lực. Nhà tù là một nơi “với một thực tế khắc nghiệt”, Đức Phanxicô nhận định, nhưng “nó cũng có thể trở thành một nơi tái sinh về mặt đạo đức và vật chất, trong đó phẩm giá con người không bị cô lập”. Đức Thánh Cha mời gọi sự tôn trọng lẫn nhau, chú ý đến những tài năng và khả năng “đã bị giam cầm bởi những dằn vặt của cuộc sống (…) và có thể xuất hiện trở lại vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Đức Phanxicô coi là “cơ bản” việc hệ thống nhà tù cung cấp cho tù nhân những công cụ và không gian để phát triển nhân bản, tinh thần, văn hóa và nghề nghiệp, để cho phép họ có thể tái hòa nhập. Ngài kêu gọi : “Xin đừng cô lập phẩm giá, nhưng hãy mang lại những khả năng mới!”

Vào cuối cuộc gặp gỡ, các tù nhân làm việc trong tù đã tặng Đức Thánh Cha một số sản phẩm của họ, xà phòng hoặc các sản phẩm dệt may. Đức Phanxicô tặng họ một  ảnh tượng Đức Trinh Nữ, người mẹ dịu dàng.

Tý Linh

(theo Marie Duhamel – Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31