ĐỨC PHANXICÔ TIẾP ĐÓN CÁC PHẬT TỬ MÔNG CỔ : CHÚA GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Năm 28th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Nhân dịp 30 năm thành lập Doãn phận Tông Tòa ở Mông Cổ, một phái đoàn Phật tử đã gặp gỡ Đức Phanxicô vào sáng 28/5/2022 tại Vatican. Đức Thánh Cha đã ca ngợi mối tương quan hữu nghị với các thành viên của tôn giáo đa số của đất nước này.

Lần đầu tiên ở Vatican : Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến một phái đoàn các đại diện chính thức của Phật giáo Mông Cổ nhân dịp 30 năm sứ mạng của Giáo hội tại đất nước này và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ. Chuyến viếng thăm này có mục đích « đào sâu mối tương quan hữu nghị với Giáo hội Công giáo để cổ võ sự hiểu biết và cộng tác hỗ tương nhằm xây dựng một xã hội hòa bình », Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Hòa bình, « khát vọng tha thiết của nhân loại », cũng là sợi chỉ  xuyên suốt của bài phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài khẳng định : « Điều cấp bách là thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động và làm việc cho điều đó thông qua đối thoại ở tất cả các cấp ». Bạo lực phải bị gạt bỏ dưới mọi hình thức của nó, bao gồm cả bạo lực chống lại môi trường. « Thật không may, vẫn còn những người tiếp tục lạm dụng tôn giáo bằng cách sử dụng nó để biện minh cho những hành vi bạo lực và hận thù ». Thế nhưng, « Chúa Giêsu và Đức Phật là những người xây dựng hòa bình và là những người thăng tiến bất bạo động », Đức Thánh Cha nhắc nhớ và đồng thời nói rõ rằng « chính Chúa Giêsu đã sống trong thời kỳ bạo lực. Thế nhưng, Ngài đã dạy rằng chiến trường đích thực, nơi bạo lực và hòa bình gặp nhau, là tâm hồn con người…Ngài không ngừng rao giảng tình yêu thương vô điều kiện của  Thiên Chúa, một tình yêu thương đón nhận và tha thứ. Ngài đã dạy cho các môn đệ của mình yêu thương kẻ thù của họ (x. Mt 5, 44)…Chúa Giêsu đã vạch ra con đường bất bạo động. Ngài đã đi con đường đó cho đến tận cùng, đến tận thập giá, nhờ đó Ngài đã trở thành sự bình an của chúng ta và chấm dứt sự thù địch (x. Êp 2, 14-16) ». Vì thế, « ngày nay để trở thành những môn đệ chân chính của Chúa Giêsu cũng bao gồm việc chấp nhận giáo huấn của Ngài về bất bạo động » (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2017, số 3).

Về giáo huấn của Đức Phật, Đức Thánh Cha nói : « Thông điệp cốt lõi của Đức Phật là bất bạo động và hòa bình. Ngài đã dạy rằng « chiến thắng sinh ra thù địch ; kẻ bại trận ở trong đau đớn. Thật là hạnh phúc, cuộc sống an bình, bằng cách loại bỏ cả thắng và bại » (Kinh Pháp Cú, XV, 5 [201]. Ngoài ra, Ngài nhấn mạnh rằng chinh phục chính mình thì quan trọng hơn là chính phục người khác : « Mặc dù một người có thể chính phục một ngàn lần một ngàn người trong trận chiến, nhưng người ấy thực sự là người chiến thắng cao quý nhất khi chinh phục được chính mình » (Kinh Pháp Cú, VIII, 4 [103]).

 

Đức Phanxicô nhấn mạnh : « Trong một thế giới bị tàn phá bởi các cuộc xung đột và chiến tranh, với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, bén rễ sâu trong các giáo  thuyết tôn giáo của chúng ta, chúng ta có bổn phận khơi dậy trong nhân loại ý muốn từ bỏ bạo lực và xây dựng một nền văn hóa hòa bình ».

Đó là những gì cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Mông Cổ đang thực hiện, và họ hoàn toàn dấn thân thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ nơi một đất nước vốn biết đến « một truyền thông chung sống hòa bình lâu đời giữa các tôn giáo khác nhau ». Đức Thánh Cha mong muốn rằng truyền thống đó được tiếp tục « qua việc thực thi hữu hiệu quyền tự do tôn giáo và thăng tiến các sáng kiến chung vì công ích ». Với danh nghĩa này, sự hiện diện của phái đoàn Phật giáo tại Vatican « là một dấu hiệu của hy vọng ».

Cuối cùng,  Đức Thánh Cha cảm ơn phái đoàn về sự viếng thăm của họ và ngài cũng tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ của phái đoàn « với các thành viên của Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn sẽ tạo cơ hội để khám phá thêm những cách thức để thúc đẩy đối thoại Phật giáo-Kitô giáo ở Mông Cổ và trong khu vực ». Đức Thánh Cha không quên cầu chúc các tu viện Phật giáo khác nhau ở Mông Cổ được « thịnh vượng và bình an dồi dào ! ».

Tý Linh

(theo Vatican NewsVatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31