ĐỨC PHANXICÔ : « PHẦN CON, THẦY LÀ AI ? »
« Phần con, Thầy là ai ? », đó là « câu hỏi mấu chốt » của Chúa Giêsu đối với thánh Phêrô và cũng là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người chúng ta trả lời, vào ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Kinh Truyền Tin với đám đông đang tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô vào trưa thứ Ba 29/6/2021, lễ trọng thể thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Đối với Đức Thánh Cha, « không phải các dư luận mà chúng ta có về Ngài : Ngài không quan tâm điều đó. Điều làm Ngài quan tâm, đó là tình yêu của chúng ta, liệu Ngài ở trong trái tim chúng ta hay không. »
Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì « có nhiều người nói, bình luận và tranh cãi nhưng ít người làm chứng ». Thánh Phêrô và Phaolô đã là những chứng nhân : không phải là « những người thán phục, nhưng là những người bắt chước Chúa Giêsu », không phải là « những khán giả, nhưng là những diễn viên chính của Tin Mừng ».
Vấn đề là « làm chứng cho Ngài bằng gương sáng », nếu không, « chúng ta có nguy cơ » đưa ra « những ý kiến và dư luận, có những ý tưởng cao siêu và nói những lời hay ý đẹp, nhưng không bao giờ nhập cuộc ».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Ở trọng tâm bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (Mt 16, 13-19), Chúa đặt cho các môn đệ một câu hỏi quyết định : « Và các con, các con nói gì ? Phần các con, Thầy là ai ? » (c.15). Đó là câu hỏi mấu chốt mà Chúa Giêsu cũng đặt ra cho chúng ta hôm nay : « Phần con, Thầy là ai ? ». Thầy là ai đối với con, một Kitô hữu từ lâu nay nhưng, do mòn mỏi vì thói quen, nên đã đánh mất tình yêu ban đầu của mình ? Thầy là ai đối với con, đang trải qua một thời điểm khó khăn và cần được phấn chấn lên đẻ khởi sự lại ? Chúa Giêsu hỏi : Thầy là ai đối với con ? Hôm nay, chúng ta hãy trả lời Ngài, nhưng phải là một câu trả lời từ tâm hồn. Tất cả chúng ta, hãy trả cho Ngài một câu trả lời phát xuất từ tâm hồn.
Trước câu hỏi này, Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi khác cho các môn đệ : « Người ta bảo Thầy là ai ? » (x. c.13). Đó là một cuộc thăm dò để ghi lại ý kiến và tiếng đồn về Ngài, nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến danh tiếng, đây không phải là một cuộc thăm dò theo thể loại này. Vậy, tại sao Ngài đã đặt ra câu hỏi này ? Để nhấn mạnh một sự khác biệt, vốn là sự khác biệt nền tảng của đời sống Kitô hữu. Có những người vẫn bám vào câu hỏi đầu tiên, bám vào dư luận, và nói về Chúa Giêsu ; và, trái lại, có những người nói với Chúa Giêsu, bằng cách dâng hiến cuộc sống cho Ngài, đi vào tương quan với Ngài, thực thi bước chuyển đổi quyết định. Chính đó là điều mà Chúa quan tâm : Ngài ở trung tâm của tư tưởng của chúng ta, trở nên điểm quy chiếu cho các tình cảm của chúng ta ; nói tóm lại, là tình yêu của cuộc sống chúng ta. Không phải các dư luận mà chúng ta có về Ngài : Ngài không quan tâm điều đó. Điều làm Ngài quan tâm, đó là tình yêu của chúng ta, liệu Ngài ở trong trái tim chúng ta hay không.
