ĐỨC PHANXICÔ : THÁCH THỨC THỰC SỰ, ĐÓ LÀ YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 5th, 2022. Posted in Giáo lý, Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình vào sáng 5/11/2022 ở Bahrain trước khoảng 30.000 tín hữu Công giáo của Vùng đại diện Tông Tòa Bắc Ả-rập. Trong bài giảng của mình, ngài nhắc lại giáo huấn nền tảng của Chúa Giêsu : luôn yêu thương và yêu thương mọi người, một lời đề nghị « táo bạo », một lời mời gọi dấn thân để phá vỡ xiềng xích của sự dữ.

Bóng đen của chiến tranh trong những tháng vừa qua bao trùm lên bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một thánh lễ duy nhất được cử hành trong chuyến tông du đến Bahrain, ở sân vận động quốc gia. Trước gần ba mươi ngàn tín hữu Công giáo đến từ vương quốc này, và cả từ Koweit, Qatar và Ả-rập Saudi, Đức Thánh Cha đã đưa ra suy tư về một trong những giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu : luôn yêu thương và yêu thương mọi người. Giáo huấn này nảy sinh từ một nghịch lý ban đầu : sự xuất hiện của một Đấng Mêsia có quyền năng rất lớn và một nền hòa bình sẽ vô tận. Thế nhưng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, « càng tìm kiếm quyền lực, hòa bình càng bị đe dọa ». Trên thực tế, toàn bộ « sự mới mẻ lạ thường » là ở đây : Đấng Mêsia không phải là một « thủ lãnh chiến tranh », nhưng là « Hoàng Tử hòa bình », « hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau ». Sự cao cả của Ngài, đó là sử dựng « cách vô điều kiện » « sự nhẹ nhàng của tình yêu » chứ không phải « sức mạnh của bạo lực ».

Tố giác quyền lực áp bức

Đức Thánh Cha nhìn nhận, chắc chắn điều đó không phải dễ dàng. Chúa Giêsu « không đề nghị một tình yêu ủy mị hay lãng mạng », Ngài « không phải là một người duy tâm, nhưng thực tế ». Ngài biết rằng « trong các mối tương quan của chúng ta, có một cuộc chiến đấu hằng ngày giữa tình yêu và hận thù » và « chúng ta cảm nghiệm (…) không phải lúc nào cũng nhận được sự thiện mà  chúng ta mong đợi », và đôi khi phải chịu sự dữ một cách không thể hiểu nổi.

Từ đó, Đức Thánh Cha gợi lên « những thực thi quyền lực vốn được nuôi dưỡng bởi áp bức và bạo lực », « tìm cách gia tăng không gian của họ bằng cách hạn chế không gian của người khác, bằng cách áp đặt sự thống trị của họ, hạn chế các quyền tự do căn bản và áp bức người yếu thế ». « Như thế, Chúa Giêsu nói, có những áp bức và sự thù ghét ».

Đối diện với điều đó, « lời đề nghị của Chúa Giêsu thật ngạc nhiên, gan dạ, táo bạo ». Chúa Giêsu yêu cầu « luôn luôn trung thành ở lại trong tình yêu, bất chấp tất cả, ngay cả khi đối diện với sự dữ và kẻ thù ». Đó là một lời đề nghị mới mẻ, khác biệt, « không thể tưởng tượng nổi ». Đức Thánh Cha nói tiếp : nhưng không được mơ mộng cách ngây thơ về một thế giới được đánh động bởi tình huynh đệ, chúng ta cần phải « dấn thân trước, bằng cách bắt đầu sống cách cụ thể và can đảm tình huynh đệ phổ quát, kiên trị trong sự thiện ngay cả khi chúng ta nhận sự dữ, phá vỡ vòng xoáy trả thù, làm nguôi bạo lực, phi quân sự hóa tâm hồn ».

Trước tiên, hòa bình giữa đời thường

Điều này có giá trị trong các mối tương quan quốc tế, nó cũng có giá trị trong đời sống cá nhân của chúng ta, giữa đời thường. « Hòa bình không thể được tái lập nếu một lời nói ác độc được đáp lại bằng một lời khác còn ác độc hơn nữa, nếu một cái tát được đáp lại bằng một cái tát khác. Không, cần phải tháo kíp nổ, phá bỏ xích xiềng của sự dữ, phá vỡ vòng xoáy của bạo lực, ngừng nuôi dưỡng oán hận, ngừng phàn nàn hay thương hại cho số phận của bản thân. Cần phải luôn ở lại trong tình yêu ».

Chính ở đó mà « lời mời gọi của Chúa Giêsu thật ngạc nhiên vì nó vượt qua giới hạn của luật pháp và lẽ thường ». Nếu bình thường, dù là « khó nhọc », giúp đỡ nhau và yêu thương nhau nếu người ta thuộc về cùng một cộng đồng, nhưng với một người ở xa ta, khác biệt với ta thì không như thế. Ví dụ của Bahrain, « hình ảnh sống động của sự chung sống trong sự đa dạng », « hình ảnh của thế giới chúng ta ngày càng được đánh dấu bởi sự di cư thường xuyên của các dân tộc và sự đa nguyên về ý tưởng, phong tục và truyền thống » ở đó để cho thấy rằng điều đó là hoàn toàn có thể. « Thách thức thực sự, để trở nên con cái của Chúa Cha và xây dựng một thế giới huynh đệ, đó là học cách yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của mình ».

Mang lại sự phản chiếu của Thiên Đàng

Đức Thánh Cha nói rõ : « Điều đó có nghĩa là chọn lựa không có kẻ thù, không nhìn thấy nơi người khác một trở ngại để vượt qua, nhưng là một người anh em và một người chị em để yêu thương. Yêu thương kẻ thù, đó là mang lại cho trần gian sự phản chiếu của Thiên Đàng, đó là đem xuống trần gian ánh mắt và trái tim của Chúa Cha, vốn không phân biệt, không kỳ thị ».

Khả năng yêu thương này trước tiên là « một ân sủng » cần phải cầu xin tha thiết. « Điều thiết yếu đối với người Kitô hữu là phải biết yêu thương như Chúa Kitô ». Ân huệ này, chúng ta lãnh nhận được khi « chúng ta dành cho cho Chúa trong việc cầu nguyện, khi chúng ta đón tiếp sự hiện diện của Ngài trong Lời Ngài, Đấng biến đổi chúng ta và trong sự khiêm tốn có tính cách mạng của Tấm Bánh được bẻ ra của Ngài. Nhưu thế, dần dần, các bức tường làm xơ cứng tâm hồn chúng ta sẽ sụp đổ và chúng ta tìm được niềm vui thực thi những công việc của lòng thương xót đối với mọi người. Như thế, chúng ta hiểu được rằng một cuộc sống hành phục ngang qua các mối phúc, và hệ tại trở thành những người kiến tạo hòa bình ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn các tín hữu đã quy tụ cho chứng tá « hiền lành và vui tươi về tình huynh đệ, để trở nên hạt giống tình yêu và hòa bình trên trái đất này » và đồng thời mang lại cho họ « tình cảm và sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ đang nhìn và vây quanh anh chị em bằng tình cảm, yêu thương và khích lệ anh chị em ».

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31