Các thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã thực hiện bước chuyển đổi này và đã trở thành những chứng nhân. Bước chuyển đổi từ dư luận đến việc có Chúa Giêsu trong tâm hồn : những chứng nhân. Các ngài không phải là những người thán phục, nhưng là những người bắt chước Chúa Giêsu. Các ngài không phải là những khán giả, nhưng là những diễn viên chính của Tin Mừng. Các ngài đã không tin vào những lời nói, nhưng bằng các việc làm. Phêrô đã không nói về sứ mạng, ngài đã sống sứ mạng, ngài là người đánh lưới người ; Phaolô đã không viết những cuốn sách có học thức, nhưng là những bức thư được sống, trong thời gian ngài đi đây đó và làm chứng. Cả hai người đều đã tiêu hao đời mình cho Chúa và cho anh chị em của mình. Và các ngài thúc giục chúng ta. Bởi vì chúng ta có nguy cơ vẫn bám vào câu hỏi đầu tiên : đưa ra ý kiến và dư luận, có những ý tưởng cao siêu và nói những lời hay ý đẹp, nhưng không bao giờ nhập cuộc. Và Chúa Giêsu muốn chúng ta nhập cuộc. Chẳng hạn, bao nhiêu lần chúng ta nói rằng chúng ta muốn một Giáo hội trung thành hơn với Tin Mừng, gần gũi người dân hơn, ngôn sứ và truyền giáo hơn, nhưng tiếp đến, cách cụ thể, chúng ta không làm gì cả ! Thật buồn khi thấy có nhiều người nói, bình luận và tranh cãi nhưng ít làm chứng. Các chứng nhân không đắm chìm trong lời nói, nhưng trổ sinh hoa trái. Các chứng nhân không than phiền về người khác và thế giới, nhưng họ bắt đầu từ chính bản thân. Họ nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không chứng minh bản thân, nhưng Ngài tỏ mình ra, qua chứng tá của chúng ta ; chúng ta không loan báo Ngài bằng những lời rao giảng, nhưng làm chứng về Ngài bằng gương sáng. « Nhập cuộc đời sống của mình » là thế đó.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống của Phêrô và Phaolô, có thể có một phản đối : cả hai người đã là chứng nhân, nhưng không phải luôn là gương sáng : các ngài đã là những tội nhân ! Phêrô đã chối Chúa và Phaolô bách hại các Kitô hữu. Nhưng – và đây là vấn đề – sự vấp ngã của các ngài cũng đã là một chứng tá. Chẳng hạn, thánh Phêrô hẳn có thể nói với các thánh sử : « Đừng viết lại những lỗi lầm mà tôi đã phạm », hãy viết một Tin Mừng cho thể thao. Trên thực tế, không phải vậy. Lịch sử của ngài được bóc trần, nó được các Tin Mừng bóc trần, với tất cả sự khốn khổ của nó. Thánh Phaolô cũng làm như thế trong các thư của mình, ngài nói về các lỗi lầm và yếu đuối của bản thân. Chứng nhân khởi đi từ đó : từ sự thật về chính mình, từ cuộc chiến đấu chống lại lối sống hai mặt và giả dối của mình. Chúa có thể thực hiện những điều lớn lao qua trung gian của chúng ta, khi chúng ta không tìm cách bảo vệ hình ảnh của chúng ta, nhưng chúng ta trong sáng với Ngài và tha nhân. Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa chất vấn chúng ta. Và câu hỏi của Ngài là thế này : Thầy là ai đối với con ? Câu hỏi này được đào sâu trong chúng ta. Xuyên qua các chứng nhân Phêrô và Phaolô, Ngài thúc đẩy chúng ta lột bỏ mặt nạ của mình, từ bỏ các biện pháp nửa vời, các lý do làm cho chúng ta hững hờ và xoàng xĩnh. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông đồ, nâng đỡ chúng ta trong việc này. Xin Mẹ thắp sáng lên trong chúng ta lòng ước ao làm chứng cho Chúa Giêsu.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo ZENIT ; hình ảnh : vatican.va)
Angelus : « Pour toi, qui suis-je ? » (Traduction intégrale)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025